Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế
Sau hơn 1 tháng xảy ra sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 hoạt động ở
vùng biển của Việt Nam đã gây ra phản ứng mạnh mẽ phản đối hành vi xâm
phạm chủ quyền của Việt Nam từ Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam
đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng chủ trương phản đối Trung Quốc nhưng
không làm tổn hại quan hệ hữu nghị 2 nước Trung Việt và cử sứ thần đàm
phán với Trung Quốc trên 30 lần (theo thông báo của BNG Việt Nam – cấp
cao nhất là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh). Kết
quả Trung Quốc chỉ đáp lại Việt Nam không được quấy rối hoạt động của
Trung Quốc, chủ quyền biển Đông, Hoàng Sa của Trung Quốc là không bàn
cãi. Nếu Việt Nam cố tình quấy rối Trung Quốc thì Việt Nam phải gánh
chịu hậu quả. Tập Cận Bình người đứng đầu Trung Quốc cũng đã nói thẳng
với PCTN Nguyễn Thị Doan khi tham dự hội nghị ở Thượng Hải rằng Trung
Quốc thấy không cần có cuộc gặp cấp cao 2 nước, có gặp đ/c Phú Trọng
cũng không giải quyết được gì. Việt Nam cần chấm dứt quấy rối Trung
Quốc, điều đó có nghĩa là cánh cửa thương lượng ở cấp cao 2 nước để giải
quyết sự kiện Hải Dương 981 đã đóng cửa.
Sự thật diễn ra là việc Việt Nam lên án không có ảnh hưởng gì tới
hoạt động của Trung Quốc. Dàn khoan Hải Dương 981 sau hơn 1 tháng đã
khoan được 2 mũi cắm vào lòng đất thuộc lãnh thổ của Việt Nam – điều này
ai cũng thấy cả rồi. Khoan xong 2 mũi, 981 di chuyển để tránh bão thì
Trung Quốc cử Trưởng ban đối ngoại gặp Hoàng Bình Quân – Trưởng ban đối
ngoại TW của Việt Nam – các thông tin được tiết lộ chủ yếu phía Trung
Quốc vẫn giữ nguyên luận điệu của BNG Trung Quốc là đe doạ, yêu cầu Việt
Nam chấm dứt quấy rối Trung Quốc và đưa ra chỉ trích phản ứng của Việt
Nam đã phá vỡ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, người bị Trung Quốc chỉ
trích đích danh là ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vì đã có những
bài phát biểu mạnh mẽ lên án Trung Quốc và vạch trần sự thật của các
chữ “tốt” cấp cao hai nước đã tặng nhau.
Tiếp theo Trung Quốc cử Dương Khiết Trì, Bộ trưởng NG sang Việt Nam
và đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tiếp và có cuộc hội đàm
với PTT Phạm Bình Minh. Đây được coi là lãnh đạo cao nhất của phía
Trung Quốc sang Việt Nam vào lúc quan hệ 2 nước đang căng thẳng do Trung
Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Sau cuộc gặp này, các phương tiện
thông tin đại chúng của Việt Nam đã đưa tin về sự trao đổi “thẳng thắn” ý
kiến của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên quan sát kỹ thì lại chưa
đưa nội dung Dương Khiết Trì nói gì với các nhà lãnh đạo Việt Nam – điều
đó khiến cho dư luận trong và ngoài nước đặt ra nhiều câu hỏi – Tuy có
nhiều nhận xét khác nhau nhưng đều thống nhất chuyến đi của Dương Khiết
Trì sang Việt Nam lần này mang nhiều tiêu cực hơn tích cực – với động cơ
và mục đích rất thâm hiểm, tạm phân tích là:
Một là, củng cố (trấn an) cho 1 số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam lệ
thuộc Trung Quốc như Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế
Huynh, Phạm Quang Nghị rằng Trung Quốc luôn đứng sau họ, nhưng họ phải
kiềm chế được các phản ứng đối với Trung Quốc.
