Bà Đầu Đinh
Không biết ai người Quảng Trị suy nghĩ gì, cảm thấy thế nào về quê hương họ. Riêng tôi, đó là nỗi niềm khôn nguôi.
Lần đầu đến Quảng Trị là lúc 20 năm sau ngày MN Giải phóng. Một nỗi
niềm đan xen, khó diễn đạt bằng một hai từ. Vừa thương cảm, vừa xót xa,
đau đớn, vừa chua xót, nghẹn uất. Lúc đó tôi đã nhớ đến câu nói của
Trịnh Công Sơn. Năm đó TCS ra Hà Nội, và các báo đã đồng loạt đưa bài.
Một bài nào đó đã nhắc đến câu TCS nói về Hà Nội: “HN như miếng bọt
biển, mà mỗi bước đi đều làm bắn ra những tia nước của dấu tích lịch
sử”. Còn tôi, tôi nói về Quảng Trị: “Quảng Trị như chiếc chảo gang nóng
bỏng, mà mỗi bước đi đều phát ra những tiếng kêu chát chúa của đau
thương, đói nghèo, cơ cực, và nỗi đau chiến tranh”.
Quảng Trị 20 năm trước
Năm 1995. Đó là một cuộc khảo sát đói nghèo trên toàn quốc. Từ Quảng
Bạ, Hà Giang, đi qua Gio Linh, Quảng Trị, đến Mang yang, Gia Lai, và kết
thúc ở Củ Chi. Đoàn gồm những người từ 10 lĩnh vực nghiên cứu khác
nhau. Mỗi người tự làm lĩnh vực của mình. Hàng ngày, chúng tôi sáng đi
qua Dốc Miếu, chiều về qua Dốc Miếu. Cái địa danh mà nhắc tên ai cũng
thấy rợn người vì cuộc chiến khốc liệt. Đi qua đó, cuộc sống thanh bình.
Những người đi chợ về thưa thớt. Một quán bán nước, quà bành lèo tèo.
Nhưng sao tai vẫn nghe chát chúa tiếng rền bom đạn. Xung quanh cây cối
xanh tươi, đường đi phẳng lỳ, dưới cái nóng cháy người của tháng 5. Mà
sao vẫn cảm thấy sức nóng ghê người của đạn và pháo. 20 năm bình yên đã
qua nhưng cảm nhận trong con người vẫn còn. Đấy là cảm giác bên trong.
Còn những sự kiện bên ngoài lại là những nỗi ám ảnh khắc nghiệt hơn
nhiều.
Ngồi trong xe lạnh, giữa trưa nắng trang trang. Đầu óc lâng lâng, u
mê. Chợt bừng tỉnh, nhìn ra ngoài. Khung cảnh trắng toát, với những cây
thông đâm lên như rạch toạc cái trắng trời trắng đất. Chợt ngơ ngác,
không hiểu mình đang ở đâu. Giữa cánh đồng tuyết trắng hay giữa sa mạc
cát trắng. Lúc đó tôi đã nghĩ, với phong cảnh này, với bãi biển trong
xanh, bãi cát trắng, và hàng phi lao dài vô tận, nếu làm du lịch, nghỉ
dưỡng thì Quảng Trị không giàu mới là lạ.
Vào một nhà dân. Mái tranh xơ xác. Hai mẹ con, gầy gò, đen cháy trong
cái nắng, gió Lào. Chị chủ nhà mời nước. Chỉ là nước đun sôi, không có
nước chè. Nước chè là thứ phổ biến ở mọi làng quê Việt Nam. Vậy mà… Hỏi
chị: - ở đây mọi người có uống nước chè không? Chị bảo: - có, nhưng có
nhà uống, nhà không. - Sao nhà chị không uống? – không có tiền. Con trai
chị đi học ở trường xã bên cạnh, cách nhà gần chục cây. Nhưng không có
xe đạp. Hàng ngày đều đi bộ. (Trời nắng thế này, ăn uống thế này, vất vả
thế này, thảo nào cả 2 mẹ con đều gầy đét.). Chị bảo, năm ngoái trồng
ớt, thu hoạch được lắm. Năm nay trồng cũng được nhiều lắm. Đất cát hợp
với cây ớt. Nhưng năm nay không bán được vì người ta bảo không xuất
được. Để lại ớt khô ngoài ruộng cát thôi. Rồi chị bảo đợi chị đi lấy dưa
lê về mời khách ăn. Đợi một lát, chị mang từ ngoài ruộng về quả… dưa
bở. Tôi ngạc nhiên hỏi: sao lại bảo đây là dưa lê? Chị bảo: cán bộ
khuyến nông mang giống về giao cho dân trồng, bảo đấy là dưa lê. Trồng
để xóa đói giảm nghèo. – thế chị ăn quả này có thấy ngon không? – cũng
ngon. Hôm trước con trai bị ốm cho nó ăn, nó cũng thích. – Nó ốm, đã
uống thuốc gì chưa? – nó uống nước đường rồi. – sao lại uống nước đường?
– không có thuốc, cho uống nước đường cho nó chóng khỏe. Hỏi thằng con
trai: - cháu uống nước đường có thích không? – thích lắm. cháu muốn ngày
nào cũng được uống nước đường. – Cháu có hay được uống nước đường
không? – Hồi cháu bé, có 1 lần đã được uống nước đường. Hôm trước cháu
ốm, được uống lần thứ 2. (Một nỗi đau nghẹn lên cổ. Ngày bé, khi ốm tôi
được uống sữa. Sau đó, lúc nào tôi cũng mơ ước được uống sữa. Nỗi ám ảnh
suốt tuổi thơ). Nỗi đau nghẹn ngào. Người ta đã nghèo như thế, vậy mà…
ớt cũng không bán được, vậy mà trồng dưa lê lại ra dưa bở. Đã 20 năm qua
rồi mà tôi vẫn không quên được điều này.
Đi trong làng, gặp những con người ốm yếu. Nhiều người bị sốt rét với
nước da vàng bủng, hoặc tái mét màu chì. Nhiều người có dấu hiệu bị
lao. Gày trơ xương, hốc mắt trũng xuống. Luôn ôm ngực với những cơn ho
thắt ruột. Ánh mắt nhìn ngơ ngác, mất hồn. Bây giờ chắc chương trình sốt
rét, chương trình lao, và các chương trình sức khỏe khác đã đến với
vùng này rồi. Bên cạnh những bệnh đó, tôi thấy Gio Linh còn một đặc
trưng nữa, đó là bệnh đao. Ngày trong chiến tranh, có câu nói tự hào
rằng: ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng. Ngày đó, tôi đã nghĩ, Gio Linh, ra
ngõ gặp người đao. Ra ngõ là gặp. Ra đường là gặp. Từ đứa trẻ, cho đến
thiếu niên, rồi thanh niên. Sao nhiều thế. (không biết có liên quan gì
đến hàng rào Mc Namara không?). Rải rác trong làng là những người đàn
ông vác theo máy dò. Hỏi: họ dò gì mà nhiều người đi dò thế? – Họ dò
mìn. ở đây, không có gì nhiều và sẵn như mìn và súng đạn. Họ lấy về để
bán sắt vụn. Và… họ còn dò cá nữa. Họ dùng điện để làm cho cá chết, họ
vớt về ăn. Nhưng cá cũng ít lắm. Đi cả buổi, chỉ mang về được ít cá con
đủ ăn 1 bữa. Trời tháng 5, nắng chói trang. Nhưng cảm giác trong người
tôi thật u ám. Bầu trời như xam xám, mờ mịt.
Câu chuyện cuộc đời một người đàn bà vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ. Tôi
đến nhà bà, một cái nhà tường và mái làm bằng pờ rô xi măng. Nóng kinh
khủng. Người đàn bà ngồi nhẫn nại trong cái nóng nung người. Bà người
Gio Linh. Lấy chồng Vĩnh Linh, bên kia sông. Sinh được 1 con trai thì
bắt đầu chia cắt đất nước. Khi có bắn nhau, bà mang con về nhà mẹ đẻ.
