Tin đất nước láng giềng Campuchia sản xuất được xe hơi làm chấn động
những người đọc báo Việt Nam. Ở mặt này, đã có nhiều người viết, phân
tích vì sao chúng ta tụt hậu. Trong lĩnh vực quan tâm của mình, tôi chỉ
nói sơ khởi về mặt văn học nghệ thuật, cụ thể là điện ảnh, cái mà chúng
ta cũng đang tụt hậu với đất nước mà không ít người trong chúng ta nhìn
họ với con mắt ngạo mạn của một nước “đàn anh”.
Minh chứng rõ ràng nhất là điện ảnh Campuchia vừa làm một cú ngoạn
mục khi bộ phim The missing picture (Bức ảnh đánh mất) của đạo diễn
Rithy Panh có tên một cách trang trọng trong danh sách đề cử Oscar 2014
cho mục Phim nước ngoài hay nhất.
Cần biết trước khi đến với giải thưởng danh giá này, The missing
picture đã giành được giải Un Certain Regard (giải thưởng dành cho những
tài năng làm phim trẻ và những tác phẩm mang tính đột phá) tại Liên
hoan phim Cannnes 2013 và tại Liên hoan phim Busan 2013 tổ chức tại Hàn
Quốc, đạo diễn Rithy Panh cũng từng nhận được giải Nhà làm phim Châu Á
của năm.
Ai cũng biết lọt vào đề cử và có hy vọng sở hữu tượng vàng Oscar cho
hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất là một vinh dự với cả một
nền điện ảnh. Nhớ năm ngoái, khi phim của đạo diễn Kim Nguyễn quốc tịch
Canada cũng vào đề cử này (không đoạt giải), rồi năm nay phim của Nguyễn
Võ Nghiêm Minh được chiếu tại LHP Berlin cũng làm báo chí Việt sướng
rên dù chỉ là sướng ké, bởi họ đều là … Việt kiều!
Trong khi ấy nền điện ảnh Việt Nam gần như bế tắc, mỗi năm làm ra
chừng chục bộ phim nhựa, trong đó phim nhà nước đầu tư hàng núi tiền thì
khô cứng, ý tưởng và thông điệp cũ rích, lạc hậu, làm xong “cúng cụ”
rồi xếp xó bởi nếu chiếu chỉ có… ma coi! Còn phim các hãng tư nhân thì
nhảm nhí, hài thô tục, tầm phào, chỉ có ai không biết xấu hổ mới xem
loại phim này.
Vì sao ra cái nông nỗi này? Về mặt văn học nghệ thuật, nói riêng về
điện ảnh, tôi không cho rằng so với người Campuchia người Việt trong
nước quá bất tài, nhưng cái bất tài, nói thẳng ra là ngu dốt, bảo thủ
nằm ở những kẻ nắm trong tay quyền sinh sát và những kẻ thừa hành, đó là
những kẻ “gác đền”, dù cái đền ấy đã mục rã và bốc mùi. Không thể có
một tác phẩm hay, chứ đừng nói xuất sắc để trình chiếu cho “người ngoài”
nếu lưỡi kéo kiểm duyệt còn dứ ngay yết hầu của người có tâm huyết với
nghệ thuật. Và vì vậy để an toàn và… thu hồi vốn, các hãng phim chỉ
chọn, ngay từ khâu kịch bản, các bộ phim hài vô bổ cho chắc ăn!
Và cũng vì vậy, với những ai còn xem Campuchia, hay Lào là đất nước
đàn em, hãy tĩnh mộng, hãy thôi ngạo mạn, và nếu cần hãy đọc lại lịch sử
để so sánh xem chúng ta và họ, ai có tầm cao hơn về văn học, kiến trúc,
hội họa và bây giờ là điện ảnh!