Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Những Lời Trăng Trối của Gs Trần Đức Thảo

Nguyễn Văn Tuấn
Ở nước ngoài cư dân mạng đang truyền nhau những bài điểm sách cuốn “Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối” của tác giả Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê (xuất bản ở Mĩ, 2014). Sở dĩ người ta chú ý đến cuốn sách này là vì ông Trần Đức Thảo viết khá nhiều về ông Hồ Chí Minh.
Hình như ai cũng công nhận ông TĐT là người học rất giỏi và rất thông minh. Ông được xem là triết gia thực thụ. Ngay cả Giáo sư Trần Văn Giàu cũng nhận xét rằng Việt Nam có những người nghiên cứu và giảng dạy triết học, nhưng chỉ có TĐT là người duy nhất được xem là triết gia. Còn các vị triết gia XHCN ngoài đó thì xem như là vứt đi.
Như các trí thức khác do ông HCM thuyết phục về VN, ông Trần Đức Thảo có một cuộc đời gian truân dưới chế độ XHCN ngoài Bắc. Ông TĐT về VN năm 1952. Năm 1955 được bổ nhiệm giáo sư tại trường Đại học Sư phạm và Văn khoa, và chủ nhiệm khoa sử của ĐH Tổng Hợp Hà Nội. Tưởng rằng ông được trọng dụng, nhưng sai be bét! Ông bị chụp mũ có dính dáng đến phong trào Nhân văn Giai Phẩm, và những người hung hăn nhất tấn công ông thời đó có cả giáo sư Nguyễn Lân! Và, thế là ông bị giam tù tại gia cho đến ngay ông xin đi Pháp chữa bệnh năm 1991, và qua đời ở Pháp vào năm 1993.
Ông Trương Như Tảng viết về thời gian bị nhà cầm quyền giam lỏng như sau: "Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man." Quả là dã man! Nhưng cách hành xử đó cũng chẳng khác gì cách nhà cầm quyền đàn áp và đày đọa các nhà trí thức bất đồng chính kiến hiện nay.

Trong thời gian ở Pháp, ông TĐT có trò chuyện với nhà báo Tri Vũ, và những buổi trò chuyện được ghi âm. Cuốn sách “Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối” được viết lại theo những kí âm đó. Trong sách, TĐT kể lại 3 lần gặp ông HCM. Ông có những nhận xét không mấy tốt về ông HCM. Chẳng hạn như ông phân tích mấy bút danh và bí danh của ông cụ (như “Ái Quốc”, “Vương”, “Chí Minh”) để nói rằng ông có mộng bá vương chứ không đơn thuần chỉ làm chính trị. Nghe nói ông Tạ Thu Thâu bị thủ tiêu vì dám nói “Ngòai Bắc có Cụ, trong Nam có… tôi”! Ông TĐT nhận xét rằng ông HCM phải dựa vào Mao Trạch Đông và hình như gia nhập đảng cộng sản China và tham gia Bát Lộ Quân của Tàu. Đó chính là nguồn gốc của những chỉnh huấn, và cải cách ruộng đất.
Theo như các bài điểm sách thì ông TĐT còn có những nhận xét động trời khác, nhưng có lẽ không nên viết ra ở đây. Các bài điểm sách này được viết theo một văn phong mà người đọc có cảm giác không phân biệt được câu nào là của ông TĐT, câu nào là của tác giả, và câu nào là tác giả suy luận. Cái vấn nạn của nhiều người viết báo là họ quên phân biệt fact và opinion. Nhưng có lẽ cuốn sách này cùng với cuốn của Gs Nguyễn Mạnh Tường sẽ cung cấp cho những người không sống trong xã hội ngoài Bắc thời trước có thêm những thông tin có ích về cuộc sống và đau khổ của những người trí thức chân chính.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"