Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Tôi và ca sỹ Lệ Rơi

Serguei Kouzmic
ca-si-le-roi.jpg
Mình thích cái anh chàng này. Thích không phải là thích theo kiểu một thính giả thích nghe nhạc của một anh ca sỹ, càng không phải thích theo kiểu “chỉ đàn ông mới đem lại hạnh phúc cho nhau” một cách… biến thái. Thích là thích cách thể hiện rất chân thật của anh chàng.
Nhớ hồi thanh niên nhà ở khu buôn bán, hàng xóm biết bao người đến trọ rồi lại đi, mỗi nhà đến lại có một hệ thống âm nhạc khác nhau. Nhà thì Chế Linh, suốt ngày mấy bài hát của anh lính Cộng hòa, nhà thì Tuấn Vũ, nhà thì Hương Lan, nhà thì lại Duy Khánh cao vút đến mức chua loét… tuyệt đối không có nhà nào nghe “nhạc Tây” theo ý nghĩa như chúng ta nghe chủ động bây giờ: biết người hát, biết bài hát, lại nghiên cứu cả ca từ… nhưng hồi đó nếu hàng xóm có nghe “nhạc Tây”, là nhạc về sau hay bị gọi là “đám cưới nhà quê”, “Môđen Tắckinh” và “Bôlây”. Về sau hàng xóm cũng có người nghe disco, nhưng có lẽ cơn lốc khủng nhất nhưng qua nhanh nhất là “Pop Indonesia”.

Mình hay nghe “nhạc Tây”, từ hồi đó đã hay đi chép lời tiếng Anh về ngâm cứu. Các “cụ” ở nhà cứ chê lên chê xuống, nhạc gì nghe như đấm vào tai…
Về sau nhà có bộ loa to, ông em trai thường nghe nhạc Rock. Hàng xóm mà nghe Duy Khánh hay Chế Linh là nó phang “Metallica”, “Slipknot” hay thậm chí “Children Of Bodom” cho “nặng đô”. Chỉ vài bài đảm bảo Chế Linh “câm tịt”.
Hồi bé nữa, bà ngoại thích xem chèo, được xem chèo tối thứ Bảy trên ti vi rất mê, nhưng cũng chính bà ngoại thích xem cải lương, thì lại không mê được…
Nôm na là, người nghe được nhạc này, thì không nghe được nhạc khác. Với một người rock có thể đi chung với cổ điển, nhưng thường những người như thế không thể nghe được Tuấn Vũ hay Chế Linh…
Đến vài tuần nay, tự dưng xuất hiện một anh chàng cứ hát, quay phim lại rồi tung clip lên internet. Bộ dạng nông dân chân chất, khung cảnh đằng sau một cái màn khung Trung Quốc đúng là của vùng nông thôn hay miền núi. Anh cu hát cứ như đọc lời bài hát, không cần tôn trọng nhạc của bài hát như thế nào. Lúc đầu, mình cũng nghi ngờ, phải chăng anh chàng đang định phỉ báng nghệ thuật? Những phát biểu của anh chàng nghe cực kỳ tự tin đến mức hài hước, thật kỳ lạ!

Hơn 112 ngàn người Thích và 115 ngàn người tham gia bàn luận trên trang FB Ca sĩ Lệ Rơi
chỉ sau 2 tuần trang Fanpage này được lập ra
Càng ngày, các clip của anh chàng xuất hiện ngày càng nhiều, một cách đầy tự tin. Thấy cư dân mạng cực kỳ khoái trá anh chàng, nhưng chủ yếu cũng là cười cợt, như một trò vui, tiêu khiển.
Nhưng tự dưng mình nghĩ ra một điều – khi nghe Lệ Rơi hát bài “Forever and one” mà hoàn toàn không nhận ra bài hát gốc của nó – rằng tại sao chúng ta lại cứ phải gò cho cái anh chàng này, đang hát đúng cái bài hát đó, với giai điệu quen thuộc chúng ta từng nghe? Nhỡ anh ta đang hát bài hát riêng của anh ta thì sao?
Đại khái cũng như là anh ta đang hát ôpêra còn chúng ta là dân buôn bán, chỉ nghe được Duy Khánh, Tuấn Vũ và Chế Linh thôi ấy mà! Suy cho cùng, ai cũng có quyền tự tin thể hiện bản thân cả - và chính Lệ Rơi đã rất chân thật rồi còn gì: “Lệ Rơi hát thì không hay đâu, nhưng mà hay hát!” Hôm nay đọc trên Facebook một ý kiến cũng hay: thích Lệ Rơi vì anh ta đang chứng minh dùng internet không phải là đặc quyền của bất cứ ai. Suy cho cùng phát nữa, anh ta không lên mạng để chửi bậy chửi bạ, bôi xấu người khác, lên giọng dạy đời, hơn thế anh ta mang đến tiếng cười, không phải là tốt hay sao?
Và cũng chắc gì những ca sỹ kiêm thợ cắt tóc, hơi tí là lùm xùm xì-căng-đan, rồi xỉ nhục phỉ báng cả những người đáng tuổi cha tuổi chú, rồi lên truyền thông lăng xê những cái lố bịch nhảm nhí của mình – đã thanh cao hơn?
Đến đoạn này, bác nào không theo Phật hay thậm chí kỳ thị Đạo Phật, có thể không đọc cũng được. Với các bậc Phật, Bồ Tát, La Hán, thánh nhân… thì trừ những bài kinh, niệm danh hiệu Phật được phổ nhạc để người phàm dễ tiếp thu, còn thì mọi loại nhạc nhẽo, đều là những lời than khóc. Các văn nghệ sỹ viết văn, thơ, nhạc… các ca sỹ nhạc công… mà làm con người mê đắm vào sắc dục của thế tục… đều sẽ đọa địa ngục cả.
Xem ra thỉnh thoảng các cụ cứ chỉ trích “nhạc gì mà hò hét như ma làm!” hay “nhạc gì mà ỉ ôi than khóc thế!” không phải là không có lý.
Cuối năm nay có khi phải tổ chức bình chọn ca sỹ Lệ Rơi là người tự tin nhất của năm 2014.
_____________________________
Khi tôi viết một stt về ca sỹ Lệ Rơi, có bạn cmt rằng "Anh dạo này rảnh rỗi hè?". Chắc bạn ấy cho rằng đây là những chuyện láo nháo lặt vặt vui vui thôi sao để mất thời gian chú ý.
Trên mạng, một phụ nữ nước ngoài mở trên trang của mình một mục online 'Ăn tối cùng tôi". Chị đó ăn một mình, và nói chuyện về bữa ăn đó, về thói quen ăn uống, về các liên tưởng này nọ bình thường. Người phụ nữ thu được nhiều tiền từ "Đài Truyền Hình Ăn Tối Một Mình " này bởi có rất nhiều phụ nữ độc thân ăn tối một mình có thói quen truy cập vào trang đó (và trả phí) chỉ để "có người cùng ăn tối" kiểu đó.
Ở Việt Nam, tôi được cho biết có người đưa lên trang của mình toàn bộ các buổi câu cá, kiểu online. Chậm rãi nói mồi thế nào, thời tiết thế nào, cách câu thế nào.... Và trường Đại học Câu Cá này rất nhiều học sinh.
Có một thực tế là Internet đưa lại những điều trước chưa hề có và sau câu chuyện của Lệ Rơi là những cái chẳng hề nhỏ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"