Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Hãy thôi đục bỏ lòng yêu nước!

Lâm Bình Duy Nhiên
35 năm trước (17/2/1979), Trung Quốc đã tung quân tấn công xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã gây nhiều tổn thất nặng nề về tài sản và con người. Đó là một cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu mà trong đó quân đội Trung Quốc đã tàn ác ra tay với bao cuộc thảm sát man rợ đối với đồng bào Việt Nam. Một cuộc chiến giữa hai quốc gia anh em, đồng chí thuộc khối Xã hội chủ nghĩa. Một cuộc chiến dựa trên những mưu toan chính trị đen tối mà trong đó cái chết của chục ngàn người dân Việt Nam vô tội, của những chiến sĩ hy sinh nơi chiến trường, đã trở thành một tấn bi kịch trong lịch sử dân tộc.

Đã 35 năm trôi qua nhưng cuộc chiến tranh vô nghĩa ấy vẫn còn đọng lại nhiều câu hỏi, nhiều bí mật mà chính nhà cầm quyền CSVN vẫn không muốn đưa ra ánh sáng. Máu của đồng bào và của những người lính Việt Nam đã nhuộm đỏ miền biên cương phía Bắc. Sự hy sinh của họ vẫn chưa được nhà cầm quyền thừa nhận và tri ân một cách chính thức. Đó là một bi kịch lớn đối với những người đã nằm xuống vì nó đi ngược lại với tinh thần nhân văn và đạo lý của con người Việt Nam. Sự xả thân để bảo vệ từng tấc đất quê hương của những người lính trong cuộc chiến chống quân xâm lược lẽ ra phải được tôn vinh bởi nhà cầm quyền, nhất là khi họ đã đánh đổi sinh mạng, tuổi xuân để bảo vệ cho chính sự tồn tại của đảng CSVN. Năm tháng trôi qua, thế giới xung quanh không ngừng xoay chuyển với bao biến động quan trọng, cuộc chiến tranh biên giới 1979 vẫn là một chủ đề « tế nhị » mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn cố tình lẩn tránh. Vẫn không một ngày tưởng niệm, một lời tri ân nghiêm túc từ giới lãnh đạo chính thống của đảng. Họ im lìm, câm lặng trước sự hy sinh của chính những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một số ít những bia tưởng niệm được dựng lên, có lẽ sau 1979, khi mà Liên Xô còn tồn tại, nay lại mang trên mình một nỗi đau khôn tả. Đó là sự đục bỏ trắng trợn những dòng chữ liên quan đến bọn xâm lược Trung Quốc! Chắc chắn rằng sau khi Liên Xô và khối cộng sản tại Đông Âu tan rã, nhà cầm quyền CSVN đã bắt buộc quay về với kẻ thù ngày xưa, « bọn bành trướng Bắc Kinh », để dựa vào chúng mà tồn tại. Một cách gián tiếp, có thể họ cho người Trung Quốc đục bỏ những gì liên quan đến sự tố cáo tội ác chiến tranh của chúng hay cũng có thể, một cách trực tiếp, chính tay nhà cầm quyền Việt Nam đã làm việc xấu hổ đó để lấy lòng bọn đồng chí phương Bắc! Bất luận sự thật như thế nào, hình ảnh những tấm bia tưởng niệm nằm trơ vơ giữa rừng hoang, bị hoen ố, đục đẽo hòng xóa đi sự thật của một cuộc chiến, của những tội ác bất nhân do kẻ thù gây ra là một bằng chứng lịch sử cho sự yếu hèn, nhục nhã của chế độ cầm quyền!
Khi không có dũng khí để công khai tố cáo, vạch trần tội ác của quân xâm lược mà ngược lại còn thỏa hiệp với chúng để hòng trấn áp, đe dọa chính đồng bào của mình khi họ biểu hiện lòng yêu nước chống ngoại xâm, đó là sự nhu nhược, trơ trẽn của một chế độ độc tài. Nhắm mắt làm ngơ trước tội ác man rợ của kẻ thù, câm lặng trước sự hy sinh của quân, dân là đồng lõa với chúng! Thái độ đó đáng bị lên án và là một vết nhơ, một sự tủi hổ khôn nguôi cho dân tộc Việt Nam. Một dân tộc luôn kiên trì, anh dũng và bất khuất, xuyên suốt chiều dài lịch sử, đã bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc. Một dân tộc thông minh, luôn biết lượng sức mình, nhưng không hèn nhát, để đánh đổ 1000 năm ách đô hộ của ngoại bang phương Bắc.
Đành rằng trong những cuộc chiến tranh, sự hy sinh là điều bắt buộc. Hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hy sinh để đánh bại những thế lực ngoại xâm là một vinh dự cao cả của một chiến sĩ, của một công dân. Nhưng sự hy sinh đó cần được tôn trọng và không thể xem nhẹ như một chi tiết nhỏ bé của lịch sử mà một chế độ có thể tùy tiện xóa bỏ hay thay đổi. Nó cần được nhắc đến một cách trung thực để thế hệ mai sau dựa vào đó mà vươn lên. Không có quá khứ sẽ không có bản sắc của dân tộc! Đừng để xương máu của đồng bào đổ xuống một cách oan uổng cho những cuộc chiến tranh vô nghĩa. Hiểu rõ quá khứ, trân trọng sự hy sinh cao cả và công ơn to lớn của thế hệ đi trước chính là tinh hoa của dân tộc Việt Nam.
tuyentruyen.jpg
Áp phích tuyên truyền của Liên bang Xô Viết trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 [*]
Đã đến lúc nhà cầm quyền CSVN nên có một thái độ dứt khoát về sự thật lịch sử và bản chất vô nghĩa của một cuộc chiến tranh đẫm máu đã đem lại những tổn thất, mất mát nặng nề cho dân tộc. Không thể ngụy biện cho sự tồn tại của hai quốc gia cùng chung ý thức hệ vốn đã lỗi thời hay tình « đồng chí » để đi ngược lại những đòi hỏi cấp bách nhân dân, của đất nước. Hãy trân trọng những hương hồn của hàng vạn quân, dân Việt Nam đã nằm xuống dọc theo những mảnh đất vùng biên giới thân yêu. Đừng giết họ thêm một lần nữa. Đừng chà đạp và phủ nhận lòng yêu nước của họ trong một cuộc chiến phi đạo lý. Hãy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Hãy đứng về phía nhân dân: chính nghĩa của dân tộc!
Nhà văn người Anh, Rudyard Kipling có viết: « Nạn nhân đầu tiên của một cuộc chiến tranh là sự thật - The first casualty of war is truth ». Sự thật vẫn là điều mà nhà nước CSVN luôn cố tình lẩn tránh trong tất cả các cuộc chiến có sự hiện diện của họ. Những cuộc chiến mà nơi đó, lòng yêu nước và sự dấn thân quên mình của người dân đã bị lợi dụng cho những mục đích chính trị thối nát. Chính đảng CSVN đã phản bội lại những trang sử hào hùng của dân tộc!
Xin thắp một nén nhang bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến đồng bào và chiến sĩ, bất luận chế độ, tư tưởng chính trị, đã ngã xuống để bảo vệ vẹn toàn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, để hồn thiêng sông núi Việt mãi mãi bất tử trong trái tim của mỗi công dân Việt Nam.
Lâm Bình Duy Nhiên, 17/02/2014
[*] Céline Marangé, Le communisme vietnamien (1919-1991), Paris, Presses de Sciences Po, 2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"