Tính đến đầu tháng 10 – 2013, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
đã từ bỏ cõi trần được một năm. Ông ra đi, để lại cho nhân gian một
trái tim hồng, như hai câu thơ trăn trối của ông
Một trái tim hồng với bao chan chứa
Ta đặt lên bờ dương thế, trước khi xa
Nhà văn Trần Phong Vũ đã lấy lời và ý của hai câu thơ trên để đặt tên cho cuốn sách mới nhất của mình: “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”,
do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành. Có lẽ tôi là một trong những người
may mắn được đọc soạn phầm này rất sớm, dưới dạng bản thảo, trước khi
được gửi sang Đài Loan in.
Trần Phong Vũ suy nghĩ, tìm tài liệu và viết cuốn sách trong vòng
chưa đầy 10 tháng. Có người nghĩ Trần Phong Vũ là bạn tâm giao với
Nguyễn Chí Thiện trên 10 năm, nếu viết xong cuốn sách về bạn trong 10
tháng thì cũng không có gì đáng lạ. Sự thật không giản dị như thế. Có
mấy ai gom góp, lưu trữ tác phẩm, tài liệu, bằng chứng, hình ảnh của bạn
để chờ bạn chết là viết thành sách liền đâu? Trong đôi giòng trước khi vào sách, chính Trần Phong Vũ đã thú nhận:
“Có thể vì một mối âu lo, sợ hãi thầm kín nào đó, tôi không muốn
phải đối diện với nỗi đau khi một người thân vĩnh viễn chia xa. (…) hơn
một lần trao đổi với nhau về cái chết một cách thản nhiên, coi như một
điều tất hữu trong kiếp sống giới hạn của con người. (…) nhưng trong
thâm tâm vẫn tự đánh lừa mình theo một cách riêng để cố tình nhìn cái
chết dưới lăng kính lạnh lung, khách quan, nếu không muốn nói là vô cảm.
Nói trắng ra chuyện chết chóc là của ai khác chứ không phải là mình, là
người thân của mình!… Dù là một người viết, nhưng suốt những năm tháng
dài sống và sinh hoạt bên nhau, chưa bao giờ tôi nghỉ tới việc chuẩn bị,
tích lũy những chứng từ, tài liệu, dữ kiện và hình ảnh cần thiết để
viết về một khuôn mặt lớn như Nguyễn Chí Thiện, nếu một mai ông giã từ
cuộc sống”.
Vậy mà Trần Phong Vũ đã viết được một cuốn sách 560 trang, trong đó
có 48 trang hình mầu, thêm phần Phụ Lục in những bài viết về Nguyễn Chí
Thiện của 28 tác giả. Tác phẩm này là một tổng hợp có thể coi là đầy đủ
về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người còn được gọi là “ngục sĩ” vì ông đã
nếm cảnh ngục tù tổng cộng 27 năm trong số 56 năm ông sống trên quê
hương. Ông làm thơ rất sớm, và cũng đi tù rất sớm, trước tuổi 20, từ
cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Ông viết những vần thơ
phẫn nộ khi nhìn tận mắt những cảnh “đào tận gốc trốc tận rễ” của cuộc
cải cách ruộng đất và cảnh đầy đọa những người dính líu xa gần tới vụ
Nhân Văn Giai Phẩm. Cuộc đời, thi tài và nỗi lòng của ông đã được Trần
Phong Vũ trình bầy chi tiết. Tôi chỉ chia sẻ một số cảm nghĩ qua những
tiết lộ và khám phá của Trần Phong Vũ liên quan đến Nguyễn Chí Thiện.
Khám phá đầu tiên là hành trình tâm linh của Nguyễn Chí Thiện. Tôi
không muốn đem vấn đề tôn giáo ra tranh cãi với bất cứ ý định nào. Nhưng
tôi buồn vì thấy đời độc ác qúa, tâm địa của một số người tối tăm, hẹp
hòi quá. Một người làm thơ tranh đấu cho quyền của con người, đặc biệt
con người Việt Nam, đã can đảm chấp nhận mọi đau khổ, thua thiệt, lãnh
đủ thứ đòn thù, lúc gần chết ở tuổi 73 quyết định chọn một tôn giáo để
theo, mà có những kẻ nỡ lòng lăng mạ ông “bị dụ dỗ lúc tinh thần không
còn sáng suốt, để cho đám qụa đen cướp xác, cướp hồn (!)”. Qua những
tiết lộ của Trần Phong Vũ, người ở bên ông trong 6 ngày cuối đời, người
ta mới biết chính Nguyễn Chí Thiện ngỏ ý xin vào đạo lúc còn tỉnh táo.
Đây không phải là một hành động bốc đồng trong một lúc khủng hoảng thần
kinh, nhưng là kết qủa của một qúa trình tìm hiểu và suy nghĩ từ nhiều
năm. Chính Linh Mục Nguyễn Văn Lý cho biết Linh Mục đã dậy giáo lý cho
Nguyễn Chí Thiện tổng cộng trên một năm trời khi hai người cùng trong tù
cộng sản. Cụ Vũ Thế Hùng, thân sinh của LM Vũ Khởi Phụng hiện phụ trách
giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, bạn đồng tù với Nguyễn chí Thiện, đã nhận nhau
là bố con tinh thần. Không kể những liên hệ và gặp gỡ khác, chỉ cần hai
trường hợp này đã đủ để chứng minh Nguyễn Chí Thiện không thể bị dụ dỗ
và u mê lấy một quyết định quan trong về tâm linh vào lúc cuối đời. Xin
hãy tôn trọng niềm tin của nhau. Hận thù tôn giáo là một tội rất lớn vì
nó đã gây biết bao tang tóc cho nhân loại, và vi phạm quyền tự do cao
qúy nhất của con người.
Về vấn đề tác giả và tác phẩm, có thể nói Trần Phong Vũ là người đầu
tiên đã phân tích cặn kẽ về ý và lời của thơ Nguyễn Chí Thiện. Tác giả
đã dành nguyên một phần của cuốn sách để trình bầy vấn đề này. Sau đó
ông đưa nhận xét:
“Trước hết, vì Nguyễn Chí Thiện là một nhà thơ có chân tài. Tài
năng ấy lại được chắp cánh bay nhờ lòng yêu nước… Tất thảy đã trang bị
cho nhà thơ một khối óc siêu đẳng, một cặp mắt tinh tế, một trái tim bén
nhậy, biết thương cảm trước nỗi khổ đau của con người, biết biện phân
thiện ác, chân giả giữa một xã hội điên loạn, gian manh, trí trá”.
Nhận xét của Trần Phong Vũ cũng không xa với ý kiến của TS Erich
Wolfgang người Đức mà ông trích dẫn trong chương 5 để lý giải cho câu
hỏi: “Chiến sĩ, Ngục sĩ hay Thi sĩ” với mục tiêu trả lại cho nhà thơ vị trí đích thực của ông:
“Tình thương trong thơ Nguyễn Chí Thiện đã chọc thủng tường thành
tù ngục và đã vượt mọi chướng ngại của đồng lầy để đến với chúng ta ở
Đức, ở Cali, Maderia, hay bất cứ nơi nào khác”.
Ý thơ thì như vậy. Lời thơ, tứ thơ thì ra sao? Dĩ nhiên không thể tìm
trong thơ Nguyễn Chí Thiện một thứ “yên-sĩ-phi-lý-thuần” (inspiration)
về tình ái hay cảm hứng khi đối cảnh sinh tình, như giữa cảnh trăng tà,
sương khói mơ hồ, ánh đèn chài le lói trên sông, mà xuất khẩu thành thơ
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cảm hứng, ngôn từ trong thơ Nguyễn Chí Thiện phải là những lời diễn
tả sự đau sót, phẫn nộ của một nhân chứng trước những cảnh đầy đọa mà
đồng loại và chính mình là nạn nhân. Thơ của Nguyễn Chí Thiện là những
bản cáo trạng, đề tài không thể là viễn mơ, thi từ không phải là thứ gọt
dũa cho đẹp. Tôi rất tâm đắc với Luật sư nhà văn Trần Thanh Hiệp khi
ông nhận xét về thơ Nguyễn Chí Thiện khi Nguyễn Chí Thiện còn đang ngồi
tù ở Việt Nam:
“Thơ của ông (Nguyễn Chí Thiện) là chất liệu của văn học Việt Nam
từ đầu hậu bán thế kỷ 20. Trong đổ vỡ, hoang tàn, ông đã tồn trữ được cả
một kho ngôn ngữ. Trong cuộc giao tranh giữa những thế lực tiến bộ và
phản động của một xã hội đang chuyển mình để thay đổi vận mạng, ông cho
thấy người làm thơ nên chọn thái độ nào. Ông đã đóng góp bằng tác phẩm
Hoa Địa Ngục vào cuộc tranh luận rất cổ điển giữa hai quan niệm về thơ
thuần túy và thơ ngẫu cảm. Ông lảm thơ như Goethe đã nói từ đầu thập kỷ
trước – ‘Thơ của tôi là thơ ngẫu cảm, xuất phát từ thực tế và dựa trên
thực tế. Tôi không cần đến những loại thơ bâng quơ’ “ ([1]) Đúng như vậy. thơ của Nguyễn Chí Thiện không phải là thơ bâng quơ để chỉ phục vụ cái Mỹ, nhưng trước hết là thơ tranh đấu để đòi cái Chân và Thiện.
Phải chăng chính vì thâm cảm được tấm lòng và ý chí bạn ông như thế
-một tấm lòng, một ý chí đã có sẵn trong máu từ thuở nằm nôi-, nên tác
giả Trần Phong Vũ từng viết: “…từ bên kia thế giới hẳn rằng song thân
nhà thơ họ Nguyễn không thể không hài lòng vì đã chọn tên “Chí Thiện”
đặt cho người con trai thứ của mình”.
Tản mác trong suốt 12 chương chính của tác phẩm, khi đề cập nỗi lòng
của nhà thơ, Trần Phong Vũ đã nhiều lần kể lại những lời tâm sự mà
Nguyễn Chí Thiện đã chia sẻ với ông. Trong chương thứ nhất viết về “Những ngày tháng lưu đầy” nơi
hải ngoại của cố thi sĩ, nhà văn họ Trần cho hay vào một buổi chiều
trên bãi biển Huntington Beach, Nam California, tác giả thi phẩm Hoa Địa
Ngục âm thầm thú nhận khi mới đặt chân ra ngoài này ông tưởng đây là cơ
hội để ông thực hiện giấc mơ thời trẻ, đó là được tự do sống một đời
giang hồ, phiêu bạt. Nhưng không, “nó chỉ là cái bề mặt che dấu nỗi
uất hận bùng bốc trong tim mà không có cơ hội bộc phát, tương tự như
dung dịch phún thạch cháy đỏ chất chứa trong lòng hỏa diệm sơn” chờ
thời gian thuận lợi là bùng nổ. Ai cũng hiểu cái uất hận đó là gì. Nhất
là khi nó được biểu lộ bằng hành động và lời nói của Nguyễn Chí Thiện
khi ông đi khắp nơi trên địa cầu để tố cáo sự tàn ác, vô nhân của chế độ
cộng sản Việt Nam, tìm cách ảnh hưởng dư luận quốc tế và kêu gọi đồng
bào chung tay lật đổ chế độ này để cứu dân cứu nước.
