Trần Văn Ninh
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Hòa Thịnh, ngày 11 tháng 02 năm 2014
I. Người khiếu nại
Tên tôi là: Trần Văn Ninh, sinh ngày 12 tháng 3 năm 1969
Nghề nghiệp: Giáo viên
Thường trú tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
Số CMND 220935831
Ngày cấp 18/3/2007, nơi cấp: Công an tỉnh Phú Yên.
Nơi công tác: Trường THCS Đồng Khởi, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa.
II. Người bị khiếu nại
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa, Trần Văn Thành.
Về các quyết định hành chính sau:
1. Quyết định số 382/QĐ-GDĐT ngày 16/12/2013.
2. Quyết định số 393/QĐ-GDĐT ngày 31/12/2013.
3. Quyết định số 11/QĐ-GDĐT ngày 15/01/2014.
4. Quyết định số 29/QĐ-GDĐT ngày 24/01/2014.
III. Nội dung
1. Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của
Quốc hội về việc góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó
nêu rõ: “Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam
định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để
Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu
cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.
2. Tại cuộc họp báo triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân
về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chiều 29/12/2012 ông Phan Trung Lý
khẳng định: “Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân
có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.
Lần lấy ý kiến này, bắt đầu từ 2/1 và kết thúc ngày 31/3, hướng tới
tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
Ông Lý nói“Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ,
tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí,
nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp”, “Về vai trò
lãnh đạo của Đảng, dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Đảng
bên cạnh vai trò đã xác định”. Theo ông Phan Trung Lý, “nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”.
Sáng 04.02.2013 đại diện 72 nhân sĩ trí thức có 15 vị đã đến văn
phòng thường trực ban DTSĐHP ở 37 Hùng Vương – thành phố Hà Nội trao tận
tay bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 với tinh thần hết sức cầu thị.
Thay mặt UB, Phó trưởng ban TT Ban biên tập Ủy ban, Phó chủ nhiệm UB
Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông đã tiếp đón đoàn rất nồng nhiệt và
trịnh trọng, được báo chí chính thống trong nước đưa tin như Báo dân
trí, báo Pháp luật, báo Người lao động (có bằng chứng kèm theo, có video clip trên youtube).
Tôi tham gia ký tên hưởng ứng từ ngày đó.
Nhưng Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa mãi đến ngày 15/3/2013 mới phát
công văn số 99/GDĐT ngày 12/3/2013 v/v tổ chức lấy ý kiến trong Cán bộ,
Giáo viên, Nhân viên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Sự chậm trễ này
sao lại trách tôi là góp ý không đúng quy định, và quy tôi làm trái pháp
luật.
3. Là những công dân Việt Nam, tôi và 72 nhân sĩ trí thức
cùng hàng ngàn người trong và ngoài nước đã thực thi quyền Hiến định
trong Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp 1992) của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam. Có một chương về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”
trong đó điều 69 viết rằng:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được
thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp
luật”.
Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (mà Nhà nước
Việt Nam ký tham gia ngày 24/9/1982) quy định cụ thể về quyền bày tỏ
quan điểm, quyền hội họp và lập hội như sau: “Mọi người đều có quyền
giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp. Mọi người đều có quyền tự
do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp
nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn
phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông
khác, không kể biên giới quốc gia” (trích điều 19); “Quyền hội họp có tính cách hoà bình phải được thừa nhận” (trích điều 21); “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”
(trích điều 22). Những quy định tương tự cũng có trong Tuyên ngôn nhân
quyền của Liên Hiệp Quốc được công bố ngày 10/12/1948 mà mọi quốc gia
thành viên đều phải tôn trọng.
4. Ngày 24/12/2013, UB Thường vụ Quốc hội bàn về kế
hoạch triển khai thi hành Hiến pháp 1992 sửa đổi sau khi Quốc hội đã
thông qua toàn văn trong kỳ họp thứ 6 vừa qua. “Tham gia ý kiến, Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập trước tiên việc vẫn có một số ý
kiến, quan điểm khác về Hiến pháp. Ngay trong Quốc hội vẫn có đại biểu
có ý kiến khác về một số điều khoản và Quốc hội vẫn trân trọng ghi nhận.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc, “Đừng vội chụp mũ “chống đối” với các ý kiến có quan điểm khác về Hiến pháp”. P.Thảo – Báo Dân trí.
5. Tại các cuộc họp mà Quý lãnh đạo ngành đã mời
tôi làm việc trên tinh thần trao đổi thẳng thắn (cuộc họp đầu tiên là
ngày 17/5/2013), tôi cũng đã nói hết những suy nghĩ chân thành với tinh
thần cầu thị của mình khi tham gia ký tên hưởng ứng «Kiến nghị 72» về
việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 và tôi cũng khẳng định việc làm của
tôi không gì sai với chủ trương của Đảng, Nhà nước về góp ý sửa đổi Hiến
pháp vừa qua cả. Tại cuộc họp ngày 13/6/2013 với tinh thần trao đổi,
lãnh đạo ngành đã nói: «có triển khai góp ý theo ngành nên từ nay chúng
ta góp ý theo hướng đó đến hết tháng 9/2013. Ta không nên góp ý trên các
trang mạng không chính thống, và đề nghị tôi rút tên khỏi trang mạng
boxitvn». Tôi đã thực hiện việc rút tên và đã có tường trình gửi lãnh
đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa. Tại cuộc họp này chủ trì
cũng không yêu cầu tôi phải kiểm điểm.
Với những lý do trên tôi nhận thấy việc tôi làm là hoàn toàn đúng
với pháp luật. Chứ không như Ông Trần Văn Thành quy kết tùy tiện, và
dùng từ có vẻ miệt thị «làm sai mà còn cố tình chống chế, quanh co,
không chịu làm kiểm điểm, không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Hiệu trưởng
và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo» và ép tôi phải tự kiểm điểm, ngang
nhiên đình chỉ công tác tôi, buộc tôi phải tự nhận hình thức kỷ luật và
sắp tới sẽ kỷ luật tôi! Tôi xin cam đoan trước cơ quan tổ chức, về nội
dung khiếu nại trên là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về nội dung
đã khiếu nại.
6. Tôi không đồng ý với việc giải quyết hai đơn khiếu nại của
tôi: Đơn khiếu nại ngày 11/01/2014 và Đơn khiếu nại ngày 17/01/2014
bằng Quyết định số 29/QĐ-GDĐT ngày 24/01/2014 của ông Trần Văn Thành ”Về
việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trần Văn Ninh, giáo viên Trường
THCS Đồng Khởi đối với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa về
các Quyết định hành chính”.
7. Hơn nữa, tôi không vi phạm:
- Điều 16 “Nghĩa vụ chung của viên chức” của Luật Viên chức năm 2010;
- Điều 19 “Những việc viên chức không được làm” của Luật Viên chức năm 2010.
8. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa, Trần Văn
Thành ra quyết định: Quyết định số 382/QĐ-GDĐT ngày 16/12/2013, Quyết
định số 393/QĐ-GDĐT ngày 31/12/2013 và Quyết định số 11/QĐ-GDĐT ngày
15/01/2014 là vi phạm Điều 53 “Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật” và
Điều 54 “Tạm đình chỉ công tác” của Luật viên chức năm 2010.
IV. Yêu cầu:
1- Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa giải quyết khiếu nại của tôi theo thẩm quyền.
2- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa, Trần Văn Thành ra quyết định hủy:
1.1. Quyết định số 382/QĐ-GDĐT ngày 16/12/2013.
1.2. Quyết định số 393/QĐ-GDĐT ngày 31/12/2013.
1.3. Quyết định số 11/QĐ-GDĐT ngày 15/01/2014.
1.4. Quyết định số 29/QĐ-GDĐT ngày 24/01/2014
3- Bồi thường các thiệt hại vật chất và tinh thần cho tôi do việc
ban hành Quyết định số 382/QĐ-GDĐT ngày 16/12/2013, Quyết định số
393/QĐ-GDĐT ngày 31/12/2013, Quyết định số 11/QĐ-GDĐT ngày 15/01/2014 và
Quyết định số 29/QĐ-GDĐT ngày 24/01/2014 gây ra.
Trân trọng!
V. Tài liệu kèm theo
1. Quyết định số 382/QĐ-GDĐT ngày 16/12/2013 (bản sao);
2. Quyết định số 393/QĐ-GDĐT ngày 31/12/2013 (bản sao).
3. Quyết định số 11/QĐ-GDĐT ngày 15/01/2014 (bản sao).
4. Quyết định số 29/QĐ-GDĐT ngày 24/01/2014 (bản sao).
5. Các chứng từ của các cơ quan báo chí trong nước đưa tin.
Người làm đơn
Trần Văn Ninh