Hai là, chia rẽ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Trung Quốc hiểu rất
sâu tình hình nội bộ Việt Nam, vừa qua báo chí Trung Quốc thông tin,
Trưởng ban đối ngoại TW của Trung Quốc khi gặp ông Hoàng Bình Quân đã
chỉ trích mạnh mẽ sự phản ứng của Việt Nam. Đặc biệt là chĩa vào ông
Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng các phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã phá vỡ
quan hệ 2 nước Trung-Việt.
Ba là, tiếp tục đe doạ và trói các nhà lãnh đạo Việt Nam vào 4 tốt,
16 chữ vàng, và đưa ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một số nguyên tắc
mới “4 không” là: không được quấy rối Trung Quốc, Hoàng Sa là của Trung
Quốc không bàn cãi, xung đột biển Đông do lãnh đạo 2 nước bàn với nhau;
Việt Nam không được kiện ra toà án quốc tế; không được lôi kéo các nước
vào câu chuyện này, không để Mỹ và phương Tây lợi dụng diễn biến hoà
bình phá hoại 2 nước. Nếu Việt Nam vi phạm nguyên tắc đó thì Việt Nam sẽ
chịu hậu quả.
Bốn là, chia rẽ và phá hoại, ngăn chặn sự ủng hộ của các nước về các
biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bằng việc tạo ra những
tín hiệu để các nước cảm nhận giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đi đêm với
nhau mà nản lòng.
Qua quan sát các hoạt động của các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam
cho thấy sau chuyến đi của Dương Khiết Trì thì sự lên tiếng phản đối
Trung Quốc có sự hạ giọng hơn. Nguyên nhân, theo các nguồn tin cho biết
vừa qua ông Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo nội bộ đấu tranh với Trung
Quốc phải mềm mỏng, không làm tổn hại tới 4 tốt và 16 chữ vàng- hạn chế
đưa tin, không được để Trung Quốc mất lòng. Tiếp tục cử đoàn đám phán
với Trung Quốc, chưa cần thiết phải khởi kiện. Ông Tổng Bí thư còn đưa
ra lời cảnh cáo những đơn vị và cá nhân có phản ứng làm Trung Quốc phật
ý. Đáng lưu ý còn có rỉ tai trong nội bộ rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
bị Bộ Chính trị phê bình vì đã lên án Trung Quốc quá mạnh mẽ. Ông Chủ
tịch nước cũng nhân chuyện này mà lên tiếng trước bàn dân thiên hạ. Ông
đã khôn khéo gọi TTXVN đến phỏng vấn, ông tỏ ra là một người có lập
trường cứng rắn bảo vệ chủ quyền của đất nước, phản đối Trung Quốc-rồi
ông chỉ đạo đài truyền hình lấy ý kiến người dân ca ngợi bài phát biểu
của ông, nhưng ông lại không cân nhắc kỹ bài phát biểu của mình là nhắc
lại lời của tiền nhân, đại ý là nếu có vấn để gì làm đại quốc phật ý thì
phải cử sứ thần sang đại quốc tâu bẩm cho tường tận. Rốt cuộc CTN
Trương Tấn Sang vẫn phải tuân thủ nguyên tắc của Dương Khiết Trì đã đặt
ra là việc của 2 nước do 2 nước bàn với nhau, qua đó cho thấy Trương Tấn
Sang cũng không thoát được định mệnh lịch sử - thắng hay hoà cũng phải
cầu kiến, cống nạp cho đại quốc. Đại quốc quyết định vận mệnh của chư
hầu.
Nắm được động thái này mấy ngày cuối tháng 6, Trung Quốc hoạt động
hung hăn hẳn lên, họ lại kéo thêm dàn khoan vào vùng biển nước ta, khoan
mũi thứ 3- các tàu chấp pháp, kiểm ngư của Trung Quốc hung hăng hơn
nhiều, đâm thẳng vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam làm hư hỏng nhiều
chiếc, tin trong và ngoài nước đã đưa đầy đủ về các hành động bạo ngược
của Trung Quốc, có điều là Việt Nam cứ phản đối còn Trung Quốc cứ hành
động, Phép thử 981 đã đo được phản ứng của Việt Nam, đã không gây được
trở ngại gì cho hoạt động chiếm biển Đông của Trung Quốc. Những gì Trung
Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông họ sẽ thực hiện quyết liệt vào
những năm tới, bao gồm khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng trên
các đảo để khẳng định lãnh thổ của họ. Khi họ hoàn thành các mục tiêu
thì có làm gì cũng đã muộn, phải chấp nhận thực tế.
Thế là đã rõ, Trung Quốc đã thắng, thắng ngay từ trong nội bộ của
Việt Nam- những kẻ lãnh đạo bị Trung Quốc thuần phục trước mắt đã làm
được một điều Trung Quốc vừa ý – là mềm mỏng để giữ đại cục, không cần
quốc tế ủng hộ để chống diễn biến hoà bình. Hành động như thế chả khác
gì dâng biển Đông cho Trung Quốc để được tình hữu nghị mong manh.
Diễn biến âm mưu của độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thì dàn lãnh
đạo Bộ Chính trị đều đã biết cả! Vậy vì cái gì và do ai khiến mà họ
không đưa ra được biện pháp gì để ngăn chặn mưu đồ Trung Quốc ngoài mềm
mỏng đấu tranh ngoại giao??? Các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu có
Hoàng Văn Hoan thứ 2 trong nội bộ cấp cao của Việt Nam không? Rất có
thể, nhưng trước tiên phải xét tới yếu tố người đứng đầu Đảng này không
đủ tầm lãnh đạo đất nước, họ mê muội không thoát ra được những quan niệm
cũ lỗi thời, rơi vào trạng thái bung biêng (mất tự chủ) bạn-thù không
rõ, họ bị một đám cơ hội chỉ lối làm những điều thân Trung Quốc, có hại
cho đất nước-đắm chìm vào các biện pháp gây mâu thuẫn nội bộ, sợ Trung
Quốc mà không nhìn thấy nguy cơ đe doạ đất nước là gì và từ đâu.
Mọi người dân hiện nay đều nhận thức rõ ai là người tâm huyết vì đất
nước, ai là người làm hai đất nước – người dân còn như vậy còn họ với tư
cách là người lãnh đạo không có lý gì lại không nhận thức được điều đó,
họ đã cố tình lờ đi sự thật. Vì vậy, mong rằng những người tâm huyết
với đất nước trong giới lãnh đạo phải thoát ra khỏi các nghị quyết không
hợp lòng dân – làm cho những người mê muội có cơ hội hiểu được họ không
đủ năng lực lãnh đạo đất nước vào lúc này. Nếu họ cứ cố bám vào chức vụ
ho đang nắm giữ thì việc đối phó với Trung Quốc xâm chiếm biển Đông sẽ
gặp nhiều khó khăn trở ngại, nội bộ sẽ bất yên.
Khó khăn lớn nhất trong việc đối phó với Trung Quốc xâm chiếm biển
Đông là nhận thức về mưu đồ của Trung Quốc. Chuyến đi của Dương Khiết
Trì tới Việt Nam vừa qua và những gì diễn ra sau đó không phải mang đến
những giải pháp tích cực giữa hai nước về biển Đông, nó chứa đựng một
mưu đồ nham hiểm, vừa trấn an, vừa đe doạ, tạo các yếu tố mâu thuẫn nội
bộ, chia rẽ quan hệ quốc tế, tạo ra tâm trạng bung biêng, mơ hồ do dự
trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam và gây sự hoài nghi cho các nước để họ
nản chí ủng hộ Việt Nam, để rồi bị cô lập, ngồi nhìn Trung Quốc ngang
nhiên xâm chiếm biển Đông của nước ta./.
Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế (xin được phép dấu tên)