Nguyễn Tường Thụy
Chiều nay, 27/6/2014, thông tin về Đỗ Thị Minh Hạnh ra tù trước thời
hạn làm náo nức những người yêu nước. Trên mạng xã hội facebook, mọi
người hân hoan chia sẻ niềm vui này. Niềm hân hoan chẳng khác nào khi
Nguyễn Phương Uyên ra khỏi nhà tù ở Long An. Nhà báo Phạm Chí Dũng gọi
Hạnh là “cánh chim báo bão” (“Cánh chim báo bão đã sải cánh tự do”).
Cách đây vài tuần cũng có thông tin là Hạnh được trả tự do nhưng chưa
phải. Những người tiếp nhận thông tin này thể hiện thái độ dè dặt.
Thông tin đưa ra hơi sớm nhưng có cơ sở. Có lẽ vì thế, cho đến cuối ngày
hôm nay, vẫn còn có người dè dặt.
Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt vào ngày 23/02/2010 tại Di linh-Lâm Đồng.
Hạnh bị truy tố bởi tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”
theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự. Trong phiên tòa ngày 27/10/2010, cô bị
đưa ra xử cùng với Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Cả ba nhà
hoạt động còn rất trẻ này đều bị kết án nặng nề: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9
năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, mỗi người 7 năm tù
giam.
Hạnh từ chối luật sư. Cô xác nhận tất cả hành vi mình làm nhưng không cho đó là tội.
“Tội” của Hạnh là tổ chức cho hơn 1000 công công ty TNHH
giày da Mỹ Phong tại tỉnh Trà Vinh đình công. Điều cần lưu ý là công ty
này lại là công ty của Trung Quốc.
Hạnh bị đánh đập nhiều lần nhưng không bao giờ nhận tội. Quản giáo
trại giam nói với gia đình Hạnh, con này nó bướng lắm, nó không chấp
hành nội qui của trại.
Cô bị chuyển qua nhiều trại giam, cuối cùng, ngày 2/10/2013, cô bị chuyển ra trại giam Thanh Xuân (huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Như vậy, Hạnh đã bị giam 4 năm, 4 tháng, ra tù trước hạn 2 năm 8
tháng. Việc Hạnh ra tù là vô điều kiện và chắc hẳn không phải do “chính sách nhân đạo” của nhà nước cộng sản Việt nam.
Do những cống hiến của mình, Đỗ Thị Minh Hạnh đã được giải Quốc tế Nhân quyền năm 2011 cùng với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Đây là kết quả vận động quốc tế với sự tham gia của nhiều tổ chức,
chính giới các nước đặc biệt là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Bà Trần
Thị Ngọc Minh, mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh. Bà đã vượt biên giới đi khắp
nơi kêu cứu cho con khi mọi cố gắng trong nước không đạt kết quả. Bà có
mặt ở Đức, Áo, Mỹ, Canada, Austrlia.
Ngày 16/1/2014, Bà tham gia buổi điều trần về tù nhân lương tâm trên
thế giới diễn ra trước Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos tổ chức tại phòng
HVC 210 trong Trung tâm tiếp khách của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Bà Trần Thị Ngọc Minh điều trần trước Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos tại Quốc hội Hoa Kỳ
Trong quá trình vận động quốc tế, Bà Trần Thị Ngọc Minh không chỉ kêu cứu cho con bà. Bà nói:
“Tôi đến đây, đề nghị với các chính giới và quốc hội Hoa Kỳ can thiệp với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho con tôi. Không những trả tự do cho con tôi mà còn phải trả tư do cho tất cả tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam bởi vì họ là những người yêu nước, những người không có tội với tổ quốc, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam và hành hạ, đánh đập con tôi ở trong tù rất tàn nhẫn. Tôi xin đến đây mong quí vị ở chính giới Hoa Kỳ cứu giúp con tôi cùng hai người bạn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, cùng hoạt động giúp đỡ những người dân oan, những người công nhân bị áp bức, bị bóc lột. Đáng lý ra nhà nước cộng sản phải trân trọng thì lại bắt ba bạn trẻ này, đánh đập, bỏ tù và hành hạ trong nhà tù.”
Tại Đức, Bà Trần Thị Ngọc Minh đã có cuộc gặp với Ủy Ban Nhân quyền
Quốc hội Liên bang Đức vào ngày 8.4.2014. Ngày hôm sau, Bà đến gặp Đặc
ủy viên Nhân quyền Liên bang Đức. Trong dịp này bà đã đến trao đổi với
văn phòng nữ dân biểu Sabine Bätzing-Lichtenthäler là người đỡ đầu cho
Đỗ Thị Minh Hạnh.
Ở Canada, ngày 3/5/2014, bà Minh đã có buổi nói chuyện với 200 đồng
hương tại thành phố Toronto. Buổi nói chuyện vô cùng cảm động. Bà nghẹn
ngào, nước mắt giàn giụa. Những người tham dự xúc động mạnh mẽ, cũng
không cầm nổi những giọt nước mắt lã chã, xa xót cho những đứa con ưu tú
của dân tộc vì đấu tranh mà bị cầm tù, đày ải.
Clip bà Minh nói chuyện tại Toronto Mời xem tại đây:
Và tại đây:
Tại Úc, Bà Minh đã tiếp xúc với đồng bào gốc Việt tại 5 thành phố
Brisbane, Sydney, Melbourne, Adlaide và Perth. Đặc biệt tại Sydney và
Melbourne bà được phát biểu trước hàng ngàn đồng bào.
Một cuộc Hội thảo tại Quốc Hội Liên Bang - Canberra với sự hiện diện
của 14 dân biểu nghị sĩ liên bang đã được tổ chức. Chính giới Úc vận
động Bộ Ngọai Giao quan tâm đến trường hợp của Đỗ Thị Minh Hạnh và các
tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Một cuộc thảo luận khác về Nhân quyền cũng được tổ chức tại Quốc hội
Tiểu bang Victoria - Melbourne với 7 dân biểu tiểu bang tham dự. Các dân
biểu này đã phổ biến một lá thư kêu gọi nhà cầm quyền VN trả tự do cho
Đỗ Thị Minh Hạnh.
Sự cố gắng không mệt mỏi của Bà Trần Thị Ngọc Minh đã thu hút được
chú ý, quan tâm của công luận, của nhiều tổ chức, chính giới các nước.
Tại hội nghị Asean ở Brunei, Ngoại trưởng Úc Bob Carr đã yêu cầu Việt
Nam trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy
Chương. Ông nói: “Chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng cho việc bảo vệ
quyền tự do lập hội và tự do thành lập công đoàn.”, “Tôi đã yêu cầu Việt
Nam thả những người này”.
Được biết, Bà Minh được chính phủ Ba Lan cấp Visa tị nạn chính trị tạm thời 2 năm. Nói chuyện với Bà qua skype, tôi hỏi: “Chị có tính đến khi trở về VN, chị sẽ gặp rắc rối thậm chí nguy hiểm không?" Bà bảo có chứ, nhưng nhất định tôi sẽ về.
Sự cố gắng không mệt mỏi xuất phát từ tình mẫu tử của Bà Trần Thị
Ngọc Minh đã không uổng phí. Sứ mạng của Bà trong chuyến đi vận động
quốc tế này về cơ bản đã hoàn thành. Nhưng còn biết bao tù nhân lương
tâm hiện nay đang bị tù đày ở các trại giam trong điều kiện rất khắc
nghiệt.
Không chỉ Đỗ Thị Minh Hạnh mà tất cả tù nhân lương tâm khác phải được
trả tự do. Cuộc đấu tranh vì Tự do, Dân chủ, nhân quyền, vì tương lai
tươi sáng của Đất nước, Dân tộc còn nhiều gian nan lắm.
27/6/2014
Nguyễn Tường Thụy