Được một vài tháng thì bà bị bắt đi học tập. Những người vợ cộng sản bị
đi học tập. Bà không chịu được cảnh o ép nên trả con cho nhà chồng. Lúc
đó có chính sách lính quốc gia lấy vợ của cộng sản. Trong lúc bà bị bắt
giữ (hàng ngày đi dọn nhà vệ sinh, đi gánh nước, và thường bị lính trêu
ghẹo) thì có người lính thương tình, chăm sóc, giúp đỡ. Cuối cùng 2
người lấy nhau. Bà sinh 2 con, 1 gái, 1 trai. Rồi người chồng đi lính
trong Đà Nẵng. Hàng tháng bà có tiền của chồng. Cuộc sống dư giả. Rồi
người chồng chết trận. Bà có tiền, nuôi 2 con. Sau ngày Giải Phóng. Bà
lại phải đi học tập. Không còn tiền của chồng nữa, 3 mẹ con phải tự bươn
chải, làm ruộng. Con gái lấy chồng, con trai lấy vợ. Nhưng chúng không
tự lo được, vẫn về xin tiền bà. Con trai đi Đà Nẵng kiếm việc. Được một
thời gian, không có việc làm, sinh nghiện. Quay về nhà, đi dò mìn. Năm
ngoái dò được quả mìn. 2 cha con nhà nó cưa mìn lấy thuốc, bán vỏ. Mìn
nổ, cha chết, con bị què. Cô con dâu bỏ đi Đà Nẵng làm. Được vài tháng,
rồi không thấy tin tức gì. Còn lại bà và thằng cháu nội bị què, nuôi
nhau. Hỏi:- cuộc đời bà khi nào là sướng nhất? Khi chồng đi lính Đà
Nẵng, gửi tiền về. – Khi nào khổ nhất? – Khi thằng con đi Đà Nẵng, bị
nghiện, về xin tiền bà. – Bây giờ có khổ không? – không, 2 bà cháu nuôi
nhau, cũng không khổ. - Con trai bên Vĩnh Linh có tìm bà không? – có,
hồi sau Giải Phóng, bên đó họ có đi tìm. – Bà có định về ở với con trai
bên Vĩnh Linh không? – không, cha nó chết liệt sỹ. Nó cũng nghèo, tự nó
nuôi nó cũng khổ rồi. Nó có gia đình, có con. Mấy năm nay cũng không
liên hệ gì nữa…
Các ngài Tổng Thống, các ngài Thủ Tướng, các ngài Chủ Tịch, có nghe
câu chuyện cuộc đời người đàn bà này không? Họ là những người dân
thường. Các ngài làm gì mà giáng họa lên đời họ như vậy?
Quảng Trị hơn 40 sau ngày Giải Phóng
Sau chuyến đi Gio Linh đầy ấn tượng đó, tôi đã dự định sẽ tham gia
vào những dự án giúp Quảng Trị. Sẵn sàng làm tự nguyện, không cần tiền
công. Nhưng, có lẽ tôi không có duyên với Quảng Trị. Và hình như Quảng
Trị cũng không hấp dẫn với những dự án.
Không có dịp quay lại Gio Linh, lần này chỉ đi thăm các di tích và đi
đường 9 lên Lao Bảo. Mọi thứ đã thay đổi. Thay đổi lớn nhất là con
đường xuyên Á. Ngày xưa, con đường 9 đã là mồ chung của bao người. Bây
giờ nó là con đường tốt hàng đầu Việt Nam. Nhìn vào con đường thì biết
tầm quan trọng của nó đối với đất nước và đối với nền kinh tế. Mà không
chỉ với kinh tế đất nước mà còn với kinh tế của cả những nước nó đi qua.
Cửa khẩu Lao Bảo cũng được xây dựng rất hoành tráng, tương xứng với tầm
quan trọng của nó. Con đường và cửa khẩu là dấu hiệu đầy hy vọng cho sự
khởi sắc của kinh tế Quảng Trị. Du lịch của Quảng Trị chắc chắn sẽ phát
triển. Quảng Trị có biết bao nhiêu là di tích lịch sử. Quảng Trị lại có
bãi biễn, với những bãi cát trắng mênh mông.
May mắn là có dịp được vào UBND huyện Hướng Hóa, được tiếp xúc với lãnh đạo UB. Cũng giống như mọi nơi trên cả nước, Tòa nhà UBND, và những tòa nhà cơ quan lãnh đạo huyện khác, rất to và đẹp và khang trang và bề thế và uy nghi. Cũng giống như lãnh đạo các địa phương khác, lãnh đạo huyện cũng rất là… lãnh đạo huyện. đ/c nói là cũng đã ra TƯ để đi học chính trị. Đ/c nói là các dự án xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt. Đ/c nói là đã tổ chức cầu truyền hình về các trận chiến. Đ/c nói là đang xây tòa nhà to để đón tiếp các gia đình thân nhân liệt sỹ về thăm viếng… Bla bla… nói chung là mình ngửi thấy… thôi không nói nữa. Mình nghĩ bụng, hy vọng dân nhận được ơn mưa móc. Hy vọng là ơn mưa móc không rơi vãi dọc đường. Hy vọng là…, là…, là…
HN 29/6/2014