Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Việt Nam: Giá phải trả

Ben Bland, Emerging Markets
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Sau một thời gian trở thành thị trường mới nổi nóng nhất tại châu Á, Việt Nam đã buộc phải kiểm tra lại tình hình thực tế khi nền kinh tế bong bóng sắp đổ vỡ. Đã bốn năm, độ co giật vẫn còn nghiệm trọng.

Thiếu thông tin trung thực

Mặc dù Trịnh Thị Huyền đã có công việc kế toán tại một công ty vận chuyển tại Hà Nội nhưng cô vẫn tiếp tục tìm kiếm việc để làm thêm.
Chồng của cô, một công nhân xây dựng, đã không thể tìm việc trong nhiều tháng vì thị trường bất động sản tại Việt Nam sụp đổ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

“Tôi rất sợ, khi mỗi ngày giá cả tiếp tục gia tăng và tôi là nguồn thu nhập duy nhất cho cả gia đình trong sáu tháng qua”, cô nói.
Sau hai thập kỷ tăng trưởng và thịnh vượng, Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi nóng nhất tại châu Á, nhưng nhiều người Việt như Huyền đã buộc phải kiểm tra lại thực tế khi nền kinh tế trở nên quá nóng trong năm 2008 và đã trải qua một loạt các cơn co giật đau đớn từ đó đến nay.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 4,4% trong nửa năm 2012 so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này cũng giảm mạnh từ 7% trong gia đoạn trước khủng hoảng khi chính phủ thắt chặt cung tiền cùng với nỗ lực ngăn giảm lạm phát.
Vào cuối tháng Chín vừa qua, Moody’s đã cắt giảm tín dụng của Việt Nam xuống một bậc thành B2. Đây là mức đánh giá thấp nhất mà Moody’s đã từng dành cho nước này. Đánh giá của Moody’s hiện nay thấp hơn Standard & Poor hai bậc BB- và dưới Fitch một bậc B-.
Các vụ bắt giữ gần đây đối với một số doanh nhân nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Đức Kiên – người sáng lập ngân hàng ACB, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam – về những cáo buộc phạm tội tài chính đã làm lung lay thêm nhiều vấn đề. Việc này đã tập trung tất cả sự chú ý vào sự quản lý yếu kém trong lãnh vực ngân hàng cũng như nợ quốc gia.
Với thể chế chính phủ độc tài không muốn thông báo các thông tin rõ ràng và kịp thời về các vụ bắt giữ cũng như những thông tin liên quan đến ngành ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam vẫn tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về triển vọng đối với nền kinh tế nước này.
“Các vấn đề chính là hàng loạt hoạt động cho vay không hiệu quả và tài sản thị trường bất động sản đang đóng băng, với rất nhiều công ty mang nợ nặng nề”, Jonathan Pincus – người đứng đầu chương trình giảng dạy kinh tế và chính sách cho các quan chức chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc Đại học Harvard – cho biết.
“Ưu tiên hàng đầu là phải đối phó với các khoản nợ xấu. Nền kinh tế cần phải giải nợ, và điều này có thể mất một thời gian dài hoặc chính phủ có thể giới thiệu các chính sách để giúp tăng tốc công việc. Họ đã nói về chuyện này nhưng chưa thấy thực hiện chúng”.
Bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo thì những thách thức đối với Việt Nam không phải là điều gì mới, và các giải pháp có thể rất khó để thực hiện.
Trong những năm nền kinh tế nước này bùng nổ trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, nhiều nhà đầu tư, nhà tài trợ và chính phủ đã bỏ qua các vấn đề như tham nhũng, các quy định yếu kém của nhà nước và sự thiếu đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt nhu y tế và giáo dục.
Khi tiền nước ngoài bắt đầu đổ vào, chính phủ đã mở rộng tín dụng rất nhanh chóng, với số tiền giá rẻ được phân bổ cho các công ty lớn thuộc nhà nước và các tập đoàn tư nhân chính trị thân hữu. Tín dụng ngân hàng như một tỷ lệ của GDP đã tăng từ khoảng 20% vào cuối những năm 1990 lên đến 136% vào cuối năm 2010, dẫn đến tình trạng Việt Nam trở thành một trong những quốc gia mang nợ nhiều nhất ở châu Á.
Phần lớn số tiền này đã được bơm vào các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và đầu cơ vào thị trường chứng khoán cũng như bất động sản chứ không phải là các doanh nghiệp thực sự sản xuất sinh lời. Nhưng khi Việt Nam bắt đầu nhanh chóng đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lạm phát và khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng thì việc sụp đổ là không thể tránh khỏi.
Hai tập đoàn nhà nước khổng lồ Vinashin – công ty đóng tàu, và Vinalines – công ty vận chuyển đường biển, là hai trong những công ty nổi bật nhất đã sụp đổ trong bối cảnh nợ nần hàng tỷ đô la và đầu tư lãng phí. Hơn một chục giám đốc điều hành từ cả hai công ty này đã bị buộc tội hoặc bị kết án về các tội kinh tế và phải đối mặt với các bản án dài hạn không khoan nhượng tại Việt Nam.
Hậu quả chính trị từ thất bại đó đối với mô hình hình tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam hầu như đã được bịt kín trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Cần sân chơi cạnh tranh công bằng

Một số kinh tế gia và nhà đầu tư nhìn thấy niềm hy vọng giữa cơn bĩ cực trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra, tranh cãi rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ đang chuẩn bị đối đầu với các vấn đề mà đất nước phải đối mặt.
“Chúng tôi rất lạc quan về quyết tâm của chính phủ trong việc làm sạch các khoản nợ xấu cũng như cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công”, Trinh Nguyễn, một kinh tế gia trong khu vực châu Á thuộc Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông cho biết. “Câu hỏi là liệu điều này sẽ sớm diễn ra như thế nào”.
Mặc dù chính phủ tập trung hỗ trợ khu vực kinh tế nhà nước, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã năng động hơn rất nhiều và chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài cũng như lĩnh vực sản xuất – hai lĩnh vực chính đã giúp giữ nền kinh tế phát triển.
Cạnh tranh xuất khẩu quần áo và hàng điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển bất chấp sự sụt giảm tại các nước phát triển khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng năm nay xuống còn 5,2% vì tình hình đã trở nên xấu đi.
Với lịch sử gần đây và mức phát triển của các nước láng giềng như Indonesia, nơi được dự báo sẽ có mức tăng trưởng ở khoảng 6% trong năm nay thì Việt Nam không có nhiều điều để tự hào.
Nhưng Việt Nam có thể sống với mức tăng trưởng thấp trong một vài năm tới nếu chính phủ nước này học được những bài học đúng từ khả năng phục hồi của khu vực sản xuất. Nếu nước này thúc đẩy một sân chơi công bằng có sự cạnh tranh và tăng năng suất trong thời gian trung hạn thì cả nước có thể tận dụng lợi thế tự nhiên của lực lượng lao động trẻ, giá rẻ, và vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và phần còn lại của Đông Nam Á.
“Chúng tôi nghĩ tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp trong hai năm tới”, Trinh Nguyễn nói. “Tuy nhiên, nếu Việt Nam thực hiện các cải cách như dự đoán thì nền kinh tế nước này có thể trở nên tốt hơn để cạnh tranh khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục”.
Bài báo có thêm các chi tiết được bổ sung bởi Nguyễn Phương Linh tại Hà Nội.
Nguồn: Emergin Markets
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"