Luật sư Trần Vũ Hải
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2014
KIẾN NGHỊ SỐ 5 CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI
(V/v: Yêu cầu làm rõ những bài viết được nêu trong Bản án Sơ thẩm đã xâm phạm đến lợi ích nào của Nhà nước và triệu tập theo yêu cầu của bị cáo Trương Duy Nhất một số người liên quan và thực hiện giám định đến phiên tòa phúc thẩm, đảm bảo xét xử đúng Hiến pháp và luật định)
Kính gửi: Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng (Thẩm phán Nguyễn Văn Bường)
Đồng kính gửi: Đại diện Viện kiểm sát Phúc thẩm – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa xét xử Phúc thẩm bị cáo Trương Duy Nhất
Tôi – luật sư Trần Vũ Hải, bào chữa cho bị cáo Trương Duy Nhất (“TDN”) trong vụ án “Trương Duy Nhất lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” sẽ được xét xử phúc thẩm ngày 26/06/2014 xin trình bày như sau:
Vụ án TDN đã được xét xử sơ thẩm vào ngày 04/03/2014, bị cáo TDN đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Phần kết luận của bản Cáo trạng số 03/VKSTC-V2, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định “…Nội dung 12 bài viết này (11 bài của TDN và 01 bài TDN đăng) không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước….”. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 04/03/2014, tôi đã đề nghị đại diện Viện kiểm sát cho biết tại sao xác định những bài viết của TDN đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Nhà nước, Đảng, vậy tại sao không triệu tập các vị lãnh đạo này và đại diện các cơ quan Nhà nước, Đảng để làm rõ có hay không việc xâm phạm này, mức độ, hậu quả cũng như quan điểm của các vị này. Sau đó, vị đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi quan điểm so với bản Cáo trạng, cho rằng những bài viết và bài đăng của TDN xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước (tức không thuộc đối tượng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) nên không cần triệu tập các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhưng khi tôi đề nghị vị đại diện Viện Kiểm sát xác định những lợi ích nào của Nhà nước bị xâm phạm trong vụ án này (những lợi ích Nhà nước được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào), vị đại diện Viện Kiểm sát đã không tranh luận lại. Mặc dù vậy, Tòa sơ thẩm vẫn chấp nhận ý kiến của vị đại diện Viện Kiểm sát, cho rằng các bài viết và đăng xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, và cũng không xác định là lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào.
Với tư cách luật sư bào chữa cho bị cáo TDN (đang kêu oan) tại phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi đề nghị đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử Phúc thẩm như sau:
I. Cần làm rõ các bài viết và đăng ghi trong Bản án sơ thẩm có thực sự xâm phạm đến lợi ích Nhà nước không – cụ thể các bài viết và đăng sau:
(1) Bài “Trong Đảng và ngoài Đảng”
Bài viết kể lại 4 câu chuyện vui có thật về đảng và đảng viên mà ông TDN trực tiếp chứng kiến, nhân ngày thành lập Đảng.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(2) Bài “Chấm điểm Thủ tướng”
Bài viết nêu lên những nhận xét của cá nhân TDN về Thủ tướng Chính phủ.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(3) Bài “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ”
Bài viết nêu lên những nhận xét của cá nhân TDN về 04 vị lãnh đạo: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(4) Bài “Tại sao chỉ là bóng đá”
Bài viết thể hiện quan điểm của TDN phê phán về tình trạng hiện nay của một số hội, đoàn
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(5) Bài “Bóng đá và Đảng”
Bài viết có nêu một số thông tin về bóng đá và đặt vấn đề đề lãnh đạo hội, đoàn không nhất thiết phải là Đảng viên.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(6) Bài “Việt Nam 2011”
Bài viết này, TDN đã nêu những số liệu chứng minh nền kinh tế Việt Nam năm 2011 đã không đạt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Các nhà lãnh đạo và Quốc hội chưa tìm được giải pháp để khắc phục vấn đề này.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(7) Bài “Chất lượng Chính phủ quá tệ”
Bài viết tổng hợp số liệu thông qua một cuộc khảo sát các bạn đọc trên trang truongduynhat.vn để đánh giá chất lượng Chính phủ.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(8) Bài “Khi Chủ tịch nước tập làm văn”
Bài viết nêu nhận xét của cá nhân TDN về một bản thông điệp của Chủ tịch nước.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(9) Bài “Từ Đồng Nọc Nạn đến Đoàn Văn Vươn”
Bài viết là những cảm tưởng, suy nghĩ của TDN về vụ Đoàn Văn Vươn và vụ Đồng Nọc Nạn.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(10) Bài “Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi”
Bài viết là những nhận xét, suy nghĩ của TDN về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(11) Bài “Bỏ phiếu cùng Quốc hội”
Bài viết đưa ra số liệu thống kê trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cùng quốc hội qua “thùng phiếu điện tử” trên website Một góc nhìn khác.
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
(12) Bài “Những chiếc lồng son”
Bài viết này của một tác giả ký tên Nguyễn Dương gửi đến website truongduynhat.vn, có nội dung là những cảm nghĩ của tác giả về nghề báo, về thực trạng tại các bệnh viện, trường học….
Bài viết này đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước nào được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào, có gây ra hậu quả được đo lường như thế nào?
II. Triệu tập những vị lãnh đạo nguyên và đương chức của Đảng, Nhà nước, đại diện Đảng, các cơ quan Nhà nước được nêu trong những bài viết của Trương Duy Nhất được ghi trong Bản án sơ thẩm, trong đó có:
1. Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, liên quan đến bài “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ” của TDN.
2. Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, liên quan đến bài “Khi Chủ tịch nước tập làm văn” của TDN.
3. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, liên quan đến 03 bài “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ”, “Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi”, “Việt Nam 2011” của TDN.
4. Ông Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, liên quan đến bài “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ” của TDN.
5. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến 03 bài viết “Chấm điểm Thủ tướng”, “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ”, “Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi” của TDN.
III, Triệu tập những người đã tham gia ký Kết luận Giám định (“KLGĐ”) ngày 04/11/2013 (do Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào KLGĐ trên để kết tội TDN) để làm rõ (i) có phải là giám định viên hợp lệ, có thẩm quyền hay không, (ii) những nội dung được nêu trong bản KLGĐ này.
Theo quy định của Luật Giám định Tư pháp 2012 và Nghị định 85/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông phải lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này trước ngày 30 tháng 11 hàng năm. Đến nay (ngày 17/06/2014), tra cứu trên trang điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi vẫn không thấy đăng tải danh sách giám định viên vụ việc.
Các giám định viên có tên trong Kết luận Giám định ngày 04/11/2013 gồm:
a. Ông Đặng Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TT-TT (người ký KLGĐ).
b. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Quản lý PTTH và thông tin điện tử, Bộ TT-TT (ký KLGĐ).
c. Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí, xuất bản, Thanh tra Bộ TT-TT, Bộ TT-TT (ký KLGĐ).
d. Ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí trung ương, Cục báo chí, Bộ TT-TT (ký KLGĐ).
e. Ông Đỗ Đình Rô, Phó trưởng phòng thanh tra viễn thông và CNTT, Thanh tra Bộ TT-TT, Bộ TT-TT (ký KLGĐ).
f. Ông Đinh Tiến Dũng, chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ TT-TT (ký KLGĐ).
Chúng tôi rất mong đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa và Tòa Phúc thẩm – Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Đà Nẵng quan tâm, giải quyết những nội dung kiến nghị, yêu cầu trên, đồng thời tham khảo các kiến nghị, văn bản chúng tôi đã gửi và lưu trong hồ sơ gồm: (i) gửi Cơ quan điều tra (kiến nghị ngày 05/11/2013), (ii) gửi Viện Kiểm sát (05/12/2013), (iii) gửi Tòa sơ thẩm (ngày 25/02/2014) và (iv) Bản bào chữa cho bị cáo Trương Duy Nhất trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Trân trọng.
Luật sư Trần Vũ Hải
Nơi gửi:
- Như trên;
- Bị cáo và gia đình bị cáo;
- Lưu vp