Phan An
Từ làng sang Phú Đa bằng một con đò.
Có điều, con đò ở quê tôi nó không hề lãng mạn như con đò trong ca
dao hay trong thơ Nguyễn Bính. Trong ca dao con đò nằm dưới cây đa để
trai gái lấp lửng chuyện đợi chờ hò hẹn. Trong thơ Nguyễn Bính có anh
lái đò mơ mộng lang thang tôi dạm bán thuyền—có người trả chín quan tiền
lại thôi. Con đò quê tôi, nó chỉ là một cái thuyền vá víu hay nằm ghếch
mũi trên bờ sông cát trắng nắng như đổ lửa. Còn anh lái đò, thì không
có anh lái đò nào cả, chỉ có mỗi ông Hai Nồi.
Ông Hai Nồi không biết thơ Nguyễn Bính, cũng không đọc ca dao. Ổng
mặc cái áo ka-ki bạc lưng, đội cái nón cời rách teng beng, da ổng đen
thui như lọ nghẹ. Nhưng ông Bốn Kiệt nói “Họ kêu thằng Hai Nồi là thằng
Hai Nồi không phải tại da hắn đen, mà là tại hồi trẻ hắn ăn tham lắm,
mỗi bữa hắn ăn cơm tới hai nồi.”
Bàn tay phải của ông Hai Nồi bị cụt đến bốn ngón, chỉ còn ngón cái.
Khi chèo, ổng phải kẹp cây dầm vào khuỷu tay. Theo lời ổng kể thì ổng bị
vậy là vì hồi chiến tranh ổng đi lính bị dính mảnh đạn, phải đưa về
bệnh viện thương phế binh ở An Hải. Ổng nói bàn chân ổng bị tật cũng vào
lần ấy. Nhưng ông Bốn Kiệt nói “Thằng Hai Nồi hồi trẻ hắn đói quá, nửa
đêm chui vô vườn ăn cắp khoai lang, bị dân họ bắt đánh cho dập tay chớ
bom đạn cái chi chi.” Khi người ta quay qua hỏi ông Hai Nồi thì ổng trợn
mắt lên, dí tay vào mặt người ta mà quát “Ngó cho kĩ đi, cái sẹo trơn
lĩn như ri mà là bị đánh dập tay à?”
Làng ai cũng biết ông Hai Nồi, vì làng ai cũng đi đò qua sông không
nhiều thì ít. Ngày thường cũng như ngày Tết, ổng ở ngoài sông từ sáng
đến chiều. Buổi trưa vắng khách, ổng ngồi đằng mũi đò, chân phải bắt qua
chân trái, cắm mặt xuống ăn cơm. Những khi có khách thì ổng đứng đằng
lái, người ổng khòm khòm, bàn chân trái ổng lệch hẳn sang một bên, tạo
với bàn chân phải một góc vuông. Trong sách viết “Tiểu thuyền bất kham
trọng tải,” ổng nghe lỏm chữ được chữ mất thành “Thuyền chở bất khả kham
chở khối lượng.” Khách của ổng thường là mấy bà đi chợ, trong khi các
bà bàn bô bô chuyện con gà mớ rau thì ổng hóng hớt mỗi nơi một chút, lâu
lâu lại chêm vào câu “Thuyền chở bất khả kham chở khối lượng,” rồi ổng
giơ ngón cái bàn tay phải lên, và ổng cười có vẻ rất đắc ý.
Nhà ông Hai Nồi chỉ có một mẩu ở cuối xóm. Vợ ổng ở với ổng được
chừng hai năm thì đi mất, để lại cho ổng một đứa con trai là thằng Quốc.
Thằng Quốc đầu óc tối tăm, học hành thuộc hạng ngu đần vô phương cứu
vãn. Năm đầu nó học sau tôi một lớp, hai năm sau nó học sau tôi ba lớp.
Sáng sớm người ta hay thấy ông Hai Nồi dắt thằng con tới trường, tay
trái ổng cầm nắm cơm, khuỷu tay phải ổng kẹp cái cặp, ổng cứ đi cà nhắc
được khoảng chục bước lại quay lại nói “Nhanh lên không trễ học con
Quốc.” Ổng đưa thằng con vào đến tận chỗ ngồi, xong nói “Ráng học cho
giỏi nghe con Quốc.” Chiều tối người ta hay thấy ổng rượt thằng Quốc
chạy lên chạy xuống trong xóm, tay ổng cầm cái roi dâu vụt vun vút vào
không khí, miệng ổng kêu “Chớ mi ăn cái chi mà mi ngu rứa Quốc?” “Chớ mi
giống ai trong nhà mà mi học dốt rứa Quốc?” Năm đầu thằng Quốc vừa chạy
vừa khóc, hai năm sau thì nó vừa chạy vừa ngoái đầu lại kêu “Cơm ông ba
cho tui ăn chớ cơm chi” “Tui giống ông ba chớ giống ai.” Cảnh ấy gần
như thành lệ, đến mức hôm nào không thấy hai cha con chạy lên chạy xuống
ông Bốn Kiệt lại ngạc nhiên hỏi “Ủa chớ răng bữa ni không thấy thằng
Hai Nồi hè?” rồi tự trả lời “À quên mất bữa ni chủ nhựt hè.”
