Phan Thành Đạt
Tam quyền phân lập là điều kiện đầu tiên của một Nhà nước tự do
Điều 19 Hiến pháp Pháp, ngày 04 tháng 11 năm 1848)
Trên thế giới hiện nay có ba thể chế chính trị phổ biến, chế độ nghị
viện ở Châu Âu, chế độ tổng thống ở Châu Mỹ và chế độ độc đoán ở các
nước thiếu dân chủ. Chế độ nghị viện và chế độ tổng thống được xây dựng
dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, đa đảng, có nền tư pháp độc lập
và tôn trọng quyền con người. Chế độ độc đoán hay độc tài hoạt động theo
nguyên tắc quyền lực tập trung trong tay một người duy nhất hay một
nhóm người. Chế độ chính trị thiếu dân chủ không chấp nhận tam quyền
phân lập, các quyền cơ bản của con người có thể bị vi phạm trong bất cứ
hoàn cảnh nào, nếu nhà lãnh đạo nhận thấy các quyền đó ảnh hưởng trực
tiếp đến an ninh trật tự do mình thiết lập ra, hoặc có hại đến sự sống
còn của hệ thống chính trị. Các nước theo học thuyết Mác-Lênin và các
nước chọn đạo hồi là giáo lí chính thống đều phủ nhận thể chế chính trị
phương Tây.
Thể chế chính trị phương Tây được phổ biện rộng rãi ở nhiều nước vì
đảm bảo được các quyền cơ bản của con người và là động lực phát triển
kinh tế xã hội. Dân chủ đã trở thành khát vọng của các dân tộc trong bối
cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thể chế chính trị phương Tây được nhiều
nước ở Châu Phi, Châu Mỹ la tinh…áp dụng.
Chế độ nghị viện là hệ thống chính trị thuần túy của Tây Âu, nguyên
tắc tam quyền phân lập tương đối được thể hiện bằng hai phương tiện
chính trị hiệu quả, quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm và quyền giải tán Quốc
hội. Chế độ nghị viện được chia thành hai kiểu, chế độ nghị viện chịu
trách nhiệm đơn và chế độ nghị viện chịu trách nhiệm kép (tạm dịch),
trong chế độ nghị viện có trách nhiệm đơn, Chính phủ chỉ chịu trách
nhiệm trước Nghị viện, trong chế độ nghị viện trách nhiệm kép, Chính phủ
chịu trách nhiệm đồng thời trước Nghị viện và Tổng thống.
Trong chế độ tổng thống, (tiêu biểu là mô hình chính trị của nước
Mỹ), hai phương tiện gây áp lực chính trị là bỏ phiếu bất tín nhiệm và
giải tán Quốc hội không tồn tại. Vì thế, chế độ tổng thống ở Mỹ được xếp
loại là thể chế chính trị theo nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để.
Chế độ chính trị Mỹ được Hiến pháp 1787 quy định cụ thể. Các nhà lập
hiến Mỹ tham khảo mô hình chính trị ở Anh, họ theo quan điểm của
Montesquieu về tổ chức quyền lực để đảm bảo tính độc lập tương đối giữa
các cơ quan (chương 7, Hiến pháp Anh, Tinh thần luật, 1748).
Chế độ nghị viện phổ biến tại nhiều nước Châu Âu. Đặc điểm chung của
mô hình này như sau: Tổng thống được Hiến pháp trao cho các quyền mang
tính tượng trưng, trong khi đó, Thủ tướng nắm giữ quyền hành pháp thực
sự. Thủ tướng là lãnh tụ của các đảng phái chiếm đa số ghế tại Nghị viện
và nhận được sự ủng hộ của Nghị viện, để thực thi các chính sách của
Chính phủ. Chế độ nghị viện đảm bảo khá tốt các nguyên tắc dân chủ, tuy
nhiên chế độ này cũng bộc lộ một số nhược điểm. Để hình thành được một
tập hợp đa số tại Nghị viện, các đảng phái buộc phải liên minh, khi đó
nhiều bất đồng về quan điểm chính trị dễ xảy ra, liên minh trở nên mong
manh và có thể tan vỡ. Điều này dễ nhận thấy ở các nước dân chủ mới tại
Đông Âu. Ở các nước như Anh, Pháp, Đức hạn chế này đã khắc phục được.
So với chế độ nghị viện, chế độ tổng thống đảm bảo ổn định chính trị
tốt hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, nước Mỹ là nước duy nhất trên
thế giới theo chế độ tổng thống đúng nghĩa. Các nước Châu Phi và Nam Mỹ
theo mô hình tổng thống, nhưng thể chế này bị áp dụng sai lệch và chuyển
hóa thành chế độ độc đoán, ví dụ Vénézuéla với Hugo Chavez, Bolivia với
Evo Morales, Zimbabwe với Robert Mugabe…
Liệu các thể chế dân chủ tiêu biểu này có thể trở thành mô hình chính
trị cho Việt Nam trong tương lai? Việt Nam là đất nước có nền văn hiến
lâu đời. Các di sản văn hóa cùng với truyền thống tốt đẹp được tổ tiên
gìn giữ trong mấy nghìn năm lịch sử sẽ là điểm tựa để tiếp thu và chọn
lọc những tiến bộ của thế giới. Liệu các giá trị dân chủ phương Tây có
thể kết hợp được với những giá trị dân chủ truyền thống của Việt Nam
được lưu giữ ở các làng quê Việt Nam qua nhiều thế hệ? Chính tâm hồn và
trí tuệ Việt Nam phản ánh các giá trị dân chủ của người Việt Nam. Áp
dụng thể chế chính trị của phương Tây sẽ góp phần làm tỏa sáng hơn nền
văn hóa Việt Nam, sẽ tạo đà cho Việt Nam phát triển hay sẽ khiến Việt
Nam rơi vào hỗn loạn như cảnh báo của một số bài viết trên các trang báo
của Nhà nước?
Để trả lời được các câu hỏi trên. Chúng ta sẽ phân tích những điểm
khác biệt giữa thể chế nghị viện và thể chế tổng thống (I) đồng thời tìm
ra những điểm chung của hai chế độ này (II). Dựa trên những phân tích
đó, chúng ta sẽ có một quyết định đúng đắn để chọn lựa một thể chế chính
trị thích hợp cho đất nước (III), nhằm đảm bảo tự do, hạnh phúc, thực
sự cho các thế hệ mai sau.
I. Đặc điểm khác biệt giữa chế độ nghị viện và chế độ tổng thống
Chế độ nghị viện hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập tương
đối (A), trong thể chế này, các cơ quan quyền lực luôn cộng tác với
nhau. Chế độ tổng thống vận hành theo nguyên tắc tam quyền phân lập
triệt để (B). Tuy nhiên, các cơ quan vẫn liên hệ với nhau trong những
giới hạn nhất định để đảm bảo cân bằng quyền lực.
A. Tam quyền phân lập tương đối, đặc điểm cơ bản của chế độ nghị viện
Tam quyền phân lập trong chế độ tổng thống hay chế độ nghị viện luôn
gắn liền với cân bằng quyền lực, có sự hợp tác hài hòa giữa các cơ quan
quyền lực. Mỗi cơ quan có thẩm quyền riêng, cơ quan hành pháp không thể
lấn quyền của cơ quan lập pháp và ngược lại. Tuy nhiên, điều này không
có nghĩa là không có mối liên hệ nào giữa các cơ quan, bởi vì các chức
năng quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, lập pháp và tư
pháp sẽ không thực hiện được, nếu thiếu sụ hợp tác hiệu quả trong một
giới hạn nhất định.
Khi một cơ quan lạm quyền bằng cách lấn át thẩm quyền của cơ quan
khác, điều này sẽ gây ra bất ổn chính trị và đe dọa nền dân chủ. Chế độ
chính trị có thể bị sụp đổ, nhà lãnh đạo chỉ có thể duy trì quyền lực
dựa trên sự dối trá và sợ hãi. Cần có các phương tiện hữu hiệu để cân
bằng quyền lực, “Để con người không thể lạm dụng quyền lực, bằng các
biện pháp sẵn có, quyền lực cần ngăn chặn quyền lực” (Montesquieu), vũ
khí để ngăn ngừa việc lợi dụng và thao túng quyền lực luôn tồn tại trong
chế độ nghị viện.
