Mai Thanh Hải
(Với 2 con gái Mai Trần Tường Linh và Mai Trần Thục Linh)
Con gái yêu của Ba!
Tháng 2/2014: Con gái yêu của Ba sang 8 tuổi và sắp học hết lớp 2.
Con chỉ biết, những ngày này là qua Tết Nguyên đán, phải đi học
nhưng con vẫn dậy sớm đến trường và thánh thót khoe với Ba mẹ những điểm
9-10 sau mỗi ngày buốt giá.
Xung quanh con lúc này, chỉ có những bài học; những phút vui cùng
bạn bè, cô giáo ở ngôi trường giữa lòng Hà Nội xanh ngắt cây lá và ngập
tràn sắc màu xanh đỏ của những bé con má đỏ, môi hồng...; xung quanh con
là đầy đủ, no ấm và con chỉ phụng phịu mỗi khi Ba mẹ tắt ti vi trong
giờ ăn, không để con dán mắt vào màn hình chiếu Clip quảng cáo, hay phim
dành cho thiếu nhi, nhan nhản trên truyền hình cáp...
Tháng 2/1979: Ba gần 10 tuổi và cũng Tiểu học như con bây giờ. Hồi
ấy, ông nội của con mới phục viên sau hơn 10 năm chiến đấu khắp các
chiến trường và mong ước hòa bình chỉ thực sự hiện diện khi tiến vào
Dinh Độc Lập, tháng 4/1975.
Ký ức của Ba về ông Nội là chiếc ba lô to đùng đằng sau lưng, trên
đó tòng teng chiếc khung xe đạp, con búp bê biết nhắm và mở mắt, 1 chiếc
ca bằng đuya ra.
Thế nhưng, ký ức mãi không thể quên trong tâm trí của Ba là buổi
sáng 17/2/1979, Đài Tiếng nói Việt Nam đang líu lo lời hát mừng ngày Chủ
nhật, bỗng im bặt, khọt khẹt, nhường giọng cho cô Phát thanh viên run
run: “Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sáng nay, Trung Quốc bất ngờ
xua quân đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Tổ quốc
lại có xâm lăng!” và tất cả những người Ba nhìn thấy hôm ấy, cũng tựa
vào nhau, ngạc nhiên đến run rẩy: “Họ là bạn láng giềng bao năm, sao lại
quay súng bắn mình?”.
Và ngay buổi trưa hôm ấy, những bạn bè ông Nội ở gần nhà, cùng đi bộ
đội, cùng phục viên, vẫn cùng tụ tập đến nhà mình uống nước trà mỗi
tối, đến thì thầm nói chuyện.
Câu chuyện của những cựu binh đó, mãi sau ba mới biết: Họ nhắc nhau
chuẩn bị quân tư trang, ôn lại kỹ chiến thuật chiến đấu, sẵn sàng khoác
ba lô lên biên giới phía Bắc.
Buổi trưa ngày hôm đó, ông Nội xếp gọn quân tư trang quần áo chiếc
ba lô cũ và gọi bà, dặn dò việc ở nhà. Lúc ấy, trí óc non nớt của Ba mới
cảm nhận: “Giặc là gì? Là kẻ đã kéo người thân của Ba ra khỏi ngôi nhà
và làm xáo trộn cuộc sống gia đình yên ấm”..
Tháng 2 và 3 năm 1979, rút cục ông Nội cũng chỉ lên Huyện đội tập
trung, huấn luyện và trong lực lượng dự bị, sẵn sàng lên đường, mỗi tuần
phải trực vài đêm.
Tuy nhiên, cuộc sống thời chiến thì không chỉ đơn giản trong việc
mỗi tuần, ông phải ở cơ quan 2 đêm, thi thoảng lại về nhà muộn, mệt
nhoài vì đào hầm hào, huấn luyện... mà cuộc sống thời chiến còn tác động
trực tiếp đến Ba và gia đình bé nhỏ của nhà mình.
Hồi ấy và sau này này nữa, Ba say mê đọc những cuốn truyện tranh kể
về chiến công của những anh bộ đội - dân quân - du kích chiến đấu với
giặc Trung Quốc ở nơi biên giới, những thủ đoạn thâm độc của những kẻ
đội mũ vải, đeo "tiết đỏ" và mặc áo 4 túi chỉ muốn chiếm đất của Tổ quốc
mình..
Hồi ấy, Ba cùng các bạn trong lớp cũng phải cùng các anh chị, thầy
cô trong trường cấp 1 đào giao thông hào ngay trong sân trường (Bây giờ,
đoạn giao thông hào ấy đã bị lấp. Nhưng có dịp, Ba đưa con về quê mình,
trèo lên núi Voi gần nhà bà Nội, con vẫn thấy những đoạn giao thông hào
bị cỏ che kín mà Ba và các anh chị, thầy cô đã đào thời đó).
Hồi ấy, mọi nhà đề phải đào hầm, nhà Nội mình cũng đắp 1 chiếc hầm
kèo ngay giếng nước. Lúc đào xong, bọn trercon cứ rúc rích chui ra -
chui vào chơi trốn tìm.
Cứ như vậy, Ba lớn lên với những câu chuyện kể ở trường, những trang
truyện tranh đọc "ké" ngoài hiệu sách phố huyện, các câu chuyện - lời
bàn tán của đồng đội ông Nội, bên bàn nước vàng ệch màu đèn dầu và cả
những tiếng nói bập bõm, này đêm thông báo "tình hình chiến sự biên giới
phía Bắc"... Tất cả đã dần hình thành trong tâm tưởng Ba về một nỗi ám
ảnh, nguy hiểm và đe dọa thường trực được gọi là Trung Quốc.
Tháng 3/2013: Con tròn 7 tuổi và học lớp 2.
Buổi sáng Ba ra xe đón lên Nội Bài, bay vào Nha Trang, ra Quần đảo
Trường Sa, con đứng ngoài đầu ngõ vẫy tay: "Ba về sớm và mua quà cho con
nhé!" và lại tất tưởi ngồi sau xe để mẹ chở đến trường, cùng líu lo hát
"Em vui vào trường Thành Công B, lấp lánh ban mai chim ca. Em vui vào
trường Thành Công B, lá biếc hoa thơm ngọt ngào. Em luôn được thầy cô
yêu thương với trái tim của mẹ hiền. Lấp lánh cho con bay cao, giữa trời
xanh chim tung cánh bay..." với má đỏ môi hồng cùng lớp.
Con có biết, những ngày sau đó, Ba đã cùng hơn 100 người con đất
Việt, kề vai nhau trên con tàu vận tải chiến đấu của Vùng 4 - Hải quân,
xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh ra với dải đất Trường Sa thân thương
đang ưỡn lưng bảo vệ vòng cung hình chữ S
Nửa tháng ra với bộ đội, ở với bộ đội, hóa thân thành bộ đội, cảm
nhận - chia sẻ cùng bộ đội và vui - buồn - căm hờn cùng bộ đội, Ba càng
thêm yêu Tổ quốc của mình và đau cùng Tổ quốc của mình.
Buổi trưa, trước khi làm lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân
nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì lưỡi lê, báng súng, dao găm và đạn AK
bắn gần, pháo hạm của lính Trung Quốc khi làm nhiệm vụ giữ đảo trên vùng
biển Cô Lin - Gạc Ma xanh ngăn ngắt, lặng lẽ sóng, không chỉ Ba mà rất
nhiều đồng đội trẻ đã bật khóc ngay trên tàu..
Khóc thật sự và nước mắt thật sự uất ức, chảy tràn trên má, làm ướt mềm quai mũ cứng gắn quân hiệu sao vàng con ạ!
Con có biết không? Những người lính đang nằm dưới biển sâu kia còn
rất trẻ. Ba đã vào phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải Quân và nhìn lại
gương mặt những người đã ngã xuống qua những tấm ảnh hiếm hoi.
Họ trẻ trung và trong sáng như thể còn ở tuổi học sinh Trung học.
Ngay cả những người Thuyền trưởng chỉ huy mới mang hàm cấp úy cũng rất
trẻ trung, điệu đàng, nhưng đã dùng mọi hỏa lực trên những chiếc tàu chỉ
có chở đất, đá, bê tông ra xây đảo để bắn trả mãnh liệt vào tàu xâm
lược và cho tàu phóng thẳng lên bãi cạn, đánh dấu chủ quyền...
Vậy mà họ đã nằm xuống vĩnh viễn dưới lòng biển.
Họ nằm xuống trong khi ngăn chặn lính Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo với trang bị đến tận răng.
Họ nằm xuống bởi họ là lính Công binh Hải quân chỉ có quần đùi, mũ mềm và... tay không ra xây dựng đảo.
Dĩ nhiên, da thịt của họ chẳng phải sắt thép, để tránh những nhát dao găm, lưỡi lê băm bổ
Gân cốt họ cũng chẳng phải titan để chống lại đạn nhọn của đám lính
Trung Quốc điên cuồng xiết cò súng AK để sẵn ở nấc bắn liên thanh...
Họ lần lượt nằm xuống, cùng nhau nằm xuống, đời quân ngũ tưởng vài
năm, hóa ra bất tận, mắt mở to tròn không nhắm nổi, ngạc nhiên: Sao lại
phải chết, uất ức?..
Tháng 3/2013 ở Trường Sa, sau khi đã làm lễ truy điệu những cán bộ -
chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang nằm dưới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, Ba
và đồng đội lẳng lặng tràn ra hết mũi tàu, 2 bên boong lặng nhìn xuống
biển xanh, gọi tên những người lính nằm dưới sâu tầng nước lạnh, bao năm
chưa lấy được xác và tất cả, trừng mắt nhìn tòa nhà cao vài tầng sừng
sững của lính Trung Quốc chiếm trên đảo chìm Gạc Ma.
Lúc ấy, ánh mắt của ai cũng rất lạ, từ Trung tướng Trưởng đoàn công
tác cho đến cô Hạ sĩ đoàn văn công Quân khu 4. Ai cũng ráo hoảnh, căm
hờn chứ không rưng rưng, khi những bó hương viếng Liệt sĩ cháy bùng,
cuộn khói bay vòng tròn như những dấu hỏi...
Tháng 3/1988: Lúc ấy Ba đã học lớp 11. Buổi chiều đông hôm ấy, Ba
sững sờ khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chậm danh
sách những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh và mất
tích trong khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma.
Không thể diễn tả cảm xúc lúc, chỉ biết rằng, đến bây giờ hình như vẫn
còn nguyên sự uất ức - bức bối như thể có tảng đá đang đè trên ngực (Cảm
giác này càng nhân lên gấp bội và thành ám ảnh khi Ba ra với Trường
Sa).
Ngay sáng ngày hôm sau, cái lớp 11B3 của Ba ngày ấy đã không thể học
được và hết thảy, những thằng con trai trong lớp, đã làm đơn tình
nguyện đi bộ đội, cùng con trai các lớp khác kéo đến đứng đen đặc, câm
lặng trước phòng thầy Hiệu phó cũng đang đỏ hoe mắt, vì có con trai đang
đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Con có biết không? Ở gần nhà bà Nội mình có dãy núi Xuân Sơn, nơi
đóng quân của Đoàn Tên lửa bờ Hải quân 679. Thi thoảng, những chiếc xe
hàng vài chục bánh lại phun khói chở những ống tên lửa khổng lồ đi đâu
đó. Hồi ấy, Ba và các bạn chỉ muốn vào bộ đội tên lửa Hải quân để điều
khiển những quả tên lửa bắn nát tàu Trung Quốc...
Ngày 17/2/2014 này: Tròn 35 năm, ngày Trung Quốc xúa quân bất ngờ tấn
công dọc tuyến biên giới nước ta; gần 26 năm Trung Quốc cho quân bất
ngờ bắn giết bộ đội ta và đánh chiếm một số đảo chìm, bãi cạn của Tổ
quốc trên quần đảo Trường Sa.
Ngày Tình yêu 14/2. Ba không đưa con đi mua quà tặng cho mẹ Hằng mà
ngồi đọc những dòng của các cựu binh chiến binh nhớ về sự kiện tháng
2/1979 - tháng 3/1988 và viết, thực muốn viết những dòng này cho con và
mẹ Hằng cùng những bạn bè của Ba đang ấm cúng bên vợ - người yêu - người
tình bên nến hồng, rượu vang.
Viết để nhớ một thời bao người đã đổ máu, góp xương cho mỗi tấc đất biên cương nơi xa hút.
Viết để sau này lớn lên, con có đi Lạng Sơn thăm động Tam Thanh,
thắp hương bùi ngùi trước nàng Tô Thị; lên Trùng Khánh - Cao Bằng nhấm
vị bùi hạt dẻ, ngắm thác Bản Giốc tiếc nuối dòng nước chia đôi; ngược Hà
Giang tắm nước nóng Thanh Thủy dội về từ những điểm cao lửa; lên Lào
Cai đắm mình trong se lạnh Sa Pa; trèo núi đá đến Lai Châu tắm thuốc
người Dao, ngắm ruộng bậc thang, hoa Ban; ra Trường Sa vớt cá chuồn đêm
trăng...
Con hãy bước nhẹ, khi đặt chân lên từng mảnh đất - địa danh biên
giới, bởi ở đó thấm đấm máu xương bao lớp cha anh, giữ cho bờ cõi yên
lành con hưởng hôm nay và con gái, con đừng quên ghé qua các Nghĩa trang
Liệt sĩ nằm im lặng - khuất nẻo dọc con đường to, trong góc ngã ba nhỏ,
cạnh pháo đài đổ nát rêu phong, bên bờ suối thì thầm nước hát... để
thắp 1 nén hương, cắm 1 nhành hoa tưởng nhớ các ông, các bác, các cô chú
đã nằm xuống trong những năm tháng dằng dặc chống giặc xâm lược Trung
Quốc, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi yên thương của TỔ QUỐC chúng mình, con gái
yêu nhé!..
Thân thương! Con gái của Ba!...
(Ga Lào Cai, 6h sáng ngày 17/2/2014. Đúng giờ này 35 năm trước, viên
đạn pháo đầu tiên bắn vào thị xã, mở màn cho cuộc tấn công xâm lược
đồng loạt của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta).