Nguyễn Ngọc Già
___________________________
Tôi
không muốn gọi dòng nhạc mà chúng ta bàn luận ở đây với cái chữ "nhạc
sến". Nó trở nên miệt thị một cách thiếu hiểu biết về âm nhạc nói riêng
và nền văn hóa - nghệ thuật nói chung của Việt Nam. Do vậy, tôi xin phép
gọi dòng nhạc này là: Nhạc Muồi - như nhiều người hay gọi.
Chữ
"Muồi" thường gắn liền với trái cây chín. Chín một cách ngọt ngào, thơm
mát tới tận ruột gan người dùng và nó chín một cách tự nhiên theo quy
luật tạo hóa, không phải là "chín ép" (trong miền Nam gọi là chín "dú")
hay dùng hóa chất như ngày nay chúng ta thấy vì mục đích lợi nhuận trên
hết.
Cũng nên phân biệt "chín muồi" với "chín rục".
Khi người nghệ sĩ Cải Lương cất giọng cho bản Vọng Cổ người ta thường
khen giọng hát đó: "Hát muồi quá!". Đó có phải làm cho Nhạc Muồi thật
gần gũi với Vọng Cổ như cái tên của dòng nhạc này nên được trân trọng
hơn là chữ "nhạc sến"?
Tôi
là người miền Nam, cụ thể hơn: người Sài Gòn, nên không rành rẽ về văn
hóa miền Bắc. Nói như thế không có nghĩa phân biệt hay kỳ thị vùng miền,
bởi văn hóa miền Bắc mà tôi cảm nhận, hấp thụ và thích thú, học theo
hầu như do những người miền Bắc di cư từ những năm 1954 mang lại. Tôi có
vài người bạn như thế mà tôi rất quý trọng.
Chúng ta đều biết, nhạc cổ truyền Việt Nam dựa trên "ngũ cung" thay vì "thất cung" như nhạc phương Tây.
Miền Bắc có Chèo Cổ thì miền Nam có Cải Lương [1], tất nhiên Chèo Cổ có từ rất xưa so với Cải Lương.
Cải
Lương mà thiếu Vọng Cổ, không còn là Cải Lương nữa. Bên cạnh Vọng Cổ,
trong Cải Lương còn các bài bản khác [2]: Nam Ai, Nam Xuân, Khốc Hoàng
Thiên v.v... Nền tảng của Vọng Cổ xuất phát từ bài "Dạ Cổ Hoài Lang" của
nhạc sĩ Cao Văn Lầu [3].
Dù
không biết chắc chắn khoảng thời gian nhạc phương Tây du nhập vào Việt
Nam, nhưng có lẽ nó xưa như... thời những người Pháp đầu tiên vừa đặt
chân lên mảnh đất này?
Tuy
nhiên, điều tôi muốn sẻ chia ở đây: người "mang nặng đẻ đau" loại hình
"Tân Cổ Giao Duyên" là nhạc sĩ đáng kính - Viễn Châu [4]. Ông hiện đang
sống tại Sài Gòn như "Cây Đại Thụ Vọng Cổ" với tuổi 90.
Lịch sử của bài "Tân Cổ Giao Duyên" đầu tiên hình thành như Nhạc Sĩ Viễn Châu cho biết [5]:
Lúc
ấy, ở Sài Thành có hàng chục hãng đĩa ra đời để sản xuất đĩa ca vọng cổ
phục vụ cho giới mộ điệu. Các hãng đĩa trong những năm cuối 1950, đầu
1960 cạnh tranh với nhau gay gắt nên soạn giả thời đó rất uy tín, được
các hãng đĩa săn đón nồng nhiệt. Chính sự cạnh tranh đã khiến các soạn
giả phải suy nghĩ để tìm ra cái mới cho bài vọng cổ của mình. Sau nhiều
đêm ấp ủ, bài tân cổ giao duyên đầu tiên "Cô hàng chè tươi" [*] của ông
ra đời. Khi viết bài tân cổ giao duyên, ông đã mạnh dạn rút ngắn phần
vọng cổ (bỏ câu 3 và 4) để đưa tân nhạc vào, tạo thành bài tân cổ giao
duyên hoàn chỉnh. Khi ông viết xong bài tân cổ giao duyên Cô hàng chè
tươi (khoảng năm 1960) thì vẫn chưa biết đặt tên nó là gì. Mãi sau này,
ông mới đặt tên cho nó là tân cổ giao duyên.
