Nguyễn Đình Cống
Vừa qua tôi đăng bài "Chuyện trò với cố vấn của Putin" thành 2 đoạn. Nay xin gộp lại trong một bài và đổi tên cho phù hợp với nội dung. Bạn nào đã xem rồi thì có thể bỏ qua.
Trong vụ dàn khoan 981, càng căm hận thằng Tàu, càng ngạc nhiên về
thái độ của Putin. Tôi có một người bạn Nga, tên là Ivan, đã lâu không
có liên hệ. Bỗng nhiên tôi ước ao gặp lại hắn, dùng vốn tiếng Nga mấy
lâu nay vẫn bị bỏ quên để nói những lời trách cứ, hy vọng qua hắn đến
được tai của Putin, Metvêđep và nhân dân Nga.Tôi cầu nguyện thượng đế và
rồi ngủ thiếp đi. Đang mơ màng tôi nghe tiếng từ không gian vọng xuống
“Ngươi là một người làm khoa học, yêu nước và biết tin vào Thượng đế.
Lòng thành của ngươi đã được chứng giám, hãy theo ta để đi gặp bạn
ngươi”. Tôi vội bay về phía tiếng nói và lễ phép: Dạ, thưa ngài, cho con
được hỏi, con được vinh dự theo ai đây ạ. Tiếng trả lời thật rõ ràng:
Ta là Thiên sứ, ngươi chỉ cần theo ta là được.
Tôi tạm bỏ qua sự gặp gỡ đầy cảm động với người bạn cũ mà chỉ xin tập
trung vào câu chuyện chính. Ivan nói hắn bây giờ là cố vấn thân tín của
Putin, hứa sẽ ghi âm những điều tôi trình bày để tổng thống nghe. Cũng
như trên 40 năm trước đây, chúng tôi gọi nhau cậu cậu, tớ tớ, mày mày,
tao tao để giữ tình thân mật. Chuyện trò bằng tiếng Nga, tôi dịch ra
tiếng Việt theo trí nhớ. Mà tiếng Nga đã lâu không dùng đến, có vài từ
bị quên hoặc chưa biết, trí nhớ cũng có phần giảm sút nên tôi không dám
chắc chắn sẽ dịch đúng một trăm phần trăm, các bạn thông cảm vậy.
Tôi nói: Này, Ivan, mày biết chuyện bọn Tàu mang dàn khoan 981 vào
đặt tại lãnh hải của Việt nam rồi đấy. Đó là việc làm láo xược, vi phạm
chủ quyền, bị nhiều nước lên án, thế mà một tay phóng viên nào đó của
Nga lại cho là Tàu đúng, ngài Putin đã không lên án Tàu mà còn đi gặp
Tập Cận Bình để bàn chuyện hợp tác. Tớ lấy làm tiếc. Tình hữu nghị giữa
nhân dân Nga và Việt được xây đắp và củng cố mấy chục năm qua nay bị sứt
mẻ. Putin và Metvêđép mấy lần sang Việt nam được đón tiếp nồng hậu. Sự
hợp tác Nga Việt trong nhiều lĩnh vực quan trọng , kể cả chế tạo tàu
ngầm, xây nhà máy điện nguyên tử là rất có hiệu quả. Thế mà không hiểu
tại sao trong chuyện dàn khoan Nga lại không ủng hộ Việt nam như nhiều
nước khác. Phải chăng vì quyền lợi riêng của mình mà Nga đã tạm quên
tình hữu nghị anh em, mà không lên án hành động xấu xa của bọn bành
trướng, thế có khác gì tiếp tay cho chúng nó. Tàu có một âm mưu rất thâm
độc là “Viễn giao cận công” nghĩa là liên kết với nước xa để xâm lấn
nước gần. Nga cũng gần với Tàu chứ không phải ở xa. Sự liên kết của Tàu
với Nga chỉ là tạm thời, còn lâu dài Tàu vẫn là kẻ xâm lấn, thế mà tớ
không hiểu, liệu Putin có biết điều đó không?
Tôi còn nói dài nữa về sự thiêng liêng của lãnh thổ, về sự thâm độc
của bọn Tàu trong việc vạch ra “đường lưỡi bò “ ở Biển Đông, về lịch sử
của dân Việt nam chống xâm lược phương Bắc, về tình hữu nghị lâu đời và
triển vọng tốt đẹp của việc hợp tác Nga Việt. Ivan ngồi nghe rất chăm
chú. Chờ cho đến khi tôi không có gì để nói thêm Ivan mới bắt đầu.
Ivan: Này, Kôlia (hắn gọi tên tôi theo tiếng Nga), cậu nói đã hết
chưa đấy. Tất cả những điều cậu nói đều là sự thật, đều đáng quý trọng
vì xuất phát từ nhận thức và tình càm rất chân thành, nhưng tiếc rằng đó
cũng chỉ mới là “một nửa của sự thật”. Mà cậu biết rồi đấy, một nửa của
cái bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa của sự thật nhiều khi không
phải là sự thật. Sự thật thường bị ẩn dấu. Tớ hỏi cậu, trong quan hệ
giữa 2 nước hoặc 2 cá nhân, 2 tổ chức, cậu thu được 2 nguồn thông tin,
nguồn a là từ những lời nói công khai, nguồn b là từ điều tra, tình báo
mà có được, cậu tin vào nguồn nào hơn.
Tôi trả lời: Ai cũng sẽ tin hơn vào nguồn điều tra, tình báo.
Ivan: Thế đấy Kôlia ạ. Thế ngoài nguồn thông tin công khai cậu đã có
được bao nhiêu thông tin từ điều tra và tình báo, chắc là rất ít. Còn
tớ, không dám nói là tớ biết đầy đủ, chỉ dám nói là với cương vị cố vấn
của Putin tớ biết khá nhiều, trong đó nhiều điều cậu không biết. Cậu đã
trách Putin, đó là lẽ thường tình khi lòng yêu nước bị đụng chạm, tớ
hoàn toàn thông cảm với cậu, mà đặt tớ vào hoàn cảnh của cậu thì tớ còn
trách Putin nhiều hơn. Cậu có nghe bài hát của Việt nam “Giận thì giận
mà thương thì thương”, trong đó có câu “trước tiên anh hãy tự trách
mình“ hay không. Trong việc quan hệ với Nga, với Tàu, với nhiều nước
khác, liệu những người lãnh đạo và nhân dân Việt nam có nhận thấy những
sai lầm của mình hay không, có biết tự trách mình không, hay chỉ nhìn
thấy Việt nam hoàn toàn hay, hoàn toàn đúng còn có gì sai là chỉ là do
những người khác.
Trước đây, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của Việt nam, tớ
có nghe một câu rất hay của Hồ Chí Minh đại khái như sau: “Chúng ta phân
biệt nhân dân Pháp yêu tự do, bình đẳng, bác ái với chính phủ Pháp thực
dân, cướp nước, phân biệt nhân dân Mỹ yêu hòa bình, yêu công lý và dân
chủ với đế quốc Mỹ xâm lược”. Giờ đây tớ cũng muốn dùng câu đó đối với
Việt nam, là phân biệt nhân dân VN yêu hòa bình, dân chủ, tự do với
những người lãnh đạo VN, rất khó hiểu, công khai thì nói vì nước vì dân
nhưng thực chất thì chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, công khai thì
tự ca ngợi và bắt người khác ca ngợi là sáng suốt nhưng thực chất chỉ là
kém hiểu biết và tham lam. Cậu trách Putin, nhưng liệu một người khôn
ngoan như Putin có nên tin cậy hoàn toàn vào một chính quyền, vào một
tập đoàn lãnh đạo mất lòng dân, mất niềm tin của đông đảo nhân dân hay
không. Theo tin tình báo và điều tra xã hội mà bọn tớ nhận được thì
chính quyền của các cậu hiện nay, trên chóp bu thì không thật sự đoàn
kết và thống nhất, nạn tham nhũng, nạn mua quan bán tước tràn lan, càng
hô hào chống phá thì càng phát triển mạnh. Hỏi những người như chúng tớ
có thật sự tin vào lãnh đạo của các cậu hay không, thưa rằng không hoàn
toàn. Tớ rất cảm phục người Việt các cậu trong chiến tranh chống ngoại
xâm, các cậu đã thật sự đoàn kết, nêu cao khí phách yêu nước, anh dũng
hy sinh. Nhưng trong xây dựng hòa bình lại khác. Người ta nhận xét rằng
một người Đức, một người Do thái cũng bình thường nhưng khi 3 người bọn
họ hợp lại thì thành sức mạnh đáng kể, còn 30 người, 300 người hợp lại
thì là một lực lượng lớn. Còn các bạn, tớ đã từng chơi thân với cậu và
vài người Việt khác, mỗi một người các cậu đều giỏi giang, đáng yêu
nhưng 3 người họp lại là đã xẩy ra tranh giành, 30 người họp lại là đã
chia bè phái, mất đoàn kết. Dân tộc các cậu có câu “Bầu ơi thương lấy bí
cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn; Nhiễu điều phủ lấy giá
gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhiều người nhầm lẫn
cho rằng đó là lời ca ngợi sự thương yêu, đoàn kết. Thực ra đó là lời
kêu gọi thống thiết khi người ta đã và đang không thật sự thương yêu
nhau. Cậu có chú ý các chữ “thương lấy” ở câu trên và “phải thương” ở
câu dưới không. Riêng quan hệ với Nga, cậu có biết những sự thăng trầm
không. Quan hệ này bắt đầu bằng sự truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin và
tinh thần quốc tế vô sản. Việt nam gọi Liên xô là anh cả, gọi Trung quốc
là chị hiền. Trong thời gian dài em thân thiết với chị nhiều hơn. Năm
1956 Đảng Liên xô bắt đầu nhận ra một số nhầm lẫn của Mác và đấu tranh
chống sùng bái Stalin thì Việt nam cho rằng Liên xô đã đi theo bè lũ xét
lại, ngấm mgầm chống đối. Từ năm 1957 khi bắt đầu có mâu thuẩn về đường
lối giữa Bắc kinh và Mátcơva thì Hà nội luôn công khai ủng hộ Bắc kinh.
Dân Việt thừa biết bọn phong kiến Tàu là kẻ thù truyền kiếp nhưng đã
quá tin vào chủ nghĩa Mác, quá tin vào tinh thần quốc tế vô sản mà tôn
thờ tư tưởng Mao. Có một giai đoạn thời Lê Duẩn, Lê Đức Thọ một số trí
thức và cán bộ cao cấp của Việt nam như Vũ Đình Huỳnh, Bùi Công Trừng
v.v... bị bắt giam cầm, cải tạo lâu năm vì bị nghi là theo Liên xô. Ngay
cả Võ Nguyên Giáp cũng bị nghi ngờ là thân Liên xô mà phải rút lui.
Chắc mày còn nhớ mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài Đường về, tớ đọc lại
cho mà nghe:
Mạc tư khoa của ta ơi. Trái tim cách mạng Tháng Mười còn đây. Ngôi sao đỏ giữa sương dày, vẫn trông mỗi bước, mỗi ngày ta đi. Lê nin đang nghĩ suy gì. Krem lanh in bóng thành trì lặng im. Sáng rồi rộn rã trong tim. Đường về phơi phới cánh chim tung hoành. Cờ bay Vạn lý trường thành. Bắc kinh tay chị tay anh triệu vòng. Bạn mừng ta những chiến công. Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương.
Mạc tư khoa của ta ơi. Trái tim cách mạng Tháng Mười còn đây. Ngôi sao đỏ giữa sương dày, vẫn trông mỗi bước, mỗi ngày ta đi. Lê nin đang nghĩ suy gì. Krem lanh in bóng thành trì lặng im. Sáng rồi rộn rã trong tim. Đường về phơi phới cánh chim tung hoành. Cờ bay Vạn lý trường thành. Bắc kinh tay chị tay anh triệu vòng. Bạn mừng ta những chiến công. Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương.
Đến thời kỳ 1990, nhân dân Liên xô và các nước Đông Âu thấy rõ sự sai
lầm của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, thấy rõ sai lầm của chủ
nghĩa Mác mà từ bỏ thì lãnh đạo cúa Việt nam vu cho chúng tớ là phản
bội. Họ tự nhận là vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác, tự nhận là những người
tiên phong của cách mạng thế giới, họ tự cho là giỏi giang và sáng suốt
hơn Liên xô, họ muốn nêu gương cho nhân loại. Chúng tớ gọi họ là bọn
marôxixê.
Tôi ra hiệu cho Ivan dừng lại và hỏi: Cậu vừa nói từ gì nghe là lạ. Marôxixê là cái gì, tớ mới nghe lần đầu.
Ivan giải thích, đó là một từ lóng mới xuất hiện, chỉ bọn người thực
chất là ngu tối, kệch cởm, ếch ngồi đáy giếng, biết được một chút kiến
thức đã lạc hậu, đã lỗi thời mà cứ tự cho mình là giỏi giang, minh
triết, là phượng hoàng, là tiền tiến, là không ai sánh bằng, lũ người
ngập chìm trong đống rác thối tha mà vì mũi đã bị hỏng nên không ngửi
thấy mà cứ tự cho là đầy hương vị.
Ivan nói tiếp: Một số lần lãnh đạo của Nga hội đàm riêng với lãnh đạo
Việt, khuyên nên theo đường lối của Nga, từ bỏ Mác, vì nếu cứ theo Mác
thì nhiều nước lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Nga chỉ bằng mặt mà
không bằng lòng, chỉ hợp tác tạm thời, có điều kiện mà không thật sự gắn
bó. Sở dĩ Nga Việt trước đây gắn bó là vì cùng chí hướng. Nếu không
cùng chí hướng thì chỉ liên kết tạm thời và bề ngoài mà thội. Thế mà
hiện nay Nga từ bỏ Mác còn Việt vẫn bám vào Mác và nếu Việt đúng thì Nga
sai, Nga đúng thì Việt sai. Anh cho là tôi sai thì làm sao tôi thật sự
ủng hộ anh được. Đối với Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật thì sao? Mác chủ
trương cách mạng vô sản, là “Quyết phen này sống chết mà thôi, Chế độ
xưa ta mau phá sạch tan tành, bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình, giai
cấp vô sản là người đào mồ chôn tư bản”. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật liệu
có suy nghĩ, nên chơi như thế nào với kẻ rắp tâm đào mồ chôn mình, giúp
cho nó lớn mạnh lên để nó chống lại mình à? Mỹ chưa bao giờ từ bỏ chủ
trương chống cộng sản. Thế mà anh vẫn kiên trì đường lối cộng sản thì
tôi chỉ chơi bề ngoài thôi, làm sao tôi có thể thật lòng được. Còn đối
với Tàu. Tin vào cái gì để theo Tàu. Tin vào học thuyết Mác và tinh thần
quốc tế vô sản à, tin vào 16 chữ vàng à. Chỉ bị lừa mà thôi.
Những người lãnh đạo Nga đã tốn công vô ích khi thuyết phục Việt nam
từ bỏ Mác, tốn công vô ích thuyết phục Việt nam thận trọng với cộng sản
Tàu.
Nghỉ một chốc Ivan tiếp tục: Các bạn nên tỉnh táo, chớ rơi vào ảo
tưởng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau chiến thắng B-52, sau giải
phóng Sài gòn lãnh đạo Việt nam đã quá tự tin cho rằng mình có đủ sức
mạnh, mình được thế giới cảm phục và ủng hộ nên có thể làm mọi chuyện.
Họ lại lầm tưởng rằng có được những thắng lợi to lớn đó là nhờ chủ nghĩa
Mác vì vậy phải kiên trì nó mặc dù Liên xô và nhiều nước đã vứt bỏ, họ
nhầm mà cho rằng nhờ chủ nghĩa Mác mà họ thu được hết thắng lợi này đến
thắng lợi khác, vì vậy cứ kiên trì chủ nghĩa Mác thì rồi cái gì cũng sẽ
đạt được. Thực ra nhân dân Việt nam cũng như nhân dân Liên xô thắng lợi
trong chiến tranh chính là nhờ vào lòng yêu nước vô bờ bến, nhờ sự hy
sinh và lòng dũng cảm tuyệt vời của toàn dân, nhờ sự đoàn kết nhất trí
giữa quân dân và lãnh đạo chứ không nhờ gì vào mấy cái học thuyết của
Mác như duy vật biện chứng, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản,
công hữu hóa tư liệu sản xuất v.v… Việt nam còn nhờ vào sự giúp đỡ tận
tình của Liên xô và Trung quốc. Tại sao có sự giúp đỡ ấy. Tại vì Việt
nam xem Liên xô và Trung quốc là anh cả, là chị hiền, là một mực nghe
theo lời anh chị, không dám làm sai. Các bạn thử nghĩ xem, khi Bush đưa
quân vào Trung Đông, rất nhiều nước phản đối Mỹ và ủng hộ Irăc nhưng rồi
Xađam Hutxen vẫn bị treo cổ. Khi Anh Pháp đưa quân vào Bắc Phi nhiều
nước cũng hết sức ủng hộ Libi nhưng rồi Gađaphi vẫn bỏ mạng. Vì sao vậy,
vì chủ yếu người ta chỉ ủng hộ bằng tinh thần, chỉ phản đối bằng mồm
chứ đã có ai làm như Liên xô và Trung quốc đối với Việt nam trước đây.
Sau khi thắng lợi lãnh đạo Việt nam có ảo tưởng là được nhiều nước yêu
mến, kính phục, tin cậy, uy tín lên cao trên trường quốc tế. Thực ra
Việt nam đang rơi vào tình trạng nguy hiểm là tuy có rất nhiều bạn bè
nhưng chưa bao giờ bị cô độc như bây giờ vì toàn bộ chỉ là bạn quen chứ
không có bạn thân, không có bạn tâm giao, không có bạn tâm đầu ý hợp,
không có bạn đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, không có anh chị nào
nữa cả. Tất cả chỉ là bạn bề ngoài, khi vui cùng vỗ tay vào, đến khi
hoạn nạn thì nào thấy đâu. Trong lúc vui vẻ bình thường thì có càng
nhiều bạn quen càng tốt nhưng khi gặp hoạn nạn thì hàng trăm bạn quen
không thể bằng một bạn thân, không thể bằng một người anh , người chi
ruột thịt. Này Kôlia, cậu thử nói mình nghe hiện nay Việt nam có được
bao nhiêu bạn thân thuộc loại cường quốc, có thể nhờ cậy khi hoạn nạn,
hình như không có ai cả. Tại sao Việt nam không có bạn thân, chỉ tại vì
Việt nam kiên trì chủ nghĩa Mác và cộng sản trong lúc gần như toàn thế
giới đã, đang chống đối nó, đang từ bỏ nó vì nó mang lại cho nhân loại
lợi ích thì ít mà tai họa thì nhiều. Lãnh đạo Việt quyết tâm kiên trì
chủ nghĩa Mác phải chăng cũng là do thói huyênh hoang, muốn nỏi tiếng
thế giới là ta đây hơn hẳn Liên xô và nhiều nước khác trong phong trào
cách mạng. Bọn Tàu rất thâm độc, trước hết nó xui dục Việt nam kiên trì
cộng sản theo nó để cho Việt nam không có được bạn thân, không được các
cường quốc như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật thật tâm gắn bó, đến khi đó
nó giở mặt vì biết rằng Việt nam tuy có rất nhiều bè bạn nhưng chỉ là
bạn quen, không có bạn thân, thực chất đang bị cô lập, người ta ủng hộ
Việt nam chỉ bằng tinh thần, bằng mồm. Nếu có chiến sự xẩy ra người ta
sẽ to mồm phản đối, to mồm lên án, to mồm kêu gọi đàm phán hòa bình, tôn
trọng luật pháp quốc tế nhưng rồi người ta sẽ ngồi yên xem hai nước
cộng sản choảng nhau để chứng kiến sự sụp đổ cuối cùng của chủ nghĩa
Mác. Những người lãnh đạo Việt nam đã không nghe theo lời khuyên từ bỏ
Mác vì họ đã ăn phải bùa mê, thuốc lú, bị mắc lừa bọn Tàu quá sâu mà
không tỉnh ngộ ra. Họ không biết rằng cứ mỗi lần đảng tìm cách áp dụng
chủ nghĩa Mác là một lần dân tộc Việt nam chịu thất bại thảm hại, thí dụ
cải cách ruống đất, hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế quốc
doanh v.v… Cứ mỗi lần thất bại họ lại tìm cách đổ lỗi cho người thực
hiện và tìm đủ mọi cách bao che cho đường lối, bảo vệ chủ nghĩa. Họ
chứng minh một cách ngụy biện là chủ nghĩa hay, đường lối đúng, chỉ có
người làm sai. Kôlia ạ, tiếc rằng tao không có nhiều thời gian để vạch
trần lối ngụy biện của bọn chúng cho mày thấy, mà tao chắc là với những
người có lương tri, chỉ cần chú ý một chút là thấy được ngay sự ngụy
biện đó. Phần lớn nhân loại trong đó có vô số người tài giỏi , kể cả các
nhà khoa học hàng đầu của Việt nam, đã thấy rõ sự sai lầm của Mác, thế
mà chỉ còn một dúm người Việt các cậu lại khư khư ôm giữ lấy để rước
thêm tai họa cho dân tộc.
Tôi ra hiệu để Ivan ngừng lại và nói: Này Ivan, tao đồng ý với mày là
các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ytali, Canađa, Nga v.v...
vốn chống cộng sản, không thích gì cộng sản hoặc đã từ bỏ cộng sản, thế
mà Việt nam cứ khăng khăng trung thành với cộng sản thì khó có được tình
hữu nghị chân thành, có quan hệ chẳng qua là quan hệ ngoại giao, quan
hệ làm ăn mà thôi. Làm sao mà một thằng chống cộng sản, một thằng bị
cộng sản xem là kẻ thù phải đào mồ để chôn, một thằng đã từ bỏ cộng sản
lại có thể thương yêu, đùm bọc một thằng cứ nhơn nhơn tự xưng là cộng
sản chính gốc. Thế nhưng còn các nước bạn bè trong khối Asian thì sao.
Philipin, Inđônêxia, Thái lan, Lào, Cămpuchia…, họ không phải là những
bạn bè đáng tin cậy à. Mày bảo vì Việt nam trung thành với Mác mà không
có bạn thân, thế Tàu thì sao, họ vẫn là cộng sản, họ không cần có bạn
thân à.
Ivan cười thành tiếng, nói: Kôlia ơi là Kôlia, tao nghe nói mày được
phong giáo sư, nhưng sao hiểu biết chậm thế, không khéo chỉ là đồ giáo
sư dổm. Quan hệ với các nước Asian ra sao tao không dám bàn vì chưa
nghiên cứu kỹ, chỉ biết rằng vị thế của các nước ấy trên thế giới không
thể nào bằng các cường quốc. Còn bọn Tàu, đúng là chúng nó không cần bạn
thân theo nghĩa thông thường mà cần có đối tượng để tranh giành, cần có
bọn đàn em, bọn tay sai nhất nhất biết vâng lời, nhất nhất biết phục
tùng.
Theo tớ, Việt nam các cậu bây giờ chỉ có thể lựa chọn giữa hai con
đường: hòa nhập với thế giới hoặc hòa nhập với Trung quốc. Sức lực của
Việt nam chưa đủ để đứng một mình, tạo thành một cực để chống chọi với
các cường quốc.
Để hòa nhập với thế giới thì điều cần thiết đầu tiên là từ bỏ Mác, từ
bỏ chủ thuyết cộng sản, xây dựng một nền chính trị thật sự dân chủ. Để
làm việc này không cần có lực lượng nào bên ngoài tham gia mà tự trong
đảng phải đứng ra, giống như Gocbatrôp và Enxin đã làm ở Nga. Tớ xin
mách một cách làm như sau: Trong một kỳ đại hội hoặc một lần họp trung
ương, một vài người trong bộ chính trị hoặc ủy viên trung ướng đứng lên
kêu gọi đảng đổi mới toàn diện, có thể vẫn giữ cơ bản về con người nhưng
tổ chức lại, lấy lại tên là đảng Lao động, tên nước Việt nam dân chủ
cộng hòa theo như Hồ chí Minh đã đặt, tuyên bố từ bỏ Mác và cộng sản, từ
bỏ độc quyền, bỏ điều 4 của hiến pháp. Điều này sẽ được thảo luận, được
tranh luận nẩy lửa, nếu được đa số ủng hộ thì tốt, đảng sẽ tự chuyển
biến, nếu bị thiểu số thì những người ủng hộ sẽ tách ra, thành lập một
đảng mới lấy tên là đảng Lao động, sẽ tiến hành đại hội thành lập và trở
thành một đảng đối lập với đảng cộng sản hiện tại. Phải chú ý tổ chức
lực lượng bảo vệ chứ không thì những người tiên phong sẽ bị bắt, bị thủ
tiêu ngay. Đảng Lao động sẽ kêu gọi sự ủng hộ của toàn dân, của quân
đội, của công an, sẽ ra tranh cử quốc hội và nếu thằng thì lập chính
phủ, nếu chưa thắng thì thành đảng đối lập. Mà tớ tin chắc là đảng Lao
động sẽ thắng khi nhân dân được tự do bầu cử. Có người cho rằng, nếu có
đảng đối lập thì đó sẽ là đảng của tay sai nước ngoài và không tránh
khỏi nội chiến, tranh giành quyền lực, lập luận đó là một luận điểm ngụy
biện, vô căn cứ, nhằm hù dọa những người yếu bóng vía và kém hiểu biết.
Tấm gương của các nước Nga, Balan, Tiệp, Đức… sờ sờ ra đấy chứ có lạ
lùng gì. Tớ tin rằng đại đa số nhân dân Việt nam sẽ ủng hộ cách làm này,
khắp nơi sẽ tổ chức biểu tình, mít tin ủng hộ sự ra đời của một đảng
Lao động không theo Mác. Việc làm này không những đưa đất nước hòa nhập
cộng đồng thế giới mà còn hòa hợp được dân tộc, những người Việt yêu
nước và chống cộng sẽ trở về trong lòng dân tộc, sẽ làm tăng sức mạnh
dân tộc về nhiều mặt. Sự gây hấn của Tàu là một điều rủi nhưng nếu biết
biến rủi thành may thì là đại phúc cho đất nước, còn nếu cứ cố tình ôm
lấy thây ma mà khóc than thì rồi sẽ tiếp nhận hết tai họa này đến tai
họa khác.
Nếu không biết kip thời từ bỏ Mác và cộng sản mà cứ quyết tâm đeo bám
thì chỉ có thể trở thành tay sai, lệ thuộc vào Trung quốc, biến đất
nước thành chư hầu của Trung quốc, sẽ ngàn đời mang tội với dân tộc.
Tôi ra hiệu để Ivan dừng lại và bảo: Này, Ivan, cậu là cố vấn của
Putin, cậu đứng trên lập trường, quan điểm và quyền lợi của Nga để
khuyên bảo Việt nam, liệu như thế có chính xác không, có khách quan
không?
Ivan lại cười, lại trêu tôi lần nữa. Ôi Kôlia, Kôlia, tớ nghe nói cậu
dạy môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học cho trình độ thạc sĩ và
tiến sĩ kia mà, thế mà cậu vẫn suy nghĩ hời hợt, nông cạn. Tớ biết ở
Việt nam có nhiều tiến sĩ dổm, nhiều giáo sư dổm. Cậu làm tiến sĩ ở Nga
cùng với tớ nên tớ biết chắc, còn danh vị giáo sư, không khéo là dổm
cũng nên. Tớ nói là theo quan điểm của tớ, theo nhận thức của tớ chứ
không lẽ lại nói theo người khác à. Còn nghe được như thế nào, theo được
hay chống lại đến đâu là tùy nhận thức và mong muốn của các cậu, tớ có
áp đặt quan điểm nào đâu. Tớ chỉ nêu ý kiến của mình để các cậu tham
khảo mà thôi. Vì tình bạn cũ tớ bỏ chút thì giờ trao đổi với cậu một
cách chân tình, nếu cậu cho tớ nói sai, không lọt được vào tai thì cậu
cứ quay về để cùng với bọn marôxixê ra sức bảo vệ chủ nghĩa Mác, bảo vệ
chủ nghĩa cộng sản không tưởng.
Trời bỗng nổi dông bão, một tiếng sét làm tôi giật mình tỉnh dậy.