1.- CHIẾN TRANH LẠNH
Chiến tranh lạnh bắt đầu từ năm 1946, sau thế chiến thứ hai
(1939-1945), là tình trạng tranh chấp căng thẳng, gay cấn và quyết liệt
giữa hai khối tư bản và cộng sản (CS). Nói trắng ra, đây là cuộc tranh
chấp giữa hai tập đoàn quyền lợi tư bản và CS. Hai tập đoàn quyền lợi
nầy đối chọi nhau về tất cả các mặt, nhưng hai bên không trực tiếp đánh
nhau vì các cường quốc đứng đầu hai khối cùng thủ đắc võ khí nguyên tử,
sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra, thì cả hai bên đều thiệt hại nặng nề.
Chiến tranh lạnh, có một số đặc điểm như sau: 1) Mỗi khối không phải
là một tổ chức thống nhứt, không có chỉ huy chặt chẽ. 2) Các quốc gia
trong mỗi khối vẫn duy trì quyền lợi riêng tư, nên trong nội bộ mỗi
khối, các quốc gia vẫn xảy ra tranh chấp quyền lợi với nhau, nhiều khi
không kém phần quyết liệt. Ví dụ giữa Hoa Kỳ và Pháp trong khối tư bản,
giữa Liên Xô và Trung Cộng trong khối CS. 3) Quyền lợi quốc gia của
các nước luôn luôn thay đổi theo hoàn cảnh và theo thời gian nên chính
sách đối ngoại cũng thay đổi theo thời gian. (Ví dụ Hoa Kỳ, Pháp, Liên
Xô, Trung Cộng.) 4) Các nước nhỏ yếu bị các nước cường quốc lợi dụng.
Các cường quốc dùng các nước nhỏ để trao đổi quyền lợi giữa các cường
quốc. 5) Trong chiến tranh lạnh, có một số tranh chấp địa phương, bùng
nổ thành những điểm nóng, mà các cường quốc trong hai khối đứng về hai
phía đối đầu nhau.
Từ khi xảy ra chiến tranh lạnh trên thế giới năm 1946, tại Á Châu,
hai điểm nóng quan trọng là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chiến
tranh Việt Nam (1960-1975). Trong cả hai cuộc chiến Triều Tiên và Việt
Nam, Hoa Kỳ đều ủng hộ hai miền Nam tự do, chống lại hai miền Bắc CS,
nhưng Hoa Kỳ áp dụng hai chiến lược khác nhau tại hai cuộc chiến nầy.
2.- CHIẾN LƯỢC HOA KỲ TẠI NAM VIỆT NAM: PHÒNG THỦ
Tại Triều Tiên, Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên để phòng thủ Nam Triều Tiên, tức Hoa Kỳ lấy công làm thủ.
Tại Việt Nam, Hoa Kỳ không tấn công Bắc Việt Nam mà chỉ phòng thủ ở Nam Việt Nam, tức Hoa Kỳ lấy thủ làm thủ.
Cả hai nước Triều Tiên và Việt Nam đều có biên giới giáp ranh với
Trung Cộng ở phía bắc. Khi quân Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên
năm 1950, quân đội Hoa Kỳ cùng quân đội Liên Hiệp Quốc giúp Nam Triều
Tiên, đánh đuổi quân Bắc Triều Tiên đến sông Áp Lục (Yalu River), là
biên giới với Trung Cộng. Quân Trung Cộng tràn qua giúp Bắc Triều
Tiên. Sau ba năm đánh nhau qua lại, hai bên đình chiến năm 1953 ở vĩ
tuyến 38, chia hai nước Triều Tiên.
Vì vậy, khi tham chiến ở Việt Nam năm 1965, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi chiến tranh Triều Tiên. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965,
New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 306.) Hoa Kỳ lo ngại
nếu đánh ra Bắc Việt Nam, thì Trung Cộng sẽ can thiệp như ở Triều Tiên,
nên tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ chủ trương chỉ phòng thủ ở Nam Việt Nam,
phía nam đường phi quân sự ở vĩ tuyến 17, không tấn công ra Bắc Việt
Nam, tránh đụng chạm đến Trung Cộng.
3.- CHÍNH SÁCH KHÔNG CHIẾN THẮNG
Chiến lược phòng thủ của Hoa Kỳ có thể tóm gọn qua câu nói của đô đốc
Grant Sharp, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương 1964-1968: “Chính
phủ chúng ta lập lại để làm rõ rằng những mục tiêu của chúng ta trong
cuộc tranh chấp ở Việt Nam là giới hạn. Chúng ta không buộc phải tiêu
diệt chế độ Hà Nội, không cưỡng ép dân chúng Bắc Việt Nam phải chấp nhận
một hình thức chế độ khác và cũng không tàn phá Bắc Việt Nam. Chúng ta
đơn giản muốn Bắc Việt Nam ngưng điều khiển và ngưng yểm trợ phiến quân
Việt cộng ở miền Nam và đưa lực lượng của họ về nhà. Chiến lược điều
khiển chiến tranh của chúng ta phản ảnh những mục tiêu giới hạn nầy.” (Nguyên văn: “Our
Government has repeatedly made it clear that our objectives in the
Vietnam conflict are limited. We are not ought to destroy the Hanoi
regime, or to compel the people of North Vietnam to adopt another form
of government, nor are we out to devastate North Vietnam. We simply want
North Vietnam to cease its direction and support of the Vietcong
insurgency in the South and take its forces home. Our strategy for the
conduct of the war reflects these limited objectives.”) (William D. Pawley & Richard R. Tryon, Jr., “Why the Communists are Winning as of 1976 and How They Lost in 1990”, http://www.gratisbooks.com/, chữ khóa: “Getting bogged down in Vietnam”.)
Do chủ trương chiến tranh giới hạn (limited war), bộ Quốc phòng Hoa
Kỳ đưa ra những “quy tắc tham chiến” (rules of engament) tức quy tắc
quân đội ứng xử khi tham chiến ở NVN như một thứ cẩm nang, nhằm ngăn
ngừa và giới hạn những ngẫu biến ở biên giới Hoa Việt hay vùng phi quân
sự vĩ tuyến 17.
Quy tắc tham chiến hạn chế các mục tiêu tấn công, và hạn chế các hoạt
động của Không quân, giảm hỏa lực làm giảm sức mạnh quân đội Hoa Kỳ.
Ai vi phạm, sẽ bị trừng phạt nặng. (ví dụ trường hợp đại tướng John
Lavelle năm 1972.)
“Những quy tắc nầy bảo đảm rằng chúng ta không thể thắng và cộng sản cũng không thể thất bại.” (Nguyên văn: “These rules insured that we could not win and that the communists could not lose.”) (Steve Farrell, Why We Lost in Vietnam – The Untold Story, University of Toronto, School of Continuimg Studies, The Moral Liberal. )
Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Barry Goldwater tuyên bố tại Taipei (Đài
Bắc) khi đến Đài Loan viếng tang tổng thống Tưởng Giới Thạch, gọi đây
là “chính sách không chiến thắng” (“no win policy”). (The Bryan Times, Thursday, April 17-4-1975.)
4.- CHIẾN LƯỢC PHÒNG THỦ KHÔNG HỮU HIỆU VỚI KHỦNG BỐ VÀ DU KÍCH
Trong chiến tranh Nam Việt Nam, cộng sản Việt Nam sử dụng chiến thuật
khủng bố và du kích. Quân du kích CS khủng bố, đánh phá khắp nơi trên
toàn quốc, gây thiệt hại mỗi ngày một ít, mỗi nơi một ít, nhưng “tích
tiểu thành đa”, lâu ngày làm hao mòn quân đội Nam Việt Nam và quân đội
Hoa Kỳ.
Thật rất khó chống lại du kích chiến, nhất là trong địa hình rừng núi
như Việt Nam. (Ngày nay, người Mỹ tận dụng hết khả năng quân sự vẫn
không chống lại được du kích Al-Qaeda, Taliban, Afghanistan.)
Muốn chận đứng du kích CS ở Nam Việt Nam, chỉ có cách duy nhứt là
chận đứng ngay từ gốc, tức là hậu phương lớn của du kích CS, là Bắc Việt
Nam, tức phải tấn công Bắc Việt Nam, mới chận đứng được du kích CS trên
toàn cõi Nam Việt Nam. Như Hoa Kỳ đã từng đánh ra Bắc Triều Tiên trước
đây mới chận đứng hẳn du kích CS ở Nam Triều Tiên.
Vì không đánh ra Bắc Việt Nam để chận đứng du kích từ tận gốc, mà chỉ
mở những cuộc hành quân bình định ở Nam Việt Nam và ngồi chờ du kích
đến quấy phá mới phản công, nên dù trang bị tối tân, quân đội Nam Việt
Nam và Hoa Kỳ không thể tiêu diệt hết khủng bố và du kích của CS ở Nam
Việt Nam.
Hoa Kỳ còn lo ngại quân đội Nam Việt Nam bất ngờ tấn công ra Bắc Việt
Nam để giải tỏa áp lực của CS ở Nam Việt Nam, nên Hoa Kỳ ngăn chận tất
cả những đề nghị từ phía Việt Nam Cộng Hòa tấn công ra Bắc Việt Nam. Ví
dụ trong cuộc mít-tin tại Sài Gòn ngày 19-7-1964, kỷ niệm Ngày Quốc hận
[ngày ký kết Hiệp định Genève 20-7-1954], trung tướng Nguyễn
Khánh hô hào Bắc tiến. Đại sứ Maxwell Taylor và các viên chức Mỹ có mặt
tại cuộc mít-tin tránh né không bình luận. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day,
New York: Mallard Press, 1989, tr. 42.) Ngày 1-12-1965, trung tướng
Nguyễn Chánh Thi gởi thư lên chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia là trung
tướng Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Bắc tiến; đồng thời tướng Thi còn gởi thư
cho đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn công khai đề nghị Bắc tiến. (Nguyễn Chánh
Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987,
tt. 319=344.) Năm 1972, trong mùa hè đỏ lửa. quân Bắc Việt Nam tràn qua
vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 17. Quân đoàn I đề nghị đưa quân vượt qua
vĩ tuyến 17 đánh ngược ra Bắc. Được tin nầy, phía cố vấn Hoa Kỳ liền
giới hạn cấp số xăng, cấp số đạn và ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn 1
Kỵ binh Việt Nam Cộng Hòa nhằm chận đứng cuộc Bắc tiến. (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh, Texas, 2005, tr. 103.)
Với chiến lược phòng thủ tại NVN, quân đội Hoa Kỳ không thất bại,
nhưng quân đội Hoa Kỳ cũng không chiến thắng, dậm chân tại chỗ. Trước
tình hình nầy, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ quyết định thay đổi sách
lược.
5.- HOA KỲ THAY ĐỔI VÌ LÝ DO QUỐC NỘI
Chiến tranh kéo dài, dân chúng Hoa Kỳ mệt mỏi, chán nản, nổi lên phản
đối. Phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ lên mạnh chỉ sau vài năm Hoa Kỳ
tham chiến. Trong niên khóa 1969-1970, xảy ra 1,800 cuộc biểu tình,
7,500 người bị bắt giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương mà 2/3 là
cảnh sát và 8 người chết. Từ tháng 1-1969 đến tháng 2-1970 có 40,000 vụ
ném bom, hay âm mưu ném bom, hay đe dọa ném bom liên hệ đến chiến tranh,
gây thiệt hại 21 triệu Mỹ kim, hàng trăm người bị thương và 43 người
chết. (Richard Nixon, No more Vietnams, London: W. H. Allen, 1986, tr. 126.)
Phong trào phản chiến Hoa Kỳ lên cao vì trong thời điểm nầy, ngoài
quân đội chuyên nghiệp, Hoa Kỳ còn có binh sĩ động viên. Thân nhân binh
sĩ động viên phản đối mạnh mẽ chiến tranh vì sợ con em phải bỏ mạng
trên chiến trường Việt Nam. (Luật động viên ở Hoa Kỳ được bãi bỏ ngày
27-1-1973. Ngày nay, quân đội Hoa Kỳ chỉ gồm toàn quân nhân chuyên
nghiệp.)
Tin tức phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam, được các phương tiện
truyền thông Hoa Kỳ đưa lên truyền hình, chiếu liên tục suốt ngày làm
nản lòng dân chúng Hoa Kỳ. Có thể nói phong trào phản chiến Hoa Kỳ là
đồng minh hữu hiệu và là nội tuyến đắc lực của Công sản Việt Nam. Các
chính trị gía và các đảng phái muốn đắc cử, phải điều chính sách lược để
thu phục lòng dân Hoa Kỳ, mới được phiếu bầu.
6.- HOA KỲ THAY ĐỔI VÌ LÝ DO QUỐC TẾ
Vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, các chính trị gia Hoa Kỳ
dựa trên quan niệm địa lý chính trị học (geopolitics), như sau: “Bắc
Việt không thể tàn phá Hoa Kỳ trong vòng nửa giờ, hoặc tiêu hủy các
thành phố, giết một nửa dân số, nhưng với hỏa tiễn nguyên tử, Liên Xô có
thể làm được việc đó. Trung Quốc tuy chưa ngang tầm của Liên Xô vì ít
võ khí nguyên tử, nhưng lại đe dọa phần còn lại của Á châu vì ý hệ chính
trị cứng rắn và vì dân số đông đảo của họ.” (Roger Warner, Shooting at the Moon [Bắn trăng], Steerforth Press, South Royalton, Vermont, 1996, tr. 333-334.)
Từ đó, giới chính trị Hoa Kỳ đưa ra nhận định mới. “Hy sinh Nam
Việt Nam mới thật là đáng giá. Còn hơn là hao phí thêm nhiều sinh mạng
người Mỹ và hàng tỷ mỹ kim để chống đỡ Nam Việt Nam mà ít hy vọng thắng
lợi, tại sao không thỏa thuận thua cuộc để đổi lấy sự mở cửa Trung Quốc
nhắm làm yếu đi kẻ thù thực sự là Liên Xô.” (Roger Warner, sđd.
tr. 336.) Lúc đó, cuộc tranh chấp Liên Xô – Trung Cộng càng ngày càng
gay gắt. Hoa Kỳ muốn khai thác mối chia rẽ nầy, lôi kéo Trung Cộng về
phía Hoa Kỳ.
Bill Sullivan, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, trả lời một cuộc phỏng vấn rằng: “Như
thế, tôi đi đến kết luận, và điều nầy nghe ra có vẽ tráo trở, rằng
không thắng cuộc chiến nầy thì chúng ta sẽ khá hơn. Đặc biệt nữa là
người Trung Quốc đã khai thông với chúng ta, và làm cho người Trung Quốc
tách rời khỏi Liên Xô và nghiêng về phía chúng ta, đối với chúng ta còn
quan trọng hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt Nam.” (Roger Warner, sđd. tr. 336.)
Vì vậy, lúc đó người Hoa Kỳ nghĩ rằng: “Thua trận ở Việt Nam lành
mạnh cho Hoa Kỳ hơn là thắng trận. Rằng thua trận nằm trong quyền lợi
quốc gia. Rằng đó là lợi thế… Đó là quan niệm cấp tiến triệt để vào
thời đó, rằng thua trận và phó mặc các đồng minh Đông nam Á của chúng ta
cho số phận của họ, như thế mới đúng là cách làm của chúng ta.” (Roger Warner, sđd. tr. 333.)
Như trên đã viết, dù là tư bản hay cộng sản, quyền lợi của mỗi nước
luôn luôn thay đổi theo hoàn cảnh. Trước đây, vì quyền lợi của Hoa Kỳ,
Hoa Kỳ đến Nam Việt Nam để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản nhất là
Trung Cộng. Nay cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ tìm cách rút lui
khỏi Việt Nam. Năm 1969, tổng thống Richard Nixon đưa ra kế hoạch “Việt
Nam hóa” chiến tranh (Vietnamization), là một mỹ từ để chỉ việc chuyển
gánh nặng quân sự cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa, rồi Hoa Kỳ rút quân
đội Hoa Kỳ về nước.
Đồng thời, Hoa Kỳ nhận thấy hố chia rẽ giữa Trung Cộng và Liên Xô
càng ngày càng sâu rộng. Hoa Kỳ tìm cách thân thiện với Trung Cộng, vừa
nhờ Trung Cộng áp lực với Bắc Việt Nam để Hoa Kỳ rút quân, đem tù binh
Hoa Kỳ về nước, vừa lôi kéo Trung Cộng về phía Hoa Kỳ, tách xa Liên Xô.
7.- TRUNG CỘNG: THAM VỌNG XUỐNG ĐÔNG NAM Á
Các lãnh tụ Trung Cộng không khác gì các vua chúa Trung Hoa ngày xưa,
luôn luôn nuôi mộng xâm lăng Việt Nam để tràn xuống Đông Nam Á. Lịch
sử cho thấy quân đội Trung Hoa thời quân chủ không thể chiến thắng được
quân đội Đại Việt. Vì vậy, lần nầy, Trung Cộng thay đổi sách lược, nhìn
ra Biển Đông nhắm đến Hoàng Sa, là quần đảo của Việt Nam trong Biển
Đông, nằm trên thủy lộ chiến lược từ eo biển Malacca ra Thái Bình Dương.
Nguyên từ 24-2 đến 29-4-1958 tại Genève, Liên Hiệp Quốc tổ chức Hội
nghị về luật biển. Do những tranh cãi tại Genève về chiều rộng của hải
phận quốc gia và hải phận quốc tế, Mao Trạch Đông tuyên bố ngày
28-6-1958: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO,
New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.) Phát biểu nầy là
khởi đầu cho chủ trương mới của Trung Cộng về Biển Đông và Thái Bình
Dương.
Năm tháng sau, ngày 4-9-1958, Quốc hội Trung Cộng đưa ra bản tuyên
cáo về hải phận, gồm 4 điều. Trong 4 điều nầy, Trung Cộng đưa ra hai
điểm quan trọng: 1) Xác định hải phận Trung Cộng rộng 12 hải lý. 2) Xác
định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam, là
của Trung Cộng (điều 1 và điều 4).
Đáp lại tuyên cáo ngang ngược nầy, Phạm Văn Đồng thủ tướng Bắc Việt
Nam, thừa lệnh Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng Lao Động tức đảng Cộng
Sản Việt Nam, gởi cho Trung Cộng công hàm ngày 14-9-1958, tán thành bản
tuyên cáo ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Cộng, tức Bắc Việt Nam tán
thành chuyện hải phận 12 hải lý của Trung Cộng, đồng thời tán thành
luôn rằng các quần đảo Hoàng Sa,và Trường Sa, thuộc lãnh thổ Trung
Cộng. Đây là tội phản quốc lớn lao nhất trong lịch sử Việt Nam từ cổ
chí kim.
Năm 1963, trong cuộc họp với đại diện đảng Lao Động Việt Nam (tức đảng Cộng Sản Việt Nam), Mao Trạch Đông nói: “Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á.” Tháng 8-1965, trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Singapore…” (Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua,
Hà Nội: NXB Sự Thật, 10-1979, Chương “Việt Nam trong chính sách Đông
Nam Á của Trung Quốc”.) Trong khi đó, Hoa Kỳ xích lại với Trung Cộng từ
năm 1971.
8.- HOA KỲ – TRUNG CỘNG XÍCH LẠI GẦN NHAU
Tháng 3-1969, chiến tranh giữa Liên Xô và Trung Cộng bùng nổ ở trên
sông Ussuri. Trung Cộng muốn tìm một đồng minh mới để làm đối trọng với
Liên Xô. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tìm cách rút lui dần dần khỏi Việt
Nam, cũng muốn thân thiện với Trung Cộng để nhờ Trung Cộng áp lực với
Cộng sản Việt Nam và tách Trung Cộng ra khỏi Liên Xô. Hai kẻ cựu thù
Hoa Kỳ và Trung Cộng nay đều có nhu cầu xích lại gần nhau.
Sau một thời gian thăm dò, liên lạc, thương thuyết mật giữa các phái
đoàn Hoa Kỳ và Trung Cộng, ngày 9-7-1971, Henry Kissinger bí mật đến Bắc
Kinh. Năm sau, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đi thăm Trung Cộng ngày
21-2-1972. Nixon thông báo cho các lãnh tụ Trung Cộng biết là Hoa Kỳ
sẽ đơn phương rút quân khỏi Nam Việt Nam, không đòi hỏi Bắc Việt Nam rút
quân khỏi Nam Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ không báo cho Việt Nam Cộng Hòa
biết.
Khi Richard Nixon về nước, Chu Ân Lai qua Hà Nội tường thuật cho giới
lãnh đạo Bắc Việt Nam. Bắc Việt Nam liền mở cuộc tấn công Nam Việt Nam
mạnh mẽ từ tháng 4-1972. (Mùa hè đỏ lửa). Lúc đó, “Kissinger đã
phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên
Hiệp Quốc, để trao đổi một “bức điện miệng” nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa”.” (Henry A. Kissinger, Ending the Vietnam War, New York: Nxb. Simon & Schuster, 2003, tr. 246. Huy Đức trích lại, Bên thắng cuộc,
I: Giải phóng, New York: Osin Book, 2012 , tr. 109.) Đổi lại, Trung
Cộng giúp Hoa Kỳ bằng cách áp lực Bắc Việt Nam trở lại thảo luận nghiêm
chỉnh tại Hội nghị Paris, nhằm giải quyết chiến tranh Việt Nam.
Như thế, ngay từ năm 1972, Hoa Kỳ ngầm hứa hẹn đồng ý để cho Trung
Cộng tự do hành động ở Hoàng Sa. Trung Cộng chờ đợi cơ hội ra tay. Cuối
cùng, Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974.
Cần chú ý về thời điểm nầy: 1) Sau hiệp định Paris (27-1-1973),
Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn ra khỏi Nam Việt Nam, và không trở lui nữa.
2) Liên Xô tăng cường viện trợ gấp 4 lần cho Bắc Việt Nam để tấn công
Nam Việt Nam. 3) Nam Việt Nam bận rộn chống đỡ cuộc tấn công của Bắc
Việt Nam. 4) Trung Cộng dự đoán Bắc Việt Nam sẽ thắng thế, nên quyết
định chiếm Hoàng Sa trước khi Nam Việt Nam sụp đổ. 5) Đầu năm 1974, Mao
Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tìểu Bình quyết định kế
hoạch tấn công Hoàng Sa. Ngày 17-1-1974, Mao Trạch Đông phê chuẩn báo
cáo của Diệp Kiếm Anh xin đánh Hoàng Sa. (Tân Hoa Xã ngày 6-8-2013 và
BBC ngày 20-12-2013.)
9.- PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ SAU TRẬN HOÀNG SA
Lúc đó Cơ quan Trung Ương Tình báo (CIA) Hoa Kỳ theo sát tình hình Biển Đông và Hoàng Sa. Hằng ngày, CIA ra bản tin Central Intelligence Bulletin (CIB) và trình nạp thẳng đến Văn phòng tổng thống Hoa Kỳ. Bản tin ngày 19-6-1971 viết: “Những
đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới
Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong
những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục,
là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.” (BBC,
ngày 30-12-2013.) Như thế Chính phủ Hoa Kỳ nắm bắt rất rõ những hoạt
động của Hải quân Trung Cộng ở Biển Đông. Năm 1972, khi xảy ra chiến
cuộc “Mùa hè đỏ lửa”, Hoa Kỳ đã giao cho Trung Cộng một “thông điệp
miệng” về vấn đề Hoàng Sa (đã trình bày ở trên).
Trong trận Hoàng Sa, quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn làm ngơ và tránh xa Hoàng Sa, đến nỗi phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại “gọi
điện thoại về Bộ tư lệnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu
Đệ thất Hạm đội Mỹ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được
chỉ thị nên không một chiến hạm nào đến gần nơi cuộc xảy ra hải chiến.” (Hồ Văn Kỳ Thoại, Can trường trong chiến bại, tr. 171.)
Sau trận Hoàng Sa, gặp Han Hsu (Han Xu), quyền trưởng phái đoàn liên
lạc TC tại Washington DC ngày 23-1-1974, ngoại trưởng HK Kissinger nói: “Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo nầy.” (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – thứ Hai, 3 tháng 10, 2011.)
Gần một tuần sau trận Hoàng Sa (19-1-1974), trong cuộc họp tại Bộ
Ngoại giao HK ngày 25-1-1974, do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa,
đô đốc Thomas H. Moorer, tham mưu trưởng Liên quân HK, báo cáo với
Kissinger: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề… Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực [Hoàng Sa].” (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – thứ hai, 3 tháng 10, 2011.)
KẾT LUẬN
Chiến tranh lạnh toàn cầu đưa đến trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974.
Ngược lại trận Hoàng Sa đánh dấu sự thay đổi mối quan hệ quốc tế trong
chiến tranh lạnh toàn cầu.
Trận Hoàng Sa một lần nữa cho thấy khi Việt Nam có nội chiến, đất
nước chia rẽ, nội lực dân tộc sút giảm, kẻ thù bên ngoài thừa cơ hội xâm
lăng nước ta.
