Ngô Nhân Dụng
Ai muốn thấy rõ một sai lầm căn bản Karl Marx đã phạm, cứ theo dõi
chuyện đang diễn ra tại xứ Iraq. Marx mở đầu bản Tuyên ngôn Cộng sản
bằng lời khẳng định: Lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp. Nhưng lịch
sử xứ Iraq đang diễn ra trong mấy năm gần đây, cũng như lịch sử Việt Nam
và Trung Quốc từ vài ngàn năm nay, cho thấy những động cơ thúc đẩy lịch
sử không phải là đấu tranh giai cấp như Marx tưởng tượng. Hai động cơ
mạnh nhất gây ra chiến tranh, thúc đẩy loài người giết nhau trên quy mô
tập thể và kéo dài nhiều thế kỷ, là chủng tộc và tôn giáo.
Người Việt Nam sở dĩ kháng cự được làn sóng đồng hóa để bành trướng
của văn minh Hán tộc là do tổ tiên chúng ta đã ý thức rằng “mình khác,
họ khác.” Người Việt mình nói một ngôn ngữ khác, theo những phong tục
tập quán khác, thờ phượng các thần thánh khác họ, cho nên mình phải là
một nước độc lập. Những anh hùng như Trưng Nữ Vương, Phùng Hưng, Trần
Quốc Tuấn, Lê Lợi chỉ nhân danh tình tự dân tộc mà kêu gọi dân Việt đoàn
kết chống Bắc xâm. Quang Trung không kêu gọi giai cấp vô sản Việt Nam
vùng lên chống tư bản nhà Thanh; bài hịch xuất quân của ngài nói: Ðánh
cho để tóc dài! Ðánh cho để răng đen. Dân Việt thiết tha gìn giữ những
tập tục cổ truyền đó, mặc dù nhà Hán, nhà Minh đã tìm cách bắt thay đổi.
Cho nên Quang Trung đã thành công, đuổi được giặc nhà Thanh.
Những biến cố ở Iraq cho thấy tôn giáo và chủng tộc là những yếu tố
quyết định lịch sử. Năm 2003 quân Mỹ tấn công Iraq lấy cớ là Saddam
Hussein đang chế bom nguyên tử, đe dọa thế giới và nước Mỹ, và nhà độc
tài này quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố al-Qaeda, thủ phạm vụ tàn
sát ngày 11 tháng 9 năm 2001. Chính quyền Mỹ bắt, xử tử Hussein rồi,
tuyên bố họ sẽ giúp xây dựng một xứ Iraq theo chế độ dân chủ tự do, chia
đều quyền lợi cho các nhóm dân. Với quân đội Mỹ giúp bảo vệ an ninh,
với viện trợ kinh tế của nước Mỹ giầu có, người ta nghĩ sẽ thực hiện
được giấc mơ đó. Chế độ mới sẽ được dùng làm mẫu cho công cuộc dân chủ
hóa toàn thể vùng Trung Ðông, một giấc mơ còn lớn hơn nữa.
Sau gần 12 năm, hai giấc mơ này đều tan vỡ. Dân chúng Mỹ chưa bao giờ
chấp nhận tham dự một cuộc chiến tranh kéo dài quá mấy năm. Trong Ðại
Chiến Thứ Nhất (1914-18) và Thứ Hai (1939-45), nước Mỹ chỉ tham dự vào
hai năm chót. Chiến tranh Cao Ly dài 3 năm; Mỹ đưa quân đội tới Việt Nam
năm 1964, đến 1968 đã thấy kéo dài quá, tính đường rút đi rồi. Nước Mỹ
không có kinh nghiệm của một đế quốc như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc,
chiếm đóng xứ khác rồi cai trị theo một chương trình lâu dài, vô giới
hạn. Sớm muộn, quân Mỹ cũng rút khỏi Iraq.
