Minh Văn
Cuộc sống là sự tương tác giữa các cá thể với nhau, điều mà chúng ta
vẫn gọi là xã hội. Mọi tư tưởng triết học đều cố gắng giải quyết vấn đề
này theo cách của riêng mình. Để xã hội được bình ổn và phồn vinh, phải
có sự dung hòa giữa các tầng lớp và cá nhân. Điều đó được thực hiện ở
mức độ nào, với một phương thức ra sao, thì đây là vấn đề khiến chúng ta
quan tâm.
Loài người đang sống ở thế kỷ 21, thời đại của tự do dân chủ. Vì vậy
mà quan điểm của chúng ta cũng dựa trên nền tảng đó, mục tiêu là hướng
tới sự tự do của con người. Cốt lõi của một xã hội dân chủ là tự do,
bình đẳng. Các cuộc cách mạng xã hội giải phóng con người thoát khỏi
xiềng xích nô lệ, nhưng lại ràng buộc họ với nhau bằng những thỏa hiệp
tự nguyện. Sở dĩ như vậy là để quyền lợi của cá nhân được tôn trọng và
bảo đảm. Không để cho cá thể này lấn át cá thể khác, dù là vô tình hay
hữu ý. Nhưng cũng phải làm sao để tự do không bị vi phạm, mà còn không
ngừng thăng hoa phát triển. Muốn như vậy thì con người luôn phải tôn
trọng cái khế ước xã hội mà mình đã tham gia ký kết (luật pháp).
Tự do có nghĩa là sự chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, cùng hành xử
dựa trên những nguyên tắc chung. Muốn có tự do thì phải tôn trọng tự do
của cá nhân khác, nếu vi phạm điều đó thì cũng coi như đánh mất đi tự do
của bản thân. Xã hội con người luôn phải đối mặt với những vấn đề tồn
tại khách quan, đó là quyền lợi. Đây là nguồn gốc của mọi sự va chạm và
phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy mà khi nói đến vấn đề cân bằng quan hệ con
người trong xã hội, cũng có nghĩa là phải dung hòa những quyền lợi căn
bản đó.
Đối với quyền con người, thì phải bình đẳng với nhau, không có sự
phân biệt kỳ thị. Dĩ nhiên những quyền này được đảm bảo bằng luật pháp,
vì đó là ý chí chung của cộng đồng. Ngày nay, hầu hết luật pháp các quốc
gia đều ghi nhận sự bình đẳng về quyền giữa các cá nhân trong xã hội,
không phân biệt sắc tộc hay tín ngưỡng. Để những quy định đó được bảo
đảm trên thực tế, thì phải có thể chế chính trị dân chủ. Vì chỉ trong
một xã hội dân chủ, người dân mới có thể giám sát được pháp luật. Những
phát sinh mâu thuẫn về quyền sẽ được giải quyết thấu đáo, trung thực và
khách quan bởi một hệ thống tư pháp độc lập. Đó là sự mâu thuẫn giữa cá
nhân với cá nhân, giữa cá nhân với nhà nước và các tổ chức, giữa các tổ
chức với nhau.
Lợi ích là những gì mà cá nhân có được thông qua lao động và các mối
quan hệ. Luôn có những công việc, ngành nghề khác nhau cùng tồn tại
trong một môi trường xã hội. Vì vậy mà vấn đề thu nhập, hưởng lợi cũng
không đồng đều. Từ đó mà hình thành nên những tầng lớp xã hội khác nhau.
Lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị cũng vì thế mà có sự khác
biệt. Vấn đề là ở chỗ, những chênh lệch lợi ích này ở mức độ hợp lý và
chấp nhận được. Nhìn bề ngoài, các lợi ích không bao giờ có thể cân bằng
và giống nhau. Vì nó còn tuỳ thuộc vào nỗ lực cá nhân và cấp độ công
việc. Nếu tất cả các lợi ích đều ngang bằng thì đó mới chính là bất công
xã hội, do người ta thực hiện sự cào bằng. Như thế là đã triệt tiêu đi
sự nỗ lực và phấn đấu của con người.
Trong một xã hội, lợi ích của mọi cá nhân và tổ chức đều phải được
tôn trọng. Những lợi ích phát sinh mà tổn hại đến cá nhân hay tổ chức
khác đều được coi là bất hợp pháp và vi phạm quyền con người.
Quyền và lợi ích của con người luôn gắn bó hữu cơ với nhau. Cần có sự
dung hòa quyền lợi để đảm bảo công bằng xã hội. Đó là mấu chốt của bình
đẳng, hạnh phúc và phồn vinh. Là sự thử thách của cái tôi cá nhân trong
cộng đồng. Con người văn minh hiểu rằng, để đạt được hạnh phúc trọn
vẹn, bản thân cá nhân phải hy sinh một số lợi ích nào đó. Để cái tôi cá
nhân không bành trướng và làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Quyền và lợi ích
của cá nhân ngày càng phát triển, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng và vi
phạm đến cá nhân khác. Đây chính là kết cấu của một xã hội dân chủ tiến
bộ, điều mà mọi dân tộc đều hướng tới. Để làm được điều đó thì phải dựa
trên nguyên tắc thỏa thuận, và để duy trì được nó cũng không có cách nào
khác ngoài sự tự nguyện của con người.
Tồn tại dựa trên sự phát triển hài hoà, đó là trạng thái cân bằng lý
tưởng của mọi mối quan hệ. Trạng thái đó giúp duy trì hòa bình, thịnh
vượng và các giá trị tự do. Căn nguyên của mọi xã hội dân chủ đều ở chỗ
dung hòa quyền lợi. Đây cũng là nguyên tắc nền tảng để xây dựng một xã
hội dân chủ tiến bộ. Tóm lại, “Sự dung hoà quyền lợi” chính là thước đo
hạnh phúc. Vì người ta càng làm tốt điều này thì công bằng được nêu cao,
tự do và hạnh phúc càng được đảm bảo.
01/6/2014
01/6/2014