Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Khi bộ Tài chính tính thu cả phí xe đạp điện…

Mạnh Quân
Dự thảo thông tư mới của bộ Tài chính “hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện” đang gây nên nhiều bức xúc trong dư luận.
Việc thu phí với ôtô thì dễ dàng được chấp nhận bởi đây là phương tiện chính gây hư hỏng mặt đường nên cần thu phí để bảo dưỡng. Tất nhiên, nó còn có những khúc mắc như thu theo kỳ kiểm định ô tô như dự thảo thông tư cũng không công bằng như có những doanh nghiệp kinh doanh vận tải có những lúc khó khăn: xe ngừng hoạt động vì hỏng hay thiếu hàng hóa…
Nhưng người dân thực sự ngạc nhiên khi dự thảo thông tư này quy định thu phí cả với xe máy và xe đạp điện. Đây là những phương tiện phổ thông, thiết yếu trong việc đi lại của người dân, cũng không phải là những phương tiện gây hư hỏng mặt đường nhiều mà bộ Tài chính cũng thu phí thì thực sự là điều bất hợp lý.

Tuy rằng, mức thu như dự thảo thông tư với xe máy và xe đạp điện là không cao 50.000 đ-100.000 đ/xe/năm nhưng ví dụ như xe đạp điện-một phương tiện đang cần phải được khuyến khích người dân sử dụng để giảm ô nhiễm môi trường mà tiếp tục thu cả phí với phương tiện này thì nó tạo ra sự bất nhất về chủ trương, chính sách của nhà nước, khiến người dân mất tin tưởng về sự nhất quán của chính sách về giao thông hiện nay.
Với mức thu trên, dù là thu thấp với phương tiện xe máy và xe đạp điện nhưng với số lượng lớn (theo số liệu của cục Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, riêng số xe gắn máy cả nước hiện có trên 30 triệu chiếc) thì số tiền hàng năm thu về từ khoản phí này không phải là nhỏ.
Theo như bộ Tài chính dự kiến, nếu các mức thu phí theo thông tư trên được thực hiện, mỗi năm ngân sách quốc gia sẽ có thêm vài ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh thu ngân sách bị giảm sút do kinh tế khó khăn, chi ngân sách vẫn tăng… thì việc bộ Tài chính sốt sắng tìm kiếm thêm nguồn thu là điều có thể dự đoán. Hơn nữa, việc thu phí đường bộ cũng được được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bằng một pháp lệnh và Chính phủ đã có nghị định quy định về khoản thu này thì việc triển khai thu phí đường bộ là đã có kế hoạch từ lâu.
Tuy nhiên, dù thu ngân sách đang khó khăn và tình hình đó còn kéo dài đến năm sau nhưng việc dồn dập triển khai thu phí, truy thu thuế …của bộ Tài chính vào thời điểm này rõ ràng không hợp lý. Tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã kêu gọi thay vì quá tập trung vào tăng thu, nên mạnh tay cắt giảm các khoản chi tiêu từ ngân sách nhất là các khoản chi mua sắm xe công, lễ hội…nhiều khoản khi vẫn còn có dấu hiệu lãng phí, thái quá. Người ta vẫn dự tính đầu tư, xây dựng những công trình trị giá trên 10 ngàn tỷ đồng như dự án Bảo tàng Lịch sử Hà Nội…trong khi hiệu quả sử dụng của chúng vẫn là một dấu hỏi, thậm chí có những căn cứ cho thấy, những công trình đó xây lên có thể chỉ để làm…cảnh. Thế thì, trong bối cảnh khó khăn như thế này, tại sao không dừng các công trình đó lại để giảm chi, để không phải dồn dập tìm kiếm các khoản nhằm tăng thu, vắt kiệt sức dân, doanh nghiệp.
Hơn nữa, với các khoản dự kiến thu như phí với xe máy, xe đạp điện như trên… việc thu phí không hề đơn giản vì theo chính một thành viên của ban soạn thảo dự thảo thông tư: chính sách này thực hiện chủ yếu dựa vào sự…tự giác. Hiện nay, đã có quá nhiều khoản phí và lệ phí, việc có thêm một khoản phí với cả xe đạp điện mà trông vào sự tự giác thì đây lại thêm một sự khó hiểu về tư duy của người làm chính sách.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"