Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Lựa Chọn

B.34 xây dựng giữa trung tâm Sài Gòn từ hồi còn là Tổng nha Cảnh sát Quốc gia nên không biết đã có bao nhiêu thế hệ tù nhân, từ cộng sản đến những tên tuổi cộm cán của chế độ hiện tại; Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến, Mai Văn Dâu, Huỳnh Ngọc Sĩ, Lê Quang Vinh… từng sống qua. Trại có tầng triệt và hai dãy lầu, nhìn từ đường Nguyễn Văn Cừ vào là một khu nhà xây chéo quét vôi trắng; người đi đường khó thể nhìn thấy bên trong nhưng ngược lại, người bị giam bên trong nhìn rất rõ mọi hoạt động qua lại bên ngoài. Tôi từng học 4 năm ở trường đại học đối diện bên kia đường, mà lúc mới vào nhìn sái qua thấy những chùm điệp vàng đang trổ hoa trong sân cũng không khỏi bất ngờ.
 
Vào B.34 được 2 tháng.
Một buổi trưa, người lính quản giáo nhìn qua ô cửa thông gió bảo:
- Chuẩn bị đồ để chuyển phòng!.
Tôi không mấy ngạc nhiên vì việc chuyển phòng trong này diễn ra hàng ngày, nên hỏi:
- Phòng nào vậy anh!?.
- Cứ dọn đồ rồi đi!.
Thì ra cũng không đâu xa, chỉ dời cách đó 3 phòng, đi vài bước là qua tới.
Từ số 5 sang phòng số 8. Lúc này anh Điếu Cày đang ở phòng số 1 đầu dãy.
Mỗi phòng ở khu biệt giam diện tích chỉ 1,8mx2,0m, người nào cao quá nằm là phải co lại, chân đá vào bồn cầu cũng thường tình.
Tôi nói to:
- Em chuyển qua phòng 8!.
Nghe trong buổi trưa yên lắng vài tiếng thở dài, cũng có tiếng đáp vọng lại:
- Yên tâm đi em, có tụi anh xung quanh!.
Tôi là phụ nữ duy nhất đang bị giam ở đây, bên cạnh có luật sư, linh mục, bác sĩ, sĩ quan công an, hacker, nhà báo, blogger… trong đó phần nhiều là những người được cho là “bất đồng chính kiến”. Anh Hải – phòng 13, người có thâm niên tạm giam lâu nhất dãy bỗng nói ngang:
- Phòng số 8 đặc biệt nhất khu này!.
Tôi chợt hoang mang hỏi:
- Đặc biệt là sao anh!?.
- Phòng đó Lê Công Định ở lúc vừa bị bắt. Em cứ từ từ rồi biết.
Cả dãy hành lang hun hút tiếng quạt gió, nghe như ru.
Phòng số 8 đã nhiều tháng liền không giam người nên mùi mốc và lạnh cứ xồng xộc vào mặt gây nên cảm giác ẩm ướt, nhờn nhạt  kinh khủng. Sau khi quét dọn, lau chùi, và rửa hồ nước, tôi nằm dài và nhắm mắt suy nghĩ. Không biết Lê Công Định lúc đó làm gì trong căn phòng giống chiếc hòm chật chội này; anh đi qua đi lại một cách bức bối hay là đập đầu vào tường như nhiều người mới bị bắt vào đây đã làm. Và tại sao mà người ta gọi là “phòng đặc biệt”. Nhìn xung quanh cũng chẳng thấy có gì khác lạ mấy so với phòng số 5 tôi vừa ở. Cánh cửa xộc xệch hơn chút, cái vòi nước có vẻ gỉ sét hơn. Cũng là bốn bức tường vôi trắng bệch, chiếc đèn néon sáng nhức nhối cả ngày lẫn đêm trên đỉnh đầu. Dọc các bức tường chữ viết chi chít: vài lời nhắn gửi lại bạn tù, hay những gạch vôi, hình vẽ nghệch ngoạch ghi nhớ ngày bị bắt, tới những câu thơ mang đầy tính giang hồ…tất cả nằm lẫn lộn, câu này chồng lên chữ kia; lâu lâu người ta lại quét một lớp vôi mới để xóa nhòa đi.
Nơi đây, âm khí u uất!
Trời về khuya, tiếng xe cộ ngoài đường bớt nhộn nhịp. Cả khu trại im ắng. Thỉnh thoảng tiếng thở dài vọng lại nghe não ruột, vài giọng hát lẻ loi cất lên buồn thê thiết. Cứ cách một tiếng, người quản giáo trực đêm lại lọ mọ khua chùm chìa khóa lẻng xẻng vào kiểm tra.