Không ngoa ngôn để nói: không có Nhạc Muồi không thể có Tân Cổ Giao Duyên.
Có
thể nói, loại hình Tân Cổ Giao Duyên đã làm nên một cuộc "tân cách mạng"
Cải Lương một lần nữa, sau cái tên "Cải Lương" vốn có như Giáo Sư Trần
Văn Khê đã phân tích trên nhiều diễn đàn từ lâu.
Như
trích dẫn nêu trên, nhạc phẩm "Cô Hàng Nước" (thể loại tân nhạc, nhưng
mang âm hưởng dân ca Quan Họ rất nhiều) của nhạc sĩ Vũ Huyến (một nhạc
sĩ người miền Bắc) đã tạo cảm hứng cho Nhạc Sĩ Viễn Châu sáng tạo ra
loại hình Vọng Cổ mới vào lúc bấy giờ. Dù có một số người trong giới có
phần thủ cựu chê bai khi nó ra đời, nhưng loại hình này nhanh chóng được
chấp nhận như là một sáng tạo hết sức độc đáo, tân kỳ đánh đúng vào nhu
cầu người thưởng thức vào lúc đó.
Trên
tinh thần giao thoa văn hóa hai miền Bắc - Nam, văn hóa Đông - Tây,
"Cây Đại Thụ Vọng Cổ" Viễn Châu đã để lại trong lòng giới chuyên môn và
cả công chúng một nét son cho âm nhạc Việt Nam không phai nhạt theo thời
gian.
Hầu
như không nhạc sĩ nào "dám" viết Tân Cổ Giao Duyên với "Nhạc Kích Động"
[**], bởi nó quá "chỏi" nhau, đặc biệt về tiết tấu, nó tỏ ra khó hòa
hợp, nếu không nói, nó sẽ bị biến thành "tân cổ vô duyên".
Dù
loại hình Cải Lương hiện nay gần như bị suy vong như Chèo Cổ hay Hát
Bội, nhưng Tân Cổ Giao Duyên vẫn còn chỗ đứng trên sân khấu, dù rất ít
trong thời đại hiện nay. Điều đáng nói, loại hình này lại được gìn giữ
và phổ biến từ các trung tâm ca nhạc hải ngoại như: Thúy Nga, Asia, Vân
Sơn trong các kỳ đại nhạc hội, chứ nó không rộng rãi ngay tại Sài Gòn
[***].
Cải
Lương chỉ có vài chục bài bản quanh đi quẩn lại, người soạn lời cứ thế
mà theo để đặt lời mới. Đó phải chăng là một trong những hạn chế lớn của
Cải Lương làm cho khán giả nhàm chán? Nhịp điệu có phần lê thê, chậm
buồn và phần lớn bài bản nghe não nuột, làm cho Cải Lương có lẽ như là
đặc trưng để phản ánh và phù hợp với nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu?
Cải
Lương đứng trước nguy cơ "diệt vong", có lẽ vì không còn đáp ứng nhu
cầu hiện nay, đặc biệt giới trẻ. Nó chắc rồi sẽ chịu chung số phận với
Chèo Cổ, Hát Bội cũng như Kinh Kịch của Trung Quốc. Có chăng, nó sẽ tồn
tại ở dạng "bảo tồn" như là một nét văn hóa truyền thống để giới thiệu
với nước ngoài về một thời hoàng kim trăm năm của nó?!
Nhắc
đến Cải Lương không thể không nhắc đến những giọng ca một thời, vừa
sang trọng mà nồng nàn, vừa ấm áp lại giản dị: Phùng Há, Thành Được, Hữu
Phước, Út Trà Ôn, Thanh Sang, Mỹ Châu, Thanh Nga, Phượng Liên, Ngọc
Giàu v.v...
