Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Lạy Mẹ Con Đi.

Người Buôn Gió

trích....Tôi cầm tờ giấy hủy bỏ biện pháp ngăn chặn bước qua những cánh cổng nhà tù. Người công an gác cổng đứng tuổi, mái tóc hoa râm trông phúc hậu, ông cầm tờ giấy ra trại nhập sổ rồi mở cửa cho tôi ra. Ông nói thân tình.
- Về mà lo làm ăn nhé.
Tôi bước ra cánh cổng sắt, người xe đi lại. Tôi nhìn một lát định hướng rồi đi về phía bên tay trái, đi bộ giữa dòng người tan tầm đang hối hả về nhà. Tôi về nhà mẹ.
Mẹ tôi bắc ghế ngồi ngoài cửa, nét mặt buồn vời vợi, bà nhìn vào luồng người đi lại mà như chả nhìn cái gì. Tôi đi từ trước mắt bà, trong tầm nhìn của mẹ đến gần mà mẹ tôi cứ nhìn như thế, cái nhìn có hướng mà như đâu đâu. Tôi đến cửa gọi nhẹ.
- Mẹ à, con đây.
Mẹ tôi như người đang mộng chợt tỉnh, mẹ cuống quýt đi vào nhà theo tôi. Giọng mẹ lắp bắp như không tin tôi đang trước mặt bà.
- Con sao, con sao rồi?
Tôi cười nói.
- Mẹ buồn cười thế, con đang ở nhà khỏe mạnh đây, lại cứ hỏi con sao là sao thế nào.
Tôi kể tôi vừa từ trại giam về đến thẳng đây, được về vì tội không có gì phải xét xử cả. Chỉ ngăn chặn, giáo dục thế thôi. Mẹ tôi luống cuống mở kim băng cài túi áo cánh nâu. nói đứt đoạn trong dòng nước mắt.
- Con cầm lấy mấy đồng mà tiêu. Người ta bảo hôm nay con không về thì sẽ còn lâu mới về, mẹ từ sáng đến giờ cứ ngồi ngoài cửa đợi xem con có về không?
Tôi giữ tay mẹ, nói vẫn còn tiền trại giam cho đi đường về nhà đây. Mẹ bảo tôi về nhà luôn cho Tí Hơn mừng. Tôi chào mẹ để đi về nhà mình nơi có Tí Hớn đang chờ bố. Ngoái lại thấy mẹ vẫn đứng trân trân nhìn theo....hết trích





Weimar trời lạnh, mây xám giăng ngợp trời, mưa rả rích. Cứ mỗi lần trời lạnh mẹ lại đau khớp xương. Giờ con lớn khôn lại đi biền biệt xứ người. Chiều nay viết truyện, cuốn truyện đã gần xong. Con được những người ở đây, chính phủ ở đây gọi con là nhà văn. Hai cái từ mà ở xứ sở mình con không thể nào có được dâng mẹ. Mỗi lần đọc lại bài Cô Giáo Dạy Văn, con thương mẹ vô vàn, và cũng nhớ cô giáo Dung vô vàn. Nhà tù đã giúp con trở thành nhà văn chứ không phải là trường học ! . Nhưng người gieo cho con ham muốn viết vẫn là mẹ và cô giáo dạy văn tên Dung.

Cô Giáo Dạy Văn.

Cô giáo dạy văn tên là Dung, năm cô dạy tôi hình như cũng là năm cô sắp về hưu. Cô thỉnh thoảng nói

- Các em cố học giỏi cho cô mừng nhé.
Cô hay ốm, thỉnh thoảng giờ văn lại có thầy , cô giáo khác dạy thay. Nhà cô ở tận Ngọc Hồi, cô đi xe đạp đến trường để dạy. Trường tôi học nằm trong khu phố cũ. Bọn tôi học buổi sáng, vậy cô đi từ nhà cô đến trường từ mấy giờ. Lúc học cô tôi chẳng để ý đến điều đó.