Lúc này tôi mới bắt đầu lờ mờ hiểu tại sao phòng số 8 đặc biệt: nó phát ra từ chiếc vòi nước bị gỉ và lờn; được bắt vào trong phòng từ cái hồ xi-măng chứa khoảng 2 khối nước đặt phía bên ngoài cánh cửa sắt khóa chặt. Những giọt nước lọt tọt nhễu xuống thềm bồn cầu. Ban đầu có vẻ bình thường, càng về khuya tiếng rơi tiếng giọt nghe càng to, tiếng to dần to dần gây váng vất, mất ngủ. Đêm càng sâu, càng dài thì tiếng giọt nước nghe như thể tiếng búa đang đóng đinh vào đầu. Ting…toong….ting…toong…nhịp đều đều từ canh này sang canh khác. Tôi thức cả đêm, loay hoay đủ cách để vặn chặt cái vòi bị lờn, nhưng đều bất lực. Qua hết đêm thì nước mắt sống chảy dàn dụa trên mặt, đầu óc ong ong, nhức buốt.
Tôi báo với người quản giáo đi mở cửa buổi sáng về cái vòi nước và xin thay cái khác. Người lính già nhìn tôi, ánh mắt ái ngại và chỉ “mmmm…” nhẹ. Nhưng rồi, đợi cả ngày không thấy ai vào. Buổi chiều lúc khóa cửa, tôi nhắc lại yêu cầu lần nữa, lần này giọng tôi khá to và gắt nên sau khi hai lính quản giáo đi ra thì anh Hải –  P.13 bảo: “Em đừng yêu cầu vô ích, họ không có thay đâu!”. Vậy là cả đêm tiếp theo tôi lại mất ngủ. Tới đêm thứ 3, thứ 4 thì tôi bắt đầu rơi vào trạng thái hoang tưởng và luôn mệt mỏi, bơ phờ bởi những cơn mộng mị, chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Lúc này tôi đang trải qua tháng thứ 3 của lệnh tạm giam, tức là những khó khăn và khủng hoảng tâm lý buổi ban đầu tạm ổn rồi, cũng đã quen dần vói cuộc sống thiếu tiện nghi, thiếu thông tin và thiếu cả dưỡng khí. Nhưng, Lê Công Định khi vào phòng số 5, là một người mới. Tôi bỗng ân hận vì từng có lúc suy nghĩ, anh này mưu việc lớn mà sao kém khí phách.
Trở về đời thường.
Nhiều người gặp hay hỏi câu: “Có bị đánh đập hay tra tấn gì lúc bị bắt không?”. Tôi đều nói rất chân thành là không hề có. Mà quả là như vậy! Tôi đi bác sĩ. Ông kê thuốc, tư vấn tâm lý và bảo: những người sau cơn san chấn thường có những hành vi vô thức, khả năng tự tử là rất cao. Nhiều đêm mất ngủ tôi lại nghe thấy những tiếng ting toong…ting tooong như đinh đóng đập vào đầu. Mọi thứ thật ra chưa bao giờ bị lãng quên! Mới đây, có đọc được rằng: “Mức án nặng nề luôn dành cho những ai ngoan cố, và rất khoan hồng cho những ai biết ăn năn hối cải. Như chúng ta đã từng thấy sự khôn ngoan của Lê Công Định và sự “dại dột” của Trần Huỳnh Duy Thức. Vì thế mức án dành cho Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần và Nguyễn Văn Hải sẽ phụ thuộc nhiều vào “khí phách” của họ trong phiên sử sơ thẩm và phúc thẩm.”. Tôi nghĩ, không ai có quyền ngồi bên ngoài phán xét về sự “khôn ngoan” hay “dại dột” của những người như Lê Công Định hay Phan Thanh Hải, Nguyễn Tiến Trung. Đó là sự chọn lựa, phải quyết định việc sống còn trong những hoàn cảnh thật đặc biệt. Mà điều này cần có sự trải nghiệm mới hiểu được!
Lại nhớ tới một câu của người xưa: Giữ được núi xanh còn, sợ gì không củi đốt!!
@ 23.10.2010 – 20.1.2011
Theo FB Cô Gái Đồ Long

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"