Đa
số những nghệ sĩ tên tuổi thời bấy giờ, do nhiều yếu tố, đặc biệt do
xuất thân từ các vùng miền Tây Nam Bộ khi xưa với gia cảnh khốn khó, làm
cho họ không có được một đời sống học hành tới nơi tới chốn như nhiều
người cùng thời bấy giờ. Không biết quá khứ đó có trở thành "phiên bản"
như một "cô thôn nữ", dù đẹp mặn mà, nhưng thiếu sự "kiêu sa", "đài các"
đối với những nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ tự cho rằng mình "sang"... "như
tây"?
Lực
lượng nghệ sĩ Cải Lương kế thừa ngày càng vơi dần và hụt hẫng nghiêm
trọng, không còn gì cứu vớt nổi. Từ thanh cho đến sắc, từ lương tâm nghề
nghiệp cho đến say mê cống hiến, cứ ngày càng rơi rụng và nhạt nhòa.
Hiện nay, một khi giới trẻ có giọng hát như các "tiền bối" một thời,
chắc chắn họ chẳng bao giờ "đầu quân" vào... Cải Lương, bởi nó đồng
nghĩa đi vào ngõ cụt cho tương lai.
Đó là quy luật không tránh khỏi, khi gắn Cải Lương với vấn đề tiến hóa xã hội và hội nhập quốc tế ngày nay.
Một
số người, cả dân trong giới "chơi" nhạc, đặc biệt dạo sau này trong
nước (những năm 1990 trở lại đây) có vẻ có thành kiến và xem rẻ Nhạc
Muồi? Nói đến Nhạc Muồi đối với bộ phận này, nó có vẻ gần với sự quê
mùa, lạc hậu, nghèo hèn, thậm chí pha lẫn một chút "sự thương hại" trong
ánh nhìn của họ? Thấp thoáng sự hợm hĩnh, kiêu căng của thói "trưởng
giả học làm sang", khi họ không nghiên cứu thấu đáo để hiểu rằng: giáo
dục tử tế không có nghĩa được tính qua "bằng cấp", đặc biệt "bằng cấp"
của Liên Xô và các nước trong phe cộng sản của những năm còn mạnh cũng
như vừa sụp đổ?! Tôi không có ý coi thường người dân Liên Xô ngày xưa và
các nước Đông Âu, mà chỉ muốn lên án, vạch trần tác hại của chế độ cộng
sản ảnh hưởng thế nào đến lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói
riêng.
Không
ai dám viết Tân Cổ Giao Duyên bằng cách kết hợp Chèo Cổ - Nhạc Muồi hay
Hát Bội - Nhạc Muồi và cũng không thể gắn Quan Họ Bắc Ninh hay Ca Trù
với Nhạc Muồi. Do đó, có thể nói Nhạc Muồi là sản phẩm độc đáo của miền
Nam (không có nghĩa nhạc sĩ và ca sĩ người Bắc không viết và ca được,
thậm chí họ viết và ca rất... muồi là đằng khác). Ở đây ý nói, Nhạc Muồi
là "đặc sản" có một không hai của Việt Nam, sản sinh từ cái nôi miền
Nam.
Có
một số nghệ sĩ hát Tân Cổ Giao Duyên bằng giọng Huế (cặp Minh Vương -
Vân Khánh với bài "Chiếc nón bài thơ"), tạm chấp nhận được, nhưng nó
không phổ biến rộng rãi bằng giọng thuần Nam Bộ.
Đoàn
cải lương Chuông Vàng của miền Bắc, tôi không nghiên cứu thành lập từ
khi nào, nhưng có dạo những năm đầu sau 1975, có nghệ sĩ hát Vọng Cổ
bằng giọng thuần Bắc, thật khó làm ngưới nghe chấp nhận, do đó nó mau
chóng bị bỏ qua. Sau này có nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền ca Vọng Cổ bằng
giọng Nam Bộ có thể tạm chấp nhận được, nhưng giọng vẫn khá "cứng",
không thể che giấu với đôi tai người Nam Bộ. Thanh Thanh Hiền so với các
nghệ sĩ người miền Bắc như: Bích Sơn - giải Thanh Tâm 1960 [6], Thanh
Vy (nghệ sĩ miền Bắc hát Cải Lương sau 1975), vẫn còn khoảng cách lớn về
cảm thụ Vọng Cổ để hát mềm mại, uyển chuyển hơn.
Trong
vở tuồng nổi tiếng Tô Ánh Nguyệt, khi tranh luận giữa hai người cha về
"tống cựu nghinh tân" và "thủ cựu bài tân", có câu: Nước biển dùng làm
muối, nước ngọt dùng trồng lúa, còn nước lợ thì người ta không biết làm
gì.
Học
hỏi là tính tốt, nhưng trong nghệ thuật nói chung cũng như âm nhạc nói
riêng, nó có những khắc nghiệt riêng, nếu không hiểu ra thì dễ bị mang
tiếng đua đòi, đèo bồng, đặc biệt "dây thanh đới" là của trời cho, đúng
nghĩa. Không ai giống ai và không gì có thể thay thế dây thanh đới giữa
người này với người khác, bất chấp có rèn luyện bao nhiêu năm, có cố bắt
chước cỡ nào đi chăng nữa.
Tạo
hóa vẫn giữ độc quyền về sáng tạo những điều con người không lý giải
được, khi thượng đế ban cho người này dây thanh đới kiểu này và phát cho
người khác dây thanh đới kiểu khác. Do đó, có người trở thành ca sĩ
chuyên về Rock, Jazz, có người chuyên về Nhạc Muồi v.v... có người hát
"được" nhưng không bao giờ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tất nhiên để
trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, không chỉ có một dây thanh đới phù hợp mà
còn nhiều yếu tố khác, trong đó không thiếu điều mà người ta hay gọi là
"Nghiệp".
Những thú vị của Nhạc Muồi.
Có
thể nói Nhạc Muồi là nỗi cứu rỗi cho Vọng Cổ (bài bản chính của Cải
Lương). Hơn 50 năm trước, nếu Nhạc Sĩ Viễn Châu không sáng tạo "Tân Cổ
Giao Duyên", có lẽ Cải Lương nói chung và Vọng Cổ nói riêng đã nói lời
"chia tay" trên diện rộng với khán giả sớm hơn?
Nhạc
Muồi khá gần gũi với Cải Lương bởi giai điệu, tiết tấu (nghĩa là đa số
bài hát chậm, buồn). Nó cũng chỉ vài điệu nhạc, chủ yếu là Boléro,
Rumba, hiếm "cao trào" trong bài hát, với "tone thứ" làm chủ đạo. Đôi
khi người ta bắt gặp những điệu chachacha, tango được "đánh" lả lơi một
chút cũng tạo ra một bản Nhạc Muồi rất muồi mẩn và mê ly, làm đắm say
lòng người.
Hình như những bài "tone trưởng" khó làm bật lên cái đặc trưng của "Nhạc Muồi"?
Ai
đó đã nói: Một bản nhạc buồn chưa chắc đã đi vào lòng người, nhưng một
bản nhạc đi vào lòng người thường là một bản nhạc buồn. Điều này có lẽ
đúng cho không chỉ riêng Nhạc Muồi.
Việt
Nam, cho đến ngày nay vẫn chưa thoát khỏi nỗi buồn. Một nỗi buồn lớn
lao của cả dân tộc dưới ách cai trị bạo ngược cùng chính sách ngu dân
của cộng sản!
"Nhạc buồn" trở thành nơi cho "Nhạc Muồi" thỏa sức vẫy vùng sáng tạo.
Nét
đặc biệt thú vị của "Nhạc Muồi" không hẳn ở điệu nhạc mà phần cốt lõi
chính là lời hát mang lại cho khán giả. Lời trong các bản Nhạc Muồi bãng
lãng, bồng bềnh mà lại thiết tha, sâu lắng xen lẫn nỗi bùi ngùi, tiếc
nuối; bất chấp đó là một nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ bạn, nhớ tình nhân đã
bỏ ra đi, nhớ về tuổi hoa niên hay nhớ người yêu của lính hoặc hoài vọng
về quê cũ - nơi ta lớn lên và buộc phải rứt ruột chia lìa, cùng nhiều
tâm trạng khác. Một số người nhìn Nhạc Muồi dưới góc độ "ủy mị", "bi
quan", thiếu tinh thần..."lạc quan cách mạng" (!) có lẽ từ đó tạo ra
"phong trào" đả kích và giết chết nhạc vàng nói chung và Nhạc Muồi nói
riêng, sau ngày "giải phóng"?
Viết
"Nhạc Muồi", về phần nhạc không phải quá khó, nhưng phần lời đòi hỏi
người soạn nhạc phải vô cùng tinh tế và phải đong đầy cảm xúc chân thật.
Điều này liên quan đến văn chương rất lớn.
Nhạc Muồi và văn chương.
Văn
chương trong Nhạc Muồi, ngoài năng khiếu trời cho, nó đòi hỏi một sự
trải nghiệm, gọt dũa, chắt lọc cùng tính nhạy bén của một tâm hồn nhân
ái để sao cho hòa quyện phần lời thật "ăn ý" với phần nhạc. Người nhạc
sĩ chuyên sáng tác dòng nhạc này, tuyệt đại đa số, họ là những người
"văn hay chữ tốt".
Nói
đến văn chương là nói đến giáo dục. Ở đây, chúng ta đề cập đến nền giáo
dục khai phóng và nhân bản. Một nền giáo dục như thế mới có tự do làm
nền cho mọi sáng tác (sáng tạo) thăng hoa. Vậy là, "đụng đến" giáo dục
"nhồi sọ" mang tính khuôn mẫu, công thức, đặt nặng về kỹ thuật viết và
đạo đức giả khi còn ngồi trên ghế nhà trường từ những năm đầu trẻ làm
quen với văn chương.
Khái
niệm "văn mẫu" - một khái niệm quái dị và phi nhân tính - mà lớp trẻ
sau này hứng chịu gây tác hại to lớn; không chỉ về việc hình thành nhân
cách, đạo đức mà còn tác động lên cả lĩnh vực âm nhạc (không chỉ Nhạc
Muồi) mà chúng ta đang bàn luận ở đây. Văn chương ngày nay hầu như không
còn là nơi nuôi dưỡng, vun bồi tâm hồn hiền lương và trung thực cho thế
hệ trẻ. Đó là điều vô cùng đau xót cho Việt Nam hiện nay!
Có
vẻ người cộng sản chưa bao giờ nhận thấy họ tàn phá - mà tôi gọi (nhẹ
nhất) là "ác hồn nhiên" - văn chương một cách... "vô tư" từ (ít nhất)
38 năm qua.
Giới
cầm quyền cộng sản hình như chưa bao giờ chịu chiêm nghiệm, đúc kết và
rút ra những bài học cay đắng khi nhiều năm sau "giải phóng" họ đã xem
rất nhẹ vai trò văn chương mà chỉ chú tâm và "lèo lái" nó đi vào "con
đường trụy lạc" mang tên "chính trị".
Cao
hơn, cai thứ "văn chương" sau "giải phóng" đã lần hồi làm tha hóa tâm
hồn người Việt và nô dịch cho "lý tưởng cộng sản" - một lý tưởng không
tưởng, mơ hồ, phi nhân tính.
Thế
hệ trẻ ra đời, lớn lên, tiếp nối "tiền bối" cộng sản bằng những tâm hồn
xơ cứng, khô cằn, đua chen, đố kỵ, giành giựt chỗ đứng trong "làng" và
họ đầy hận thù, nhỏ nhen, bẩn chật thông qua nhiều "nhà văn", "nhà thơ",
nhiều "nhạc sĩ", "ca sĩ", "diễn viên", "đạo diễn" sống trong sự "nuôi
nấng" và "chăm sóc" từ "vòng tay" "đảng ta" (!). Lớp người này không thể
nào là "hạt từ tâm" như Trịnh Công Sơn đã viết.
Nhạc
Muồi góp một phần không nhỏ cho "hạt mầm từ tâm" đâm chồi vươn lên đón
ánh dương ban mai buổi sớm. Nhẹ nhàng và thanh thoát. Thánh thiện mà
giản dị như "Chiếc Áo Bà Ba", như một "Cây Cầu Dừa" và đôi khi như" Lối
Thu Xưa" cho tâm hồn bãng lãng để hoài niệm, trầm tư và cũng để biết ăn
năn là gì sau những việc đã xảy ra.
Giá
như giới cầm quyền hiểu được tầm quan trọng của văn chương ảnh hưởng
không chỉ trong âm nhạc mà nó còn tác động mãnh liệt đến thế hệ trẻ hiện
nay ra sao thông qua cái gọi là... "văn mẫu" (!) Thật khốn khổ cho nhi
đồng, đến cả thanh thiếu niên ngày nay với vị "cứu tinh" - "văn mẫu" đối
với nền văn học nước Việt (!).
Không
thể có một áng văn hay, không thể có một lời nhạc bay bổng mà thiếu tự
do trong đó. Nhiều độc giả chắc không khỏi thở dài khi chúng ta cùng
nhắc thêm... "tính định hướng" trong viết văn, viết nhạc. Đó là sự thật,
chí ít 38 năm qua, kể từ ngày "đảng đã cho em cuộc đời mới", "đảng chỉ
cho em đường đi tới" (!) [****].
Chính
thể cộng sản đã bóp nát tâm hồn và tính sáng tạo của tuổi trẻ ngay từ
những bài học đầu đời, trước khi họ trở thành một nhà soạn nhạc tự do
đúng nghĩa của nó. Trong số các nhạc sĩ, ca sĩ hiện nay, quá khó để tìm
ra một người nghệ sĩ của nhân dân, chứ không phải loại "nghệ sĩ nhân
dân" của tư tưởng bố thí!
Những
dẫn giải nói trên, có phải góp thêm để lý giải tại sao hiếm có nhạc sĩ
trẻ ngày nay viết lên những lời nhạc đậm đà chất thơ, đẹp như một bức
tranh, so với ngày trước?
Bất
giác tôi nghĩ, Quốc Trung, Huy Tuấn, và một số nhạc sĩ trẻ có tiếng
hiện nay có thể nào viết ra một bản Nhạc Muồi không? Hoàn toàn được,
nhưng chắc chắn nó nặng về kỹ thuật và khô... như ngói, tựa những giọng
hát thời thượng hiện nay mà Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh9 đã phê bình.
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già
__________________
http://www.rfa.org/vietnamese/ programs/TraditionalMusic/ 1960-thanhtam-award-nmai- 09042011084845.html [6]
http://www.youtube.com/watch? v=PLILVL4oXIg. Bài tân cổ này, dựa trên nhạc phẩm "cô hàng nước" của nhạc sĩ Vũ Huyến. [*]
Trước
1975, loại nhạc người miền Nam hay gọi là "Nhạc Kích Động" mà nhắc đến
nó không thể thiếu tên tuổi "chuyên trị": Mai Lệ Huyền, Hùng Cường,
Carol Kim v.v... Nhưng thể loại Hiphop, Rap, R&B, Hard Rock chưa
thịnh hành như sau này. Nhạc trẻ bấy giờ thuộc về tên tuổi nhóm "Phượng
Hoàng" với Elvis Phương, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang v.v... và một số
tên tuổi khác như "nữ hoàng" nhạc twist Túy Phượng, "nữ hoàng" nhạc Jazz
Tuyết Loan[**]
Sau
những nỗ lực của đài Truyền hình Tp.HCM với những chương trình "Vầng
Trăng Cổ Nhạc", "Chuông Vàng Vọng Cổ" ngày càng đuối dần vì hầu như
không còn có nhiều khán giả và các nhà tài trợ không mặn mà cho lắm!
[***]
Lời bài hát thiếu nhi "Ai cho em tiếng hát tình thương" của Trương Quang Lục [****]