Hai phương tiện gây sức ép hiệu quả trong chế độ nghị viện là bỏ
phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội. Hai vũ khí này cần được sử
dụng trong hoàn cảnh thực sự cần thiết, và luôn cùng tồn tại để phủ định
lẫn nhau. Nếu thiếu một trong hai phương tiện này, sẽ dẫn đến bất ổn
chính trị. Nếu quyền giải tán Quốc hội không tồn tại, chế độ nghị viện
sẽ có quyền lực tuyệt đối, ví dụ nền cộng hòa đệ tam và đệ tứ ở Pháp từ
1875 đến 1940. Nghị viện trong giai đoạn này có thể thông qua tất cả các
đạo luật mà không vấp phải bất kì sự phản đối nào, Nghị viện có thể lật
đổ Chính phủ vào mọi thời điểm. Nếu quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm không
có tính thực tế, cơ quan hành pháp sẽ có nhiều quyền quan trọng, và chế
độ chính trị có nguy cơ chuyển thành chế độ tổng thống có quyền lực
tuyệt đối. Ví dụ hoàn cảnh chính trị ở hầu hết các nước Châu Phi, sau
khi giành độc lập vào những năm 60, thế kỉ XX. Những nước này có Hiến
pháp dân chủ, thiết lập chế độ nghị viện theo mô hình của Anh và Pháp,
nhưng do các điều kiện kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được với mô hình dân
chủ, thể chế chính trị ở các nước này chuyển hóa thành chế độ độc tài,
quyền lực nằm trong tay Tổng thống mà không hề có cơ chế giám sát và
ngăn ngừa lạm quyền.
Trong thể chế nghị viện, các thành viên Chính phủ và các nghị sĩ có
sáng kiến đưa ra các dự luật. Nghị viện sẽ thảo luận các dự luật, đồng
thời sửa đổi và bổ sung thêm các văn bản đó (ở các nước Bắc Âu, Nghị
viện chỉ gồm một viện duy nhất, Nghị viện gồm hai viện ở các nước liên
bang và các nước lớn). Tại Pháp 90 % các đạo luật được ban ra theo sáng
kiến của Chính phủ. Cơ quan hành pháp và lập pháp hợp tác chặt chẽ trong
quá trình làm luật. Tuy nhiên quyết định cuối cùng để đạo luật được
thông qua vẫn thuộc về Nghị viện.
Chính phủ trong trường hợp khẩn cấp, có thể yêu cầu Nghị viện đồng ý
cho phép một nghị định có giá trị ngang với một đạo luật được phép lưu
hành trong một thời gian ngắn (điều 38, Hiến pháp Pháp năm 1958), nghị
định khi đó có giá trị như một đạo luật tạm thời, với sự chấp thuận của
Nghị viện. Nghị định sẽ hết giá trị, ngay khi một đạo luật có cùng nội
dung được thông qua. Giải pháp này sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhanh hơn
các chính sách của mình, vì nếu chờ đợi một đạo luật, để cho phép Chính
phủ thực hiện các chính sách, sẽ mất rất nhiều thời gian. Mối liên hệ
giữa cơ quan hành pháp và lập pháp đảm bảo cho các thể chế vận hành hiệu
quả hơn.
Hợp tác giữa các cơ quan công quyền còn được thể hiện qua thủ tục xét
xử Tổng thống và các thành viên Chính phủ: Nghị viện chuyển thành Tòa
án tối cao đặc biệt để luận tội Tổng thống. Nếu các bộ trưởng thiếu
trách nhiệm vi phạm luật pháp. Các nghị sĩ và thẩm phán của Tòa án tối
cao sẽ tiến hành xét xử (các điều 68, 68-1, 68-2, Hiến pháp Pháp năm
1958). Nghị viện trong tình huống đặc biệt này kiêm thêm vai trò tư
pháp, nhằm xét xử các viên chức cao cấp trong bộ máy nhà nước. Thủ tục
xét xử các nhà lãnh đạo (l’impeachment) cũng được thiết lập trong chế độ
tổng thống (Điều 1, khoản 6, Hiến pháp Mỹ năm 1787).
Tam quyền phân lập tuyệt đối sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc, khiến các
cơ quan nhà nước không vận hành được. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn
đến sụp đổ cả hệ thống chính trị. Ví dụ, Hiến pháp Pháp năm 1791 thiết
lập nguyên tắc tam quyền phân lập tuyệt đối, Quốc hội và cơ quan hành
pháp đứng đầu là vua Louis XVI đều phủ định vai trò của nhau, xung đột
chính trị đã diễn ra vì bất đồng quan điểm giữa nhà vua và các đại biểu
của nhân dân.
Tam quyền phân lập triệt để trong mô hình chính trị của nước Mỹ có
nhiều ưu điểm. Nếu không có các phương tiện gây sức ép chính trị, chế độ
tổng thống có các giải pháp khác, để các cơ quan quyền lực gây ảnh
hưởng lẫn nhau.
B. Tam quyền phân lập triệt để, đặc điểm cơ bản của chế độ tổng thống
Nguyên tắc tam quyền phân lập là đặc điểm nổi bật trong thể chế dân
chủ, tuy nhiên, nguyên tắc này thực sự luôn được tôn trọng trong thực
tế, hay chỉ tồn tại trên lí thuyết? Khi mà quyền lập pháp vẫn luôn lấn
át quyền hành pháp và ngược lại. Montesquieu, nhà tư tưởng thời kì Ánh
sáng, luôn lo lắng về thói đam mê quyền lực của con người và xu hướng
lạm quyền của các nhà lãnh đạo. Ông cho rằng cần có cơ chế kiểm soát để
đảm bảo cân bằng quyền lực (le checks and balances), nếu không, các
quyền tự do của con người sẽ bị chà đạp. Luật pháp phải xuất phát từ bản
chất của sự vật, luật pháp cần tạo ra những giới hạn mà con người không
thể vi phạm. Montesquieu quan sát thể chế chính trị ở Anh, dựa theo đó,
ông xây dựng nguyên tắc tam quyền phân lập. Thể chế chính trị nước Anh
hướng đến sự ổn định, vua và Nghị viện hợp tác với nhau trong công tác
lập pháp.
Tam quyền phân lập triệt để trong thể chế tổng thống vẫn gây nhiều
tranh cãi. Dù Nghị viện không thể lật đổ Chính phủ và Tổng thống không
có quyền giải tán một trong hai viện (đây là đặc điểm khác biệt nhất
giữa thể chế ở Châu Âu và Mỹ), nhưng vẫn có các thiết chế gây sức ép
giữa cơ quan hành pháp và lập pháp.
Tổng thống có quyền phủ quyết các dự thảo luật ở Thượng viện và Hạ
viện. Nhưng Tổng thống không có quyền đưa ra sáng kiến để xây dựng các
dự luật. Nhiệm vụ này thuộc về Nghị viện, tuy nhiên, Tổng thống vẫn có
thể tác động đến quá trình hình thành các dự luật, bằng cách đề nghị các
nghị sĩ thuộc đảng mình đưa ra các ý tưởng để xây dựng các đạo luật phù
hợp với các chính sách đang thực thi.
Tổng thống là người trực tiếp ban hành các chỉ thị và nghị định quan
trọng. Mỗi năm, Tổng thống ban hành khoảng 50.000 nghị định và chỉ thị ở
Mỹ. Tổng thống có quyền bổ nhiệm các viên chức cao cấp trong bộ máy
hành chính; Bổ nhiệm các quốc vụ khanh, các đại sứ, thẩm phán ở Tòa án
tối cao…Tổng thống có thể đem quân ra nước ngoài trong một thời hạn nhất
định trước khi có ý kiến của Thượng viện và Hạ viện. Sau sự kiện khủng
bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Nghị viện thông qua một đạo luật cho phép
Tổng thống áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hoạt động
khủng bố, kể các việc áp dụng các biện pháp có thể vi phạm đến quyền
công dân, nếu điều đó là cần thiết. Dù Tổng thống được luật pháp ban cho
nhiều quyền, nhưng khi có bất đồng chính trị giữa người đứng đầu cơ
quan hành pháp với cơ quan lập pháp. Nghị viện vẫn lấn át Tổng thống.
Các chính sách của Tổng thống dễ rơi vào bế tắc và không thực hiện được,
vì một số nghị sĩ có quan điểm đối lập, đặc biệt là các nghị sĩ bảo thủ
tại Thượng viện.
Barack Obama, ứng cử viên tổng thống năm 2012
Tổng thống Wilson là người đưa ra ý tưởng thành lập Hội Quốc Liên, tổ
chức quốc tế tiền thân của Liên Hiệp Quốc, Thượng viện không chấp nhận
kế hoạch này, vì các thượng nghị sĩ vẫn trung thành với chính sách biệt
lập có từ thời Tổng thống Washington và Monroe. Kết quả là, nước Mỹ đưa
ra ý định xây dựng một tổ chức quốc tế vì hòa bình, sau đó lại quyết
định rút lui vì một thiểu số theo quan điểm bảo thủ ở Thượng viện. Năm
2000, Thượng viện Mỹ không chấp nhận việc phê chuẩn hiệp ước quốc tế
cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, kết quả là Tổng thống Georges W Bush đã từ
chối ký hiệp ước này. Tổng thống Barack Obama mong muốn siết chặt quyền
sử dụng súng, được điều sửa đổi thứ hai trong Hiến pháp Mỹ công nhận,
nhưng dự luật bị cả Thượng viện và Hạ viện bác bỏ. Bằng các chính sách
phong tỏa tại Nghị viện, Tổng thống Mỹ trở thành con lừa vô dụng. Cân
bằng quyền lực nhằm ngăn chặn lạm quyền, lại dẫn đến bế tắc trong những
hoàn cảnh đặc biệt.
Thượng viện có quyền phản đối việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp,
nếu Thượng viện không chấp thuận, Tổng thống buộc phải nhượng bộ vì
không muốn có xung đột bất lợi với cơ quan này. Thông thường, Thượng
viện nhân nhượng và phê chuẩn lựa chọn của Tổng thống. Nghị viện có
quyền kết tội Tổng thống và các nhân vật cao cấp trong bộ máy hành chính
theo thủ tục impeachment. Khi Tổng thống và các viên chức cao cấp phản
bội tổ quốc, tham nhũng, hay lạm dụng quyền lực…Hạ viện sẽ tiến hành
điều tra, Thượng viện sẽ trở thành Tòa án đặc biệt để kết tội Tổng thống
và các quan chức cao cấp. Tổng thống Nixon vì nghe trộm tin tức, trong
vụ Wategate năm 1973, bị báo chí phát hiện. Hạ viện tiến hành điều tra
và Thượng viện chuẩn bị luận tội Tổng thống. Nhưng vụ việc bị gián đoạn
giữa chừng, vì Nixon từ chức trước khi bị kết tội. Tổng thống Bill
Clinton cũng bị xét xử trong vụ Monica Lewinski, nhưng ông được Thượng
viện xử trắng án, vì vụ việc không đủ nghiêm trọng!
Nghị viện có quyền thông qua ngân sách. Điều này rất quan trọng, vì
nó có ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách của Tổng thống, không có sự
đồng ý của Nghị viện về các khoản chi tiêu cho ngoại giao, quốc phòng,
an ninh…Tổng thống và toàn bộ cơ quan hành pháp không thể giải quyết
được mọi việc. Cơ quan lập pháp luôn có ảnh hướng và gây sức ép với cơ
quan hành pháp trong thể chế tổng thống. Cân bằng quyền lực chỉ có giá
trị tương đối. Nhưng điều này không trái với quan điểm của Montesquieu.
Vì khi ông quan sát chế độ chính trị ở Anh, Quyền lập pháp thuộc thẩm
quyền của vua và hai viện. Ba đại diện này làm ra luật, Chính phủ là
người thi hành luật và tuân theo pháp luật, cơ quan tư pháp giám sát quá
trình thực hiện công việc của hai bên và thực hiện vai trò xét xử theo
luật định. Vì lí do đó, cơ quan lập pháp luôn ở vị thế quan trọng hơn và
là cơ sở cho hai cơ quan khác tồn tại.
Hệ thống chính trị của Mỹ và Châu Âu được xây dựng theo khuôn mẫu của
nước Anh, vì vậy hai mô hình này có nhiều điểm chung. Cùng với thời
gian, mỗi nước đều cố gắng xây dựng một chế độ chính trị hoàn hảo, thích
hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa của mình. Không có một
chế độ nghị viện duy nhất tại Châu Âu, nhưng có nhiều thể loại chế độ
nghị viện. Ngược lại, có chế độ tổng thống tiêu biểu ở Mỹ và các chế độ
chính trị theo mô hình nước Mỹ trên thế giới, nhưng đã có nhiều biến
thái.