Lê Nguyên Bình
Tác phẩm “Thuyết nan“ của Hàn Phi phải chăng là lời lên án Chế
độ quân chủ chuyên chế của Trung Hoa cổ đại nhưng vẫn còn giá trị đến
ngày nay ở những nước độc tài toàn trị ?
Hàn Phi là ai ?
Hàn Phi là học giả nổi tiếng Trung Quốc thời Chiến Quốc (280 – 233
trước Công nguyên), theo trường phái Pháp trị, tác giả cuốn sách “Hàn
Phi Tử“ và cũng là tác giả tác phẩm “Thuyết nan“ có nghĩa là cái khó trong việc thuyết Vua.
Hàn Phi sống cuối thời Chiến Quốc, trong giai đoạn “bảy nước tranh hùng“ và Tần Thuỷ Hoàng đang thống nhất nước Trung Hoa.
Tư tưởng chủ yếu của Hàn Phi là “Thuyết Pháp trị“. Tư tưởng này đối
nghịch với tư tưởng của Khổng Tử chỉ chủ trương dùng “Nhân trị“ và “Đức
trị“ để cai trị xã hội ngay cả trong thời loạn lạc nên triết học của
Khổng Tử không được Tần Thuỷ Hoàng dùng.
Hàn Phi chủ trương dùng Pháp luật để quản lý xã hội. Theo Hàn Phi,
Pháp luật là thượng tôn của Nhà nước và mọi người bình đẳng trước Pháp
luật. Pháp luật không hùa theo người sang. Khi thi hành Pháp luật thì
kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không tránh. Trừng trị cái sai
không tránh cái sai của kẻ Đại thần. Thưởng cái đúng không bỏ sót cái
đúng của kẻ thất phu (tức dân thường).
Sau khi thống nhất nước Trung Hoa, Tần Thuỷ Hoàng đã áp dụng học
thuyết Pháp trị của Hàn Phi, đặt ra Luật pháp để quản lý Nhà nước. Lúc
đầu chính sách này đã phát huy tác dụng nhưng do Luật pháp của Tần Thuỷ
Hoàng vô cùng hà khắc nên dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy chống lại và kết
cục là nhà Tần sụp đổ.
Hàn Phi bị Thừa tướng Lý Tư (vốn là bạn học cũ) và quan đại thần
Diêu Giả ghen ghét gièm pha với Vua Tần, bị Vua Tần nghi ngờ, giết
chết bằng cách bắt Hàn Phi uống thuốc độc tự sát.
Những tác phẩm của Hàn Phi:
Hàn Phi đã viết nhiều sách. Ông thương xót những người thanh liêm,
chính trực bị bọn quan lại gian tà hãm hại và tổng kết những sự biến
đổi tồn vong của các nước thời xưa, viết ra cuốn “Cô Phẫn“ nói lên sự
phẫn nộ của con người cô độc, cuốn “Ngũ Đỗ“ nói về 5 thứ sâu mọt của
triều đình.
Bộ sách “Hàn Phi Tử“ tổng hợp tư tưởng của các học giả Pháp trị
trước ông và các nhà nghị luận thời Chiến Quốc. Còn tác phẩm “Thuyết
nan“ nói về cái khó và cái nguy hiểm trong việc thuyết Vua mà ông đã
từng trải...
Sau khi Hàn Phi chết, Tư Mã Thiên đã tóm tắt nội dung tác phẩm Thuyết nan tới mười vạn chữ như sau:
Cái khó trong việc thuyết Vua không phải ở chỗ không biết những
điều cần nói. Cũng không phải ở chỗ không biết biện luận. Cũng không
phải ở chỗ không trình bày được rõ ràng ý nghĩ của mình. Cũng không
phải không biết nói ngang nói dọc cho tỏ cái ý của mình. Cái khó trong
việc thuyết Vua là phải làm thế nào biết được cái tim của người mình
muốn thuyết phục, để dùng cái thuyết của mình mà đối phó.
Nếu con người mình muốn thuyết phục chỉ nghĩ đến danh cao mà
mình lại đem cái lợi lớn ra thuyết phục họ thì sẽ bị họ cho mình là hèn
hạ và đối xử với mình như bọn ti tiện, họ sẽ vất bỏ ta thật xa.
Nếu con người mình muốn thuyết phục chỉ nghĩ đến cái lợi lớn mà
mình lại đem cái danh cao ra để thuyết họ thì họ sẽ cho ta là không hiểu
thế sự, nói chuyện viển vông và họ không dùng ta.
Nếu con người mình muốn thuyết phục trong bụng nghĩ đến cái lợi
lớn nhưng bên ngoài làm ra vẻ muốn cái danh cao mà ta đem chuyện danh
cao ra để thuyết thì bên ngoài họ tỏ vẻ dung nạp ta nhưng thực sự họ sẽ
bỏ rơi ta. Nhưng nếu ta đem cái lợi lớn ra nói với họ thì trong bụng họ
dùng lời nói của ta nhưng bên ngoài họ sẽ vứt bỏ cái thân của ta. Đó
là những điều khó mà không thể không biết.
Phàm các việc làm mà thành công là do giữ bí mật. Lời nói mà
thất bại là do bị tiết lộ. Bản thân mình chưa tiết lộ ra nhưng chỉ cần
nói đến cái mà người ta dấu (tức Vua dấu) thì đã nguy đến thân rồi. Nhà
Vua có điều sai mà ta lại thuyết đúng những lời sáng tỏ, dùng nghĩa lý
để suy luận ra sai lầm của Vua thì nguy đến thân.
Nếu chưa được Vua ban ơn huệ mà đem hết những lời ta biết ra nói
thì hoặc cái thuyết của ta sẽ được áp dụng nhưng ta không được ơn đức
gì, hoặc cái thuyết của ta không được dùng, xảy ra thất bại thì bị
nghi ngờ và nguy đến thân.
Phàm là Vua được cái kế của ta nhưng lại muốn xem đó là công lao
của mình mà ta là người thuyết Vua lại muốn cùng biết thì nguy đến
thân. Nếu đi thuyết Vua, ép Vua làm những điều Vua quyết không làm,
bác những điều Vua quyết không bỏ thì nguy đến thân.
Cho nên, nếu ta đem những người tôn quý trong triều đình ra nói
với Vua thì Vua sẽ cho là ta ly gián. Nếu ta đem những người thấp hèn
ra nói với Vua thì Vua sẽ nói ta muốn bán quyền. Ta bàn đến cái mà Vua
thích thì Vua sẽ cho là ta nịnh hót. Ta bàn đến cái Vua ghét thì Vua sẽ
cho là ta thăm dò Vua.
Nếu ta nói tóm tắt, ít lời thì Vua sẽ cho ta là không có kiến
thức gì và khinh ta. Nếu ta nói mênh mông, lời lẽ phù phiếm thì Vua sẽ
cho là nhiều quá và chán. Nếu ta cứ trình bày sự việc theo ý muốn của
Vua thì Vua sẽ bảo là ta nhút nhát không dám nói hết lý. Nếu ta suy
nghĩ sâu sự việc và nói rộng thì Vua sẽ bảo là ta thô lỗ và ngạo mạn.
Tất cả những cái khó này, người thuyết Vua không thể không biết mà giữ mình.
Phàm việc thuyết phục Vua là cốt ở chỗ biết tô điểm thêm cho cái
mà Vua quý trọng, từ bỏ cái mà Vua ghét. Hễ Vua tự cho cái kế mình là
sai thì chớ nêu chỗ nó sai lầm mà bắt bẻ đến cùng.
Nếu Vua tự cho mình là dũng cảm quyết đoán 1 việc gì, ta chớ đưa ý ta ra để chống lại, làm cho Vua nổi giận.
Nếu Vua cho là mình đủ sức để làm một việc gì thì chớ đem chuyện
khó khăn ra cản trở. Nếu Vua muốn mưu một việc gì với một người khác
hay khen một người mà Vua cùng bàn mưu với họ thì ta nên tô điểm cho họ
và chớ nói gì có hại cho họ. Nếu nhà vua và người ấy thất bại thì hãy
cố gắng tô điểm cho họ làm như họ không sai lầm.
Kẻ đại trung không dùng lời lẽ làm phật ý Vua. Có dùng lời can
gián cũng không đả kích bài bác gì ai. Lời can ngăn hợp lẽ thì thế nào
cũng nghe được. Kẻ làm tôi phải biết kiên nhẫn và lựa lời, sau đó mới
đem cái tài biện luận và cái khôn của mình ra thuyết Vua. Như thế thì
được gần gũi Vua mà không bị Vua ngờ vực.
Biết cho hết cái Đạo thờ Vua là rất khó. Phải chờ đến khi quen
biết đã lâu, đã được ân huệ nhiều, đã bày mưu kế sâu mà không bị nghi
ngờ, cãi lại ý Vua mà không bị bắt tội thì lúc đó hãy bày rõ điều lợi
hại cho Vua biết để lập công, lúc đó hãy nói thẳng điều phải điều trái
cho cái thân mình được hưởng sung sướng.
Khi nào giữa Vua và tôi đối xử với nhau như vậy mới mong việc thuyết Vua thành công.
Có 2 chuyện xưa:
Nước Tống có một nhà giầu. Trời mưa làm hư hỏng tường rào.
Người con nhà đó nói: ”Nếu không xây lại tường thì sẽ bị kẻ trộm vào
nhà“. Người hàng xóm cũng khuyên nhà giầu như vậy. Đêm hôm đó, nhà
giầu bị mất của. Người nhà giầu khen con là khôn nhưng nghi người hàng
xóm.
Trịnh Vũ Công muốn đánh nhà Hồ bèn gả con gái cho người Hồ. Khi
đó Vua Trịnh hỏi quần thần: “Ta muốn dấy binh, nên đánh ai?”. Quan
Kỳ Tư nói: ”Nên đánh Hồ“. Vua Trịnh giết Quan Kỳ Tư và nói: ”Hồ là nước
anh em của ta, sao nhà ngươi lại nói nên đánh?”. Vua Hồ nghe được tin
đó, cho rằng nước Trịnh thân thiết với mình nên mất cảnh giác đề phòng.
Nhân cơ hội đó, Trịnh đánh úp và chiếm lấy Hồ.
Hai chuyện trên chứng tỏ người hàng xóm và Quan Kỳ Tư đều là
người biết sự thật nhưng một người bị nghi ngờ, một người bị giết chết.
Như thế đủ biết cái khó không ở chỗ biết hay không biết mà ở chỗ dùng
cái biết của mình thế nào.
Lại chuyện thứ ba:
Di Tử Hà được Vua nước Vệ yêu mến. Theo Pháp luật nước Vệ, ai
tự tiện đi xe của Vua thì bị chặt chân. Mẹ của Di Tử Hà lâm bệnh. Đang
đêm có người đến báo tin với Di Tử Hà. Vì vội, Di Tử Hà dùng xe ngựa
cùa Vua đi thăm Mẹ. Vua được tin, lại cho Hà là người hiền, có hiếu
và phán: ”Hà thực là người có hiếu. Vì mẹ mà phạm tội bị chặt chân“ và
tha tội cho Hà. Lần khác, Hà đi chơi với Vua trong vườn đào. Di Tử Hà
hái 1 quả ăn thấy ngon, không ăn hết mà dâng Vua. Vua nói: ”Hà thật
yêu quý ta, quên cái miệng của mình mà nhớ đến ta“. Sau này, Di Tử Hà
kém phong độ so với trước, Vua bớt yêu, Hà lại phạm tội.
Khi đó Vua luận tội: ”Nó đã có lần tự tiện đi xe của ta, lại có
lần bắt ta ăn quả đào thừa của nó“. Như thế, việc làm của Hà không
khác nhưng lần trước thì được khen là người hiền (theo Nho giáo người
hiền là tôi trung) nhưng lần sau thì bị tội. Đó là do lòng yêu ghét của
Vua đã thay đổi. Khi được Vua yêu thì cái khôn của mình làm cho mình
được thân với Vua. Khi Vua đã ghét thì cái tội của mình càng làm cho
mình bị khốn khổ. Kẻ sĩ thuyết Vua phải biết Vua yêu cái gì, ghét cái
gì, sau đó hãy thuyết Vua.
Con Rồng là con vật có thể cưỡi. Dưới cái cổ của nó có cái vảy
ngược dài đến một thước. Ai động đến đó thì chết ngay. Vua chúa nào
cũng có cái vảy ngược như thế. Kẻ sĩ thuyết Vua không sờ phải cái vẩy
ngược của Vua mới mong trở thành người tài giỏi.
Nguồn tài liệu: Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê 1983, đăng trên Bách khoa toàn thư Wikipedia.org
Lời bàn:
Học thuyết Nhân trị và Đức Trị của Khổng Tử (tức Nho giáo) không được
Vua Tần dùng. Học thuyết Pháp trị của Hàn Phi được Vua Tần dùng nhưng
tác giả của học thuyết lại bị Vua Tần giết.
Trong tác phẩm “Thuyết nan“, Hàn Phi đã tổng kết 3 điều sâu sắc:
”Lòng yêu ghét của Vua hết sức thay đổi. Biết được hết cái Đạo Thờ Vua
là rất khó. Thuyết Vua là rất khó, có khi nguy hại đến thân“.
Tại sao như vậy. Chính tại cụ Khổng Tử đã góp phần tuyệt đối hoá ông
Vua. Vua đâu có do dân bầu. Theo Nho giáo, Vua chỉ làm theo Thiên
Mệnh tức Mệnh Trời. Dân là kẻ thất phu. Đạo Khổng dạy phải trung với
Vua. Vua cho ai sống thì được sống. Vua bắt chết thì phải chết. Kẻ sĩ
phải chờ đến khi biết được Vua yêu cái gì, ghét cái gì mới dám thuyết
Vua. Ngày nay một số không nhỏ kẻ sĩ hiện đại cũng đang chờ như vậy.
Khi phát động cách mạng văn hoá ở nước Trung Hoa lục địa, Mao Trạch
Đông kịch liệt bài bác Đức Khổng Tử nhưng lại triệt để sử dụng học
thuyết quân – thần (học thuyết về quan hệ Vua-tôi) của Khổng Tử để độc
quyền cai trị nước Trung Hoa và duy trì ngôi “Hoàng đế đỏ“ của ông ta.
Tư tưởng Mao đã được xuất khẩu sang nước Việt kể từ sau khi ông Hồ sang
gặp Mao và Stalin năm 1950, vì thế trước đây trào lưu tư tưởng dân chủ
của phong trào Nhân văn giai phẩm đã bị đàn áp và ngày nay ý tưởng đấu
tranh nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hoá đất nước của Tướng Trần Độ và
của Luật sư Lê Hiếu Đằng đã và đang bị bọn bồi hiện đại chuyên nói lấy
được dùng mọi lời lẽ thô tục chửi rủa.
Dân chủ xã hội không thể trông chờ đến lúc Vua yêu mới được thực
hiện. Khoa học kỹ thuật và nền văn minh công nghiệp cũng không thể
không chờ đến lúc Vua yêu mới được phát triển. Dân chủ xã hội, khoa
học kỹ thuật và văn minh công nghiệp lại là những thứ rất khó để Vua yêu
vì nó không tạo ra Rượu Mao Đài và nàng Tây Thi cho Vua thưởng ngoạn.
Có khi nó còn đe doạ đến ngai vàng của Vua. Dân càng ngu thì càng dễ
trị. Điều đó lý giải vì sao trong quá khứ, cả Trung Hoa lục địa và
nước Việt chìm đắm trong những đêm dài của nền nông nghiệp thô sơ lạc
hậu kéo dài hàng ngàn năm. Chỉ thay chế độ quân chủ chuyên chế và chế
độ độc tài toàn trị bằng chế độ dân chủ của nhân dân, một xã hội dân
sự, cộng với một nhà nước pháp quyền và áp dụng học thuyết lập pháp tam
quyền phân lập thì dân mới được thực hưởng quyền của một con người tự
do.
Lê Nguyên Bình