Thảo Trường
Chợt bà hỏi ông chuẩn úy thì đâu đã được gọi là quan, ông nói, trong
chiến tranh Việt Nam, trong quân lực Cộng Hòa, cấp chuẩn úy là nòng cốt
chiến đấu, là thành phần chỉ huy đông nhất, là những người chính thị làm
chiến tranh không ai khác vào đấy cả. Nhưng họ lại không phải là những
người chọn binh nghiệp làm sự nghiệp không lấy con đường đó làm tương
lai huy hoàng mà họ chỉ là những quân nhân trừ bị lên đường tòng quân
theo tiếng gọi của non sông khi đất nước hữu sự, để rồi sẽ rời bỏ quân
ngũ khi chiến tranh chấm dứt. Họ là những trí thức từ ngoài đời vào quân
trường, họ là những người chắt lọc từ tập thể binh lính trong quân đội
đôn lên, họ vừa làm quan vừa làm lính, họ vừa phải chỉ huy vừa phải bắn
súng, trong giao tranh họ có trách nhiệm làm trung đội trưởng cùng lúc
với trách nhiệm binh nhì. Không nói đến một số ít trường hợp cá biệt có
những sĩ quan trừ bị làm bộ trưởng, thứ trưởng hay tổng giám đốc, làm cố
vấn chính trị cho ông tổng thống gốc gác tướng lãnh hiện dịch chuyên
nghiệp... Cho nên, tuy là “chuẩn” nhưng chính họ là xương sống của quân
lực. Có thể khi làm xong nhiệm vụ họ không còn là chuẩn úy mà đã theo
dòng chảy của chiến tranh lên đến cấp cao hơn nhưng cái cốt lõi, cái
khởi đầu của họ chính là chuẩn úy trừ bị.
Chuẩn úy, những quân nhân chưa được hưởng quyền lợi sĩ quan nhưng có
trách nhiệm sĩ quan, những sĩ quan trừ bị, căn bản được đào tạo chỉ huy
một trung đội nhưng có thể kiêm thêm việc của một tiểu đội trưởng nếu
đơn vị thiếu hạ sĩ quan, hoặc cũng có thể được nâng lên xử lý thường vụ
hay quyền đại đội trưởng nếu các ông thiếu úy, trung úy, đại úy đại đội
trưởng tử trận. Khoảng gần cuối khóa 1 sĩ quan trừ bị “trường chuẩn úy
trừ bị Bắc Việt” đặt trong khu đất nhà máy dệt Nam Định, các sinh viên
đã được đặc cách nâng lên cấp thiếu úy trừ bị ngay khi mãn khóa rồi sau
đó liên tiếp cho đến khóa 5 ở Thủ Đức, vì tình hình chiến sự khốc liệt
các tân sĩ quan đều ra trường như thế. Nhưng từ khóa 6 trở về sau hàng
trăm ngàn sinh viên sĩ quan ra trường mang cấp chuẩn úy lên đường bước
vào QLVNCH để chỉ huy hàng triệu binh sĩ chống lại âm mưu của những kẻ
đã làm cuộc chiến tranh vô ích cướp chính quyền cho ảo tưởng cộng sản.
Chuẩn úy, một từ ngữ lạ lùng, một cấp bậc lạ lùng, nó dưới ông thiếu
úy, nó trên ông thượng sĩ nhất, có người coi nó là sĩ quan, có người coi
nó là hạ sĩ quan. Ngay cả những tay trong cơ quan trung ương tình báo ở
tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn cũng chẳng biết dịch sang tiếng Anh thế nào
cho ổn bởi vì trong quân đội nước bỏ tiền của ra làm cố vấn không hề có
cái cấp bậc ấy. Hóa cho nên có tay thông ngôn bèn phịa ra một danh từ để
chỉ những ông chuẩn úy của QLVNCH trong tiếng Mỹ là Third Lieutenant.
Vâng các quí vị chuẩn úy ạ, các quí vị đã từng là 3rd Lt. trong những
buổi trao đổi thảo luận ở tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn về tình hình chiến
sự Việt Nam.
Năm 1959 tại một tiệm sách ở thị xã Quảng Trị, có hai ông chuẩn úy
mới mãn khóa sĩ quan trừ bị trường Thủ Đức đổi ra Sư Đoàn 1 Bộ Binh, vào
mua báo, được cô gái chủ tiệm xinh đẹp và thùy mị tươi cười chào hỏi:
– Chào thượng sĩ, thượng sĩ cần mua gì ạ?
– Chào thượng sĩ, thượng sĩ cần mua gì ạ?
– Ở đây có bán cái búa không hả cô?
– Thưa không, ở đây chỉ có sách báo và vật liệu văn phòng...
– Tiếc nhỉ, tôi cần một cái búa.
Cô chủ tiệm tỏ vẻ ái ngại, rất lấy làm tiếc, hai ông tân sĩ quan đứng xớ rớ một lát rồi đi ra. Người bạn đồng hành hỏi khẽ:
– Mày cần búa để làm gì?
– Mày cần búa để làm gì?
– Để đập cái cúc alpha vàng này cho nó xẹp xuống.
Sau này vào năm 1988, hai ông bạn cũ gặp lại nhau ở trại tù Rừng Lá,
cả hai ông đều đã là cựu trung tá tù binh, ông ngày xưa hỏi mua búa cu
ki không thấy ai lên thăm, ông bạn cùng đi vào tiệm sách thì có bà vợ
tháng tháng xách đồ ăn lên nuôi chồng. Buổi tối hai ông ngồi ăn cơm, ông
hỏi mua búa mới biết bà vợ ông bạn mình chính là cô chủ tiệm sách ở thị
xã Quảng Trị xưa kia. Ông hoảng hốt:
– Chết cha, thế bà ấy có biết cái vụ... hỏi mua búa không?
– Chết cha, thế bà ấy có biết cái vụ... hỏi mua búa không?
– Sau khi ông đổi đi Sư Đoàn 7, tôi vẫn ở lại ngoài đó, cưới vợ chính
là cô hàng sách báo đường Trần Hưng Đạo, rồi vì quê vợ ở đó nên tôi
cũng xà quần ở vùng đó luôn, làm tiểu đoàn trưởng, làm quận trưởng... Có
lần vợ chồng nói chuyện với nhau tôi có nhắc đến ông, tôi cũng có kể
cái chuyện ông đòi mua cái búa ngày mới đổi tới, nhưng tuyệt nhiên bà vợ
tôi không hề nhớ ra được.
– Cũng may.
– May gì? Hồi chiều thăm gặp, tôi nói ông cũng ở trong này rồi tôi kể
lại chuyện người ta chịu huấn nhục một năm mới được một tí Alpha lại
gọi người ta là thượng sĩ nên người ta giận mới đòi mua búa, bà vợ tôi
kêu lên: “Trời đất, có thế mà các ông cũng giận hờn, để bụng suốt cả một
cuộc chiến, gọi là thượng sĩ thì có sao, vẫn yêu vẫn lấy làm chồng rồi
đi theo suốt cuộc đời còn muốn gì nữa. Thậm chí còn theo tới tận trại tù
binh, trong rừng thiêng nước độc, khi các ông sa cơ lỡ vận thế này, thì
ai tính công điểm cho chúng tôi đây!” Bà vợ tôi nói tôi không hỏi mua
búa nhưng đi cùng với người hỏi mua búa và còn nhớ đến tận bây giờ thì
cũng là trong cùng phe nhóm oán hận suốt đời. Người ta nói sai chỉ một
chữ vì không thông hiểu cái hệ thống quân giai, chứ có gì đâu. Bà ấy hỏi
thù gì mà thù dai thế hả quí ông thượng sĩ gân? Ông thấy đàn bà ghê gớm
chưa?
Tháng tư năm 1975 những người chuẩn úy đã làm xong nhiệm vụ lịch
sử... bằng cách thua trận, thua để cho đối phương thắng, thua để cho
cộng sản thắng vì chỉ có cách để cho cộng sản thắng mới phơi bày bộ mặt
thật của giả hình hoang tưởng... nếu không để cho những kẻ hoang tưởng
chiến thắng, nếu không để cho họ chiếm đoạt được chính quyền thì mãi mãi
kẻ hoang tưởng vẫn cứ tưởng là hoang tưởng đúng. Đến một lúc nào đó nên
để cho hoang tưởng thỏa mãn lòng tự hào, đến một lúc nào đó đành buộc
các chuẩn úy phải chịu nhục. Mà thắng trận thì được những gì cơ chứ.
Quyền lực? Của cải? Vênh váo? Giả tỉ như nếu chẳng may những kẻ cầm
quyền ở Miền Nam thắng trận thì không biết sẽ xảy ra những gì cho đất
nước, với quyền lực, của cải và sự vênh váo nắm trong tay?
Bà lại bĩu môi xì miệng “Ông cường điệu quá rồi đấy, nhưng gì thì gì
ông cũng đã từ quan rồi còn đâu mà khoe khoang”. Ông không tha cho bà,
chưa hết đâu, đó mới chỉ nói đến những ông quan còn sống, biết bao nhiêu
chuẩn úy đã nằm xuống nơi chiến trường, biết bao nhiêu người đã thành
phế binh nay đang âm thầm sống lây lất ở một nơi nào đó?
Thấy bà lặng thinh ông nói tiếp, vẫn chưa hết đâu em à, còn biết bao
nhiêu cơ man nào mà kể những tân binh quân dịch, rồi lại còn những thanh
niên không chịu tham chiến, những lao công đào binh, tất cả họ đều là
những người của cuộc chiến, nay họ đâu rồi, đâu cả rồi, chẳng lẽ chỉ còn
kẻ từ quan này ngồi suy ngẫm về lẽ sống ở đời sao hả em?
*
Cuộc chiến đã chấm dứt, rời xa chiến trường đã hơn ba mươi năm, và
đang sống lưu vong ở nước Mỹ xa xôi tít mù, nhưng nhiều đêm ông lão vẫn
sực nghĩ tới một hình ảnh chiến sự xa xưa: hai người lính nằm chết ở một
thửa ruộng sình lầy, ngay kế bên chỗ ông đứng, một người tân binh quân
dịch mang chiếc máy vô tuyến trên lưng và một người mang cấp hiệu cúc
đồng có gân nổi alpha trên cổ áo. Họ là toán tiền sát pháo binh gửi đến
yểm trợ hỏa lực cho đơn vị ông. Cả hai đều còn trẻ, rất trẻ. Họ chết bởi
cùng một loạt đạn, trong cùng một nhấp nháy của cuộc chiến, hai xác
thân đổ xuống đánh huỵch đè chồng lên nhau. Cũng trong cái nhấp nháy và
loạt đạn ấy lại không có một viên nào trúng vào người ông đứng ngay khít
bên. Kẻ sống sót, cho đến mãn đời cũng không hiểu được, vì sao nguyên
một băng đạn địch cả chục viên bay tới mục tiêu lại chỉ trúng vào hai
người trai trẻ mà không có viên nào ghim vào người ông! Ông không hiểu
được và ông cũng không tài nào quên được cái nhấp nháy ấy. Trong đời
ông, ông đã thấy tận mắt cái hình ảnh ấy, và, cũng trong đời ông, nó sẽ
mãi mãi ông không phai nhòa. Cho đến khi ông chết.