Sinh Lão Tà
Trộm cướp ở Sài Gòn thì không cần mình phải nói, chắc rằng ai cũng
biết. Bần cùng sinh đạo tặc, thời nay trộm cướp có thể ở ngay trong nhà
của bạn chứ chẳng đâu xa.
Ấn tượng đầu tiên của mình về một Sài Gòn trộm cướp là chừng 15 năm
trước, một thanh niên họ hàng đã đột nhập vào nhà bác họ của mình, cướp
đi một số tài sản, dùng ổ khóa để giết chết bác gái cùng một đứa con mới
sinh. Vụ án gây chấn động, tên tội phạm bị tóm ngay sau đó, tất nhiên
là án tử hình.
Mình sinh ra ở một xứ sở trộm cướp. Đất Nam Định quê mình, mỗi lần ra
đường là mỗi lần canh cánh lo lắng. Ở đó, người ta nói về bọn trộm cướp
nghiện ngập như một đề tài cửa miệng. Chuyện học sinh đi học bị dí dao
vào cổ bị cướp là chuyện thường nghe, thằng Thuận Thắng em mình cũng đã
có lần kể khi chính nó là nạn nhân. Mình cũng thế, lọc cọc đạp xe đi về
hơn 60 cây số lên thành phố Nam Định để mua được bộ sách giáo khoa cho
năm học mới, vào bưu điện gọi điện thoại, bạn canh giữ cẩn thận mà bị
trộm lấy mất lúc nào không biết.
Có lần, mình chứng kiến một cái xe khách đang dỡ hàng ở ngay khu Đò
Quan. Thùng hàng dỡ đến đâu, mấy anh xe máy đứng dưới đón đến đấy rồi
phóng xe biến thẳng. Chủ hàng bước xuống thì đã không còn thùng hàng
nào. Khóc tức tưởi.
Về quê, đến cả quần áo của mình cũng bị trộm chứ đừng nói đến những thứ quý giá khác.
Bằng sự cẩn thận đầy kinh nghiệm, mình vào Sài Gòn và sống trong làng
Đại học Thủ Đức. Nơi mình ở có gần chục trường Đại học, đa số là sinh
viên, đáng ra thì phải là nơi an toàn nhất. Nhưng ai đọc báo cũng biết
trộm cướp ở đây đông đảo như thế nào. Lê Sơn bạn mình đang tâm sự với
bạn gái thì bị dí dao vào cổ cướp xe; thằng Bảo em mình ở trong Ký túc
xá cũng được viếng cái laptop. Con em họ mình nhà nghèo, chẳng có gì
đáng trộm cũng được lấy sạch quần áo.
Hầu như bạn sinh viên nào ở trọ như mình cũng phải mất ít nhất một
thứ gì đó trong những năm đại học. Nhẹ thì máy ảnh, điện thoại, laptop;
nặng thì xe máy, có khi mất mạng vì cướp. Có 2 trường hợp đàn em của
mình, một thằng thì 1 tuần mất liên tục 2 xe máy; một thằng thì sáng mất
xe máy, chiều về đến nhà bị cạy cửa lấy luôn cả máy ảnh, laptop.
Em gái mình vào học ở Đại học Ngân hàng, một ngày nọ đùng đùng gọi
điện cho mình khóc lóc. Bị giật dây chuyền vàng. Cũng may cái dây chuyền
cũng nhỏ, chứ không thì đứt cổ con bé rồi. Chừng 2 năm trước, mình đang
ở nhà, lại được nó điện thoại, lần này thì nó say nắng giữa đường, bị
cướp ngay con xe máy mới mua gần 40 chai.
Có lần mình đang chạy xe trên Xa lộ Hà Nội, nhìn thấy ngay trước mắt
hai anh cướp nọ đang giật túi xách của hai chị đi tay ga. Hai chị lảo
đảo, mình rồ ga định đuổi theo bắt cướp thì hai chị ngã xe, xe mình tông
vào đít xe hai chị. May mày không sao, quê độ.
Người ta không thể đặt lòng tin vào công an sau những vụ cướp như
thế. Có cảm giác bây giờ, người dân phải lo đối phó với cảnh sát hơn là
trông chờ vào sự bảo vệ của lực lượng này. Như cách đây mấy tháng, một
cô gái bị người yêu dọa giết, phải chạy vào đồn công an cầu cứu, đối
tượng đứng ngay ở trước đồn công an. Đáng lẽ công an phải giải quyết
bằng cách tạm giữ đối tượng thì họ chỉ ghi nhận và cho cô gái ấy ra về.
Cô gái bị chém chết ngay sau đó, cách đồn công an chừng vài chục mét. Quá đau xót!
Mình nói đến đây bạn sẽ nghĩ rằng mình bao đồng, nhưng mình cũng
không phải ngoại lệ của nạn trộm cướp này. Ngày mình mới ra trường, ở
trọ tại quận 2. Một buổi sáng đẹp trời tháng 10 nọ, trộm ghé thăm phòng
trọ, chụp thuốc mê khi mình đang ngủ, lấy đi một xe máy Future Neo gần
40 chai mới mua, một điện thoại di động và hơn 800 ngàn tiền ăn. Trộm
còn dễ thương, bỏ lại cho mình 20 ngàn ăn sáng.
Mình gọi các chú công an đến thì họ đang bận uống cà phê. Tới nơi, họ
đưa mình về đồn, lấy lời khai. Anh trường công an phường bảo:
- Vụ của mày là vụ mất xe máy thứ 49 trong năm nay ở phường mình đấy.
- Vậy anh đã tìm ra được chiếc nào chưa ạ?
- Tìm làm sao được.
Nghe đến đó, tự dưng tiếc cái công viết lời khai. Mình về nhắn tin
cho trộm (nó ăn trộm điện thoại của mình mà không thèm tắt máy): "Trộm
này, mày nhớ đi thay nhớt giúp tao cái xe nhé. Lúc nào rảnh mày quay lại
lấy cục sạc điện thoại mà xài".
Trộm nhận được tin nhắn, tắt luôn điện thoại.
Sau vụ đó, mình không còn xe đi làm, khổ sở vô cùng. Sau rồi, mình
lấy bút xóa, viết mấy dòng chữ to tổ bố lên ba lô, đeo ngay sau lưng
rằng: "Con lạy ông cướp, con sinh viên nghèo mới ra trường, trong ba lô
này chẳng có gì quý để ông chiếu cố đâu". Vậy mà cũng có lần suýt bị
giật ba lô ở cầu Sài gòn.
Nhờ nhiều lần như thế, mình trở nên cảnh giác. Năm ngoái đi sinh nhật
bạn gái, đang đi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì có điện thoại. Mình
cẩn thận dừng xe vào lề đường, tắt máy, khóa cổ, rút chìa khóa để nghe
điện thoại. Bỗng nghe một tiếng "vụt", tự dưng thấy lạnh sống lưng. Hai
anh cướp cầm theo một con dao nhọn đang kề ngay lưng mình; mình nhanh
chóng vứt xe và chạy lên lề. Hai anh cướp loay hoay mở khóa không được,
đứng chửi mình một hồi, rồi mới lấy luôn gói quà sinh nhật mà mình mua
tặng.
Cướp chạy đi một hồi thì người dân mới dám dừng lại hỏi thăm mình.
Người khuyên mình đi báo công an, người bảo thôi chẳng mất gì quý giá
thì đi báo làm gì, chúng nó cũng cùng một bọn với nhau cả. Mình nghĩ đến
cái đợt viết lời khai năm nào, nên đành lên xe qua nhà bạn gái sinh
nhật mà chẳng có quà.
Thời mạt, đâu cứ phải mất tài sản vật chất mới là bị trộm cướp. Có
những thứ tài sản còn quý hơn vật chất nữa vẫn đang mỗi ngày bi cướp đi,
đó là lòng tin vào trị an xã hội này, chính quyền này, công an này.
Nên thôi, tốt nhất là lo an toàn cho bản thân là hơn.