đến ngày 20-11. Những năm ấy thì đứa nào thích đi thì đi, rủ nhau theo nhóm. Góp tiền mua mấy bông hoa, cân cam,túi đường. Chỉ có hoa và quả thế thôi. Kéo đến nhà cô giáo chủ nhiệm bóc tất ra ăn. Có nhóm còn lời vì được ăn cam của nhóm khác. Học sinh bọn tôi chỉ đến nhà các thầy cô dạy các môn quan trong như toán, văn, ngoại ngữ.. còn các thầy cô bộ môn khác như hoạ, nhạc, thể dục, sinh, sử, địa gì đấy thì chả đứa nào đi. Hôm trước các lớp trong nhóm rục rịch bàn nhau đến nhà thầy chủ nhiệm dạy toán. Còn nhà cô Dung dạy văn xa quá, chả dứa nào nhắc.

Nhà thầy chủ nhiệm dạy toán ngay đường Trần Nhật Duật. Đa số học sinh lớp tôi đều quanh khu phố cũ lên đi đến nhà thầy rất gần. Buổi sáng mang hoa và cam, đường đến nhà thầy. Liên hoan ăn hết cam, thầy chủ nhiệm con sai con gái đi mua chanh về pha nước chanh vì sẵn đường đấy. Thành ra là chỉ có bó hoa còn lại, còn cam và đường thì học sinh mang đến học sinh xơi. Nhưng ngày ấy các thầy cô giáo rât vui, chả ai nghĩ chuyện quà cáp gì hết. Lúc ở nhà thây về hơn 9 giờ sáng, ra đến đường thấy mấy thằng nghịch nhất lớp rủ nhau đi trèo bàng. Tôi bất chợt nảy ý nghĩ rủ chúng đến nhà cô Dung. Kế hoạch được cả bọn nhất trí, chẳng phải là do hiếu lễ với cô Dung, thật ra chúng tôi kiếm cớ đi chơi mà thôi. Bố mẹ cho tiền đi mua quà thầy chủ nhiệm, đứa nào cũng bớt lại một ít. Chả đứa nào mua tất cả dù số tiền vốn bố mẹ cho đã không nhiều. Nhưng đứa nào cũng thăn lại một ít để tiêu riêng. Kiểm tra cả hội cũng đủ tiền mua bó hoa đồng tiền. Thế là năm thằng quay lại nhà thầy chủ nhiệm hỏi nàh cô Dung. Thầy có vẻ ái ngại. Thầy vẽ đường ra tờ giấy rất cẩn thận rồi đưa cho tôi. Thầy nói với năm thằng.

- các em đi vào nhà cô Dung đường hơi xa, đi phải cẩn thận, đi chờ nhau đừng để lạc nhau nhé. Thầy cho em làm tổ trưởng của nhóm. Em phải bảo các bạn lúc đi đường nhé.

Tôi đứng nghiêm như quân nhân nhận lệnh cấp trên. Lần đầu tiên tôi được thầy tin tưởng giao nhiệm vụ. Năm thằng chúng tôi ở lớp là một lũ ôn dịch phá hoại. Cả năm thằng đều có cuốn sổ liên lạc riêng . Cứ sau mỗi tiết lại lần lượt vác lên xin thầy, cô bộ môn nhận xét tiết ấy kỷ luật ra sao. Đến giờ chơi thì bảo vệ trường đến cửa lớp áp giải năm thằng ra một góc sân trường. Phải nói hôm ấy niềm vui phơi phới vì thầy cho tôi làm chỉ huy năm thằng. Cả bọn cũng vui, chúng tôi phấn khởi đạp xe lên đường.

