Hữu Quả
(Nguyên phóng viên biên tập qua các thời kỳ: VNTTX, TTXGP, TTXVN).
Là một nhà báo đã nghỉ hưu từ lâu, lại mang nhiều bệnh tật trong
người, thường xuyên hành hạ, do hậu quả nhiều năm là phóng viên chiến
trường B (Miền Nam), nên tôi đã “gác bút”. Ngoài lý do nêu trên, còn có
một lý do, một nguyên nhân sâu kín nằm tận đáy lòng mà tôi quyết định
“gác bút”, không viết gì nữa, đó là: “viết gì?, viết như thế nào? và
viết để làm gì?”. Đây là một câu hỏi thường trực trong đầu tôi, luôn làm
tôi day dứt; và nó cũng như một tác nhân, làm cho sức khỏe của tôi sớm
suy sụp. Câu hỏi này cũng là câu trả lời với đồng nghiệp của tôi là,
“sao từ ngày nghỉ hưu đến giờ, cậu không tham gia viết gì cả vậy?”. Họ
chân thành động viên, khích lệ tôi rằng, ngày trước, cậu là một phóng
viên xông xáo, sắc sảo và say sưa với nghề nghiệp lắm cơ mà? Có một anh
bạn nhà văn, hơn tôi gần chục tuổi; là một người đáng kính, đã về thế
giới bên kia ngót chục năm rồi. Biết tôi có nhiều tư liệu quý, có vốn
sống, có trải nghiệm, anh luôn giục tôi viết, vì theo anh, không viết
thì tiếc quá. Tôi cũng buộc phải cay đắng mà trả lời anh rằng: “viết cái
gì, viết như thế nào và viết để làm gì đây, hở anh?” Còn đối với một số
độc giả quen biết, họ vừa hỏi thăm, vừa có ý nhắc nhở tôi; bác cố gắng
viết để bênh vực bà con với, oan khuất, bất công nhiều lắm; như những
bài viết chống tiêu cực trước đây của bác, ấy mà. Tôi chỉ im lặng nghe,
để chia sẻ với họ.
Từ ngày tôi về nghỉ hưu, với đồng lương hưu eo hẹp, tôi phải gồng
mình để sống, với bao nhu cầu chi tiêu (nhất là tiền thuốc để cầm cự với
con bệnh); trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng lún sâu vào
khó khăn, giá cả thị trường leo thang như con ngựa bất kham. Nói như vậy
để đồng nghiệp và độc giả thân mến của tôi hiểu và thông cảm cho rằng,
tôi rất cần có tiền lắm chứ, để duy trì cuộc sống. Tôi không biết cày
cuốc, không có sức khỏe, và chẳng có một thước đất cắm dùi, muốn làm
vườn cũng đành chịu. Chỉ có nghề nghiệp (nghề làm báo) là khả dĩ giúp
tôi kiếm tiền thôi. Công bằng mà nói, viết một bài cho báo nào đó (tất
nhiên là “báo quốc doanh” rồi), được trả vài ba trăm ngàn đồng. Cũng
tùy, có tờ báo mạnh tay chi tới một triệu đồng. Tiện đây cũng muốn nói
luôn, trong khi có trường hợp, báo đăng bài nói chuyện của một vị quan
chức cấp cao nào đó (buộc phải đăng), được trả tiền nhuận bút hay “nhuận
mồm”, đưa đến tận nơi, với phong bao 2 – 3, 5 -6 triệu đồng, với lời
cám ơn rất trân trọng. Ai cũng biết rằng, không phải do tác giả được trả
nhuận bút hay “nhuận mồm” đậm – hậu viết, mà do trợ lý, thư ký của ông
ta viết.
Tôi xin phép được trở lại chuyện đồng tiền và nghề nghiệp. Với hoàn
cảnh của tôi, vài ba trăm ngàn đồng một bài báo cũng tốt rồi, nhưng với
nỗi ám ảnh của câu hỏi “viết cái gì, viết như thế nào và viết để làm
gì?”, tôi không tự lý giải, không vượt qua được quan niệm, nên cây bút
vẫn không “động”, và túi tiền thì vẫn “teo”. Qua gần bốn mươi năm và đến
nay là năm mươi năm làm nghề báo “quốc doanh”, từ VNTTX, TTXGP, TTXVN,
mà người ta gọi là “dòng thông tin chủ lưu”; hoặc có thể nói “dòng thông
tin định hướng 100%”. Có nghĩa là, cái gì cần viết, đều được hướng dẫn
tỉ mỉ, chi tiết theo kiểu áp đặt. Viết xong lại bị kiểm duyệt chặt chẽ, ý
nào hơi xa với định hướng, thì gạch bỏ đi. Bài nào trái định hướng
nhiều thì ngoài bỏ đi không đăng, có khi còn rước họa vào thân chứ chẳng
chơi. Quyền độc lập tư duy, quyền có phong cách sáng tạo riêng, bị o
ép. Đáng buồn và đau xót hơn, báo là loại hình thông tin đại chúng, đáng
lẽ phải lấy việc cung cấp thông tin kịp thời, đúng sự thật cho đại
chúng, là nghĩa vụ, là trách nhiệm; trong khi đó, lo viết sao không trái
ý “cung đình” mới được; nếu không, thì coi chừng đấy! Đây là một thực
tế, tuy mang danh nghĩa thông tin đại chúng, nhưng nói sao, viết sao cho
hợp với lỗ tai, con mắt của ít người, là được; chứ không phải lấy việc
hợp lỗ tai và con mắt nhiều người làm trọng. Điều này đối với người làm
báo, nhất là nhà báo có lòng tự trọng, cảm thấy bị xúc phạm, bị sỉ nhục.
Thế là, một sự mâu thuẫn, một sự giằng xé tâm can, giữa kiếm tiến và
lòng tự trọng. Không hiếm gì đồng nghiệp của tôi, đã đi viết ca ngợi một
chiều, tô hồng, thổi phồng thành tích, đồng lõa với cái bệnh “thành
tích chủ nghĩa” của đất nước này, biết cần phải sửa mà không sao sửa
nổi, hoặc không thực sự muốn chữa nữa? Vì tô hồng, vì mục đích vụ lợi,
mà báo vừa đăng, đài vừa đọc xong, chủ thể của nó đã sụp đổ, hoặc ra
vành móng ngựa; ví như các tập đoàn, gọi là các quả đấm thép, là những
thực tế điển hình sinh động nhất. Còn nói “báo quốc doanh” mà bôi đen,
thì quả là hơi bị hiếm rồi, như tìm sao giữa ban ngày vậy; trừ trường
hợp có thù hằn, rồi chụp mũ, quy kết để làm hại nhau. Cứ nghĩ, làm báo
mà theo kiểu: “thương nhau cau sáu bổ ba; ghét nhau cau sáu bổ ra làm
mười”, là tôi không thể chịu được. Ngày còn làm việc, tôi thường đem
những chuyện như thế này nhắc nhở các đồng nghiệp. Dư luận cho rằng,
trong hoàn cảnh bị o ép như vậy, ngày càng có nhiều nhà báo, nhiều tờ
báo bộc lộ “tính bồi bút”, rất đáng hổ thẹn. Ngoài cái “vòng kim cô”
tuyên truyền theo “định hướng” của cái “dòng thông tin chủ lưu” mà dư
luận cho rằng, “báo quốc doanh” ngày càng mất “tính đặc trưng” của nghề
nghiệp. Có tờ báo đã có bản sắc riêng, xây dựng được thương hiệu, rất
đáng quý, cũng dần dần phôi pha, mờ nhạt, là vì đâu, có đáng đau lòng
không? Có trường hợp xảy ra sự kiện quan trọng đáng thông tin nhưng bị
ngăn chặn, trì hoãn, trong khi đó buộc các báo, đặc biệt là các trang
báo điện tử phải nhét vào đó những chuyện giật gân, như chuyện đâm chém,
chuyện hiếp dâm, chuyện hở hang của đào này kép nọ, chuyện giết người
man rợ, và những chuyện theo kiểu thú vị thương mại thấp hèn khác.
Ngoài trách nhiệm chính trị xã hội ra, hầu hết các “báo quốc doanh”,
còn nhiều vi phạm trong thông tin quảng cáo. Trước hết cần thống nhất
khẳng định rằng, quảng cáo là một mảng thông tin mà báo chí được phép và
cần làm. Tuy nhiên, việc quản lý làm như thế nào, để đừng vô tình hay
hữu ý, để các báo trở thành kẻ tiếp tay cho bọn lừa đảo, làm hại khách
hàng, làm hại người tiêu dùng. Đây là điều mà đại chúng cũng rất bức
xúc, vì nó liên quan đến đời sống hàng ngày, như hàng giả, hàng thật,
hàng độc hại. Cách đây chưa lâu khi đang bức xúc, tôi có viết hai câu
lục bát: đang thời dã thú đầy đường, giăng giăng cạm bẫy họa lường được
sao?! Các “báo quốc doanh” cần khắc phục tình trạng này, đừng để “sống
chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, cho dân nhờ.
Có lẽ tôi đã đi hơi xa chăng? Tôi xin lỗi bạn đọc, trở lại nỗi niềm
riêng tôi, của một nhà báo đã về hưu lâu rồi, đối với đồng tiền và nghề
nghiệp. Trong tình hình dân chủ và nhân quyền, như hiện nay của đất
nước, nói chung. Cũng như quyền tự do thông tin báo chí, nói riêng, buộc
bản thân phải đứng trước hai sự lựa chọn: Một là, tham gia viết gửi bài
cho một vài tờ “báo quốc doanh” nào đó, theo đúng “định hướng” như nói ở
trên, để kiếm tiền; nói thật trần trụi là kẻ làm thuê không hơn, không
kém. Tôi đã chứng kiến một số đồng nghiệp của tôi, trước ngày về hưu
vài tháng, họ đã bớ bít lo chạy đôn chạy đáo, gặp lãnh đạo cơ quan, hoặc
một vài báo bạn nào đó để liên hệ việc làm phụ, kiếm thêm thu nhập, đảm
bảo cuộc sống gia đình bớt khó khăn của cái thời “gạo châu củi quế”
này, tôi cảm thông với họ, không như những kẻ có ghế, cố giữ ghế mà chịu
làm bồi bút. Phải phân biệt rạch ròi, phân minh các trường hợp này. Hai
là, làm báo phải lấy đại chúng làm trọng; đại chúng là mảnh đất nuôi
các nhà báo, là độc giả, là thị trường của nhà báo; nhà báo cần cung cấp
thông tin kịp thời, đúng sự thật cho rộng rãi nhân dân, không được tô
hồng, hoặc trì hoãn, bớt xén, bưng bít, và nếu cần thì viết bài có nội
dung với tính phản biện, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, bênh vực kẻ
yếu, vạch mặt và lên án, phê phán nghiêm khắc những kẻ lợi dụng quyền
lực và siêu quyền lực để tham nhũng, vơ vét, làm nhiều chuyện thất đức…
Tất nhiên, cho đến nay tôi không hề do dự, mà lựa chọn con đường thứ
hai, tuy hơi muộn. Đi theo cách lựa chọn này, rõ ràng là chịu hài lòng
với cuộc sống đạm bạc; nhưng được bù lại, có hạnh phúc là, được đại
chúng tin cậy, nhân dân thương yêu, giữ được lòng tự trọng, nói đúng sự
thật, không tham gia vào trào lưu nói dối, không phản bội, làm phụ lòng
đại chúng tin cậy.
Sau gần bốn mươi năm làm báo “quốc doanh” và hơn mười năm về nghỉ hưu
phải “gác bút”, tôi tự thấy, ngoại trừ những năm là phóng viên chiến
tranh ở chiến trường; còn những năm hòa bình xây dựng và phát triển kinh
tế; bên cạnh một số trường hợp tôi có trực tiếp tham gia vạch cái sai,
cái ác; nhưng vì hoàn cảnh và lý do cụ thể nào đó, tôi cảm thấy mình còn
có lỗi với đại chúng, với độc giả xa gần là, chưa vạch mặt được nhiều
những kẻ phản bội lại sự nghiệp của nhân dân, trở thành kẻ nội xâm,
chúng có khác gì bọn việt gian phản động. Trong nghiệp vụ, tôi tự thấy
còn nói dối, nói không đúng sự thật, nửa vời, ỡm ờ, ca ngợi một chiều,
gây ảo tưởng cho nhân dân; qua nỗi niềm tâm sự này, tôi thành thật xin
lỗi bà con và mong được lượng thứ. Tôi cũng thành thật xin lỗi, trong
nỗi niềm tôi đã viết ra hôm nay, với tâm trạng của một nhà báo đã nghỉ
hưu rồi, có điều gì sơ xuất thất thố, mong được các đồng nghiệp của tôi,
kể cả các thế hệ khác nhau, lượng thứ. Tôi cũng trân trọng và thương
mến, gửi đến các nhà báo, các đồng nghiệp có chí khí, của tôi, vì nghĩa
lớn, đã dám hy sinh để bảo vệ chân lý, đang phải chịu tù đày; hoặc bị kẻ
có quyền lực trù dập bất công, chặn cả đường mưu sinh của các bạn. Tôi
hy vọng sự nghiệp báo chí nước nhà nhất định sẽ có một ngày mai tươi
sáng hơn; tự do, dân chủ và cởi mở hơn, để phục vụ cho một xã hội dân sự
ngày càng tiến bộ, công bằng, tự do, dân chủ và văn minh hơn; để kinh
tế phát triển hơn, cho nhân dân dễ thở, đỡ khổ hơn, là điều rất bức bách
và chính đáng, sau bao nhiêu năm chịu bốn cuộc chiến tranh liên miên,
chất chồng máu xương, đau thương mất mát và hận thù./.
Người viết nỗi niềm tâm sự.
Hữu Quả