Nhưng lịch sử xứ Iraq không do người Mỹ quyết định. Nói cách khác,
chính quyền Mỹ, hay chính quyền bất cứ cường quốc nào khác, không thể
quyết định thay đổi lịch sử của miền đất gọi là Iraq, trong đó có nhiều
sắc dân và nhiều tôn giáo phức hợp sống bên cạnh nhau mà không sống
chung với nhau. Càng không thể quyết định một nền nếp sống theo chủng
tộc và tôn giáo đã kéo dài hàng ngàn năm trong vùng đất kéo dài từ bờ
phía Ðông Ðịa Trung Hải sang tới đồng bằng Punjab thuộc nước Pakistan.
Chủng tộc và tôn giáo quyết định các diễn biến lịch sử của cả vùng này.
Riêng trong xứ Iraq, người theo Hồi Giáo đã chia ra hai phái Sunni và
Shi A từ hơn ngàn năm.
Saddam Hussein thuộc thiểu số người theo phái Sunni đã cai trị nước
Iraq nhờ bạo lực. Trong nước này 60% dân số theo phái Shi A, và 20% là
người Kurds. Hussein đã hai lần gây chiến với Iran, một nước đa số dân
theo phái Shi A. Ngược lại, trong nước Syria, chính quyền của cha con
ông Assad thuộc một nhóm Shi Ai thiểu số cai trị một nước đa số theo
phái Sunni, với nhiều sắc dân khác nhau. Người Sunni ở Iraq và Syria gần
gũi nhau hơn là gần những người cùng một nước nhưng theo giáo phái
khác. Dân tộc Kurd đã chịu số phận chia năm xẻ bảy, chưa bao giờ lập
được một quốc gia và phải đóng vai người thiểu số trong các nước Iran,
Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và một số nước khác.
Gần đây, khi dân Sunnis ở Syria nổi lên đòi lật đổ Bashar al-Assad,
thì những người Iraq theo phái Sunni cũng hợp tác, tạo thành một lực
lượng với dự án thành lập một quốc gia mới, Ðại quốc Iraq và Syria Hồi
Giáo (Islamic State of Iraq and Greater Syria - ISIS). Các nước Á Rập,
Hồi Giáo như Saudi, Jordan giúp ISIS, nhưng chính phủ Mỹ không muốn giúp
vì trong nhóm này có các cán bộ al-Qaeda. Trong mấy tuần qua, quân ISIS
tấn công, chiếm mấy thành phố lớn, quân đội của chính phủ Iraq chạy như
vịt. Trong vùng do ISIS chiếm đóng, biên giới giữa hai nước Iraq và
Syria đã bị xóa trong thực tế, và được cử hành một cách chính thức và
long trọng trước các máy truyền hình.
Nước Mỹ đã chi ra 2,000 tỷ đô la trong cuộc chiến và chương trình tái
thiết Iraq; trong đó có 25 tỷ để thành lập một đạo quân quốc gia, bao
gồm các chủng tộc và các giáo phái. Vì đa số dân Iraq theo phái Shi Ai,
chính quyền ở thủ đô Baghdad do người Mỹ lập nên có một ông thủ tướng
Shi Ai, Nouri al-Maliki. Malaki thành lập một chính phủ liên hiệp với
những người thuộc phái Sunni cũng như người Kurds. Ông ta giao hảo với
chính quyền Shi A ở Iran, chính quyền Mỹ chấp nhận. Khi quân Mỹ rút về,
Malaki bắt đầu một chính sách loại bỏ những sĩ quan và công chức cao cấp
theo phái Sunni. Quân đội mất niềm tin, dân Sunni bất mãn. Vì vậy,
trước đạo quân ISIS chỉ có vài ngàn người quyết tử, quân đội Iraq, tổng
cộng trên 50,000 không thấy hứng thú kháng cự. Những thành phố đa số dân
theo phái Sunni dễ dàng ngả theo ISIS.
Tại thành phố Baiji, quân ISIS chỉ lên tiếng kêu gọi, tất cả lực
lượng cảnh sát tự giải tán. Khi chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ nhì
của Iraq, ISIS chiếm được bao nhiêu triệu đô la trong ngân hàng của
chính phủ. Họ cũng trở thành chủ nhân của những vũ khí do Mỹ cung cấp
cho quân Iraq. Thành phố Kirkuk được quân Kurd chiếm nên không vào tay
ISIS. Người Kurds từ lâu vẫn muốn dùng Kirkuk làm thủ đô một vùng, nếu
không phải là một quốc gia, tự trị, một nước Kurdistan. Vùng đất này
cũng là nơi tập trung nhiều mỏ dầu lửa. Ngay trong vùng này cũng có nửa
triệu người Iraq gốc Thổ Nhĩ Kỳ, mà chính phủ nước Thổ đang lo phải đưa
quân sang bảo vệ những người cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ.
Sau khi lãnh tụ bin Laden bị biệt kích Mỹ giết, tàn quân al-Qaeda đã
tìm được một chỗ tập họp mới. Lực lượng al-Qaeda trước đây trong thời
Hussein không thể xuất hiện tại xứ Iraq, nay xâm nhập các đạo quân của
ISIS. Nhưng ngày nay quân khủng bố có gốc gác al-Qaeda đã tổ chức một
cuộc đặt bom đánh cả ở phi trường Karachi, nước Pakistan. Osama bin
Laden ngày xưa cũng chỉ mơ ước sẽ có lúc đạt được thành tích đó. Trong
khi đó, tướng Qassem Suleimani, đứng đầu lực lượng QUDS của Iran đã bay
đến thành phố Tal Afar, gần biên thùy Syria. Chính quyền Iran chắc chắn
lo quân ISIS với đa số theo phái Sunni có thể tàn sát người đồng đạo Shi
A với họ, và phá hoại các địa điểm tôn giáo thiêng liêng của người Shi
A.
Trong cố gắng tái lập hòa bình và trật tự lâu dài cho xứ Iraq, Mỹ và
Iran bỗng dưng đứng về cùng một phía, chống lại đoàn quân ISIS. Chính
phủ Mỹ sẽ phải dùng áp lực viện trợ kinh tế và quân sự để ép các phe ở
Iraq ngồi xuống bàn với nhau cách chia sẻ lại quyền hành và các nguồn
lợi dầu lửa; không để cho một phe nào lấn áp phe nào. Khi họ tạm thời
đoàn kết được, thì mới hy vọng ngăn bước tiến của đoàn quân ISIS.
Jordan, Á Rập Sau đi sẽ phải giảm bớt số tiền viện trợ cho các đạo quân
ISIS, nếu Mỹ làm áp lực. Người Kurds đã có một cơ hội mở rộng quyền kiểm
soát vùng đất mà tổ tiên họ đã sống mấy ngàn năm. Biết đâu, trong thế
kỷ này nước Kudistan sẽ ra đời?
Lịch sử xứ Iraq đang diễn ra trước mắt vì những xung khắc chủng tộc,
ngôn ngữ, tôn giáo đã bắt rễ từ hàng ngàn năm. Chắc chắn không phải vì
giai cấp nào đấu tranh với giai cấp nào. Ông Karl Marx chỉ đưa ra những
lý thuyết hoang tưởng. Các lãnh tụ cộng sản như Stalin, Mao Trạch Ðông
đều biết Marx nói sai hết; nhưng họ lợi dụng khẩu hiệu “cách mạng vô
sản” của Marx để bành trướng các đế quốc của họ. Giống như các hoàng đế
nhà Hán, nhà Ðường dùng khẩu hiệu “Thiên hạ vi công” để mở rộng biên
cương.
Người Việt Nam đời xưa không tin ở những khẩu hiệu viển vông đó, cho
nên giữ được nền độc lập. Ðến thế kỷ 20 mới có một nhóm người Việt theo
Mao Trạch Ðông làm cách mạng toàn thế giới. Ðảng Cộng sản ghi vào cương
lĩnh, từ năm 1950, là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Mao Trạch
Ðông.
Họ đặt ra khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội;” ngầm hiểu là
yêu cả Mao Trạch Ðông. Họ theo ông Mao, nhân danh đấu tranh giai cấp,
giết địa chủ, đánh tư sản, và gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương
tàn. Ðến bây giờ họ mới biết mình mắc bẫy rơi vào vòng lệ thuộc phương
Bắc, không thoát ra được.