Trận Hoàng Sa tiêu biểu cho lập trường bảo vệ đôc lập, chủ quyền quốc
gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và quân đội
Việt Nam Cộng Hòa. Trong khi đó, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức Bắc
Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản, làm tay sai cho Liên Xô và Trung Cộng,
phạm tội phản quốc, nhượng đất đai của tổ tiên cho ngoại bang, để mưu
cầu viện trợ nhằm tấn công Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện tham vọng thống
trị toàn cõi Việt Nam.
Hoa Kỳ đến giúp Việt Nam Cộng Hòa vì quyền lợi của Hoa Kỳ, và cũng vì
quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẵn sàng rút quân về nước, bỏ rơi đồng
minh. Từ năm 1972, Hoa Kỳ đã ngầm thỏa thuận về Hoàng Sa với Trung
Cộng. Cũng vì quyền lợi của Trung Cộng, Trung Cộng sẵn sàng tách ra khỏi
Liên Xô và xích lại gần với Hoa Kỳ, làm thay đổi cục diện chiến tranh
lạnh toàn cầu.
Đây là một kinh nghiệm quý báu về vấn đề đồng minh trong tương quan
quyền lợi giữa các nước. Chỉ có đồng minh khi có quyền lợi. Hết quyền
lợi, hết đồng minh.
Chiếm được Hoàng Sa, chẳng những Trung Cộng kiểm soát sự lưu thông
trên Vịnh Bắc Việt, mà còn kiểm soát thủy lộ từ Malacca qua Biển Đông,
nhập vào Thái Bình Dương. Trong tương lai Hoàng Sa càng trở nên quan
trọng khi Trung Cộng bắt đầu thành lập khu vực “nhận diện phòng thủ
không phận” (Air Defense Identification Zone = ADIZ) trên quần đảo nầy.
Khi Hoa Kỳ thay đổi sách lược toàn cầu, rút quân và cắt giảm viện trợ
cho Việt Nam Cộng Hòa, Nixon và Kissinger dự liệu là Việt Nam Cộng Hòa
có thể bị sụp đổ trong vòng 18 tháng sau hiệp định Paris. (Kenneth Hughes, The Paris “Peace” Accords Were a Deadly Deception (Jan 31, 2013).
Tuy nhiên, quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục chiến đấu anh
dũng, chống trả cộng sản mãnh liệt, khiến Kissinger đã than một câu để
đời: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi? Điều tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài.” (Ron Nessen, It Sure Looks Different from the Inside, Chicago: Playboy Press, 1978, tr. 129. Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter trích dẫn, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C K Promotions, INC, 1987, tr. 512.)
Nghe câu nầy thì thật buồn cho thế thái nhân tình, nhưng đồng thời
phải khâm phục sức chiến đấu của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Quân đội
chúng ta không thua trận, nhưng phải ngưng chiến đấu vì sự thay đổi của
hoàn cảnh chính trị thế giới.
Hoàn cảnh chính trị thế giới và bạo lực CS đã đẩy chúng ta ra khỏi
Việt Nam, nhưng không một thế lực nào có thể đẩy Việt Nam ra khỏi trái
tim chúng ta. Người Việt luôn luôn nuôi mộng trở về quang phục quê
hương, giải thể chế độ cộng sản bạo tàn, đòi lại Hoàng Sa cho tổ quốc
thiêng liêng.
Ngày nay tình hình Đông Á đang thay đổi một lần nữa, là cơ hội cho
chúng ta vận động giải thể nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Người Việt
Hải ngoại chúng ta cần phải hết sức ủng hộ một cách thực tế những nhà
tranh đấu dân chủ trong nước, những phong trào đòi hỏi dân chủ trong
nước. Trào lưu dân chủ sẽ xóa bỏ độc tài.
Chỉ khi nào chế độ cộng sản Việt Nam bị giải thể thì người Việt mới
bắt đầu tính sổ đòi đất, đòi biển với Trung Cộng; bởi vì giải thể chế độ
cộng sản Việt Nam mới chấm dứt những cam kết ngầm giữa đảng Cộng Sản
Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ thời Hồ Chí Minh năm 1950 cho
đến Hội nghị Thành Đô năm 1990. Chấm dứt những cam kết ngầm mới có thể
nói chuyện đòi đất đòi biển trở về với tổ quốc chúng ta.
© Trần Gia Phụng
(California, 05-01-2014)