Kính Chiếu Yêu
Dân Luận: Pháp luật của Việt Nam ta hay thật, khi đối tượng bị tình nghi là Ủy Viên Trung ương Đảng, Đại Biểu Quốc Hội, Thủ trưởng cơ quan điều tra thì... không biết giao cho ai điều tra làm rõ sự việc. Và khi đối tượng bị tình nghi mắc bệnh hiểm nghèo thì... người ta treo vụ án đó, và như thế là... đúng luật.
Trong khi đó những người như thầy giáo Đinh Đăng Định, bị tù giam chỉ vì cất tiếng góp ý cho đất nước, ốm nặng trong tù, người ta phải đợi... có giấy chứng nhận ung thư giai đoạn IV thì mới tạm trả tự do 12 tháng để chữa bệnh. Và như thế cũng vẫn... đúng luật.
Đúng luật vì luật ở ta chính quyền muốn bẻ thế nào thì bẻ, và "các loài vật đều bình đằng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác" thôi.
Sau lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng
và đồng phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, vụ án "Làm lộ bí
mật Nhà nước" đã được khởi tố với đối tượng bị tố cáo là ông Phạm Quý
Ngọ.
Sau khởi tố vụ án, vụ việc sẽ được giao cho cơ quan điều tra để làm
rõ sự thật. Khi thấy có đủ căn cứ thì sẽ khởi tố bị can đối với ông Ngọ.
Tuy nhiên, chắc là do tính chất phức tạp của vụ việc (ông Ngọ đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc Hội, Thủ trưởng cơ quan điều tra) nên chỉ việc xác định giao cho ai điều tra đã là một vấn đề không đơn giản.
Theo trình tự thì khi có đủ căn cứ, các cơ quan chức năng sẽ "hất
mũ", cách hết mọi chức vụ đối với ông Ngọ, ra quyết định khởi tố bị can
và tiến hành các biện pháp tố tụng để làm rõ sự việc.
Song, vài năm trước ông Ngọ bị bệnh xơ gan và đã phải sang Singapore
ghép gan. Người cho gan là một cán bộ trong ngành mà sau này ông đã nhận
làm con nuôi. Sau ghép gan, ông có khá lên, nhưng mấy tháng gần đây
tạng ghép bị đào thải, bệnh tình ông trở nên trầm trọng phải vào viện
điều trị.
Vì vậy, cơ quan tố tụng mới chỉ khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can. Cái đó là đúng luật.
Nếu tại các lời khai khác của Dương Chí Dũng và đơn tố cáo có nhiều
đối tượng liên quan và quá trình điều tra đã làm rõ được hành vi với dấu
hiệu tội phạm rõ ràng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối
tượng liên quan khác không phụ thuộc vào lời khai của người đã chết thì
vụ án vẫn tiếp tục được điều tra, xử lý theo thủ tục thông thường. Tuy
nhiên, lời tố cáo của Dũng chỉ có ông Ngọ tiết lộ bí mật cho Dũng nên
theo quy định của pháp luật thì vụ án đã khởi tố sẽ bị đình chỉ theo
Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự, bởi đối tượng bị tố cáo đã chết.
Vụ việc "Làm lộ bí mật Nhà nước" coi như đã bị chôn vùi theo người đã
khuất. Nhưng những vấn đề liên quan vẫn còn đó vì rằng có dấu hiệu một
vụ tham nhũng khác đã được Dũng khai ra tại phiên tòa hôm xử vụ tổ chức
người trốn đi nước ngoài của Dương Tự Trọng.
Theo ông Dũng, để lo lót về việc ụ nổi 83M, Dũng đã hối lộ hai lần
với số tiền 510 ngàn USD cho ông Ngọ. Số tiền này không phải chỉ để mua
thông tin mà chạy trốn.
Thông qua sự giới thiệu của ông Phạm Quý Ngọ, ông Dũng quen biết ông
Thanh là cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48).
Ông Dũng đã gặp ông Thanh và đưa cho ông Thanh 20.000 USD và một chai
rượu quý. Trả lời tòa về mục đích của việc đưa tiền, ông Dũng khai biếu
tiền ông Thanh với mục đích liên quan đến việc bị cơ quan điều tra triệu
tập.
Cũng theo lời khai của ông Dũng tại tòa, sáng 7-5 ông đến C48 làm
việc với một cán bộ tên Sơn xoay quanh việc mua ụ nổi 83M. Sau đó ông
Dũng đã xin số điện thoại và đến nhà thăm ông Sơn. Tại đây, ông Dũng đã
biếu ông Sơn phong bì 10.000 USD.
Ngoài việc đút tiền cho các cán bộ cấp cao để thoát tội trong phi vụ ụ
nổi 83M, ông Dương Chí Dũng còn khai nhận liên quan đến dự án di dời
chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn, ông Dũng đã nhận của bà Lan (chủ của
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TP.HCM) 1 triệu USD để chuyển cho ông Phạm Quý
Ngọ.
Như vậy, chưa phải là đã chấm hết. Chẳng hạn, nếu vụ hối lộ 1 triệu
USD được làm rõ, ông Ngọ là người có liên quan thì người thừa kế của ông
Ngọ phải chịu trách nhiệm thi hành bản án.
Chuyện này chắc còn dài, thôi ta để ông ấy yên trong những ngày tang gia.