Ông có nỗi buồn bực khác không nói ra khi một số người xuyên tạc ông
là Nguyễn Chí Thiện giả, được cộng sản Việt Nam đưa ra ngoại quốc để phá
cộng đồng tỵ nạn. Chỉ cộng sản mới có lợi khi tung ra tin thất thiệt
này, vì chỉ với một nghi ngờ không cần kiểm chứng, uy tín của Nguyễn Chí
Thiện sẽ bị sứt mẻ, những lời tố cộng của Nguyễn Chí Thiện sẽ bị một số
người bỏ ngoài tai. Còn những người vu oan cho ông mà không phải là
cộng sản thì sao? Chúng tôi không có thói quen thấy ai không đồng ý với
mình thì lập tức mang cho họ dép râu, nón cối. Nhưng thú thật chúng tôi
không thể hiểu nổi việc làm của những người đánh phá Nguyễn Chí Thiện
trong thực tế còn tàn bạo hơn cộng sản. Cuối cùng chúng tôi chỉ dám tạm
kết luận rằng ai biết được ma ăn cỗ? Ai biết được những âm mưu ẩn giấu
bên trong việc tranh dành quyền lợi quanh nhân vật Nguyễn Chí Thiện? Ai
rõ được những hận thù giữa các cá nhân và phe phái dùng câu chuyện
Nguyễn Chí Thiện “thật/giả” để làm cái cớ tạo nên cảnh đánh đấm lẫn
nhau? Nguyễn Chí Thiện đã được nghệ sĩ Thanh Hùng, người cùng quê, quen
biết nhau từ nhỏ xác nhận, đã được các bạn tù Nguyễn Văn Lý, Phùng Cung,
Kiều Duy Vĩnh, Vũ Thư Hiên… thương mến, cảm phục, nhất là có người anh
ruột Nguyễn Công Giân, trung tá trong quân lực VNCH, bảo lãnh sang Mỹ.
Vậy mà họ vẫn nói đó là Nguyễn Chí Thiện giả!? Họ gạt bỏ luôn cả kết qủa
giảo nghiệm chữ viết và nhân dạng/diện dạng của Nguyễn Chí Thiện trước
và sau khi đi định cư tại Hoa Kỳ. Họ cứ nằng nặc cho rằng đây là Nguyễn
Chí Thiện giả do Hà Nội gửi sang Mỹ. Nếu đúng như vậy, chúng ta cầu cho
cộng sản gửi ra hải ngoại thêm vài ngàn, thậm chí cả “mười ngàn Nguyễn
Chí Thiện giả” cùng loại nữa, như câu nói đùa của giáo sư Trần Văn Tòng,
bào huynh liệt sĩ Trần Văn Bá([2])
khi tâm sự với tác giả Trần Phong Vũ trong một loạt Email trao đổi giữa
hai người cuối năm 2008, trước và sau cuộc họp báo của cố thi sĩ ở
khách sạn Ramada, nam California tháng 10 năm ấy. Nội dung những Email
này đã được đưa vào phần phụ lục tác phẩm “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”. Lúc đó chúng ta sẽ khỏi cần mất công làm công tác phản tuyên truyền cộng sản ở hải ngoại!
Một nỗi buồn khác của Nguyễn Chí Thiện là sức khỏe suy yếu. Sau bao
nhiêu năm tù đầy, thiếu ăn, thiếu thuốc, bị hành hạ cả tinh thần lẫn thể
xác, nên khi sang tới Mỹ, nhà thơ chỉ còn một cái đầu minh mẫn, thân
xác thì vật vờ, “tim phổi nát bét cả rồi”. Ông sống thêm được 17 năm ở hải ngoại là một phép lạ. Ông đã thổ lộ với Trần Phong Vũ:
“Tôi biết tôi sẽ không còn sống nổi tới ngày chế độ cộng sản tàn
lụi đâu, dù căn cứ vào tình hình đất nước gần đây, tôi phỏng đoán sẽ
không còn bao xa nữa”.
Hy vọng ông sẽ sớm được chia niềm vui lớn với đồng bào, dù ông đang ở cõi khác.
Cuối cùng là tiết lộ khá lý thú về chuyện tình ái của Nguyễn Chí
Thiện. Ai cũng thấy nhà thơ sống độc thân, thái độ nghiêm túc, lời nói
chuẩn mực, hầu như không biểu lộ một tình cảm riêng tư với một bà, một
cô nào, dù con số những người khác phái quý mến ông không thiếu. Có
người nghĩ nhà thơ đã chán hay không biết đến tình yêu. Sự thật, ông đã
kể hết cho Trần Phong Vũ về những mối tình của mình. Không nói chuyện xa
xưa, ngay những năm tháng cuối đời, Nguyễn Chí Thiện cũng có năm ba mối
tình một chiều từ phiá nữ và một vài mối tình hai chiều mà ông ấp ủ
trong lòng. Ông đâu phải là gỗ đá, lại là người viết văn, làm thơ, nên
phải thuộc nòi tình, như thi hào Tản Đà từng thú nhận([3]).
Người tình hai chiều ở xa, muốn đến thăm ông tại Cali, ông không chấp
thuận. Sao ông nỡ từ chối như vậy? Ông thổ lộ: chỉ sợ khi gặp nhau, tình
cảm sẽ đi xa hơn, ai biết được những gì sẽ xảy ra, hậu qủa chắc chắn sẽ
buồn hơn là xa nhau mà thương nhau, nhớ nhau.
Lý do ông không muốn gắn bó với một người tình nào vì ông biết mình
nhiều bệnh tật, thiếu sức khỏe, không chiều chuộng, chăm lo được cho
người yêu, và không muốn tạo nên cảnh bẽ bàng cho cả hai nguời, nhất là
không muốn người yêu lại trở thành một thứ y tá bất đắc dĩ cho mình sau
này. Ngoài ra, ông còn ôm những nỗi niềm riêng trong lòng, không thể đem
cả thân xác lẫn tâm hồn để yêu nhau. Vì vậy, đành phải xa nhau tuy lòng
rất đau đớn. Rất may là ông đã kịp làm một bài thơ để âm thầm giãi bày
cùng nàng, trước khi rời khỏi trần gian. Nói là âm thầm, vì bài thơ ngắn
này ông tính giữ cho riêng mình và chỉ đọc cho tác giả họ Trần nghe
trong những ngày tháng cuối đời mà thôi.
Tôi, một kẻ lạc loài
Một gã đàn ông đã xa lắm rồi
cái thời trai trẻ
Nhưng em vẫn yêu tôi bằng mối chân tình
mênh mông trời bể
Điều nghịch lý là tôi cũng yêu em
khi biết trước rằng mình không thể…
Và như thế
trong âm thầm
cam đành
lặng lẽ
chia xa!
Ngoài kia sương gió nhạt nhòa
trăng buồn
thổn thức
Đúng là một mối tình buồn!
Và ai dám nói đây là Nguyễn Chí Thiện “giả”, không biết làm thơ!?
Được biết thêm về Nguyễn Chí Thiện qua cuốn sách của Trần phong Vũ,
tôi càng thêm qúy mến cố thi sĩ, người tôi đã qúy mến ngay trong những
lần gặp gỡ đầu tiên tại các thành phố Edmonton và Calgary ở Canada,
không lâu sau khi Nguyễn Chí Thiện đến Hoa Kỳ. Nhờ được giao công tác
tiếp đón và giới thiệu nhà thơ trong các cuộc hội họp với đồng hương,
tôi đã nhận ra lập trường, tài năng và nhân cách khác thường của tác giả
Hoa Địa Ngục. Sau đó, qua những lần gặp gỡ khác tại Hoa Kỳ, tôi càng
thấy sự hy sinh chịu khó, tháo độ nhiệt thành của Nguyễn Chí Thiện trong
việc tham gia sinh hoạt với các tổ chức đấu tranh và các cơ quan truyền
thông của đồng bào hải ngoại. Tấm thân già bệnh hoạn với những bước đi
chậm chạp, nhưng khi đứng trước micro là giọng nói sang sảng, đanh thép
vang lên, với những lập luận vững chắc, với những kinh nghiệm đã trải
qua, tất cả dựa vào trí nhớ còn bén nhậy, không cần giấy ghi chi tiết.
Nguyễn Chí Thiện là một chiến sĩ đã chiến đấu cho đến lúc hơi tàn lực
cạn.
Với cuốn “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, Trần Phong
Vũ đã làm một việc cần thiết và hữu ích. Cần thiết vì ông đã dành hết
tâm lực cuối đời để ghi lại được những di sản tinh thần quý giá của một
nhà thơ chiến sĩ, đã hy sinh trọn tuổi thanh xuân để làm nhân chứng cho
sự tàn bạo của cộng sản và để đấu tranh nhằm giải thoát quê hương, đồng
bào khỏi sự tàn bạo ấy. Hữu ích vì tấm gương của Nguyễn Chí Thiện cần
phải được phổ biến bây giờ và mai sau cho nhiều người, nhất là người
trẻ, để họ đừng chỉ nghĩ đền mình, biết sống có tình với mọi người như
cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, biết hy sinh tranh đấu cho sự thật, công lý
và những giá trị thiêng liêng của con người.
Trần Phong Vũ đã vất vả hoàn thành tác phẩm trong một thời gian kỷ
lục, nhưng sau đó chắc ông vui vì đã làm được một việc ý nghiã để tạ
lòng người tri kỷ. Trần Phong Vũ đã viết hồi ký thay cho Nguyễn Chí
Thiện. Một thứ hồi ký không xưng hô ở ngôi thứ nhất. Nhưng ở ngôi thứ
ba.
Cám ơn tác giả họ Trần, và ở cõi khác, hẳn rằng nhà thơ Nguyễn Chí
Thiện không thể không ngậm cười vì những gì ông gửi gấm trong bài Trái
Tim Hồng, -sáng tác vào năm 1988, sau 24 năm trong nhà tù cộng sản, khi
thân xác hoàn toàn suy kiệt để trong một phút cảm khái đã viết nên bài
thơ, như một lời trăn trối gửi lại những đồng bào còn sống trước khi trở
về với cát bụi-, đã được bộc bạch trong những chương sách này.
“Ta có trái tim hồng ,
Không bao giờ ngừng đập
Căm giận, yêu thương, tràn ngập xót xa
Ta đang móc nó ra
Làm quà cho các bạn
Mấy chục năm rồi
Ta ngồi đây
Sa lấy trong khổ nạn
Như con tàu vượt trùng dương mắc cạn
Mơ về sóng nước xa khơi
Khát biển, khát trời
Phơi thân xác trong mưa mòn, nắng gỉ
Thân thế tàn theo thế kỷ
Sương buồn nhuộm sắc hoàng hôn
Ký ức âm u, vất vưởng những âm hồn
Xót xa tiếc nuối!
Ta vẫn chìm trôi trong dòng sông đen tối
Lều bều rác rười tanh hôi!
Hư vô ơi, cập bến đến nơi rồi!
Cõi bụi chờ mong chi nữa!?
Một trái tim hồng với bao chan chứa
Ta đặt lên bờ dương thế… trước khi xa!
(1988 – Hoa Địa ngục – trang 348/349, Tổ hợp Xuất bàn Miền Đông)
Calgary, Canada, một đêm cuối tháng 8 năm 2013
© Mặc Giao
© Đàn Chim Việt
Mọi liên lạc với nhà văn Trần Phong Vũ xin thư về: Mr Tran, 14916 Dillow street, Westminster, CA 92683. Email: tphongvu@yahoo.com. ĐT: (949) 485 – 6078
Ghi chú:
[1] Nguyệt San Độc Lập, 25/5/1988 được tác giả họ Trần trích dẫn trong cùng chương 5 và đưa nguyên văn bài viết vào phấn phụ lục).
[2]
Liệt sĩ Trần Văn Bá là con trai cố Giáo sư Trần Văn Văn, em Giáo sư
Trần Văn Tòng. Ông Bá từng là người đầu tiên sau tháng tư năm 75 bỏ Pháp
về Việt Nam với chí nguyện thành lập một lực lượng chống lại chế độ
cộng sản, nhưng bất hạnh ông đã bị CS bắt và xử tử hình năm 1985. Ông
được Sáng hội Tượng đài Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản tại Mỹ truy tặng huy chương Tự Do Truman–Reagan năm 2007.
[3] “Ta vốn nói tình, thương người đồng điệu” – Thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu