Đoan Trang dịch và chú thích
Từ khi vụ giàn khoan Haiyang 981 xảy ra (2/5/2014) đến nay, RSIS –
Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trực thuộc ĐH Công nghệ
Nanyang, Singapore – vẫn là một think-tank (viện tư tưởng) rất có ảnh
hưởng đối với dư luận quốc tế quan tâm đến tranh chấp chủ quyền trên
Biển Đông.
Sau khi RSIS đăng bài của học giả thân Trung Quốc Sam Bateman, theo
hướng “khuyên” Việt Nam chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo
Hoàng Sa và cùng hợp tác vì lợi ích chung, TS. Dương Danh Huy (từ Anh
quốc) và TS. Phạm Quang Tuấn (từ Úc) đã có bài viết phản biện. Cuộc bút
chiến giữa Sam Bateman và hai chuyên gia người Việt ở nước ngoài kéo dài
từ 15/5 đến 5/6.
Ngày 9/6, một trong số rất ít học giả trong nước chuyên về công pháp
quốc tế và vấn đề Biển Đông, TS. Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Quan hệ
Quốc tế), đã có bài viết đăng trên RSIS, chỉ ra rằng: Trung Quốc cố ý
đặt giàn khoan dầu 981 vào vùng biển tranh chấp, tiến tới buộc Việt Nam
phải cùng đàm phán với Trung Quốc để dàn xếp một thỏa thuận tạm thời.
Ngoài ra, cũng xin bạn đọc chú ý: Trung Quốc không chỉ cần chủ quyền
trên quần đảo Hoàng Sa, mà muốn nhiều hơn thế nhiều: Toàn bộ vùng biển
nằm trong đường 9 đoạn (đường lưỡi bò).
* * *
HOÀNG SA 40 NĂM QUA
- Nguyễn Thị Lan Anh
Tóm tắt
Hành động của Trung Quốc – đặt giàn khoan dầu vào vùng biển Hoàng Sa
đang bị tranh chấp – còn hơn là một sự tranh cãi về chủ quyền. Nó là sự
kháng lại luật biển quốc tế.
Bình luận
Một tháng đã qua (bài viết đăng ngày 9/6 – ND) kể từ khi Biển Đông,
vùng gần quần đảo Hoàng Sa, lại một lần nữa xáo trộn. 40 năm về trước,
vào tháng 1/1974, Hoàng Sa là chiến trường giữa Trung Quốc và lực lượng
khi đó là quân đội miền Nam Việt Nam.
Khi giành quyền kiểm soát quần đảo từ tay miền Nam Việt Nam, Trung
Quốc đã đánh chìm một tàu hải quân Nam Việt và phá hỏng bốn tàu khác,
làm 53 lính Việt Nam chết, 16 người bị thương. Trận chiến đưa đến việc
Trung Quốc lần đầu tiên giành quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng
Sa.
Còn hơn cả tranh chấp chủ quyền
Yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dựa vào
việc triều đình nhà Nguyễn đã chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ
thế kỷ 17, khi các đảo này không thuộc về ai cả (vô chủ). Trong suốt
thời kỳ thực dân phương Tây, Pháp – nước bảo hộ Việt Nam – đã thực thi
liên tục chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Sau đó, chủ quyền ấy được chuyển từ Pháp sang miền Nam Việt Nam theo
Hiệp định Geneva 1954, và sau đó được kế tục bởi Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam khi Bắc Việt và Nam Việt thống nhất vào năm 1975. Việt
Nam đã tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền của mình bằng việc phản
đối các hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.
Mặc dù yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa có cơ sở
pháp lý rất mạnh, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định họ có chủ quyền “không
tranh cãi”. Trung Quốc không chịu thừa nhận rằng chủ quyền đối với quần
đảo Hoàng Sa hiện còn đang tranh chấp, và họ từ chối thảo luận vấn đề
chủ quyền với Việt Nam trong các cuộc đàm phán song phương. Bên cạnh đó,
họ cũng không đồng ý đưa tranh chấp chủ quyền này ra một tòa án quốc
tế.
Hành động khiến cho Hoàng Sa trở thành điểm nóng mới nhất trên Biển
Đông là việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 vào sâu
trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, gần
quần đảo Hoàng Sa.
Ban đầu, tranh cãi xoay quanh giàn khoan dầu có vẻ giống như tranh
cãi về việc ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn
vào vấn đề này, sẽ thấy đó cũng là một sự đối đầu xung quanh luật biển
quốc tế.
Khoảng cách địa lý không phải vấn đề
Đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan
dầu nước sâu Haiyang Shiyou 981, là một đảo san hô và cát rộng 1,6 km2,
không thích hợp cho con người ở cũng như không thể tự nó có đời sống
kinh tế. Do đó, theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó là “đá”
và không thể được hưởng nhiều hơn lãnh hải 12 hải lý. (Xem Chú thích).
Ngay cả khi một số đảo thuộc Hoàng Sa, trên nguyên tắc, được hưởng vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đi chăng nữa, thì giàn khoan vẫn đang
nằm trên “vùng biển tranh chấp”, vì hai lý do sau.
Thứ nhất, bởi vì cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền
đối với Hoàng Sa, cho nên bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào phát sinh từ
Hoàng Sa cũng là khu vực tranh chấp.
Thứ hai, giàn khoan được đặt trong một khu vực có những yêu sách
chồng lấn, bởi lẽ nó nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
Việt Nam tính từ đất liền, cũng như nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà
Trung Quốc nhận là của họ, tính từ quần đảo Hoàng Sa.
Khu vực đặt giàn khoan sẽ vẫn là khu vực tranh chấp cho tới khi nào
Trung Quốc và Việt Nam nhất trí được với nhau về cách phân định biên
giới trên biển ở nơi này. Theo thông lệ của các nước trong việc phân
định biên giới trên biển, đảo Tri Tôn và các đảo khác thuộc Hoàng Sa chỉ
được hưởng “hiệu lực thấp” khi xác định ranh giới hàng hải, bởi vì
đường bờ biển của những hòn đảo nhỏ như vậy ngắn hơn nhiều so với đường
bờ biển của Việt Nam. (Xem Chú thích).
Trung Quốc và Việt Nam từng làm theo thông lệ này khi đàm phán biên
giới trên biển. Khi xác định biên giới biển của họ trên vùng cực bắc của
Vịnh Bắc Bộ, hai nhà nước đã nhất trí chỉ cho Bạch Long Vĩ – một hòn
đảo của Việt Nam nằm trong Vịnh Bắc Bộ – 25% hiệu lực. Điều này đã được
áp dụng mặc dù Bạch Long Vĩ có diện tích 2,33 km2 và có dân định cư trên
đảo.
Dù thế nào đi chăng nữa, do trong khu vực tranh chấp hiện nay không
có thỏa thuận nào về biên giới biển, nên quan điểm cho rằng giàn khoan
nằm gần Hoàng Sa hơn gần bờ biển Việt Nam là quan điểm sai. Giàn khoan
đang được đặt trong vùng biển tranh chấp, nơi Trung Quốc không thể thực
thi độc quyền nào.
Đường 9-đoạn của TQ rất khó vẽ vì nó... không có tọa độ. (Nguồn: RFA)
Hành động triển khai giàn khoan của Trung Quốc đã vi phạm DOC
Thật ra căn cứ để Trung Quốc đòi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải là chuyện họ tuyên
bố vùng đặc quyền kinh tế cho quần đảo Hoàng Sa, mà (căn cứ đó) là
những yêu sách của Trung Quốc, đòi quyền lợi và quyền tài phán đối với
toàn bộ tài nguyên trong một vùng biển rộng, được bao quanh bởi đường 9
đoạn mà Trung Quốc đã vạch ra trên bản đồ Biển Đông của họ. (Ảnh trên)
Mặc dù không đưa ra một tài liệu chính thức nào biện hộ cho yêu sách
hoặc cơ sở pháp lý của mình theo luật quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn
dùng bản đồ đường 9 đoạn để tuyên bố quyền sở hữu đối với tất cả tài
nguyên của khu vực biển nằm nằm trong đường 9 đoạn, ngay cả khi khu vực
biển ấy thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Trung Quốc dùng bản đồ đường 9 đoạn làm căn cứ đòi chủ quyền, bởi
vì khu vực biển có tiềm năng dầu khí lớn ngoài khơi Việt Nam hoàn toàn
không nằm trong vùng biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền theo
công pháp quốc tế về luật biển. Do đó, Trung Quốc quyết định phớt lờ
luật biển quốc tế, và khẳng định chủ quyền của họ dựa vào bản đồ đường 9
đoạn, chiếm tới 85% diện tích Biển Đông.
Đối với Trung Quốc, điều rất quan trọng là phải đặt được giàn khoan vào vùng biển đang tranh chấp. Theo luật biển, chừng
nào Trung Quốc và Việt Nam chưa đạt được một thỏa thuận về phân định
ranh giới trên biển, thì chừng đó hai nhà nước vẫn có nghĩa vụ pháp lý
là phải nỗ lực để xác lập những dàn xếp tạm thời, có tính thực tiễn
(Điều 74 UNCLOS – ND). Luật biển quốc tế cũng buộc Trung Quốc và Việt
Nam không được có các hoạt động đơn phương có thể gây hại hoặc cản trở
việc đàm phán về một hiệp định biên giới cuối cùng.
Các tòa án quốc tế đã từng có phán quyết rằng, trong khu vực có
nhiều yêu sách hàng hải chồng lấn, sẽ là bất hợp pháp nếu một nước tìm
cách thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên, bởi vì hành động đơn
phương như vậy sẽ làm thay đổi vĩnh viễn hiện trạng khu vực, và do đó,
gây hại hoặc cản trở việc đàm phán về một hiệp định biên giới chung
cuộc.
Khi thảo luận với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC),
vốn có tính ràng buộc pháp lý, Trung Quốc đã liên tục nói rằng phải thực
thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố năm 1992 về Cách Ứng xử của các bên
trên Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, việc Trung Quốc đơn phương triển khai
giàn khoan là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản của DOC – văn kiện quy
định rằng các bên liên quan phải tự kiềm chế, không tiến hành những hoạt
động gây phức tạp tình hình hoặc làm tranh chấp leo thang.
Hy vọng Trung Quốc sẽ sớm hiểu ra rằng, bắt nạt các nước láng giềng,
vi phạm luật quốc tế, không phải là cách hành xử của một siêu cường có
trách nhiệm trên trường quốc tế.
-------
Chú thích:
Điều 121 UNCLOS định nghĩa đảo là "một vùng đất tự nhiên có nước bao
bọc, khi thủy triều lên, vùng đất này vẫn ở trên mặt nước". Khoản 3,
Điều 121 quy định: "Các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc
cho một đời sống kinh tế riêng thì chỉ được phép có lãnh hải tối đa 12
hải lý, không được phép có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế".
Theo tác giả - TS. Nguyễn Thị Lan Anh, do không thích hợp cho con
người ở, không có đời sống kinh tế riêng, Tri Tôn (diện tích 1,6 km2)
không phải đảo mà chỉ là đá, và vì vậy chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Trung
Quốc đặt giàn khoan 981 ở tọa độ cách Tri Tôn 17 hải lý (ngày 2/5) tức
là đã không còn trong lãnh hải của Tri Tôn.
Ngoài ra, ngay cả khi Tri Tôn hay một số cấu trúc địa lý khác thuộc
Hoàng Sa có được coi là "đảo" đi chăng nữa, thì chúng cũng không thể có
hiệu lực đầy đủ trong phân định biên giới trên biển (hiệu lực đầy đủ
nghĩa là được chọn là điểm cơ sở khi phân định biên giới.
Trong luật pháp quốc tế, từng có những án lệ theo đó, nếu so giữa bờ
biển đất liền và đảo thì bờ biển đất liền có giá trị hơn là đảo trong
việc phân định nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh
tế và thềm lục địa. Lý do có thể là bởi các đảo đó quá nhỏ, không thích
hợp cho con người ở… Chẳng hạn, trong Hiệp định phân định biên giới trên
Vinh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam
chỉ được 25% hiệu lực chứ không được hưởng hiệu lực đầy đủ, dù đảo này
rộng tới 2,33 km2 và có người ở.
Đoan Trang dịch và chú thích