George Orwell
Phạm Nguyên Trường dịch
Phạm Nguyên Trường dịch
Kỉ niệm 111 năm ngày sinh George Orwell (25.06.1903-25.06.2014)
George Orwell
Ngay trong lần nói chuyện đầu tiên[1] tôi đã nói rằng thời đại chúng
ta đang sống không thể gọi là thời đại của phê bình. Đây là thời đại
nhập thế chứ không phải xuất thế, vì thế rất khó công nhận giá trị văn
học của một cuốn sách nếu ta không đồng ý với các kết luận chứa đựng
trong đó. Chính trị, trong nghĩa rộng nhất của từ này, đã xâm chiếm văn
chương với một mức độ chưa từng có trong những điều kiện bình thường và
đấy chính là lí do vì sao hiện nay chúng ta cảm thấy cuộc tranh chấp
thường xuyên giữa cá nhân và cộng đồng lại dữ dội đến như vậy. Chỉ cần
suy nghĩ về những khó khăn khi viết một bài phê bình trung thực, không
thiên vị trong cái thời như thời của chúng ta là ta sẽ thấy ngay những
mối đe dọa đang treo trên đầu văn chương trong một tương lai rất gần.
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại cáo chung khái niệm cá nhân
độc lập hay đúng hơn phải nói rằng thời đại mà cá nhân không còn ảo
tưởng là mình độc lập nữa. Nhưng khi nói về văn chương và nhất là về phê
bình thì ta mặc nhiên coi cá nhân là độc lập. Toàn bộ nền văn chương
đương đại châu Âu, ý tôi muốn nói nền văn chương được hình thành trong
suốt bốn trăm năm qua, được xây dựng trên nguyên tắc trung thực về tri
thức, hay có thể nói theo Shakespeare: “Hãy trung thực với chính mình”.
Việc đầu tiên ta đòi hỏi ở nhà văn là không được dối trá, chỉ nói những
điều anh ta thực sự nghĩ, thực sự cảm nhận được. Điều tệ hại nhất đối
với một tác phẩm nghệ thuật là khi nó bị coi là không thật (insincere).
Điều này còn đúng đối với lĩnh vực phê bình hơn là lĩnh vực sáng tác,
trong sáng tác thì một ít phô trương, một ít điệu bộ và ngay cả nếu có
một phần giả trá thực sự thì điều đó cũng không thật sự quan trọng, miễn
là nhà văn trung thực trong những điểm chính yếu. Nền văn học đương đại
thực chất là sáng tạo mang tính cá nhân. Hoặc là nó chuyển tải được suy
nghĩ và tình cảm của cá nhân hoặc chẳng là gì hết.
Như tôi đã nói, ta coi điều đó là đương nhiên, nhưng chỉ cần ta phát
ngôn ý nghĩ đó thành lời thì ta sẽ thấy ngay mối nguy hiểm đang treo
trên đầu văn chương. Đây là thời đại của nhà nước toàn trị, một nhà nước
không cho, hay phải nói không thể cho cá nhân bất kì một sự tự do nào.
Khi nói đến chế độ toàn trị ta thường nghĩ đến nước Đức, nước Nga, nước
Ý, nhưng tôi cho rằng ta phải sẵn sàng đối mặt với hiện tượng đang có xu
hướng mở rộng ra toàn thế giới này. Rõ ràng là giai đọan của chủ nghĩa
tư bản tự do đang cáo chung và ngày càng có nhiều nước áp dụng nền kinh
tế tập trung, có thể gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản nhà
nước, tùy khẩu vị từng người. Điều đó đặt dấu chấm hết cho sự tự do về
kinh tế của cá nhân và cùng với nó, tự do lựa chọn công việc mình thích,
tự do chọn nghề mình thích, tự do đi đến bất cứ nơi nào mình thích cũng
sẽ không còn. Cho đến tận thời gian gần đây, chúng ta vẫn chưa thấy
được hậu quả của những biến đổi đó. Chúng ta chưa thật sự hiểu việc mất
tự do về kinh tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tự do về tri thức. Chủ
nghĩa xã hội vẫn được coi là một chế độ tự do được ông Thiện nâng đỡ.
Nhà nước sẽ lo cho bạn về kinh tế, tránh cho bạn khỏi nỗi sợ nghèo, sợ
mất việc và nhiều nỗi sợ hãi khác, mà sẽ không có nhu cầu can thiệp vào
đời sống tinh thần của bạn. Nghệ thuật sẽ nở rộ như thời còn chủ nghĩa
tư bản tự do, mà có thể hơn vì người nghệ sĩ không còn bị miếng cơm manh
áo thúc bách nữa.
Nhưng sự thật nhãn tiền buộc ta phải nhận rằng đấy là những quan niệm
sai. Chế độ toàn trị đã can thiệp vào lĩnh vực tự do tư tưởng ở mức độ
chưa từng có trước đây. Điều quan trọng mà ta phải nhớ là nhà nước toàn
trị kiểm soát tư tưởng không phải chỉ với mục đích cấm đoán mà cả với
mục đích xây dựng nữa. Chế độ ấy không chỉ cấm bạn nói hay viết, thậm
chí suy nghĩ, về một số ý kiến nào đó; nó còn chỉ cho bạn điều cần phải
suy nghĩ, nó tạo cho bạn một hệ tư tưởng, nó tìm mọi cách kiểm soát đời
sống tình cảm của bạn, cũng như đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức mà bạn
phải theo. Nó tìm mọi cách để cách li bạn với thế giới bên ngoài, nó
nhốt bạn vào một thế giới giả tạo để bạn không còn tiêu chuẩn nào mà so
sánh nữa. Nhà nước toàn trị nhất định sẽ tìm mọi cách để kiểm soát tư
tưởng và tình cảm của các thần dân cũng hữu hiệu như kiểm soát hành vi
của họ.
Vấn đề quan trọng đối với chúng ta là: Văn chương có sống được trong
tình hình như vậy không? Tôi nghĩ rằng ta có thể trả lời một cách ngắn
gọn là: không. Nếu chế độ toàn trị trở thành hiện tượng toàn cầu và vĩnh
viễn thì cái mà chúng ta vẫn gọi là văn chương sẽ cáo chung. Chẳng nên
khẳng định, như ban đầu ta tưởng, rằng sẽ chỉ cáo chung một loại hình
văn chương, mà cụ thể là loại do châu Âu tạo ra sau thời Phục Hưng.
Có những sự khác nhau căn bản giữa chế độ toàn trị với tất cả các chế
độ chính thống trong quá khứ, cả ở châu Âu và ở phương Đông. Điều đặc
biệt quan trọng là các chế độ chính thống trong quá khứ không thay đổi,
hay ít nhất cũng thay đổi một cách chậm chạp. Nhà thờ ở châu Âu thời
Trung cổ buộc bạn vào một số tín điều, nhưng ít nhất nó cũng cho phép
bạn giữ những tín điều ấy từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết. Nó không bao
giờ bảo bạn thứ hai phải tin một điều, thứ ba lại phải tin vào một điều
hoàn toàn khác. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với các tín đồ đạo
Công giáo, đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi ngày nay. Trong một ý nghĩa nào
đó thì tư tưởng của các tín đồ bị giới hạn, nhưng họ sẽ sống suốt đời
trong những giới hạn tư tưởng đó. Không ai can thiệp vào lĩnh vực tình
cảm của họ.
