Trần Vũ
Khiếm khuyết lớn của Quân đội Nhân dân và Viện Sử học Hà
Nội là đã chịu chi phối bởi cách nhìn quân sử của Hồng quân Sô-Viết về
Âu châu, và của Hồng quân Trung quốc về Á Châu, trong một thời kỳ dài.
Khiếm khuyết lớn của dân tộc Việt là đã say mê khía cạnh
chính trị của chiến tranh mà lãng quên khía cạnh thuần học thuật, quân
sự của chiến tranh. Clausewitz nổi tiếng với mệnh đề thường xuyên được
trích dẫn: “Chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị.” Nhưng
Clausewitz không viết duy nhất một mệnh đề này, mà soạn thảo tám tổng
tập Cẩm nang Chiến tranh mà cho đến phút này vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, ngay cả tóm lược.
Clausewitz không duy nhất. August von Gneisenau, Gerhard
von Scharnhorst, Helmuth von Moltke và Alfred von Schlieffen là những
gương mặt đã cải cách quân đội Phổ, đưa quân đội này từ vị trí thảm bại
trước quân Nã Phá Luân đến vị trí thống trị ở Âu châu trong suốt thế kỷ
19 sang đến đầu thế kỷ 20. Có thể kể thêm Hans von Seeckt, người đã xây
dựng nền móng cho quân đội Wehrmacht.
Clausewitz là một lý thuyết gia quân sự. Gneisenau mới
thật sự là một nhà cải cách. Lịch sử quân đội Phổ đánh một khúc quanh
quan trọng sau các thảm bại Jena, Auerstaedt trước đại quân Nã Phá Luân.
Tập thể sĩ quan ưu tú đặt câu hỏi: Làm cách nào để ngăn chặn sức bành
trướng của đế chế Pháp? Xây dựng sức mạnh của quân đội Phổ từ đâu? Những
câu hỏi mà quân nhà Nguyễn đã không đặt ra và Quân đội Nhân dân chưa
tìm thấy câu trả lời trước uy hiếp của Giải Phóng quân Trung quốc. Các
công trình suy nghiệm của Clausewitz, Gneisenau và Scharnhorst đều được
biên soạn ở thời kỳ này, khi quân đội Phổ thất thế, ở dưới đáy cùng của
bất lực. Điều cần nhấn mạnh là những công trình này, bên cạnh việc tập
trung nghiên cứu tìm cách triệt tiêu sức mạnh quân sự của quân đội Pháp,
ở cả hai mặt học thuyết và chiến thuật, trong tấn công cũng như trong
phòng ngự, còn giải quyết những câu hỏi khái quát, trừu tượng, bằng
những giải đáp thực tế.
Gneisenau và Scharnhorst định nghĩa tức khắc, sức mạnh
của một quân đội nằm trong 7 yếu tố: Học thuyết, phương tiện, tổ chức,
quân số, tinh thần, địa lý và tính tự trị độc lập của quân đội đó. Phải
có học thuyết rồi mới có thể vận dụng phương tiện thích ứng để tổ chức,
và phải có tổ chức mới có thể thâu nạp, huấn luyện, võ trang, khiển dụng
hữu hiệu quân số mà tinh thần làm nên sức mạnh. Nếu sức mạnh này còn
tùy thuộc vào địa lý của vùng đất phải tấn công hay phòng thủ, sức mạnh
đó chỉ đạt đến viên mãn nếu tập thể quân đội có được sự tự trị độc lập
với giới chức chính trị nắm giữ hành pháp mà các mục tiêu thường ngắn
hạn không cho phép thực hiện một học thuyết chiến tranh lâu dài. Tất cả
khái niệm về quân đội của Gneisenau và Scharnhorst thâu tóm trong khái
quát căn bản này.
Trong 7 yếu tố, 3 yếu tố được xem tối quan trọng: Tinh
thần, học thuyết và tính độc lập tự trị. Tinh thần không giản dị là tinh
thần trách nhiệm, tinh thần tổ chức, tinh thần kỷ luật, hay tinh thần
chiến đấu. Đây là những tinh thần phụ, cần có một tinh thần xương sống,
xuyên suốt qua 7 yếu tố, để từ tinh thần này nảy sinh các tinh thần phụ
kể trên.
Gneisenau viết: “Tập thể quân nhân tìm sức mạnh trong tập thể công dân mà trách nhiệm ngang bằng với dân quyền.”
Tuy ăn lộc triều đình, Gneisenau đã yêu sách: Phải đặt
khái niệm công dân lên trên khái niệm thần dân của Phổ hoàng. Đặt khái
niệm Quyền lợi Dân sự ngang bằng với khái niệm Nghĩa vụ Quân sự. Có
trách nhiệm thì phải có quyền lợi. Có thi hành thì phải có tham dự. Lòng
ái quốc vô điều kiện phải chuyển hoán thành lòng ái quốc có điều kiện.
Một cách vắn tắt: Tinh thần công dân.
Trước những tấn công của phái bảo hoàng, Gneisenau phân
tích: Một tập thể quân nhân không thể thiếu tinh thần chủ đạo cho tất cả
các quyết định. Tinh thần này không thể là tôn giáo, vì một dân tộc
không thuần một tôn giáo, vì tôn giáo không cho phép những tư duy khoa
học với những phương pháp khoa học. Tôn giáo cũng dễ đẩy đến những quyết
định không chiến lược mà thuần đức tin. Còn lại tinh thần ái quốc.