Năm tôi học lớp bốn, thằng Quốc đi tắm sông hụt chân chết đuối. Xác
nó trôi xuống mắc kẹt dưới chân bãi đá Xuân Nam, khi vớt được lên thì đã
trương phình. Ông Hai Nồi chôn con bên bờ sông rồi bỏ chèo đò, làng
phải cắt người khác chèo thay. Được mấy tháng ổng chèo đò trở lại, nhưng
ổng không nói cái câu “Thuyền chở bất khả kham chở khối lượng” mà cũng
không cười hềnh hệch nữa. Ổng cứ lẳng lặng chống cây sào đẩy đò qua, rồi
lại lẳng lặng chống cây sào đẩy đò về, mặt ổng có vẻ ngẩn ngơ. Lúc
trước trời chưa chạng vạng ổng đã gác chèo về nhà cầm cây roi dâu rượt
thằng con chạy lên chạy xuống, bây giờ ổng ở ngoài sông cho đến tận tối
mịt. Ông Bốn Kiệt nói “Thằng Hai Nồi hắn bị điên, nửa đêm tui ra sông
hóng mát còn thấy hắn ngồi thu lu trên đò.”
Năm tôi học lớp năm, làng Phú Đa có người làm ăn thành đạt từ thành
phố về, bỏ tiền ra đúc một cây cầu bằng xi măng bắc ngang sông. Cây cầu
rộng phải đến sáu mét, nghe nói là đủ cho ô tô tránh nhau, mặc dù cả hai
bên làng chỉ có tổng cộng đâu chừng ba chiếc xe đạp. Hôm khánh thành
cầu, dân làng đổ ra bờ sông đông nghẹt, pháo đốt đì đùng, lại có cả một
ông đứng giữa cầu đọc một bài thơ trong có mấy câu đến giờ tôi vẫn còn
nhớ:
Cây cầu đúc nối hai bờ sông lại
Chiếc đò ngang giải thể nghiệp đón đưa.
Ông lái đò bước lên bờ gặt hái
Ruộng thấp gò cao định phận đuợc chưa?
Chiếc đò ngang giải thể nghiệp đón đưa.
Ông lái đò bước lên bờ gặt hái
Ruộng thấp gò cao định phận đuợc chưa?
Ai nấy vỗ tay rào rào, rất hoan hỉ. Nhưng ông Hai Nồi không có ruộng,
ổng chỉ có một mẩu nhà ở cuối xóm. Cầu đúc xong, không ai đi đò nữa,
ổng chuyển sang nghề đánh cá, vẫn ở ngoài sông từ sáng sớm đến tận
khuya. Người trong làng ra sông gánh nước vẫn thấy con đò ổng neo dưới
chân cây cầu đúc, gần chỗ nấm mồ thằng Quốc giờ cỏ đã mọc um tùm. Nửa
đêm trời nóng, ông Bốn Kiệt ra đứng trên cầu hóng mát thấy ổng ngồi một
mình trên đò, về nói “Thằng Hai Nồi hắn bị điên.”
Năm tôi học lớp sáu, làng bắt đầu đào đáy sông lấy cát bán. Trước
tiên thì chỉ có vài nhà, sau thì làng đi đào. Người ta thuê cả xuồng máy
để chở cho nhiều, lại thuê thêm nhân công để đào cho nhanh. Từ sáng đến
đêm, tiếng xúc cát soàn soạt vọng từ ngoài sông vào đến tận cuối làng.
Nước sông thành ra đục ngầu, không uống được nữa, làng chuyển sang uống
nước giếng. Ông Hai Nồi nấn ná ít lâu, rồi một bữa chống sào đẩy con
thuyền vá víu bỏ làng đi.
Chuyện chỉ có thế. Từ đó đến nay đã gần hai mươi năm, vẫn không ai
biết ổng đi đâu. Các bà đi chợ đã quên từ lâu. Bọn con nít sinh ra sau
này còn không biết ông Hai Nồi là ai, mặc dù chúng nó chiều chiều vẫn ra
bờ sông đá banh ở bãi cát dưới chân cây cầu đúc. Chỉ có ông Bốn Kiệt
bây giờ đã già, tóc nửa bạc nửa rụng, tai điếc đặc, đầu óc nghễnh ngãng,
nửa đêm ra đứng trên cầu hóng mát thỉnh thoảng vẫn ngạc nhiên hỏi “Ủa
chớ răng bữa ni không thấy thằng Hai Nồi hè?” rồi tự trả lời “À quên mất
bữa ni chủ nhựt hè.”