Thầy chủ nhiệm vẽ đường rất dễ hiểu, chúng tôi tìm đến làng cô Dung. Hỏi mấy người dân đang hái hành trên ruộng. Họ chỉ nhà cô ở ven làng. Chúng tôi đến lúc cô đang hái rau bờ ao chuẩn bị bữa ăn. Cô Dung có hai con gái, một đứa hơn chúng tôi khoảng 2 tuổi, đứa kia kém khoảng 2 tuổi. Cả hai đứa đang ngòi học bài, trông chúng hiền lành và chăm chỉ. Đối với năm thằng cá biệt như bọn tôi, chúng ở thế giới khác, ở một tầng lớp khác. Tôi cứ tưởng con cô phải rất lớn cơ, về sau tôi mới biết chồng cô đã có vợ trước. Cô là vợ hai, cô lấy chồng muộn, mà chồng cô ở nhà vợ cả ngoài Hà Nội. Thỉnh thoảng mới về nhà cô. Nhà cô Dung sạch sẽ và thoáng, có cái cửa sổ song gỗ nhìn ra cái ao mà bờ ao được xếp bằng gạch. Cô rất mừng thấy chúng tôi đến, hình như cô cũng không nghĩ là có học sinh đến nhà cô vào ngày này. Hai đứa con gái ngỡ ngàng nhìn chúng tôi, chúng nhận thấy bọn tôi là lũ láo nháo lên lại cúi đầu học tiếp. Cô Dung lấy nước cho chúng tôi uống, nước nhân trần có cam thảo ngọt. Cô hỏi han bọn tôi đi thế nào rồi cô bảo cứ chơi cô xuống thổi cơm, cô bảo chúng tôi ăn cơm với nhà cô. Cô xuống bếo thổi cơm còn chúng tôi ra vườn chơi, nhìn thấy cây cối cái gì bọn tôi cũng thích. Nhất là cây cam thảo, cả bọn châu đầu vào vặt nhành cây gặm. Rồi đi bắt châu chấu bẻ chân ném xuống ao. Chán mấy thằng đi tìm tổ dế, tôi xuống bếp xem cô nấu cơm. Lúc tôi ngồi xem cô đun bếp bằng những cành cây nhỏ khô. Cô nói.

Hiếu này. Cô thấy em rất có khả năng học, sao em không tập trung mà học. Các bạn khác họ chỉ chăm thôi chứ không tiếp thu nhanh như em. Nếu em cố gắng học sau này em là người rất giỏi đấy. Lúc nào chấm bài văn của lớp, cô rất thích xem bài của em. Tí nữa cô cho em mấy quyển sách. Em cầm về đọc thêm ở nhà, đấy là sách nâng cao học môn văn. Em đừng nghịch ở lớp nữa. Lúc nào cô cũng nghĩ con người em khác những gì em đã làm. Mỗi lần em mang sổ lên cho cô nhận xét, cô rất buồn. Bạn khác thì cô không buồn như thế.Nhưng em khác với các bạn cá biệt nhiều. Nếu em chịu khó sau này có thể thành nhà văn đấy.
Tôi cúi đầu lí nhí.

- Vâng ạ
Cô hỏi

- Thế đi học xong về nhà em làm gì ?

Tôi thưa.

Em đi bán hàng với mẹ em ạ.

Cô ngạc nhiên hỏi

Thế mẹ em bán hàng gì ?

Tôi thưa.

Mẹ em bán dép nhựa rong ngoài hồ Gươm. Lúc nào em đi học về em ra trông hàng cùng mẹ, để mẹ em còn đi lấy thêm hàng hay đi về nhà vệ sinh. Cả trông công an từ xa để mẹ em còn chạy nữa ạ.
Cô hỏi nữa.

Bố em có đi làm gì không ?
Tôi thưa.

Bố em ốm chỉ nằm trên giường thôi, bố em bị lao, cả ngày cả đêm ho, khạc cả ra máu cô ạ. Bố em bảo bố em không sống được lâu đâu.

Cô Dung không hỏi nữa, cô đặt tay lên gáy tôi thở dài. Chúng tôi ăn cơm ở nhà cô, bọn con gái nhà cô rất ngoan, chúng đi lại nhẹ nhàng. Nói chuyện với mẹ thưa gửi, vâng dạ đâu ra đó.Lúc về cô đưa cho tôi hai cuốn sách bọc trong tờ báo.

Năm ấy tôi được cử đi thi học sinh giỏi văn thành phố. Buổi sáng sau giờ văn cô dạy, tôi chạy lên giơ cuốn sổ xin ý kiến nhận xét kỷ luật trong giờ. Cô ghi nhận xét xong đưa cây bút cho tôi nói.

Cô cho em mượn bút đi thi, bút đầy mực đấy. Chiều em thi xong mai trả cô. Nhớ chuẩn bị bút đề phòng hỏng có cái thay.

Buổi trưa tôi mang cơm cho mẹ. Mẹ ra ghế vườn hoa Lý Thái Tổ bây giờ ngồi ăn. Thường thì buổi trưa công an không đi cho nên mẹ chủ quan để tôi trông. Tôi đang ngồi thấy bóng công an đến hét.

- Mẹ ơi công an.
Mẹ quăng cạp lồng cơm chạy đến xốc gánh hàng lên vai quảy bước chạy, nhưng không kip nữa. Hai chú công an đã nắm được đòn gánh quát.

Chạy đâu cái con mụ này, về đồn.
Mẹ tôi chắp tay xin, mẹ nói.

Tôi lạy các anh làm phúc, tôi nghĩ buổi trưa vắng người không ai qua lại mới để ven đường. Mọi khi tôi toàn ngổi trong chỗ Trần Nguyễn Hãn. Các anh thương mẹ con tôi. Khổ quá tôi chưa ăn gì từ sáng, cháu nó mang cơm ra đói quá vội ăn. Không kịp gánh hàng vào trong.Tôi van các anh cho tôi nuôi cháu. Bố nó ốm nằm nhà mấy năm nay rồi.
Mặc kệ mẹ rớm nước mẳt. Hai chú công anh mặt lạnh như tiền kéo lê hai thúng dép đi, để mẹ đứng trơ trơ với cái đòn gánh trên vai.Hai chú kéo được chừng mấy mét thì một chú dừng lại quát.

- Mày mà không tự giác gánh về, để bọn tao phải lôi về đồn thì bọn tao thu sạch.
Mẹ tôi lồng đòn gánh vào đôi quang, khóc nức nở gánh theo hai chú về đồn. Tôi thu dọn cái cạp lồng cơm mẹ vừa ăn mấy miếng vất tung toé. Bước thấp bước cao chạy theo. Về đồn gánh hàng bị nhốt trong kho. Mẹ tôi cứ ngồi ở ghế gặp công an nào ra vào cũng trình bày, xin xỏ. Nước mắt ngắn dài. Chỉ có một chú nói nhẹ nhàng.

-Chị cứ ngồi đấy tí nữa giải quyết.

Còn các chú khác mỗi người quát một câu khác nhau

- Im cái mồm đi, đây là nhà bà à mà bà nói lắm thế.

- Thu hết cho lần sau chừa, đừng lằng nhằng.

Mãi sau có một chú gọi mẹ tôi vào kho, lấy một đôi dép chú ấy đi thử. Chú hỏi

- Đôi này bao nhiêu tiền?

Mẹ tôi rối rít.

Anh cứ lấy mà đi, không đáng bao nhiêu đâu ạ. Anh cho tôi xin đôi dép cũ tôi cân nhựa cũng gần bằng vốn mà.
Chú ấy xỏ đôi dép mới, bỏ lại đôi dép cũ đi vào trong. Lát sau một chú khác ra gọi mẹ tôi bảo.

- Thế bây giờ muốn thu hết hay nộp phạt.

Mẹ tôi hoảng hốt xin nộp phạt. Nhìn tờ biên lai ghi tiền phạt mẹ tôi sững người. Một lúc mẹ móc tiền ra nộp. Gánh hàng ra khỏi đồn một quãng, mẹ tôi ngửa cổ lên trời nấc tiếng kêu.

- trời cao đất dày ơi ! Sao số tôi khổ thế này.

Sáng sau tôi trả bút cho cô Dung. Cô hỏi tôi làm bài tốt không. Tôi ngập ngừng nói rằng buổi trưa ngủ quên đến 4 giờ chiều mới thức. Cô Dung nhìn tôi đầy tức giận, cô nói.

Không thể giáo dục nổi nữa.
Từ đấy cô chả bao giờ nói gì với tôi. Lúc nào gặp hành lang tôi chào thì mặt cô lạnh tanh.....

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"