Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Khốn nạn

Xích Tử
Cuối cùng, dù tuyên bố hùng hồn, cố chứng minh tinh thần trách nhiệm, giải thích trần tình bằng những lời có cánh, nhà cầm quyền Việt Nam, cả đảng và nhà nước, cũng không dấu được, hoặc cố ý bày tỏ một thái độ, qua chủ trương và hành động thực tiễn, hết sức ươn hèn, nhu nhược, phụ thuộc vào ngoại bang láng giềng về ngày kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc do chính họ phát động để giáo trừng, và là một trong những ngày kỷ niệm chiến thắng chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam xét về thực tế và ý nghĩa khách quan, phi ý thức hệ của nó.
Không biết đằng sau thái độ đó là bí mật lịch sử gì nhân dân không được biết, đến mức nó như cái đầu dây thòng lọng người Trung Hoa dùng để đe dọa, mặc cả với cả một đất nước, một quốc gia, một chế độ.
Chỉ thấy, bên cạnh những gì diễn ra ở tượng đài Lý Thái Tổ, bên cạnh thông tin về sự chỉ đạo, định hướng thông tin bằng hình thức mật nhưng hết sức thô bạo của cơ quan tuyên giáo, toàn bộ các cơ quan thông tin của nhà nước tỏ ra hết sức “lơ là” đối với sự kiện 17.2 trong ngày 17.2. Vài tờ báo mạng không quan trọng lắm đăng vài bài lãng nhách như “không quên lãng”, “không lãng quên”, hoặc kỷ niệm ngày đám cưới 17.2.1979 của con ông Duẫn. Có báo rất thận trọng đặt tít, tức là địt tắt cẩn thận bằng chữ “Ngày mười bảy tháng hai” để một bộ phận không nhỏ nhân dân Trung Hoa không đọc được vì không biết chữ Việt nhưng biết số La mã. Hệ thống phát thanh và truyền hình im re. Đài truyền hình Quốc phòng, một công cụ thông tin quốc doanh ngốn không biết cơ man nào tiền thuế của dân, trong suốt ngày 17.2 loanh quanh với chuyện tuyển quân, chuyện thăm thú, lễ hội, chuyện Sochi. Không một lời tưởng niệm, hồi cố đến những liệt sĩ, là chiến hữu của họ 35 năm trước chứ đừng mong đến một dòng kỷ niệm lịch sử chiến tranh quốc phòng.

Suy cho cùng, những người làm ra vẻ học theo Marx, theo học thuyết marxist, cố gắng nhào nặn tư tưởng của ông để thực hiện cuộc cách mạng bạo lực được trá ngụy vào cái gọi là đấu tranh giai cấp tả pí lù, để sau đó xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản với hàng lô bánh vẽ tốt đẹp..., chỉ là một bọn vị kỷ tuyệt đối. Họ huy động, thực chất là cưỡng ép, toàn bộ xã hội, toàn bộ nhân dân và dân tộc của đất nước họ vào cuộc đấu tranh, chiến tranh, và xây dựng xã hội theo mục đích do họ vẽ nên nói trên, không phải vì mọi người, vì sự tốt đẹp, tiến bộ hạnh phúc của con người gì, mà vì muốn chứng tỏ quyền về chân lý, quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế thôi. Sự chủ ý thực dụng ích kỷ đó là sự thực, đã rõ, do đó nó đáng và đã bị kết tội; song còn một phía khác, nó còn là một sai lầm vô tình do ngu dốt, ở một bộ phận nào đó của người “cộng sản”. Lịch sử sẽ rất khó xét xử hiện tượng này.
Chỉ riêng hệ lụy của của sự chủ ý ích kỷ, như đã thấy, và được Nguyễn Khải phản tỉnh khái quát trước khi chết, không có một chế độ nào coi thường nhân dân như chế độ “ta”. Người cộng sản, đảng cộng sản, nhà nước cộng sản đã trừu tượng hóa nhân dân khỏi những thực thể là chủ nhân của lịch sử, của đất nước, là những con người có quyền con người, quyền công dân, là những cuộc đời khao khát tự do, hạnh phúc, nhưng lại cụ thể hóa họ thành vật chất, thành công cụ, thành phương tiện thực hiện cuộc đấu tranh và những cuộc chiến tranh, thành đối tượng của công cuộc thí nghiệm học thuyết.
Hơn năm mươi ngàn con người trai trẻ ngã xuống một cách vô lý trong một tháng vì mục đích vị kỷ, vì tư duy và ứng xử lịch sử sai lầm của chỉ một nhúm người. Họ được gắn cho danh xưng liệt sĩ và một suất tiền tuất. Có lúc họ được tuyên dương là những anh hùng vệ quốc. Nhưng rồi họ cũng chẳng là cái gì cả nếu sự tôn vinh đó ảnh hưởng đến lợi ích của nhà cầm quyền, như trong những ngày này của năm 2014. Cái chết, mồ mả, di cốt của họ bị cố ý làm mất đi một cách thực tế và trong đời sống tinh thần của dân tộc, của người thân của họ bởi những chia chác, đồng lõa lợi ích của “chủ nghĩa xã hội” được trưng ra phờ phỉnh nhân dân bằng bốn tốt, bốn tương, mười sáu chữ vàng.
Năm mươi ngàn chàng trai trẻ bị bỏ qua đó, là núm ruột, là yêu thương, là máu mủ, là tài sản, là sức lao động, là chỗ dựa chăm sóc nuôi nấng phụng dưỡng của gần chừng ấy bà mẹ Việt Nam. Nhưng khi họ được đưa vào cuộc chiến giữa những người cộng sản, họ chỉ là những rô bốt, những bị thịt. Những bà mẹ có con hy sinh ấy được ném cho mộ suất tuất để chuyển từ miệng vào dạ dày, còn tai, mắt, tinh thần thì chẳng có cái gì để nhớ, thấy con mình; thậm chí không được quyền nhớ đến con mình. Một chế độ sử dụng con người trong quá khứ như vậy nhưng lại tỏ ra quan tâm đến 30 ngàn người chết vì tai nạn giao thông hàng năm, đầu tư để vụ lợi vào các công trình khắc phục hạn chế hiện tượng ấy là một chế độ chả nhân văn gì, giả dối, và xem thường lịch sử của chính mình. Rộng ra, người ta cố chứng tỏ họ tôn trọng nhân quyền cũng chỉ vì sự tồn tại của chế độ, của người cầm quyền chứ chẳng vì nhân dân; chứng cứ của sự bảo vệ đó là những gì tồn tại trên văn bản chính sách và luật lệ của nhà cầm quyền, chứ không hoàn toàn là thực tế được hưởng của đối tượng bị trị.
Không khốn nạn ru ?
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"