"Việt Cộng treo cổ những người già nhất trong làng lên, những người mà lần bầu cử họ đã được các nhà quan sát quốc tế tuyên bố là hoàn toàn không thể chê trách gì được. Việt Cộng dùng súng liên thanh bắn vào đám đông đàn bà và con nít, cho nổ mìn trong chính những đám đông người đó, bắn súng cối vào nơi họp chợ, nơi nhiều nhất là có một người lính về phép giúp vợ mình đi chợ. Khủng bố trực tiếp."
Prof. Dr. med. Heimfried–Christoph Nonnemann
Phan Ba dịch
Người bác sĩ trưởng đầu tiên của chiếc tàu bệnh viện Đức “Helgoland” thuật lại những trải nghiệm của mình ở Việt Nam trong những năm 1966/1967. Ông tường thuật về công việc làm trong ngôi nhà bệnh viện nổi trên nước, về những bệnh nhân của ông, nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn bạo mà họ thường không hiểu được, một cuộc chiến mà người Việt và người Mỹ sa vào, về những phóng viên báo chí vô lương tâm và đầy trách nhiệm, về cuộc sống hàng ngày trong một đất nước mà thường khó nhận ra được đâu là mặt trận ở trong đó. Được sự đồng ý của ông, Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Heimfried-Christoph Nonnemann, Phan Ba đã dịch quyển hồi ký của ông về thời gian hoạt động nhân đạo ở miền Nam Việt Nam (1966/1967) với rất nhiều chi tiết thú vị cũng như đau lòng về con người và đất nước Việt Nam trong khoảng thời gian đó. Sách đã được phát hảnh trên Amazon:http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA
Chiếc tàu bệnh viện Đức nằm ở bến tàu Sài Gòn đã được vài tháng. Cuối tháng Tư 1967, Theo Sommer của tờ “Zeit”, thông tín viên của Đài Bắc Đức Winfried Scharlau và tôi ngồi trong quán Ramuntcho ở Sài Gòn. Quán này, thường không được kể ra chung với những quán tốt nhất trong thành phố, được con số ít ỏi của các nhà báo người Đức đang có mặt ở Việt Nam trong thời gian này ưa thích, điều mà tôi chưa từng bao giờ thấu hiểu hết được. Trang bị nội thất bằng gỗ sẫm màu, những tấm trải bàn kẻ ô vuông to và những chiếc ghế có điêu khắc khiến cho người ta nhớ đến một quán cà phê Hà Lan như thế nào đó. Nhưng ngay cả gian phòng hơi sang trọng hơn một chút trên tầng một này, gian phòng mà chúng tôi đang ngồi ở trong đó, vẫn mang lại một bầu không khí của một quán ăn tự phục vụ nhưng thích khoe khoang nhiều hơn là bầu không khí của một nhà hàng tốt mà nó rất muốn được như thế. Góp phần khiến cho nó được giới nhà báo ưa thích trước hết có lẽ là vì nó nằm ngay trên đường Lê Lợi cách không xa khách sạn “Continental”, cách gian phòng có máy điều hòa nhiệt độ của khách sạn chỉ một vài bước chân.
Lúc đó đã muộn, chỉ có vài bàn là còn khách. Những người bồi bàn bắt đầu một công việc kín đáo dễ thấy, cái có nhiệm vụ kín đáo biểu lộ cho những người khách thấy rằng thời điểm đóng cửa đã sắp đến, xếp ghế lại cho có trật tự, những chiếc ghế trước đó đã đứng ở đúng chỗ của chúng, đẩy gạt tàn thuốc trên những cái bàn đã sạch và lách cách đĩa ở bên trong. Trong Sài Gòn của 1967, chỉ có một ít nhà hàng là sẵn sàng bán cho khách khi đã về khuya. Giới nghiêm vào lúc nửa đêm, một giờ trước đó cho quân đội Mỹ, khiến cho ban đêm ngắn đi.
Tiếng ồn của những chiếc xe gắn máy và xe Jeep trên đường Lê Lợi ở dưới cái cửa sổ lớn của nhà hàng bắt đầu giảm xuống. Mấy người bán hàng rong không còn rao bán những chiếc bật lửa, nón, bút bi, ví tiền nữa và xếp quầy của họ lại.
Trong tháng tư, lúc bắt đầu mùa mưa, người ta hầu như không nhận ra được rằng cột thủy ngân của chiếc nhiệt kế, sau khi trời sập tối, đã tụt xuống một vài vạch. Việc làm quen với một khí hậu khác, với những biện pháp sinh lý học mà ở phần lớn con người sau vài tháng đã thể hiện một cách cụ thể qua những việc như chức năng tuần hoàn đã biến đổi và đổ mồ hôi, bộc lộ một cách hết sức đơn giản: làn không khí nóng ẩm chụp xuống như một tấm vải đang bốc hơi khi người ta vừa rời khỏi nơi có máy điều hòa nhiệt độ. Nhưng những người bán quán Ramuntcho biết rất rõ nhu cầu của khách chỉ toàn người Âu Mỹ của họ. Quạt của cái máy điều hòa nhiệt độ đang kêu rì rì ở vận tốc cao, và gian phòng bây giờ, với số ít người ở trong đó, đã hơi lạnh rồi.
Winfried Scharlau đã ở Việt Nam từ nhiều tuần nay và đã bị thương nhẹ ở gần vĩ tuyến mười bảy. Theo Sommer chỉ vừa mới đến vài ngày trước đây. Lúc nào cũng vậy, trong những dịp như thế này đề tài bao giờ cũng xoay quanh Việt Nam nói chung, về tin này hay tin kia và về sự kiện này hay sự kiện kia nói riêng. Các sự việc được lật qua lật lại trong câu chuyện; sự lo lắng và cam chịu thường hay thống trị, khi bản thân người ta ở trong sự kiện đó. Lúc uống cà phê, chúng tôi lại trở về đề tài Việt Nam nói chung.
“Anh nghĩ như thế nào về tình hình ở Việt Nam, mọi việc rồi sẽ tiến triển đến đâu? Bây giờ thì anh đã ở đây được một thời gian khá lâu rồi? Theo Sommer hỏi tôi và nhìn tôi đầy chờ đợi qua tách cà phê của anh. Tôi bắt đầu nói điều gì đó, tôi không còn biết là điều gì, vì mãi đến khoảng khắc đó tôi mới biết rõ là mình không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào cho thích đáng. Tôi cảm thấy xấu hổ; ít ra thì tôi đã ở trong đất nước này được chín tháng rồi, tức là lâu hơn phần lớn các nhà báo ở lại đây, và trong thời gian đó đã cố gắng trải nghiệm và tìm hiểu càng nhiều càng tốt. Sau chín tháng tôi vẫn còn cảm thấy khó khăn khi phải trả lời cho câu hỏi cốt yếu, nói chung là phát biểu một ý kiến.
Vào buổi tối hôm đó tôi mới biết rằng tôi không thể trình bày một câu trả lời rõ ràng được, vì hiện bây giờ tôi đã có quá nhiều thông tin và đã biết quá nhiều chi tiết và những mối quan hệ đan kết chằng chịt với nhau của chúng.
“Việt Nam giống như một tấm tranh khảm Byzantine!”, Theo Sommer viết sau khi trở về, “nếu như người ta nhìn ngắm nó từ xa, đá ghép riêng lẻ hòa vào với nhau thành những hình ảnh rõ ràng; đường nét thật sắc sảo. Nhưng khi nhìn gần thì sự rõ ràng đó tan biến đi. Những đường nứt nẻ lộ ra, chỗ gồ ghề và đường ghép nối thay cho kết cấu có ý nghĩa; đường nét trở nên mờ ảo.”
Đối với tôi, năm câu này là những gì đúng đắn nhất mà tôi đã đọc được về tình hình Việt Nam. Đúng, bởi vì nó là một tóm tắt của những quan sát từ bên ngoài và trải nghiệm từ bên trong, những cái hầu như không thể mang cho chúng trùng khớp lại với nhau được. Chỉ một người Việt, tôi tin thế, là có thể thật sự hiểu được tình hình ở Việt Nam, vì anh ta biết được những nội tình với các liên kết phức tạp của chúng, với những điều cấm kỵ không được nói đến và với những mối quan hệ họ hàng. Nhưng ở người Việt thì người ta có thể nói về sự hiểu biết theo ý nghĩa của chúng ta hay không? Theo những quan sát của tôi, họ thiếu tính phân tích. Họ suy nghĩ như một nhà thơ suy nghĩ. Nhà thơ là những người hùng thật sự trong đất nước này, và làm thơ, mặc cho tất cả những cuộc biểu tình của sinh viên về các câu hỏi hàng ngày trong văn xuôi, vẫn được xếp lên trên chính trị và khoa học. Tính cách đó cũng tìm thấy được sự biểu hiện của nó qua lần ép buộc quốc gia hóa các đại học, một việc làm rất đáng để nghi ngại khi thiếu giảng viên nói tiếng Việt mà không sao giải quyết được và đứng trước sự thật, rằng tiếng Việt cho tới nay vẫn hầu như không có các khái niệm trong những môn kỹ thuật.
“Người Mỹ và người Âu cố hiểu chính trị Việt Nam với những thước đo của họ”, ông Nghiêm nói với tôi, một nhà làm báo đối lập và là ứng cử viên cho Thượng Viện ngay trước cuộc bầu cử trong mùa Hè 1967, “họ cố gắng áp dụng phương án chính trị của họ vào đất nước chúng tôi, và họ đã thất bại, vì chúng tôi suy nghĩ khác với họ.”
Việt Nam, tốt hơn: cuộc chiến ở Việt Nam, hay: cuộc chiến Mỹ ở Việt Nam, đã trở thành môn thể thao tập xà của giới trí thức châu Âu và châu Mỹ. Người ta tự đưa ra những bài tập, để trừng phạt “những kẻ đang có quyền lực”. Không một bài luận văn của một nhà trí thức hoạt động tích cực nào mà không có từ Việt Nam. Những người trí thức mà chưa từng bao giờ đến gần Việt Nam hơn là, chúng ta cứ nói như thế đi, mười ngàn kilômét đường chim bay, viết tài liệu về tình hình ở Việt Nam. Với các con số thống kê về những người lính đào ngũ của quân đội Nam Việt Nam, chuỗi các bằng chứng được khép lại bởi những người chưa từng bao giờ nhìn thấy, nói chuyện, trải qua một người lính Nam Việt Nam duy nhất.
Người nông dân Việt Nam cần sự giúp đỡ, đúng. Nhưng họ chẳng được gì từ một sự giúp đỡ được in ra trên giấy, được chắp vá lại với nhau một cách hết sức nghiêm chỉnh ở trên những cái bàn giấy bằng gỗ tếch trong châu Âu. Dưới ánh nắng mặt trời nóng cháy da, trong ngôi nhà kính của mùa mưa, trong bụi bặm và bùn lầy và ở bên cạnh những con muỗi truyền bệnh sốt rét – ở đó thì sự giúp đỡ mới hợp lý, còn hơn thế nữa: ở đó người ta rất cần tới nó. Ở đó, người ta cũng cảm kích tiếp nhận sự giúp đỡ đó, người ta thực hiện nó với cùng sự khôn ngoan đã được dùng để tạo ra tất cả những lý thuyết trang trọng trong những tập giấy in đó. Ở Việt Nam đang diễn ra một xung đột về quyền lực chính trị giữa Chủ nghĩa Cộng sản và cái được gọi là Thế giới Tự do. Cuộc chiến tranh này được cả hai bên – chắc chắn là được cả hai bên – tiến hành với những phương tiện giúp chiến thắng được phía bên kia. Tàn bạo, đó là tính chất của mỗi một cuộc chiến. Napalm và hơi độc là các khẩu hiệu của những người phản đối ở bàn giấy. Ở Việt Nam, trong số nhiều ngàn bệnh nhân, tôi không nhìn thấy được một người duy nhất bị hơi độc có nguồn gốc từ tác động của chiến tranh. Chỉ mười phần trăm bệnh nhân của chúng tôi bị bỏng napalm, trong số khoảng ba mươi bệnh viện khác mà tôi đã đến thăm ở Nam Việt Nam, tôi không nhìn thấy được trong bệnh viện nào có một bệnh nhân bị bỏng napalm.
‘Vietnam, Genesis eines Konfliktes’ [Việt Nam, căn nguyên của một xung đột], quyển sách không có bất cứ thông tin nào của người trong cuộc, mô tả Hồ Chí Minh như một con người chân thật, người mà lúc nào cũng bị đối xử bất công: hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa, ông là một người rất khôn khéo: Việt Cộng và quân lính Bắc Việt mang ảnh của ông ở trong ví, nếu như người ta được phép tin vào nữ nhà báo người Pháp Michèle Ray, người đã khéo léo để cho Việt Cộng bắt giữ mình và qua đó đã kiếm được nhiều tiền từ các tạp chí Âu Mỹ. Phiến quân khắp nơi trên thế giới học cách đánh du kích ở Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Giáp của Hồ Chí Minh, người bây giờ được nhắc đến cùng với Mao vĩ đại trong cùng một hơi nói. Và nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh vì tự do của họ, người ta nói, và có ý muốn nói đến 200.000 người Việt Cộng và các trung đoàn của Hồ Chí Minh.
Việt Cộng treo cổ những người già nhất trong làng lên, những người mà lần bầu cử họ đã được các nhà quan sát quốc tế tuyên bố là hoàn toàn không thể chê trách gì được. Việt Cộng dùng súng liên thanh bắn vào đám đông đàn bà và con nít, cho nổ mìn trong chính những đám đông người đó, bắn súng cối vào nơi họp chợ, nơi nhiều nhất là có một người lính về phép giúp vợ mình đi chợ. Khủng bố trực tiếp.
Ở độ cao 10.000 mét, máy bay ném bom của Mỹ bay trong những phi đoàn trật tự, như chúng ta đã quen thuộc từ thời Đệ nhị Thế chiến, và ném những ‘tấm thảm bom’ qua lớp mây dầy của mùa mưa bằng những dụng cụ ngắm phức tạp. Những người ném bom hoàn toàn không nhìn thấy gì từ mục tiêu của họ và tác động của lần gạt cần bom của họ. Đóng quân ở Guam hay Thái Lan, có lẽ họ chưa từng bao giờ nhìn thấy tận mặt một dân cư của đất nước này. Khủng bố gián tiếp, vô danh?
Nếu người ta hỏi một người lính Mỹ đang uống cho hết những đồng tiền lương của mình ở trên bãi biển Vũng Tàu hay ở trong các quán rượu của Sài Gòn, người mà đêm hôm qua còn đứng ngập nước cho tới bụng trong một của không biết là bao nhiêu con kênh đào và bắt đầu biết căm thù muỗi từ tận trong đáy lòng, rằng anh làm những việc đó để làm gì, thì rồi anh ấy sẽ trả lời mà không ngần ngừ đến một giây: “Cho tự do của người Việt.”
Vào một tối, tôi gặp thông tín viên George Page của NBC trên hàng hiên của ‘Continental’. Thời đó, hàng hiên với những người bồi bàn chậm chạp chính là điểm gặp gỡ của giới nhà báo. Lúc nào cũng thế, có một em gái nhỏ, dơ dáy, liên tục được người chị cử đi, ngước lên xin những người Mỹ, người Âu, người Úc khổng lồ với giọng nói bé nhỏ của em “gimme fi’pi’”. Vài ngày trước đó, George Page đã phỏng vấn tôi về công việc làm của chiếc tàu bệnh viện. Anh đi ngang qua những cái bàn đến chỗ tôi với vẻ mặt của một người đang mừng rỡ vì đã gặp được một người quen nào đó. Tôi nhận ra là anh muốn tạm quên đi những nỗi phiền muộn nào đó. Với mối quan tâm hơi quá mức cho câu chuyện của chúng tôi, anh cố xua đi nỗi phiền muộn mà người ta có thể nhận thấy rõ được.
Chúng tôi nói về những chuyện đâu đâu, cho tới khi những người đồng hương của anh ở bàn bên cạnh uống bia Philippine nhiều cho tới mức chúng tôi chỉ còn có thể hiểu nhau bằng cách gào lên. Anh đề nghị tiếp tục nói chuyện trong phòng khách sạn của anh ở đối diện với ‘Caravelle’.
Chúng tôi thong thả bước qua quảng trường trước nhà hát cũ, cái bây giờ đã trở thành trụ sở của Quốc Hội. Quảng trường được bao quanh bằng những rào cản bằng gỗ sơn trắng, để ngăn không cho ném chất nổ vào tòa nhà và tạo chỗ đậu xe cho các dân biểu. Nó vắng không một bóng người, ngược với những con đường và quảng trường khác, vì ba người cảnh sát đang nói chuyện và hút thuốc lá, đứng dựa người vào một góc cổng, thổi còi của họ ngay lập tức khi có một người Việt vượt qua rào cản. Người da trắng không bị xem như là những kẻ có thể khủng bố và được phép đi ngang qua sát bên cạnh tòa nhà.
Trong phòng của anh, thật ra là một căn hộ nhỏ và so với chỗ ở chật chội và đơn sơ trên chiếc tàu bệnh viện thì đã khiến cho tôi phải ganh tỵ về sự phân chia sở hữu không công bằng của thế giới này, người chủ nhà đi đi lại lại không mục đích, tôi có cảm giác như vậy, mang Whisky và ly đã dùng rồi ra – “phục vụ trong khách sạn tốt nhất của thành phố là phục vụ tồi nhất, nhưng bù lại thì đó là khách sạn mát nhất” – và Ginger Ale, tiếp tục bước qua bước lại, cầm lấy một tờ giấy từ trên cái bàn viết, đọc những gì ở trên đó và ngần ngừ đưa cho tôi. Đó là một bài thơ ngắn về cái chết của một người lính trẻ.
Người tiếp đãi tôi thuật lại việc anh đã đi theo một chuyến tuần tra qua các cánh đồng ruộng ở phía Bắc Sài Gòn như thế nào, và một phát súng duy nhất của một người thiện xạ đã chấm dứt cuộc sống của người lính trẻ đó ra sao. Đó là việc đã khiến anh buồn rầu. Qua câu hỏi về ý nghĩa của mỗi một cuộc chiến tranh, chúng tôi bàn đến câu hỏi của ý nghĩa cuộc chiến này.
“Anh nghĩ như thế nào về vai trò của nước Mỹ ở Đông Nam Á?”, anh hỏi tôi. Tôi trả lời, rằng tôi tự xem mình là người khách của đất nước này, với một chức năng trung lập về mặt chính trị, và nguyên tắc tự đưa ra của tôi là trong lúc ở Việt Nam sẽ không bao giờ phát biểu về những đề tài chính trị. Nhưng anh thì có gì để nói, anh, người Mỹ, nhà báo, một nhà quan sát mang tính phê phán?
“Người Mỹ quả quyết”, anh nói, “rằng họ chiến đấu ở đây là cho tự do của người dân Nam Việt Nam. Mỗi một người lính Mỹ đều được nói như thế ở Mỹ và ở đây, mỗi một người vợ, người mẹ, người chị em gái ở Hoa Kỳ đều tin như thế. Phần lớn các chính khách đều luôn khẳng định điều đó. Và không có ai trên thế giới này tin chúng tôi cả, vì đó là một sự lừa dối. Chúng tôi chiến đấu ở đây cho quyền lợi của đất nước chúng tôi, và lẽ ra thì người ta sẽ tin tưởng chúng tôi nhiều hơn, nếu như thừa nhận điều đó.”
Sinh viên và diễn viên xã hội chủ nghĩa trong nước Đức đã kéo cao ngọn cờ của Việt Cộng, hay của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, nếu như muốn nói thế, lên trên cột buồm của sự phản đối của họ. Bất cứ họ chống lại điều gì, lá cờ đó đều trở thành biểu tượng, trở thành thể hiện của sự phản đối to tiếng. Không biết là Việt Cộng có vui mừng hay không, nếu như họ biết được điều đó. Vì ngày nào cũng có người chết cho cùng biểu tượng đó, cho dù người ta có nghĩ về lá cờ đó và về ý nghĩa của cái chết cho lá cờ đó như thế nào đi chăng nữa. Tất cả những người đã để biểu tượng đó bay phấp phới trong gió cho các mục đích riêng của họ có biết rõ những gì đứng ở đằng sau biểu tượng đó hay không, ở nơi mà nó được sử dụng một cách chính danh theo sự đồng thuận chung, ở Việt Nam?
Một nhân viên của tôi có dịp thăm một trại tù binh ở Quảng Ngãi.
Đó là một trại giam cho tù binh đã được công nhận. Chỉ một phần của Việt Cộng là có thể tương ứng với Công ước Genève, tức, ngoài những điều khác, mặc quân phục của một đơn vị quân đội chính quy và được công nhận, việc rồi sẽ bảo đảm được đối xử theo Công ước Genève. Tù binh do người Nam Hàn canh gác, những người đã lịch sự dẫn nhân viên của tôi đi trong trại giam và chỉ cho anh xem tất cả những gì anh muốn thấy. Người Việt Nam được sắp xếp chỗ ăn ở rất nhân đạo, còn có thể chơi thể thao nữa. Cho phép đi thăm một trại giam tù binh vào lúc đó là một việc không phải bình thường. Có lẽ tiếng tăm của chiếc tàu bệnh viện cũng giống như một chiếc chìa khóa trong lúc đó. Nhân viên của tôi được người Nam Hàn để cho nói chuyện với tù binh một mình. Anh tìm được một người nói tiếng Pháp trong số họ và hỏi họ có phải là Việt Cộng không.
“Không”, họ nói, “chúng tôi không phải là Việt Cộng.”
“Nhưng các anh đang ở trong một trại tù binh, các anh là tù binh chiến tranh cơ mà.”
Sau một lúc: “Tôi là người Đức, không phải là người Mỹ, tôi không phải từ CIC, tôi đơn giản chỉ muốn biết điều đó thôi, và các anh có thể nói chuyện hoàn toàn cởi mở với tôi.”
“Không”, họ nói, “chúng tôi không phải là Việt Cộng, nous sommes des combattants, quân lính chiến đấu.”
“Thế tức các anh là người miền Bắc?”
“Không, chúng tôi là người miền Nam.”
“Các anh sống ở đâu, nhà các anh ở đâu, gia đình ở đâu?”
“Người này đến từ một ngôi làng cách Quảng Ngãi năm kilômét, người này từ một ngôi làng cách Quảng Ngãi tám kilômét.”
“Nhưng các anh là người Cộng sản!”
“Không phải, chúng tôi không phải là người Cộng sản, chúng tôi là người Quốc gia.” – “Thế các anh chiến đấu vì cái gì?”
“Chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của Nam Việt Nam. Chúng tôi muốn tự mình cầm quyền đất nước này. Nếu rồi chúng tôi cần người Mỹ hay sự giúp đỡ của ai khác, thì chúng tôi sẽ xin họ giúp đỡ cho.”
“Nhưng các anh nhận mệnh lệnh của các anh từ miền Bắc chứ?”
“Không, chúng tôi độc lập. Tất nhiên là chúng tôi nhận được vũ khí và tiếp tế từ miền Bắc; và trong các đơn vị của chúng tôi cũng có người miền Bắc, nhưng chúng tôi độc lập.”
Câu hỏi, tại sao trong cuộc chiến tranh quốc gia này lại có những hành động khủng bố được tiến hành để chống phụ nữ và trẻ em, chống lại chính những người cùng quê hương với họ, không được họ trả lời.
Người nhân viên của tôi rất có ấn tượng về cuộc trao đổi đó và thuật lại cho một người Việt Nam, một dược sĩ, vào ngày hôm sau. Trong câu chuyện, người này ngày càng bị kích động, cuối cùng bật khóc và nói:
“Tất cả những điều đó chỉ là tuyên truyền thôi. Anh đừng tin, không đúng đâu. Việt Cộng được hướng dẫn rất cụ thể là cần phải nói những gì khi họ bị bắt.”
Prof. Dr. med. Heimfried–Christoph Nonnemann
Phan Ba dịch