Jamil Anderlini, Financial Times Magazine, 20/9/2013
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh. |
Khi nền
kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng và nỗi bất bình của tầng lớp trung lưu
tăng lên, đó là câu hỏi hiện đang được đặt ra không chỉ ở nước ngoài mà
ngay trong nước. Thậm chí ở Trường Đảng Trung ương, người ta cũng bàn về
điều không tưởng tượng nổi: sự sụp đổ của cộng sản Trung Quốc.
Nằm lọt thỏm giữa trường gián điệp hàng
đầu của Trung Quốc và Di Hòa Viên ở phía tây Bắc Kinh là nơi duy nhất ở
xứ này người ta có thể công khai bàn về sự diệt vong của Đảng Cộng sản
cầm quyền mà không sợ phải chuốc họa vào thân. Nhưng địa điểm xanh rợp
bóng cây này không phải trụ sở của một tổ chức nghiên cứu có tư tưởng tự
do được Mỹ tài trợ hay một cơ sở đối kháng hoạt động bí mật. Đây là
Trường Đảng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, học viện cao cấp
dành cho các vị lãnh đạo độc tài của nước này, nơi được bộ máy tuyên
truyền chính thức mô tả là “lò luyện tinh thần của đảng viên”.
Trường Đảng Trung ương được thành
lập năm 1933 để giáo huấn cho cán bộ thấm nhuần chủ nghĩa Marx, chủ
nghĩa Lenin và về sau là Tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong số các hiệu
trưởng cũ có chính Mao Trạch Đông, chủ tịch mới được chọn Tập Cận Bình
và vị tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Để thích ứng với một số thay đổi hệ trọng
đã xảy ra trong xã hội Trung Quốc, chương trình giảng dạy đã được sửa
đổi triệt để trong những năm gần đây. Học viên vẫn đắm mình trong những
lời vàng ý ngọc củaTư bản luận và “Học thuyết Đặng Tiểu Bình” nhưng họ
cũng được học kinh tế, luật, tôn giáo, các vấn đề quân sự và tư tưởng
chính trị phương tây. Ngoài các buổi xem phim tài liệu chống tham nhũng
và tham gia hát tập thể những bài ca cách mạng, học viên (gồm các cán bộ
trung và cao cấp) được học cách thưởng thức opera và nghi lễ ngoại
giao. Một thay đổi quan trọng hơn đối với học viện được lập ra để bảo
đảm tính thuần khiết ý thức hệ là học viện này đảm nhận một vai trò
tương đối mới: là nơi sinh hoạt tri thức được thoải mái bàn bạc về mọi
vấn đề mà gần như không có gì hạn chế. Một giáo sư Trường Đảng xin đừng
nêu tên vì ông không được phép phát biểu với báo chí nước ngoài kể:
“Chúng tôi vừa có một hội thảo với đông đảo đảng viên rất có thế lực và
họ hỏi chúng tôi nghĩ là đảng sẽ còn nắm quyền bao lâu nữa và chúng tôi
đã chuẩn bị gì cho thời điểm đảng sụp đổ. Thật tình mà nói, ai ai ở
Trung Quốc cũng hỏi câu này nhưng tôi e rằng rất khó trả lời.” Những
người kế tục cuộc cách mạng năm 1949 của Mao Trạch Đông còn bấu víu vào
quyền lực được bao lâu nữa đã là câu hỏi thường trực kể từ vụ thảm sát ở
quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô. Đã có
nhiều tiên đoán u ám về việc Đảng Cộng sản sắp sụp đổ, để rồi tiên đoán
vẫn hoàn tiên đoán, nhưng đảng vẫn tồn tại, thậm chí còn lớn mạnh hơn,
đặc biệt kể từ khi đảng mở cửa đón nhận giới tư sản vào hàng ngũ đảng
lần đầu tiên cách đây một thập niên. Ngày nay, đảng cách mạng của giai
cấp vô sản có lẽ được mô tả rõ nhất là phòng thương mại lớn nhất thế
giới, và tấm thẻ đảng là cách tốt nhất để giới doanh nhân tạo quan hệ và
ký được các hợp đồng béo bở. Trong vòng chưa đầy 5 năm nữa, Đảng Cộng
sản Trung Quốc sẽ thách thức ngôi vị của Liên Xô (69 hay 74 năm tùy cách
tính) và Đảng Cách mạng Thể chế của Mexico (71 năm cho đến năm 2000) về
kỷ lục thời gian cầm quyền liên tục lâu nhất của bất cứ chính đảng nào.
Lý thuyết hiện đại hóa cho rằng các hệ thống độc tài có xu hướng dân
chủ hóa khi thu nhập quốc dân tăng lên, rằng việc tạo ra một tầng lớp
trung lưu đông đảo sẽ đẩy nhanh quá trình đó và rằng tình trạng suy
thoái kinh tế sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh sẽ khiến quá trình
chuyển tiếp đó càng dễ xảy ra. Tình trạng bất bình đẳng trầm trọng và
ngày càng tăng cộng với tham nhũng ở mức độ cao có thể tăng thêm động
lực dẫn đến thay đổi. Tất cả những yếu tố này hiện đã có ở Trung Quốc,
nhưng có nhiều nhà lý thuyết chính trị, trong đó có nhiều người ở Trường
Đảng Trung ương, nhận định rằng Trung Quốc có đặc trưng khác biệt về
văn hóa và chính trị, và làn sóng sụp đổ của các chế độ độc tài vẫn đang
tràn qua thế giới Ả Rập sẽ chẳng bao giờ đến Trung Quốc được. Nhưng
cũng có nhiều người, trong đó có các trí thức Trung Quốc có ảnh hưởng,
những nhà nghiên cứu Trung Quốc danh tiếng ở phương tây và thậm chí cả
những đảng viên cao cấp có tư tưởng tự do, tin rằng đây là những ngày
cuối cùng của kỷ nguyên Cộng sản và đảng sẽ bị cuốn trôi nếu không sớm
cải cách chính trị nghiêm túc. “Ngàn thu và vạn thế hệ” Trần Thư là giáo
sư lịch sử đảng, “xây dựng đảng” và Tư tưởng Mao Trạch Đông ở Trường
Đảng Trung ương và các quan điểm của ông phản ánh tư duy chính thống
trong giới chóp bu của đảng. Tuy có nhiều hoạt động tri thức sôi nổi và
thoải mái trao đổi ý tưởng diễn ra bên trong các bức tường của học viện,
người nước ngoài vẫn bị cấm vào trường nếu không có giấy phép đặc biệt,
quy định này có từ thời sự hiện diện của trường này là một bí mật quốc
gia. Giáo sư Trần đã tử tế đồng ý gặp ký giả của Financial Times ở một
tiệm trà đối diện Di Hòa Viên, nhưng ông tỏ ra khó chịu khi được hỏi ông
nghĩ tương lai của đảng sẽ ra sao.
Gs Lâm Triết bên ngoài Trường Đảng TƯ |
“Những lý thuyết đó về một cuộc khủng
hoảng Trung Quốc hay sự sụp đổ của Trung Quốc đều hoàn toàn của phương
tây,” ông nói bằng một giọng rõ ràng là dè bỉu từ “phương tây”. “Càng có
nhiều áp lực đối với văn hóa Trung Quốc và đảng Cộng sản, văn hóa Trung
Quốc và đảng Cộng sản càng đoàn kết và gắn bó, và càng có khả năng đạt
được những phép lạ.” Lâm Triết là một là giáo sư Trường Đảng Trung ương
đã dành hai thập niên vừa qua nghiên cứu cách đảng xử lý tham nhũng
trong hàng ngũ đảng viên. Ở cùng tiệm trà đó, bà vui vẻ tiên đoán rằng
đảng sẽ kỷ niệm 100 năm cầm quyền vào năm 2049 và nói rằng đảng sẵn
sàng, nói như tục ngữ Trung Quốc, cai trị trong “ngàn thu và vạn thế hệ”
Nhưng cả hai giáo sư Lâm và Trần cũng cảnh báo rằng tính chính danh của
đảng bị đe dọa do đại nạn tham nhũng đã lan đến mọi cấp trong hệ thống.
Giáo sư Lâm nói: “Vấn đề này rất nguy hiểm, và như các vị lãnh đạo hàng
đầu của Trung Quốc đã nói, nó có thể dẫn đến sự diệt vong của đảng và
sự diệt vong của quốc gia.” Tính bền bỉ của chế độ độc tài Trong cuốn
sách năm 1992 Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End
of History and the Last Man), Francis Fukuyama lập luận rằng nền dân chủ
tự do phương tây đại diện cho hình thức cuối cùng của sự cai trị con
người và điểm tận cùng của sự tiến hóa ý thức hệ. Lập luận của ông được
củng cố bằng sự gia tăng đáng kể của dân chủ trong thế kỷ 20. Năm 1900,
không có quốc gia nào trên thế giới có nền chính trị đa đảng mang tính
cạnh tranh với hình thức bỏ phiếu phổ thông, và chỉ có khoảng 12% nhân
loại sống trong một hình thức cai trị có thể được xem là có phần dân
chủ, theo tổ chức phi chính phủ Freedom House ở Mỹ. Đến đầu thế kỷ 21,
120 trong số 192 nước được quốc tế công nhận của thế giới được cai trị
bằng các nền dân chủ có bầu cử, và 60% dân số thế giới sống trong một
chế độ có lãnh tụ được bầu cử một cách dân chủ. Fukuyama, nay là nghiên
cứu viên cao cấp ở Đại học Stanford University, nói ông tin rằng Trung
Quốc sẽ đi theo con đường của hầu hết các nước khác, có thể thông qua
quá trình tự do hóa dần dần mà rốt cuộc sẽ nhường đường cho dân chủ.
Nhưng nếu điều đó không xảy ra, ông nói cũng có thể xảy ra những cuộc
nổi dậy của dân chúng giống như đã thấy trong biến cố Mùa xuân Ả Rập.
“Mô hình chính trị của Trung Quốc đơn giản là không bền vững do tầng lớp
trung lưu ngày càng lớn mạnh – cũng giống như động lực đã thúc đẩy dân
chủ ở khắp mọi nơi,” ông nói. “Thế hệ mới này ở Trung Quốc rất khác với
thế hệ đã rời bỏ ruộng đất và thúc đẩy làn sóng công nghiệp hóa đầu tiên
– họ có học vấn cao hơn nhiều và giàu hơn nhiều, và họ có những yêu
sách mới, những yêu sách như không khí trong lành, nước sạch, thực phẩm
an toàn, và những vấn đề khác không thể giải quyết được bằng tốc độ tăng
trưởng kinh tế nhanh.” Các ước tính về quy mô của tầng lớp trung lưu ở
Trung Quốc khác nhau tùy theo định nghĩa được dùng, nhưng có một điều
chắc chắn là tầng lớp này gần như không tồn tại cách đây hai thập niên
và hiện nay đang tăng với tốc độ chóng mặt. Hãng tư vấn McKinsey cho
biết tầng lớp được họ gọi là “tầng lớp thượng trung lưu” – bộ phận dân
số có thu nhập hộ gia đình hàng năm từ 17.350 đô-la đến 37.500 đô-la –
chiếm khoảng 14% số hộ gia đình thành thị ở Trung Quốc hồi năm ngoái,
nhưng sẽ chiếm khoảng 54% số hộ gia đình trong chưa đầy một thập niên
nữa. Trung Quốc thường được dùng làm bằng chứng phản bác lý thuyết của
Fukuyama, qua đó giới phê bình cho rằng quá trình tái đổi mới liên tục
của đảng có khả năng phản ứng trước những nhu cầu và yêu sách của công
dân nhanh nhạy hơn nhiều so với các hệ thống độc tài truyền thống. Chỉ
mới cách đây vài năm, David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách
Trung Quốc tại Đại học George Washington University và là một chuyên gia
hàng đầu về hệ thống chính trị Trung Quốc, vẫn còn ủng hộ mạnh mẽ quan
điểm này. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm và nay tin rằng đảng đang ở
trong trạng thái suy tàn giống như thời kỳ hấp hối của các triều đại
trong lịch sử. Các dấu hiệu gồm có một ý thức hệ nhà nước rỗng tuếch mà
xã hội không tin nhưng giả vờ tuân thủ cho có lệ, nạn tham nhũng ngày
càng trầm trọng, việc nhà nước không cung cấp cho dân chúng đủ phúc lợi
xã hội và tâm trạng người dân đâu đâu cũng cảm thấy bất an và thất vọng.
Những dấu hiệu khác bao gồm tình trạng bất ổn xã hội và sắc tộc ngày
càng tăng, sự chia rẽ bè phái trong giới chóp bu, nạn đánh thuế quá cao
với phần lớn nguồn thu rơi vào túi quan chức, tình trạng bất bình đẳng
thu nhập trầm trọng và ngày càng tệ hại hơn, và không có chế độ pháp trị
đáng tin cậy. Shambaugh nói rằng một chỉ số rất đáng thuyết phục cho
thấy người dân chẳng tin tưởng vào chế độ là số người giàu Trung Quốc có
tài sản và nhà ở nước ngoài, tài khoản ngân hàng hải ngoại và có con
cái du học ở các trường đại học phương tây. “Những người này sẵn sàng
tháo chạy trong tích tắc, ngay sau khi hệ thống chính trị bước vào thế
tàn cuộc – nhưng họ vẫn ở lại Trung Quốc để bòn rút đến từng đồng nhân
dân tệ cuối cùng chừng nào còn làm được cho đến thời điểm đó,” ông nói.
“Hành vi phòng thân của họ bộc lộ rất rõ tính mỏng manh của nhà nước
đảng trị ở Trung Quốc hiện nay.” Xác ướp trong quan tài pha lê Treo ngay
trên cổng Thiên An ở lối vào phía nam của Tử Cấm Thành là một bức chân
dung khổng lồ của Mao Trạch Đông nhìn từ quảng trường Thiên An Môn sang
cái lăng uy nghi ở đối diện, nơi đặt xác ướp của ông quấn trong một lá
cờ cộng sản. Mỗi buổi sáng trong tuần, trừ Thứ Hai, những hàng dài du
khách Trung Quốc xếp rồng rắn quanh quảng trường để đợi đến dịp nhìn vị
đại lãnh tụ nằm trong cái quách bằng pha lê. Cách đây một thập niên, ta
thường chứng kiến những người hành hương xúc động òa khóc hu hu và ngất
xỉu quỳ gối khi thấy “vị hoàng đế đỏ” quá cố của Trung Quốc. Nhưng vào
một hôm mới đây, cảm xúc chủ đạo của các khán giả dường như là thờ ơ
hoặc hơi thất vọng. “Tôi phải xếp hàng đợi cả tiếng đồng hồ vì cái này
à?” một người đàn ông trung niên nói với giọng nặng địa phương. “Không
chừng đó chỉ là cái xác bằng sáp; thật phí thời gian.” Sự thay đổi khó
thấy này về thái độ [của dân chúng] trong thập niên vừa qua thể hiện một
biến đổi sâu sắc hơn trong xã hội Trung Quốc rất khó lượng hóa nhưng
ngày càng rõ rệt. Perry Link, giáo sư ở Đại California tại Riverside và
là một trong những chuyên gia phương tây về Trung Quốc được tôn trọng
nhất, nói: “Nền tảng ý thức hệ của đảng quả thực rất trống rỗng. Ngày
nay người ta vào đảng chỉ để tạo quan hệ và tiến thân chứ không vì bất
cứ lý tưởng xã hội chủ nghĩa nào cả.” Có lẽ nhân tố kích thích quan
trọng nhất dẫn đến tâm trạng hoài nghi và chất vấn gia tăng về quyền lực
[của đảng] là sự trỗi dậy của thông tin liên lạc đại chúng qua
internet. Chế độ kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc là một trong những
chế độ nghiêm ngặt nhất thế giới, với Twitter, Facebook, YouTube và vô
số trang mạng và dịch vụ trực tuyến khác bị chặn bị đang lo sợ rằng
những trang mạng và dịch vụ này có thể được dùng để tổ chức hoạt động
đối kháng chính trị. Nhưng sự bùng nổ các trang mạng và dịch vụ nội địa
do chính phủ kiểm soát, ví dụ như mạng Vi Bác tương tự như Twitter, vẫn
giúp cho người dân phần nào né tránh tầm kiểm soát dư luận của đảng theo
cách thức trước đây không thể làm được. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm
lại và người dân ngày càng phẫn nộ về biết bao vấn đề xuất phát từ việc
không được tham gia vào hoạt động chính trị, chính sự mất kiểm soát về
tư tưởng, ý tưởng và thông điệp này là điều khiến đảng vô cùng lo
ngại. “Bảy điều cấm bàn”
Giáo sư Thẩm Chí Hoa |
Thẩm Chí Hoa là giáo sư ở Đại học Sư
phạm Hoa Đông chuyên về Liên Xô và có ba mẹ là sĩ quan Quân Giải phóng
Nhân dân từng sát cánh cùng Mao Trạch Đông trong cuộc cách mạng. Hồi đầu
thập niên 1980 ông ở tù hai năm sau khi bị buộc tội oan làm gián điệp
cho CIA. Hồi tháng 9/2009, giáo sư Thẩm nằm trong số ít học giả tín cẩn
được cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân triệu tập để thảo luận sự
sụp đổ của Liên Xô. “Gorbachev đã phản bội cách mạng,” Giang Trạch Dân
nói với nhóm học giả này khi ông yêu cầu họ xác định những nhân tố cụ
thể dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Theo giáo sư Thẩm, nhận định của
Giang Trạch Dân là quan điểm chính thống được chấp nhận trong giới lãnh
đạo Trung Quốc trong đó có chủ tịch hiện nay Tập Cận Bình. Trong một bài
phát biểu với các đảng viên ngay sau khi ông được chọn làm tổng bí thư
và chủ tịch quân ủy trung ương hồi năm ngoái, Tập Cận Bình nói rằng đế
chế Liên Xô sụp đổ “vì không có ai đủ dũng khí đứng lên kháng cự”.
Chuyên gia Shambaugh của Đại học George Washington, nói: “Tôi có nhấn
mạnh cũng không thừa là giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục
sống trong cái bóng Liên Xô – họ hiểu rất rõ các cải cách mà Gorbachev
thực hiện và tuyệt đối không chịu đi theo con đường đó.” Việc Tập Cận
Bình thể hiện thái độ mạnh mẽ phù hợp với lập trường dứt khoát hơn mà
ông bày tỏ trên trường quốc tế khi Trung Quốc tiếp tục vào vai trò “siêu
cường quốc thứ hai” của thế giới. Nhưng trong khi chính quyền mới giễu
võ dương oai ở nước ngoài, đáng chú ý nhất là những tranh chấp lãnh thổ
âm ỉ với các nước láng giềng ở phía đông, nam và tây, có vẻ nghịch lý là
chính quyền này càng lúc càng lo lắng và bất an ngay trong nước. Giáo
sư Perry Link nói: “Trung Quốc có sức mạnh về quân sự, ngoại giao và
kinh tế nhiều hơn so với trước đây và hiện nay Trung Quốc có thể mạnh
dạn bảo các nước như Vương quốc Anh và Mỹ tránh ra, chứ xưa kia không
dám. Nhưng dù họ có được sức mạnh mới như vậy trong đối ngoại, dường như
trong đối nội họ lại mỏng manh hơn nhiều, lo ngại nhiều hơn về việc họ
còn trụ được bao lâu trên nắp vạc dầu đang sôi sùng sục này.” Kể từ khi
lên ngôi, Tập Cận Bình đã chỉ đạo một loạt các cuộc đàn áp nặng tay đối
với giới bất đồng, tự do ngôn luận, giới ly khai sắc tộc và xã hội dân
sự, và không hề bộc lộ dấu hiệu nào cho thấy ông là nhà cải cách chính
trị ngấm ngầm như một số người đã hy vọng. “Văn kiện số chín”, một văn
bản bí mật phân phát cho các cán bộ hồi tháng Tư và bị rò rỉ qua các
phương tiện truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài, cho thấy ban lãnh đạo
mới lo ngại ra sao về những mối đe dọa được cảm nhận về sự cai trị của
đảng. Văn kiện này viết: “Các thế lực thù địch phương tây và các thành
phần bất đồng trong nước liên tục xâm nhập vào lĩnh vực ý thức hệ. Để
giữ gìn sự nắm quyền của đảng, chúng ta nên chú ý đến những cách suy
nghĩ, lập luận và hành động sai lầm.” Theo văn kiện này, đảng đang đấu
tranh “khốc liệt” chống lại bảy mối đe dọa nghiêm trọng mà hiện nay các
giới học thuật Trung Quốc gọi là “bảy điều cấm bàn”. Đứng đầu trong danh
sách này là “nền dân chủ lập hiến phương tây”, tiếp theo là những điều
cấm kỵ như cổ xúy nhân quyền, hệ thống tư pháp độc lập, sự độc lập của
báo chí, và việc phê phán quá khứ của đảng. Giáo sư Thẩm Chí Hoa nói:
“Nhiều người vô cùng thất vọng về những lời nói và hành động [của Tập
Cận Bình]. Nhưng có một số người biện hộ cho ông và nói rằng sau khi
củng cố quyền lực của mình và ổn định tình hình chính trị, ông sẽ tiến
hành cải cách.” Theo cách lập luận này, thái độ dao động thiên về độc
tài này của Tập Cận Bình chỉ mang tính chiến thuật chứ không phải chiến
lược, một cách để vận động sự ủng hộ của các đảng viên trung kiên để
chuẩn bị cho nghị trình cải cách gian nan trước mắt. “Các lý giải bi
quan hơn, và thật tình thực tế hơn, là Tập Cận Bình chẳng có ý tưởng gì
mới mẻ nên ông chỉ trích dẫn Mao Trạch Đông và cố bám víu quyền lực,”
một nhà cải cách thuộc hàng “thái tử đảng” vốn là con trai của một lãnh
tụ cấp cao Trung Quốc trước đây, người này hiểu Tập Cận Bình rất rõ
nhưng yêu cầu không nêu tên vì sợ hậu quả chính trị. “Nếu đúng như vậy,
thì Trung Quốc chẳng có hy vọng gì, và rốt cuộc nỗi phẫn nộ trong xã hội
sẽ bùng nổ thành một cuộc nổi dậy của dân chúng.” Đã hết phép
màu? Trong ba thập niên kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách
định hướng thị trường và bắt đầu mở cửa Trung Quốc vươn ra thế giới, nền
kinh tế nước này đã tăng trưởng với tỉ lệ trung bình 10% mỗi năm. Thành
tích tuyệt vời này đã đưa hàng trăm triệu người dân ra khỏi cảnh đói
nghèo và khiến một số người nhận định rằng “chủ nghĩa Lenin thị trường”
của Trung Quốc đã thách đố cái lý thuyết cho rằng các xã hội sẽ dân chủ
hóa khi giàu lên. Nhưng như Lưu Vũ, phó giáo sư chính trị học tại Đại
học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, và Trần Định Định ở Đại học Macau, viết trong
tạp chí The Washington Quarterly hồi năm ngoái, “những ai theo thuyết
‘Trung Quốc là ngoại lệ’ đã phớt lờ rằng hiện nay còn quá sớm nên chưa
thể nói liệu Trung Quốc chứng minh hay bác bỏ lý thuyết hiện đại hóa.”
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 9.200 đô-la tính theo
ngang bằng sức mua trong năm 2012, nhưng theo Lưu Vũ và Trần Định Định,
con số này vẫn chưa đạt đến mức khởi đầu của những nước có bối cảnh văn
hóa và lịch sử tương tự khi họ chuyển tiếp sang nền dân chủ. Theo Lưu Vũ
và Trần Định Định, năm 1988, Hàn Quốc và Đài Loan đang dân chủ hóa có
GDP bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua lần lượt là 12.221
đô-la và 14.584 đô-la (theo mức giá 2010). Các mức của Liên Xô và
Hungary năm 1989, khi họ bắt đầu quá trình chuyển tiếp chính trị của họ,
lần lượt là 16.976 đô-la và 11.257 đô-la (theo mức giá 2010). Những con
số này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh liên tục ở Trung Quốc sẽ
đẩy đất nước này đến đỉnh điểm chuyển biến chính trị chỉ trong vài năm
nữa. Theo cách lập luận này, nguyên nhân chủ yếu mang lại tính chính
danh cho đảng kể từ khi từ bỏ chủ nghĩa Mao – khả năng của đảng trong
việc tạo ra tăng trưởng nhanh và nâng cao mức sống – cũng chính là điều
rốt cuộc sẽ khiến đảng mất quyền kiểm soát chính trị tuyệt đối. Nhưng
hiện nay có nhiều dấu hiệu rõ rệt cho thấy mô hình kinh tế thiên về đầu
tư, định hướng xuất khẩu, do nhà nước nắm vai trò chủ đạo của Trung Quốc
đang hết hơi và tốc độ tăng trưởng có thể giảm mạnh hơn so với kỳ vọng
của của Bắc Kinh. Tỉ lệ tăng trưởng danh nghĩa so sánh cùng kỳ hàng năm
của Trung Quốc đã giảm từ 17% trong quý tư 2011 xuống còn khoảng 8%
trong quý hai năm nay, và tỉ lệ tăng trưởng năm ngoái là mức thấp nhất
trong 13 năm. Hầu hết các nhà kinh tế học dự đoán rằng tốc độ này sẽ ở
mức vừa phải trong vài năm tới. Xét theo hầu hết các số đo, Trung Cộng
hiện nay là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới, với hầu
hết của cải tập trung trong tay một nhóm nhỏ chóp bu có quan hệ chính
trị. Nếu bước tăng trưởng chậm hiện nay chuyển thành một cuộc khủng
hoảng kinh tế hoặc gây thất nghiệp lan tràn, hầu hết các nhà phân tích
tin rằng chẳng mấy chốc chính quyền sẽ phải đương đầu với cuộc nổi dậy
của dân chúng dưới một hình thức nào đó. Mao Vu Thức, nhà kinh tế học 84
tuổi được xem là cây đại thụ của kinh tế học vĩ mô Trung Quốc hiện đại,
nói: “Trong hai thế kỷ qua, 30 năm gần đây nhất là thời kỳ kéo dài duy
nhất không có chiến tranh, nạn đói hay thanh trừng đại trà, một thời kỳ
mà đời sống của mọi người ngày càng tốt đẹp hơn. Tính chính danh của chế
độ chủ yếu xuất phát từ thành công của cải cách kinh tế nhưng vấn đề
lớn là các kỳ vọng hiện nay ở mức quá cao.”
Nhà kinh tế học Mao Vu Thức |
Nhà kinh tế học lão thành này đã bị
thanh trừng nhiều lần trong thời kỳ Mao Trạch Đông. Trong 20 năm, ông
nhiều lần bị bắt đi lao động khổ sai ở nông thôn, bị đánh đập và sỉ
nhục. Sau thời gian cải tạo chính trị, năm 1993 ông thành lập Viện
Thiên Tắc (Unirule Institute), một tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập,
và ông vẫn còn có ảnh hưởng lớn đối với những nhà cải cách trong đảng và
chính quyền. Mao Vu Thức tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ gặp một cuộc
khủng hoảng tài chính “không thể tránh khỏi” trong vòng từ một đến ba
năm nữa do tích lũy nợ xấu quá nhiều và bong bóng bất động sản khổng lồ,
nhưng ông nghĩ chính điều này lại có thể đẩy đất nước đến nền dân chủ.
Ông nói: “Tôi nghĩ một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự có thể tốt cho
Trung Quốc vì nó sẽ buộc chính phủ thực hiện các cải cách kinh tế và
chính trị. Đó là kịch bản lạc quan nhất, nhưng kịch bản xấu nhất sẽ là
một cuộc nổi dậy bạo lực, tiếp theo là một thời gian dài biến động và
suy tàn kinh tế, như ta thấy ở Ai cập.” Ví dụ tiêu cực Ai Cập hiện nay
thường được các nhà phân tích chính trị của cả Trung Quốc lẫn phương tây
viện dẫn. Giống như nhà cựu độc tài Ai Cập Hosni Mubarak, đảng cộng sản
xưa nay đã rất thành công trong việc đập tan bất cứ lực lượng có tổ
chức nào trong xã hội trước khi nó có thể bén rễ. Giáo sư Perry Link
nói: “Hệ thống Trung Quốc hiện nay nhất định sẽ sụp đổ vào một thời điểm
nào đó – có thể là mấy tháng, mấy năm hay mấy thập niên, nhưng khi nó
sụp đổ hẳn nhiên ai ai cũng sẽ nói là chuyện đó đã chắc chắn xảy ra. Câu
hỏi thực sự làm tôi lo là những gì diễn ra sau đó. Đảng đã xóa sổ bất
cứ nhóm nào đảng không kiểm soát được hoặc không có cùng thế giới quan
với đảng, và sẽ không còn lại gì để thế chỗ cho đảng.”Lời nguyền Thế vận
hội Lịch sử có một trùng hợp lý thú là không có chế độ độc tài nào
ngoại từ chế độ của Mexico tồn tại hơn một thập niên sau khi đăng cai
Thế vận hội – này nhé, thử nhớ lại Berlin năm 1936, Moscow năm 1980,
Sarajevo năm 1984 và Seoul năm 1988. Năm năm nữa, Đảng Cộng sản Trung
Quốc, vốn xem Thế vận hội Bắc Kinh 2008 là “tiệc ra mắt” trên trường
quốc tế, có thể không chỉ thách thức lời nguyền Thế vận hội này mà còn
phá kỷ lục tuổi thọ của Liên Xô và góp phần bác bỏ thuyết dân chủ hóa.
Nhưng ngay cả những người ủng hộ đảng nhiệt thành nhất cũng thừa nhận
rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không thể cai trị mãi mà không đáp ứng các
yêu sách được tham gia hoạt động chính trị của một tầng lớp trung lưu
ngày càng đông đảo quan tâm nhiều hơn về không khí trong lành, nước
sạch, chính phủ trong sạch và thực phẩm an toàn hơn là tỉ lệ tăng trưởng
GDP. Sau ba thập niên phát triển kinh tế xuất sắc, mô hình tăng trưởng
của Trung Quốc đang bắt đầu hụt hơi và nếu phải đối mặt với sự sút giảm
đột ngột, đảng sẽ đánh mất nguyên nhân đáng thuyết phục nhất mang lại
tính chính danh của đảng. Nếu chủ tịch mới của Trung Quốc, Tập Cận Bình,
nắm thế chủ động và khởi xướng các cải cách chính trị có ý nghĩa, thì
Trung Quốc có thể noi gương Đài Loan và Hàn Quốc vào cuối thập niên 1980
và 1990, và dàn xếp một quá trình chuyển tiếp êm thắm sang một hệ thống
đa nguyên và dân chủ hơn. Tại ngôi trường rợp bóng cây của Trường Đảng
Trung ương, một số giáo sư hiện đã nghiên cứu làm sao để đạt được kỳ
tích như vậy. Nhưng đến nay Tập Cận Bình chưa tỏ ý muốn làm gì ngoài
việc siết chặt sự kiểm soát quyền lực của đảng và trừng trị những ai
nghi vấn chế độ cai trị độc đảng vĩnh viễn. Nhiều người trong và ngoài
đảng lo ngại rằng do cố gắng trấn áp nỗi bất bình ngày càng tăng của dân
chúng bằng những công cụ đàn áp cũ, một ngày nào đó chính quyền mới có
thể tỉnh dậy và thấy quần chúng xuống đường biểu tình. Giáo sư Thẩm Chí
Hoa nói: “Tập Cận Bình và chính quyền này tạo ra cơ hội cuối cùng để
Trung Quốc thực hiện sự chuyển biến xã hội [sang một hệ thống chính trị
tự do hơn] xuất phát từ bên trong đảng và từ bên trong hệ thống. Nếu
không có những cải cách này, chắc chắn sẽ có sự bùng nổ xã hội.”
Nguồn Lên đông xuống đoài
Nguồn: Jamil Anderlini, How long can the Communist party survive in China?, Financial Times Magazine, 20/9/2013.
Nguồn: Jamil Anderlini, How long can the Communist party survive in China?, Financial Times Magazine, 20/9/2013.