Nhưng lòng ái quốc là một tình cảm trừu tượng, thiếu cụ thể, dễ biến
thiêng và dễ bị ngụy tạo. Tinh thần ái quốc thăng giảm tùy theo đạo đức
chính trị của giới cầm quyền. Tinh thần ái quốc có thể dẫn đến sa ngã,
làm chán nản, bất mãn, ly khai, khi đạo đức chính trị suy thoái, tác
động đến hiệu năng chiến đấu của quân đội. Ngược lại, an nguy của một
quốc gia không giới hạn vào một tập thể hành pháp mà có thể có nhiều
chính quyền kế tục nhau nắm giữ hành pháp. Do vậy, quân đội cần phải tự
trị, độc lập với chính trị, để có thể giữ được sức mạnh tinh thần của
quân đội trong bất kỳ mọi hoàn cảnh. Có nghĩa vụ, phải có quyền lợi.
Quyền lợi của công dân trong xã hội là được tham gia việc nước. Quyền
lợi của công dân trong quân đội là được tham gia giữ nước ở vị thế bình
đẳng với giai cấp quý tộc. Tinh thần công dân phải là tinh thần của quân
đội.
Viết thành văn bản, đề nghị canh tân nền tảng, và hành động, Gneisenau xứng đáng là một gương mặt cải cách.
Phổ hoàng Friedrich không tầm thường, đã chuẩn y. Nhiều
lý lẽ viện dẫn Phổ hoàng không có chọn lựa vì cần tập hợp toàn dân, toàn
quân, chống lại Nã Phá Luân. Giải thích này đúng hoặc sai, không quan
trọng. Điều quan trọng là Gneisenau và Scharnhorst đã san bằng giai cấp
quý tộc, tuy vẫn hiện diện, thăng thưởng ngạch trật, giao phó trọng
trách, sẽ dựa trên khả năng mà không còn trên giai cấp. Hàn lâm viện
danh tiếng Bá Linh mở cửa cho các sĩ quan xuất thân từ giới thợ thuyền,
bình dân và nông dân. Sự kết hợp toàn dân, ở cùng một vị trí công dân,
làm nên sức mạnh của tân quân đội Phổ, trở thành một quân đội quốc gia,
thay vì quân đội riêng của Phổ hoàng.
Cùng với Gneisenau, Scharnhorst bắt buộc tất cả các sĩ
quan đều phải tốt nghiệp học viện quân sự, không còn sĩ quan chỉ có khả
năng thuần trận mạc mà thiếu kiến thức tham mưu, khoa học, quản trị. Từ 3
hàn lâm viện ban đầu ở Bá Linh, Königsberg, Breslau ― Scharnhorst cho
xây thêm 10 Kriegschule, học viện chiến tranh, trên khắp lãnh thổ:
Anklam, Cassel, Dantzig, Erfurt, Glogaw, Hanovre, Hersfeld, Neisse,
Postdam và Munich. Nếu Gneisenau khái quát, còn Clausewitz tổng hợp học
thuyết, thì Scharnhorst đào tạo và quảng bá tư tưởng của Gneisenau và
Clausewitz. Trong canh tân, Scharnhorst đặt dấu nhấn lên hệ thống giáo
dục quân nhân.
Chưa đầy một thập niên sau trận Jena, quân Phổ chiến
thắng ở Leipzig rồi Waterloo. Nếu hai chiến thắng này chưa thể xem là
thành quả của canh tân vì có sự tham gia của liên quân Nga-Áo tại
Leipzig và liên quân Anh-Áo tại Waterloo, đến chiến thắng Sedan về sau
của Moltke, nhận đầu hàng của Nã Phá Luân đệ tam ngay tại mặt trận và
giành lại hai tỉnh lỵ Alsace và Lorraine, có thể xem công trình canh tân
của Gneisenau, Scharnhorst và Clausewitz đã hoàn tất. Số sĩ quan xuất
thân bình dân đã chiếm ¾, tuy chưa lên đến thượng tầng, các sĩ quan này
đã hiện diện ở các chức vụ trung cấp: trung đoàn phó, trung đoàn trưởng,
phó phòng hành quân, phụ tá tham mưu, và suy nghĩ Clausewitz trở thành
suy nghĩ của quân đội Reichswerh.
Ngoài kết quả chiến trường, cải tổ của Gneisenau còn mang
tính chất căn bản: Quân đội Phổ sẽ từng bước đặt sứ mệnh quốc gia trên
sứ mệnh hoàng gia, và đặt quyền lợi của dân tộc trên quyền lợi của dòng
họ Hohenzollern đang trị vì. Quyết định đơn phương chấm dứt chiến tranh
một thế kỷ sau, vào tháng 11-1918, yêu cầu Phổ hoàng Wilhelm thoái vị để
quốc gia không bị chiếm đóng, để có thể giữ được tiềm năng của quân đội
cho phép phục hưng về sau, là những quyết định của một quân đội quốc
gia, không phải của một quân đội hoàng gia, của một tập thể sĩ quan công
dân, không phải của một tập thể sĩ quan thần dân.
Khái niệm quân đội công dân là khái niệm bảo vệ quyền lợi chung của đất nước, thay vì bảo vệ một giai cấp, một cung đình.
Đối với Quân đội Nhân dân, tập thể cán bộ binh sĩ cần đặt
câu hỏi: Quân đội Việt Nam phục vụ dân tộc hay Đảng cầm quyền? Đã thật
sự bình đẳng giai cấp trong quân đội hay vẫn còn “Hồng hơn Chuyên”? Một
sĩ quan thao lược tài năng có được trọng dụng nếu không vào Đảng? Hệ
thống Chính ủy thi hành lệnh Đảng có đi ngược với sứ mệnh bảo vệ tổ
quốc?
Quốc gia đang cần một quân đội độc lập với chính trị, vì
chỉ một quân đội tự trị mới không trở thành công cụ của một đảng phái
cầm quyền. Canh tân, là hướng về một Quân đội Công dân thay vì một Quân
đội Đảng viên.
Trần Vũ