Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

5 sai lầm của thế giới đối với Trung Quốc

Trần Kính Nghị
Lâu nay dư luận quốc tế nói nhiều về sai lầm của TQ trong âm mưu độc chiếm Biển Đông...,  nhưng không nói về sai lầm của thế giới trước mưu đồ của TQ. Thật ra tình hình Biển Đông sẽ không như ta thấy ngày nay nếu thế giới đã không phạm quá nhiều sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc. Dưới đây xin điểm qua một số sai lầm chính.


Sai lầm thứ nhất- Thế giới thường coi TQ như một nước đông dân nghèo nàn lạc hậu cần được giúp đỡ hơn là phải đề phòng. Lòng vị tha của  thế giới, nhất là của các nước Âu, Mỹ đã bị TQ lợi dụng trong suốt nửa thế kỷ qua kể từ khi nước CHNDTH ra đời năm 1949.
Đúng ra đã có một thời kỳ Mỹ và phương Tây đã chống TQ nhưng chỉ vì lý do lo sợ CNCS, mà không thấy nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc đại Hán mới là điều đáng sợ nhất. Sau khi TQ thực hiện "mở cửa" cả thế giới đã hồ hởi nhảy vào giúp một cách vô tư...như người giàu giúp kẻ nghèo. Chính nhờ sự đầu tư vốn và khoa học-công nghệ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh... và sự rộng lượng của các thể chế tài chính-thương mại thế giới, TQ đã nhanh chóng hội đủ điều kiện để hiện thực hóa mưu đồ bá chủ ấp ủ từ lâu. Một trong những việc đầu tiên mà giới lãnh đạo TQ đặc biệt chú trọng là xây dựng lực lượng hải quân hiện đại để bắt nạt các nước nhỏ quanh biển Đông nhằm ý đồ độc chiếm biển Đông tiến tới giành quyền bá chủ thế giới. 

Sai lầm thứ hai - Khi Bắc Kinh công bố đường chữ U, còn gọi là "đường 9 đoạn" hay "lưỡi bò" (vốn chỉ là một bản vẽ tay ngẫu hứng của một viên tướng thời Tưởng Giới Thạch) thì cả thế giới mặc dù thấy vô lý nhưng không nhận ra nguy cơ nguy hiểm nên không có ý thức phải xóa bỏ nó ngay từ trong trứng nước. Mãi đến gần đây khi nhận thấy các lực lượng hùng hậu của TQ đe dọa hòa bình ổn định tại biển Đông thì đã muộn. Cái đường lưỡi bò như trò đùa trẻ con đó nay đã hiện rõ trên bản đồ thế giới với cả những "đốt xương" chạy từ căn cứ Tam Á (đảo Hải Nam) xuống cái gọi là "Thành phố Tam Sa", sắp tới xuống tận bãi  Gạc Ma giữa biển Đông, chẳng mấy chốc sẽ xuống tận eo Malacca.

Tuy vậy, đến giờ phút này thế giới vẫn chưa hề có một biện pháp tập thể nào để đối phó một cách có hiệu quả. Trong khi ASEAN là tập họp của 10 quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng tiếp tục bị chia rẽ thì LHQ dường như bị thôi miên.  
   
Sai lầm thứ ba-  Tính đến nay có lẽ chưa nước nào hình dung một ngày kia khi biển Đông trở thành "nội thủy" của TQ và  tàu bè của bất cứ nước nào qua đây đều phải xin phép và nộp lệ phí cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tuyến đường hàng hải xung yếu này quan trọng là vậy, nhưng không hiểu sao thiên hạ coi đó là chuyện riêng của một vài nước có tranh chấp biển đảo với TQ, thậm chí không ít kẻ muốn lợi dụng để "đục nước bé cò" kiếm lợi trong quan hệ với TQ. 

Sai lầm thứ tư- Toàn bộ hệ thống luật lệ và các cơ chế hợp tác quốc tế của thế giới, kể cả hai tổ chức đồ sộ là LHQ và WTO đều bó tay trước những hành động vô lý trắng trợn của một nước thành viên, đó là TQ. Thật trớ trêu khi Mỹ, EU, Nga thường huy động nguồn lực quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác,  nhưng không hề có hành động tương tự trước TQ. Tất cả những gì mà họ, kể cả Mỹ, làm được cho đế nay chỉ là lời nói (lip service).  

Sai lầm thứ năm- Thế giới đang chấp nhận TQ như một siêu cường mặc dù nước này không hề có tố chất của siêu cường. TQ hành động như một quốc gia kẻ cướp chỉ cậy sức mạnh bất chấp luật lệ và  đạo lý. Cũng là chiến tranh chống VN, nhưng Mỹ dù sao cũng còn biết "phục thiện", nhưng TQ thì vừa dã man tàn bạo vừa thủ đoạn đê tiện đổi trắng thay đen rất "khó chơi".

Trên đây là tóm lược 5 sai lầm cơ bản của thế giới đối với TQ trong vấn đề biển Đông. Chừng nào chưa có sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể cộng đồng quốc tế để đối phó với âm mưu bành trướng bá quyền đại Hán thì hòa bình, an ninh của châu Á và thế giới sẽ còn tiếp tục bị đe dọa bởi Trung Quốc; Việt Nam và Philipin chỉ là sự bắt đầu./.
 

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"