Mạnh Kim
Các cây bút nghiên cứu chính trị và giới chóp bu quân sự Trung Quốc
đang lên án Mỹ việc sử dụng nhiều “âm mưu và thủ đoạn tinh vi” để thực
hiện chính sách cản trở con đường phát triển của Trung Quốc, dù đó là sự
“phát triển trong hòa bình”. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy chính Mỹ
từng “hà hơi tiếp sức” cho sự lớn mạnh của quân đội nước này nói riêng
và Trung Quốc nói chung. Thiếu những nền tảng ngoại lực ban đầu như vậy,
Trung Quốc khó có thể đạt được những kết quả như thấy hiện nay…
Tiếp tục chính sách “thân Trung, bài Xô”
Lịch sử chính trị thế giới cho thấy có khi, chỉ bởi vài quan điểm cá
nhân, thế cục đã có thể thay đổi. Trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ, đó
là những bộ não như Henry Kissinger và sau đó là “học trò” của ông –
Ngoại trưởng Alexander Haig. Trong nội các Ronald Reagan (kế nhiệm Jimmy
Carter), Haig được xem là nhân vật luôn ủng hộ mạnh mẽ chính sách thân
Bắc Kinh. Haig muốn đặt dấu ấn riêng trên trang sử quan hệ Mỹ-Trung bằng
việc thực hiện những bước đột phá để nâng quan hệ hai nước lên một cấp
độ chiến lược mới, mà trọng tâm của nó là tăng tốc việc bán vũ khí giết
người cho Trung Quốc, về chất lẫn lượng. Haig tin rằng, chỉ khi như vậy,
Mỹ mới có thể cân bằng được sức mạnh quân sự Liên Xô.
Quan điểm của Haig cũng được chia sẻ bởi một số người trong bộ máy
quân đội Mỹ. Bản nghiên cứu về mối quan hệ an ninh chiến lược với Trung
Quốc năm 1981 của Bộ tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ kết luận rằng, Trung
Quốc “đang đóng góp đáng kể” cho “sự cân bằng toàn cầu”. Tuy nhiên, một
lần nữa, Quốc hội và một số tướng lĩnh Lầu năm góc vẫn dè dặt việc mở
rộng cửa và cung cấp Trung Quốc những kỹ thuật quân sự tiên tiến. Với
Haig, đó là những ý kiến “thiển cận”, xuất phát từ hạng người có “tư duy
bàn giấy” và “đầu óc hẹp hòi”…
Sự vận động liên tục của Haig cuối cùng cũng có kết quả, dù khiêm
tốn. Năm 1983, Bộ trưởng quốc phòng Caspar Weinberger tuyên bố, trong số
những bước đi mới được thiết kế nhằm tăng cường quan hệ quân sự song
phương Mỹ-Trung, Washington sẽ sẵn lòng bán những hệ thống “vũ khí phòng
ngự” cho Bắc Kinh. Và trong nửa sau thập niên 1980, Washington cũng
đồng ý bán cho Trung Quốc ngư lôi, radar chiến thuật, thiết bị máy móc
để sản xuất vỏ đại bác và hệ thống điện tử cho thiết bị đánh chặn của
chiến đấu cơ. Giới chức Mỹ thậm chí còn bày tỏ việc sẵn lòng thảo luận
việc bán hệ thống tên lửa chống tăng, hệ thống dò âm chống tàu ngầm,
động cơ turbine khí cho tàu chiến và hệ thống tên lửa không đối không.
Tóm lại, Washington đã chuẩn bị bán một số mặt hàng quân sự với số
lượng lớn cho Trung Quốc. Sau chuyến công du Trung Quốc của Weinberger
năm 1983, loạt trao đổi qua lại giữa giới chức dân sự lẫn quân sự ở mọi
cấp bậc của hai nước liên tục diễn ra. Không chỉ dự tính tổ chức các
cuộc phối hợp tập trận hải quân giữa hai quân đội, Mỹ còn háo hức đề
xuất ý kiến triển khai máy bay chiến thuật đến những căn cứ gần
Vladovostok; phát triển “những hệ thống phòng không và cảnh báo sớm”,
xin được phép tiếp liệu cho vận tải cơ Mỹ mang hàng hóa cung cấp cho lực
lượng “kháng chiến quân” Afghanistan trong cuộc chiến chống Liên Xô…
Tuy nhiên, thời cuộc lại thay đổi và ảnh hưởng của nó là sự tái nhận
thức về các mối quan hệ. Giữa thập niên 1980, Liên Xô đang lún sâu vào
hỗn loạn nội bộ, trong làn sóng cải tổ của Mikhail Gorbachev. Nhận định
rằng Moscow không còn là kẻ thù và là mối đe dọa an ninh lớn đối với
mình, Bắc Kinh bắt đầu muốn cải thiện quan hệ với Moscow để tận dụng
quan hệ quân sự lẫn kinh tế. Dù sao, hai nước cũng từng có những mối
liên hệ chặt chẽ thời thập niên 1950. Việc tái nhận thức trong chiến
lược quan hệ với Liên Xô khiến Bắc Kinh “tế nhị” đẩy quan hệ với Mỹ
xuống một… tầm thấp hơn. Thế là thay vì hăm hở sắm “đồ chơi” Mỹ, Trung
Quốc đã bỏ qua (cơ hội ngàn vàng này) và chỉ mua vài thứ tượng trưng.
Những kế hoạch hợp tác quân sự song phương như nói ở trên cũng bị bỏ xó…
“Dưỡng hổ di họa”
Năm 1989 đã xảy ra hai sự kiện kinh thiên động địa khiến Mỹ bắt đầu
giảm dần, dù rất chậm, mối quan hệ với Trung Quốc. Thứ nhất đó là sự
kiện Thiên An Môn vào tháng 6 và tiếp đó là sự kiện bức tường Berlin sụp
đổ vào tháng 11. Cả hai sự kiện đều mang lại những ảnh hưởng sâu sắc
đối với chính sách đối ngoại của Mỹ lẫn Trung Quốc. Với Mỹ, sự tan rã
khối cộng sản Đông Âu khiến điểm tựa Liên Xô không còn đã dẫn Washington
đến những phác thảo mới cho chủ trương đối ngoại. Có một điều đến nay
không thể giải thích là tại sao dù chiến lược cân bằng với Liên Xô không
còn cần thiết nhưng Washington, bất chấp sự kiện kinh hoàng Thiên An
Môn, vẫn duy trì quan hệ khá gần gũi với Trung Quốc. Vài tháng sau vụ
Thiên An Môn, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Lawrence Eagleburger đệ trình
Quốc hội một danh sách những phạm vi “sống còn” mà Mỹ cần tiếp tục thực
hiện trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Eagleburger giải trình rằng, dù
Liên Xô sụp đổ, nhưng những “giá trị chiến lược” với Bắc Kinh vẫn không
thể vì thế mà từ bỏ. Do đó, Bắc Kinh và Washington cần tiếp tục chia sẻ
nhiều mối quan tâm mới, qua những chương trình hợp tác mới, trong bối
cảnh chính trị mới. Theo quan điểm Eagleburger cũng như một số giới chức
hoạch định chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, Washington bây giờ cần hỗ trợ
để đưa Trung Quốc tiếp cận và gắn kết sâu hơn vào các hệ thống định chế
quốc tế. Một cách tinh vi, đó là cách thuần hóa một con cọp đang mọc
nanh.
Chính sách này xuất hiện ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Bill
Clinton. Năm 1994, Chính phủ Mỹ tuyên bố Washington sẽ theo đuổi chính
sách “hợp tác toàn diện” với Trung Quốc – như Tổng thống Bill Clinton đã
trình bày: “Chúng tôi sẽ có nhiều mối liên hệ hơn. Chúng tôi sẽ giao
thương nhiều hơn. Chúng tôi sẽ hợp tác quốc tế nhiều hơn”. Nói cách
khác, Mỹ đã phát quang dọn đường đưa Trung Quốc lên vũ đài quốc tế, với
hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ có ý thức trách nhiệm hơn với những nghị sự
thế giới và những vấn đề toàn cầu (chẳng hạn ô nhiễm môi trường), cũng
như sẽ hành xử biết điều, biết luật hơn, với những xung đột khu vực… Mỹ
đã tạo ra một ảo tưởng cho Trung Quốc rằng họ bây giờ là một cường quốc.
Đặt Trung Quốc lên chiếc ghế định chế quốc tế không chỉ buộc Trung Quốc
phải “ăn ở” cho ra “tư cách người lớn” mà cũng là một cách để có thể
giám sát và thậm chí khống chế Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Mỹ dành
cả nửa sau của thập niên 1990 để vận động đưa Trung Quốc vào Tổ chức
thương mại thế giới (WTO)… Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm
2000, George W. Bush chỉ trích nội các tiền nhiệm đã “dung túng” và
“nuông chiều” Trung Quốc thái quá. Với Bush, Trung Quốc không thể là
“đối tác chiến lược” mà phải là “đối thủ chiến lược”. Dù vậy, thế cờ đã
được bày, trong một thời gian dài như thế, làm sao có thể gỡ một sớm một
chiều? Cuối cùng, dưới áp lực của giới doanh nghiệp và tài phiệt Mỹ,
Bush cũng buộc phải áp dụng chính sách đối với Trung Quốc chẳng khác
thời Bill Clinton bao nhiêu…
Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, những gì được thiết lập trước năm
1989 đã không bao giờ được tái lập. Mỹ bắt đầu nhận ra rằng, Trung Quốc
đang từng bước trở thành một mối họa đối với an ninh và quyền lợi Mỹ. Sự
nhận thức này diễn ra rất chậm. Trước năm 1996, giới chức quân sự Mỹ
vẫn còn chưa quan tâm sự phát triển quân sự Trung Quốc. Họ chỉ nghĩ
Trung Quốc đang mải mê lo làm giàu, thế thôi. Trong khi đó, một sự nhận
chân toàn bộ về thực trạng quân sự non kém của mình lại đang sôi sùng
sục tại Trung Quốc, từ khi họ chứng kiến sức mạnh kinh khủng của Mỹ phô
diễn ở cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Trung Quốc bắt đầu âm thầm tăng tốc
đầu tư quân sự, trước sự thờ ơ của Mỹ.
Tất cả chỉ thay đổi vào năm 1996, khi Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử
tổng thống dân chủ đầu tiên. Trung Quốc đã gây sức ép Đài Bắc bằng cách
triển khai dàn tên lửa chĩa thẳng về Đài Loan. Lần đầu tiên trong hơn 30
năm, Mỹ mới nhận ra một hiểm họa chiến tranh thật sự tại châu Á, đến từ
Trung Quốc. Lập tức sau đó, tình báo Mỹ bắt đầu theo dõi hoạt động quân
sự Trung Quốc. Kết quả thật đáng lo ngại, nếu không nói là đầy tính
cảnh báo. Hóa ra quân đội Trung Quốc đã mạnh hơn Mỹ nghĩ rất nhiều.
Trước sự kiện 1996, CIA gần như chẳng đếm xỉa đến Trung Quốc. Trong báo
cáo các mối đe dọa toàn cầu vào tháng 2-1996, giám đốc CIA John Deutch
trình bày ngắn gọn: “Chúng ta vẫn biết rất ít về giới lãnh đạo tương lai
Trung Quốc cũng như kế hoạch của họ”. Một năm sau, sau vụ khủng hoảng
Đài Loan, người kế nhiệm Deutch, George Tenet, bắt đầu “la thất thanh”:
“Những hành động và tuyên bố của Trung Quốc cho thấy họ quyết tâm thể
hiện mình như một sức mạnh đỉnh cao ở Đông Á”. Đến năm 1998, Tenet tin
chắc rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc “có một mục tiêu rõ ràng: biến nước
họ thành một sức mạnh chủ yếu ở Đông Á cũng như là cường quốc kinh tế
hàng đầu thế giới ngang hàng Mỹ vào giữa thế kỷ 21”.
Sau những năm tháng tận tình nuôi lớn con cọp dữ và bây giờ nó không
những không bị thuần hóa mà còn bắt đầu tính quay sang đớp chủ, Mỹ đã
bắt đầu biết “hối” rồi chăng? Tình hình càng nghiêm trọng khi George W.
Bush mải mê với cuộc chiến chống khủng bố. Tất cả chỉ thay đổi bắt đầu
từ Barack Obama. Và đó là một thay đổi toàn diện về nhận thức cũng như
chính sách. Một thay đổi tạo ra một diện mạo khác hẳn của chính trị thế
giới, kể từ lúc này.
(Nguồn tham khảo: “A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia”; giáo sư Aaron L. Friedberg; NXB W. W. Nortin & Company; phát hành ngày 1-10-2012)