Hoàng Triết
Điều 258:
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự
do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân
chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
----- oOo -----
Vì sao tôi ký tên vào Tuyên Bố 258?
Với ba câu đơn giản như trên, Điều 258 BLHS đã thâu tóm tất cả các
quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hội họp, và
các quyền tự do dân chủ khác vào một cái rọ gọi chung là “lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Qua đó, chúng
ta có thể nhận thấy rằng đối với nhà nước Việt Nam, cái gọi là “lợi ích
hợp pháp” của Nhà nước, tổ chức, công dân đứng trên các Quyền Con Người
cơ bản được quốc tế công nhận. Theo định nghĩa của Điều 258 BLHS, các
Quyền Con Người kể trên của mọi người có thể bị xâm phạm nếu ai đó kết
luận việc thực thi chúng là quá lố, người thực thi chúng sẽ bị trừng trị
để đảm bảo cho “lợi ích của Nhà nước” và “lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân.”
Vậy thì bạn hãy cùng tôi nhìn vào một vài trường hợp thực tế để xem
những “lợi ích hợp pháp” được đặt ra một cách mù mờ như vậy bao gồm luôn
cả những gì? Đâu là hợp pháp, đâu là bất hợp pháp?
* Hành động thải hóa chất xuống lòng sông, chôn hóa chất độc hại vào
lòng đất, gây ô nhiễm môi trường, hại sức khỏe cư dân có phải là vì lợi
ích của chủ đầu tư các công hay không? Khi các công ty này được bảo vệ
bởi công an, an ninh để tẩu tán tang chứng, cản trở việc phanh phui các
hoạt động mờ ám của họ thì lợi ích đó có trở nên hợp pháp hay không?
Nếu câu trả lời là không thì liệu những người đã tiếp tay bao che có bị
xử lý vì phạm pháp hay không? Phóng viên, cư dân mạng đưa tin trên báo
chí, trang blog của họ thì có xâm phạm lợi ích hợp pháp của các công ty
này hay không?
* Các hành động đánh chết người, gây thương tích cho người dân trong
quá trình bắt bớ, hỏi cung chặn xe của CSGT, công an, an ninh có hợp
pháp hay không? Nếu không hợp pháp sao họ vẫn ngang nhiên tái diễn và
đại đa số những người phạm tội hành hung kẻ khác trong ngành vẫn vô sự?
Lên tiếng, đăng tải, và tường trình nội dung những trường hợp như vậy
có xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp cơ quan chức năng hay không?
* Việc một đài truyền hình đưa tin sai sự thật về phản ứng chậm trể
của sở cứu hỏa trong một vụ cháy, loan tin sai sự thật về việc phóng
viên bị hành hung có hợp pháp không? Nếu không sao họ vẫn làm được?
Khi viết và lên tiếng về những thông tin sai sự thật kia, người ta có
xâm phạm lợi ích của Nhà nước và chủ đầu tư của đài hay không?
* Được tự lực cánh sinh có phải là lợi ích hợp pháp của người dân hay
không? Khi chính quyền ngăn cản không cho báo chí, cư dân mạng đăng
tin tàu Trung Quốc bắn giết, tịch thu ngư cụ của ngư dân, đó có phải là
hành động xâm phạm quyền, lợi ích của công dân hay không? Khi cơ quan
chức năng thu hồi đất, không đền bù xứng đáng cho người dân, làm tắt
nghẽn đường sống của họ, đó có phải đã xâm phạm lợi ích hợp pháp của
công dân hay không?
Nói một cách ngắn gọn, cách diễn giải mù mờ và tối nghĩa của Điều 258
(khi không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể đi kèm) đã khiến tất
cả mọi người ở mọi thành phần, tổ chức, đoàn phái, chính quyền, nhân dân
trở thành tội phạm có thể bị đưa ra xét xử bất cứ lúc nào khi cơ quan
chức năng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân hoặc công dân
xâm phạm, quyền lợi ích hợp pháp của nhau (lẫn chính quyền). Phải
chăng đã có tính mặc định rằng những tổ chức, cá nhân có quyền thế và
tiền tài đều có những lợi ích “hợp pháp”, trong khi số đông người dân
còn lại thì không? Nếu dựa theo luật pháp được đặt ra để quyết định
tính “hợp pháp” như đã diễn giải bởi giới chức về Điều 258 thì tại sao
có quá nhiều những điều “bất hợp pháp” không những không bị trừng phạt
thích đáng mà còn được các cơ quan, nhân viên hành pháp bao che? Ba chữ
“theo luật pháp” còn ý nghĩa gì đối với thực tế này? Chúng ta có nên
bỏ mặc thực tế mà theo đuổi sự “hợp pháp” trên lý thuyết?
Điều 258 tạo ra quá nhiều lỗ trống cho các VKS, công tố viên, tòa án
tự do diễn giải. Và với một nền pháp lý trên thực tế đang bị thao túng
bởi quyền và tiền (và kể cả quan điểm chính trị) thì điều này rất nguy
hại đối với tất cả mọi người. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong
Điều 30 đã quy rõ rằng các Quyền Con Người cơ bản phải được đặt trên lợi
ích của một chính quyền, tổ chức, cá nhân. Tuy nó được đặt ra năm 1948
và Việt Nam gia nhập LHQ năm 1977. Theo nguyên tắc Việt Nam phải tuân
thủ các Tuyên ngôn và Quy định đã được đồng thuận trước đó khi gia nhập,
tương tự như việc một thành viên gia nhập một đoàn thể, trong trường
hợp quy luật cá nhân bất đồng với quy luật của đoàn thể thì quy luật của
đoàn thể sẽ được áp dụng trên hết, cho dù thành viên đó có mặt hay
không khi những quy luật kia được đặt ra. Với quan điểm này, tôi nhận
thấy Điều 258 không có hiệu quả pháp lý vì đã vi phạm Tuyên Ngôn Quốc Tế
Nhân Quyền khi nó đảo ngược tầm quan trọng của Quyền Con Người so với
lợi ích cá nhân, tổ chức. Vì vậy, tôi đã ký tên vào Tuyên Bố 258.
Nếu bạn độc có thắc mắc về Quy luật Ký kết, Gia nhập, và Thực hiện điều ước quốc tế, xin tìm hiểu thêm trong văn bản số 41/2005/QH11 do Quốc Hội thông qua năm 2005. Trong đó, ở Điều 6 khoản 1 có ghi rõ rằng: "Trong
trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng
một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.”
Điều luật quốc tế cao hơn điều luật quốc gia trong việc ban hành văn
bản quy phạm pháp luật cũng được đề cập rõ trong Điều 6, khoản 2 trong
link trên, cũng như trong văn bản Luật số 17/2008/QH12 ở Điều 3 khoản 5: “Nguyên
tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không làm cản trở
việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên.”
(Chân thành cảm ơn người bạn đã chỉ ra sự liên hệ này.)
----- oOo -----
Một số nhận xét về Lời Phản Bác Tuyên Bố 258
Khi đối diện một điều luật mơ hồ như điều 258 BLHS, người ta có ba
lựa chọn: (1) không phản ứng, hoặc (2) phản đối nó, hoặc (3) ủng hộ nó.
Tất nhiên là không ai ngây thơ đến nỗi lên tiếng ủng hộ Điều 258 nên
đối với những bạn không thể im lặng, họ đã chọn một cách rất lạ là phản
đối những người phản đối. Điều này nói lên mục tiêu chính của Lời Kêu
Gọi Ký Tên Phản Đối Tuyên Bố là nhắm vào những người đã phản đối Điều
258 chứ không liên quan gì đến Điều 258. Tôi xin được đưa ra một số
nhận xét về “Lời Phản Bác Tuyên Bố 258" này.
1.
“Bằng Tuyên bố này, Cộng đồng Blogger Việt Nam phản bác “Tuyên
bố 258” của một nhóm nhỏ ít ỏi đi ngược lợi ích cộng đồng, dân tộc, đã
tiếm danh, mạo nhận cộng đồng để làm hoen ố lòng tự tôn dân tộc, hạ nhục
quốc thể, vấy bẩn Dòng máu Lạc Hồng.” – Trích Lời Phản Bác Tuyên Bố 258.
Nhóm phản bác Tuyên Bố 258 đã không để ý đến điều này: Hội Liên Hiệp
Phụ Nữ Việt Nam có tiếm danh tất cả phụ nữ Việt Nam hay không? Liên Đoàn
Lao Động Việt Nam có tiếm danh tất cả người việt nam lao động không?
Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam có đòi hỏi tất cả nhân dân VN làm thành viên
hay không? Và tất cả những cái gì từ chính quyền đang nhân danh "Nhân
Dân" có thật sự có sự tham gia của nhân dân hay không? Nếu không thì
tại sao đòi hỏi Mạng Lưới Blogger Việt Nam phải có tất cả các blogger
trong đó, và nếu không phải thì không được sử dụng tên gọi như thế?
Xưa nay không thấy ai trong các bạn ấy lên tiếng về sự đặt tên này
của các tổ chức chính quyền, tức là các bạn trong nhóm phản bác Tuyên
Bố 258 đã không để ý đến nó hay đã mặc định rằng các tổ chức chính quyền
có thể độc quyền chuyện tiếm danh trong khi các tổ chức dân sự thì
không? Cho dù mặc định như vậy đi nữa thì chuyện các bạn ấy tự nhận là “Cộng đồng Blogger Việt Nam”
(trong cùng một câu chữ) không phải chính nó đã là một hành động tiếm
danh họ đang lên án? Theo các góp ý trong phần tranh luận giữa bạn Võ
Khánh Linh và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì không phải thành viên cộng đồng
blogger nào không ký vào Tuyên Bố 258 cũng đồng tình với Lời Phản Bác
của các bạn ấy. Thật ra kết quả cũng sẽ rất dễ biết, cộng đồng blogger
Việt Nam có bao nhiêu thành viên thì lấy con số đó trừ tổng số chữ ký
của hai bên sau này thì sẽ rõ, với điều kiện phải là tên thật, địa chỉ
thật chứ không phải địa chỉ ma trên mạng. Với tên gọi “Cộng Đồng Blogger Việt Nam” và sự lên án tên gọi “Mạng Lưới Blogger Việt Nam”,
phải chăng nhóm khởi xướng “Lời Phản Bác Tuyên Bố 258” đã tự cho mình
đặc quyền tiếm danh họ đã dễ dãi cho các tổ chức chính quyền? Họ đã mâu
thuẫn hay thật ra, họ là ai?
2.
“Ðiều 29 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền ghi rõ: “Mọi người đều
có bổn phận đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới có thể phát triển
toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.
Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải
chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu
bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những
người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý,
trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ. Trong
bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không
được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.”
– Trích Lời Phản Bác Tuyên Bố 258.
Đúng là Điều 29 của TNQTNQ có viết thế, nhưng Điều 30, và cũng là điều cuối cùng của TNQTNQ, lại được ghi như vầy: “Không
một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một
nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành
động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên
Ngôn này.”
Khi trích dẫn và diễn giải rằng “Điều 258 Bộ luật Hình sự được
thông qua bởi Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cơ quan
quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam, của một quốc gia độc lập, có
chủ quyền và quyền tự quyết dân tộc đầy đủ, có địa vị pháp lý bình đẳng
với mọi quốc gia trên thế giới.” (trích Lời Phản Bác Tuyên Bố 258),
Lời Phản Bác ấy đã vi phạm Điều 30 của TNQTNQ khi cho rằng Quốc Hội
nước CHXHCN VN là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền tự quyết dân tộc.
Với Điều 258 BLHS thì QH và Nhà nước VN đang ngang nhiên chà đạp lên
các Quyền Con Người được nêu ra trong TNQTNQ đấy chứ. Nếu có thắc mắc,
xin đọc lại Điều 258 ở phần đầu của bài viết này. Xét theo Điều 6, khoản
1 và 2 của văn bản số 41/2005/QH11 và Điều 3, khoản 5 của văn bản số
17/2008/QH12 thì Điều 258 BLSH không có hiệu quả pháp lý.
3.
“Điều 258 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 1999 sửa đổi năm 2009 quy định rõ chỉ áp dụng với những kẻ “LỢI
DỤNG” quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích
hợp pháp của cá nhân, tổ chức, chứ không phải hạn chế, xóa bỏ quyền tự
do, dân chủ con người như “Tuyên bố 258” xuyên tạc. Điều luật này là sự
“cần thiết để bảo vệ sự an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, hay đạo
đức hay quyền căn bản và tự do của người khác.” – Trích Lời Phản Bác Tuyên Bố 258.
Điều 258 không chỉ rõ thế nào là “LỢI DỤNG”. Nó cũng không nói rõ
thế nào là “lợi ích hợp pháp”. Thực tế thì có rất nhiều cá nhân, công
ty, nhà đầu tư, giới chức chính quyền đang LỢI DỤNG quyền lực của họ,
xâm phạm lên lợi ích hợp pháp của người khác (đa số thuộc tầng lớp ít
quyền ít thế hơn) để tăng cường và bảo vệ những lợi ích hợp pháp lẫn bất
hợp pháp của họ. Những cá nhân, công ty, nhà đầu tư, giới chức chính
quyền này đã tự cho mình cái quyền đánh đập, chiếm đoạt tài sản, xem
thường tính mạng của người dân, nhưng luật pháp có xét xử họ đâu? Thậm
chí có trường hợp nhân viên hành pháp còn bao che, bảo vệ họ nữa là
khác. Chính những hành động bao che, bảo vệ này đã méo mó hai chữ “hợp
pháp” của điều 258 trên thực tế. Điều 258 BLHS không phải là điều luật
cần thiết để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, hay đạo đức
trong xã hội. Việc khẩn thiết nhất chính là phải có những biện pháp xử
lý, và trừng trị thích đáng những người vi phạm theo đúng trình tự
pháp luật, tam quyền phân lập rõ ràng. Tự do ngôn luận trên mạng xã hội,
báo chí, trang blog là phương pháp hữu hiệu nhất để chỉ rõ những sai
phạm mà hệ thống báo giới chính thống không làm được. Trong khi đó Điều
258 lại được đặt ra để những “nhóm lợi ích” có thể lợi dụng để bịt
miệng người dân để phục vụ lợi ích hợp pháp lẫn bất hợp pháp của họ.
4.
“Chúng tôi thấy rõ rằng việc xem xét Điều 258 BLHS thực ra là sự
mở đường cho một nhóm thiểu số ít ỏi mạo danh “Mạng lưới blogger Việt
Nam” được “tự do” hoạt động kích động chống phá Nhà nước Việt Nam, phá
hoại sự đoàn kết dân tộc cũng như các giá trị văn hóa, đạo đức, lịch sử
truyền thống. Hình ảnh một số blogger hoan hỉ như một sự “chiến thắng”
khi bước ra từ Đại sứ quán các nước Mỹ, Đức, Úc, Thụy Điển sau khi
“trình Tuyên bố 258” gieo nỗi hổ thẹn, nhục nhã cho mỗi con dân nước
Việt, gợi tưởng đến hình ảnh quốc nhục của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống
khi xưa.” – Trích Lời Phản Bác Tuyên Bố 258.
Cá nhân tôi ủng hộ việc đưa Tuyên Bố 258 cho các ĐSQ của các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Bởi vì sao?
Vì tôi cho rằng QH và Nhà nước Chính quyền VN đang ngang nhiên LỢI
DỤNG quyền tự do của họ để xâm phạm lên các Quyền Con Người cơ bản của
quốc dân khi đặt ra Điều 258. Và họ cũng chính là người đầu tiên đã vi
phạm điều luật do họ đặt ra. Các quyền tự do họ xâm phạm như tự do ngôn
luận, báo chí, hội họp, tôn giáo đều là những quyền lợi hợp pháp của
người dân dựa theo HP. Đó cũng là quyền lợi con người hợp pháp theo
khuôn khổ của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền LHQ. Nhà nước VN xâm phạm
lên Điều 30 của TNQTNQ nhưng đồng thời lại trơ trẽn đến nỗi muốn được
bầu vào ghế Hội Đồng Nhân Quyền. Tôi cho rằng đây là một hành động
trước sau bất nhất mà khi một chính quyền quốc gia vi phạm, nó có khả
năng làm nhục quốc thể. Với câu nói “nhân dân nào, chính quyền đó”,
người Việt chúng ta nên cảm thấy thẹn khi có những lãnh đạo không đủ trí
năng để nhận ra điều này. Trao Tuyên Bố 258 cho các ĐSQ là một hành
động lên tiếng phản đối sự tráo trở này, nó giúp vớt vát lại một chút sĩ
diện để người nước ngoài không xem tất cả người Việt như là một dân tộc
bạc nhược, chịu đấm ăn xôi.
----- oOo -----
Tôi hy vọng các cư dân mạng quan tâm đến Điều 258 BLSH trước khi ký
tên vào danh sách “Tuyên Bố 258” hay danh sách của “Lời Phản Bác Tuyên
Bố” đều nên đọc kỹ hai văn bản này lẫn Điều 258 BLHS. Hy vọng các bạn
sẽ phản đối hay ủng hộ Điều 258 bằng sự hiểu biết và nhận định cá nhân
của mình qua thực tế chứ không phải vì lời lẽ kêu gọi hào hùng, bóng
bẩy, đầy cao trào dân tộc của người khác. Tuy hành động phản đối sự
phản đối của người khác có phần tiêu cực và xâm phạm quyền tự do cá
nhân, nhưng chính nó cũng thể hiện quyền thực thi tự do cá nhân của các
bạn. Nếu các bạn muốn công khai ký tên vào Lời Phản Bác, tôi ủng hộ
điều này. Chúc các bạn thành công. Tôi chỉ có một yêu cầu nho nhỏ
thôi. Hãy tự hỏi lòng vài câu hỏi sau đây:
(1) Tuyên Bố 258, khi cả thế giới biết đến và ủng hộ, nó sẽ ảnh hưởng gì đến Quyền Con Người của các bạn?
(2) Lời Phản Bác Tuyên Bố 258, khi cả thế giới biết đến và ủng hộ, nó sẽ ảnh hưởng gì đến Quyền Con Người của các bạn?
(3) Các bạn có thật sự muốn hy sinh Quyền Con Người của mình (cho dù
là một phần) cho cái “lợi ích hợp pháp” của người khác như đã được ghi
trong Điều 258 BLHS hay không? Một khi xung đột xảy ra, bạn sẽ có đủ
tiền tài và quyền lực để thuyết phục sự diễn giải cái “lợi ích cá nhân”
đó về phía bạn hay không?
(4) Lời Phản Bác Tuyên Bố 258 của Cộng Đồng Blogger Việt Nam nếu được
trình bày với cộng đồng thế giới thì thế giới sẽ có cái nhìn như thế
nào về khả năng nhận thức phải trái đúng sai, khả năng am hiểu luật pháp
tự mình đặt ra, khả năng tôn trọng nguyên tắc quốc tế của người Việt và
của chính quyền Nhà Nước XHCN Việt Nam? Nó sẽ gây ảnh hưởng gì đến sĩ
diện dân tộc? Ảnh hưởng đó sẽ tai hại như thế nào so với Tuyên Bố 258
của Mạng Lưới Blogger Việt Nam?
Hoàng Triết
Blogger KD/huyetlanhphong