Chế độ toàn trị hoàn toàn ngược lại. Đặc trưng của nhà nước toàn trị
là tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác dịnh dứt khoát tư
tưởng ấy là gì. Nó đưa ra một số tín điều không được tranh cãi, nhưng
các tín điều ấy lại thay đổi hàng ngày. Chế độ cần tín điều vì cần các
thần dân phục tùng một cách tuyệt đối, nhưng nó không thể không thay đổi
theo các nhu cầu của tầng lớp nắm quyền. Khi tuyên bố là không bao giờ
sai lầm, chế độ toàn trị đồng thời vất bỏ ngay chính khái niệm chân lí
khách quan. Một thí dụ rõ ràng và đơn giản: cho đến tháng 9 năm 1939[2]
mọi người Đức đều phải coi nước Nga Bolsevich là một chế độ tàn ác và
đáng khinh, nhưng sau tháng 9 năm 1939 lại phải coi Nga là đáng phục và
đáng yêu. Nếu Nga và Đức đánh nhau, có khả năng là chuyện đó sẽ xảy ra
trong một hai năm nữa, thì một sự thay đổi đột ngột ngược lại sẽ xảy ra.
Đời sống tình cảm của một người Đức, tình yêu, lòng căm thù của anh ta,
khi cần có thể đảo ngược lại hoàn toàn chỉ trong một đêm. Có lẽ chẳng
cần phải nói điều đó có ảnh hưởng như thế nào đối với văn chương. Vì
sáng tạo trước hết là tình cảm, mà tình cảm thì không phải lúc nào cũng
có thể kiểm soát được từ bên ngoài. Dễ dàng xác định cách hành xử theo
lối đãi bôi đối với hệ tư tưởng chính thống, nhưng một tác phẩm văn
chương chỉ có giá trị khi người viết cảm thấy chính sự thật mà anh ta
đang viết, không có cái đó thì bản năng sáng tạo cũng sẽ không còn. Kinh
nghiệm lại chứng tỏ rằng việc thay đổi tình cảm một cách đột ngột, như
các chế độ toàn trị đòi hỏi ở các thần dân, là bất khả thi về mặt tâm
lí. Đấy chính là lí do khi tôi giả định rằng nếu chủ nghĩa toàn trị
giành được thắng lợi trên toàn thế giới thì cái mà chúng ta vẫn gọi là
văn chương sẽ cáo chung. Trong thực tế, cho đến nay chủ nghĩa toàn trị
đã tạo ra chính hiện tượng ấy. Ở Ý văn chương đã bị vật cho đến què
quặt, còn ở Đức thì gần như không còn. Ngay ở nước Nga, nơi một sự phục
hưng văn chương như chúng ta từng kì vọng đã không xảy ra, và xu hướng
chính ở đấy đang là: các nhà văn có tiếng hoặc là tự sát hoặc biến mất
trong các nhà tù.
Như tôi đã nói, chủ nghĩa tư bản tự do đang cáo chung và như vậy cũng
có thể rút ra kết luận là tự do tư tưởng chắc chắn cũng sẽ cáo chung.
Nhưng tôi không tin là điều đó nhất định sẽ xảy ra, và để kết luận tôi
xin nói tôi tin rằng văn chương sẽ đứng vững ở những nước mà tư tưởng tự
do đã ăn sâu, bén rễ, thí dụ như ở Tây Âu, châu Mĩ, Ấn Độ, Trung Quốc.
Tôi tin, có thể đấy chỉ là một niềm tin mù quáng, rằng nếu kinh tế tập
thể là điều không thể tránh thì các nước đó sẽ học được cách thiết lập
chế độ xã hội chủ nghĩa không toàn trị, nơi tự do tư tưởng vẫn còn sau
khi cá nhân đã không còn được tự do về kinh tế nữa. Dù sao mặc lòng, đấy
cũng là niềm tin duy nhất cho những người yêu quí văn chương có thể dựa
vào. Những ai hiểu được giá trị của văn chương, những ai nhìn thấy vai
trò chủ đạo của nó trong sự phát triển của lịch sử nhân loại, phải nhận
thức được rằng giáng trả chủ nghĩa toàn trị, dù nó được áp đặt từ bên
trong hay từ bên ngoài chính là đòi hỏi sống còn.
Dịch giả gửi Văn Việt.
[1] Đây là những buổi nói chuyện của G. Orwell phát trên đài BBC, bắt đàu từ ngày 19 tháng 6 năm 1941.
[2] Đây là nói thời điểm kí hiệp ước hoà bình Xô – Đức, thường gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrov.