Đồng Phụng Việt
Kính các bác,
Vài ngày qua, theo dõi tin tức trên hệ thống truyền thông nước nhà về
vụ ông Phạm Qúy Ngọ, Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, tôi hoang mang
tợn.
Nghe bên này, ngóng bên kia, dẫu thiên hạ đã lý giải đủ kiểu nhưng tôi vẫn không hết băn khoăn.
Căn cứ vào vô số các quyền mà theo lệnh các bác, Quốc hội, Chính phủ
đã liệt kê trong vô số văn bản quy phạm pháp luật, tôi viết thư này, nhờ
các bác giải thích để tôi và nhân dân trong nước không bị dư luận xấu
bên ngoài kích động, niềm tin vào Đảng, Nhà nước vốn đã chẳng còn bao
nhiêu lại thêm phần suy giảm.
Chẳng là theo tờ Thanh Niên thì ông Trương Việt Toàn, Thẩm phán Tòa
án Hà Nội, người công bố quyết định khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà
nước”, khi ngồi xử sơ thẩm Dương Tự Trọng và đồng bọn “tổ chức cho người
khác trốn đi nước ngoài”, vừa mới tuyên bố các bác sẽ cho đình chỉ vụ
án “làm lộ bí mật nhà nước”, do ông Ngọ đã mệnh một.
Cho đến giờ, từ lời khai của ông Dương Chí Dũng, hệ thống bảo vệ pháp
luật của chúng ta chỉ mới khởi tố vụ án vừa kể, chứ chưa khởi tố bị can
nào.
Tuy đúng là ông Ngọ đã chết nhưng khoản 7 điều 107 của Bộ Luật Tố
tụng hình sự quy định, chuyện đình chỉ vụ án chỉ có thể thực hiện nếu
người chết là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội”. Vậy thì
căn cứ vào đâu để xác định ông Ngọ là “người thực hiện hành vi nguy hiểm
cho xã hội” mà dự tính đình chỉ vụ án?
Chuyện nhận tiền hối lộ, bao che, che không xong thì mật báo cho bi
can trốn, rõ ràng là những “hành vi nguy hiểm cho xã hội” nhưng vì sao
ông Ngọ biết “quyết định của Bộ Chính trị” để mật báo thì chưa được làm
rõ.
Chưa được làm rõ chứ không phải là không thể làm rõ. Theo tôi, vấn đề là các bác có muốn làm rõ hay không mà thôi.
Trong phiên xử Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng không chỉ khai về ông
Ngọ. Các lời khai còn có một số chi tiết liên quan đến ông Trần Đại
Quang, Đại tướng, Bộ trưởng Công an. Ông Quang đồng thời còn là Ủy viên
Bộ Chính trị. Vậy thì càng cần phải làm rõ để bảo vệ uy tín của Bộ chính
trị cũng như khẳng định quyết tâm chấn chỉnh, xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh của các bác là thật, không phải nói chỉ vì… cần tuyên bố.
Ông Ngọ tuy đã chết nhưng các điều tra viên điều tra vụ ông Dương Chí
Dũng chưa kịp… chết! Chẳng phải ông Dũng đã khai với Tòa là ông ta đã
từng khai những điều tương tự với các điều tra viên nhưng ngay sau đó bị
“ép” phải viết thư xin lỗi vì đã vu cáo ông Ngọ đó sao? Ông Quang,
người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chẳng lẽ “thiếu trách nhiệm” tới mức
không biết những tình tiết này? Gọi, hỏi các điều tra viên xem họ đã báo
cáo tiến trình điều tra với những ai và đã làm theo lệnh ai chắc ra ối
chuyện hay?..
Nhân chuyện này, xin nhắc thêm một chuyện mà tôi tin, chính các bác
cũng chẳng lạ gì. Đó là những tố cáo kèm bằng chứng về việc ông Quang
làm giả hồ sơ, khai giảm tuổi để ngồi lại lâu hơn, trèo lên cao hơn. Qua
Internet, dân đã biết hết nhưng vẫn không thấy các bác kết luận. Tôi
nghĩ để càng lâu, càng nguy hiểm. Những chuyện như vậy, không cần các
thế lực thù địch, phản động, kích động, lôi kéo, dân vẫn nghi lãnh đạo
Đảng bao che cho nhau từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Muốn bao là một
chuyện nhưng che được hay không lại là chuyện khác. Chẳng phải tự nhiên
mà dân gian thường bảo: “Dĩ dzãng dơ dáy dễ dầu gì giấu diếm”.
Cũng trong vụ ông Ngọ, một ngày trước khi có tin ông ấy chết, ông
Phạm Anh Tuấn, Phó Ban Nội chính của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
tuyên bố: “Có một số ý kiến đề xuất tạm đình chỉ công tác của ông Ngọ”.
Sau hơn một tháng mà tiến trình của vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”,
vốn nằm trong chuỗi “đại án”, nhằm chứng tỏ quyết tâm xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh, chỉ đạt được mức “có một số ý kiến đề xuất tạm
đình chỉ công tác của ông Ngọ” khiến tôi tự hỏi quyết tâm chấn chỉnh,
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh của các bác lớn tới cỡ nào? Chưa kể
cũng theo lời ông Tuấn thì Bộ Chính trị các bác chưa quyết định gì cả
(?).
Dẫu ông Tuấn có nói đến nguyên tắc mà theo đó “phải tạm đình chỉ công
tác” ông Ngọ nhưng ông Tuấn lại nói thêm là ông Ngọ “đang bệnh nặng”
thành ra chuyện “tạm đình chỉ công tác” trở thành “nhạy cảm”.
Hai chữ “nhạy cảm” gợi cho tôi nhớ tới ông Trần Văn Thanh.
Ông Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an này từng là bị cáo trong
một vụ án mà các bị can bị cáo buộc là đã vu cáo ông Nguyễn Bá Thanh
tham nhũng (1).
Hồi tháng 7 năm 2009, tuy ông Trần Văn Thanh vừa bị tai biến, xuất
huyết não nhưng Tòa án Đà Nẵng vẫn ra lệnh đưa ông Thanh tới Nhà hát
Trưng Vương để xử ông Thanh cho dân chúng xem.
Vì sao lúc đó, chuyện một Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an
phải ra tòa bằng xe cứu thương, vào tòa bằng băng ca, mũi úp bộ trợ thở,
tay ghim đủ loại ống truyền dịch không bị xem là “nhạy cảm”?
So hai ông tướng công an với nhau, tôi tự hỏi, lúc nào, với ai thì việc áp dụng pháp luật hình sự trở thành “nhạy cảm”?
Không lẽ luật pháp nước nhà cũng giống như cơ thể các bác, có chỗ
nhạy, chỗ không. Đảng cho thuốc mới cương, không cho thuốc thì nhược?
Tôi không rõ Quốc hội đã bỏ phiếu đưa hai chữ “nhạy cảm” vào Bộ Luật
Tố tụng Hình sự hay chưa (?) để mỗi khi các bác cảm thấy “nhạy cảm” thì
hệ thống bảo vệ pháp luật phải tạm ngưng hoạt động để chờ ý kiến các
bác.
Tôi cũng không rõ Quốc hội đã bổ sung hai chữ “nhạy cảm” vào Hiến
pháp mới để định nghĩa lại những yếu tố hiến định như mọi công dân đều
bình đẳng trước pháp luật, Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo trong khuôn
khổ hiến pháp và pháp luật, chưa?
Tôi mong là Quốc hội đã kịp làm tất cả những điều đó mà tôi và nhiều
người chưa kịp biết. Bằng không thì chẳng lẽ các bác, vốn chỉ có một
nhúm người lại ngồi xổm lên cả hiến pháp lẫn luật pháp ư?