Phiên toà lịch sử xét xử Phan Bội Châu
Bùi Quang Minh
Phan Bội Châu thời trẻ
Ngày 30.6.1925, trên đường từ Hàng Châu về tới Quảng Châu sau khi viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái (nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du và là người đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin vào năm 1924 khi tên này trên đường quay về sau công du Nhật, ghé qua Quảng Châu), cụ Phan Bội Châu bị mật thám Pháp-Anh tại ga Bắc Trạm, đưa vào tô giới Thượng Hải, bị giải về Hương Cảng rồi về Hải Phòng, sau cùng bị giam tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội. Ðể tránh việc làm cho dư luận quá xôn xao về tin Phan Bội Châu bị bắt, thực dân Pháp gắn cho ông tên tù quốc phạm là Trần Văn Ðức.
Thực dân Pháp âm mưu bí mật thủ tiêu Phan Bội Châu, nhưng việc bị bại lộ, nên phải đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội.
Trước đó, cụ đã bị kết án tử hình vắng mặt năm 1913 (trong một phiên tòa xử 3 ngày), sau hai vụ thành viên Việt Nam quang phục hội ném bom ở Thái Bình và Hà nội Hôtel. (13/4/1913 - Phạm Văn Tráng liệng tạc đạn giết chết tuần phủ tỉnh lỵ Thái Bình; 26/4/2913 - Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Túy dùng tạc đạn giết chết hai trung tá Pháp và sáu tên khác bị thương tại Hà nội Hôtel).
Hay tin Phan Bội Châu có thể bị án tử hình, phong trào vận động ân xá cho ông nổi lên rầm rộ. Đơn cử vài hoạt động:
- Hội Thanh Niên Việt Nam in ra bốn ngàn lá đơn gửi đến các cơ quan chính phủ Pháp, các sứ thần liệt quốc ở Ba Lê, các tổ chức quốc tế yêu cầu can thiệp. Việt kiều ở Pháp họp đại hội bênh vực Phan Bội Châu, gởi điện tín kháng nghị hoặc yêu cầu tới những cơ quan có liên hệ đến vụ án Phan Bội Châu.
- Để tranh thủ dư luận người Pháp ở Đông Dương cũng như ở chính nước Pháp, Phạm Quỳnh đã cho đăng trên tờIndochine Républicaine bài lên tiếng công khai bênh vực Phan Bội Châu, yêu cầu khoan hồng cho nhà chí sĩ chỉ có “một tội” là “tội yêu nước như bất kỳ người Pháp nào yêu nước Pháp” (Chính Đạo: Hồ Chí Minh con người có huyền thoại, tập 2, 1925-1945, Văn hóa, Houston, Mỹ, trang 49, chú thích 8).
- Tháng 9/1925, trong dịp Varenne (Va-ren) sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền… Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” nhằm mục đích cổ động phong trào đòi trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu, vạch trần chủ trương bịp bợm, xảo trá của chủ nghĩa thực dân Pháp, làm cho người Pháp tiến bộ thấy rõ tinh thần yêu nước của dân Việt Nam.
- Một phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị rầm rộ khắp cả nước, mức độ chưa từng thấy ở Việt Nam đòi thả Phan Bội Châu.
Sáu tháng sau ngày bị bắt, 8 giờ 30 phút ngày 23/11/1925, Tòa Ðề hình nhóm xử dưới sự chủ tọa của viên giám đốc Brida, Ðốc lý Hà Nội là Dupuy và đại úy Bollie làm phụ thẩm, Boyer làm bồi thẩm và Arnoux Patrick làm lục sự. Hội đồng Đề hình cử luật sư Bona ở Hà Nội và luật sư Larre ở Hải Phòng biện hộ cho Phan Bội Châu. "Tội danh Hội đồng Đề hình Pháp buộc tội Phan Bội Châu là: trong 8 tội đó có 6 tội đáng phạt đi đầy, 1 tội đáng khổ sai chung thân và một tội đáng tử hình" là các tội bạo động, phá hoại chính phủ bảo hộ và phá rối trị an (theo Bùi Đình: Vụ án Phan Bội Châu, NXB Tiếng Việt, Hà Nội, 1950).
Từ sáng sớm dân chúng đã lũ lượt kéo đến tòa án để theo dõi vụ xử công khai. Tòa án đầy người từ ngoài sân đến trong phòng xử.
Sau khi viên biện lý đứng lên buộc tội cụ Phan và yêu cầu kết án tử hình, thì nhà nho Nguyễn Khắc Doanh - một người thân hình nhỏ bé, mặt gân guốc len ra khỏi đám đông, xông thẳng ra trước vành móng ngựa, ngay trước mặt quan tòa, đòi chịu tù thay nhà chí sĩ, làm náo động phiên tòa và nói một câu: "Xin được chết thay cho ông".
Trước những lời lẽ buộc tội gắt gao của Hội Ðồng Ðề Hình, Phan Bội Châu ung dung và chậm rãi đối đáp một cách rõ ràng khúc chiết. Ðể bênh vực cho hành động hợp lý và quang minh chính đại của mình.
“Nước Nam cũng là một nước xưa nay chịu ở dưới quyền chuyên chế, dân tình khổ cực đã lâu. Vua quan đối với dân xa cách nhau, ức chế nhau, lại tệ dân tình không có cách gì thượng đạt. Nhờ có chính phủ bảo hộ là một nước văn minh, nói rằng sang khai hóa cho, tôi đã chắc rằng dân Giao Chỉ mấy ngàn năm đã đến kỳ mở mày mở mặt.
Chẳng ngờ, chính phủ sang cai trị 20 năm mà chính sách không có điều gì thay đổi. Đến năm 1904 mà Trung, Bắc Kỳ chỉ có hai trường, trường Hà Nội và trường Huế, mà là trường chỉ dạy làm thông ngôn. Người du học không cho, lối thi cũ vẫn để, hình luật không chịu thi hành hình luật Pháp, quan tham, lại nhũng hối lộ công hành. Tôi là người Nam, tôi muốn đánh thức cho dân tộc Việt Nam. Tôi thấy thế sinh ra cái tư tưởng phản đối chính trị. Nếu mà tôi, trong tay có mấy trăm vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đủ, đạn nhiều, tàu chiến có, tàu bay có, thì có lẽ tôi hạ chiến thư, đường đường chính chính đánh lại với chính phủ thực.
Thế nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không có một đồng tiền, tay không có một tấc sắt, không thể lấy vũ lực mà phản đối được. Vậy tôi chỉ dụng văn hóa, nghĩa là trước thư lập ngôn để cổ động nhân dân, yêu cầu chính phủ cải lương chính trị. Chẳng ngờ chính phủ ngờ vực bắt bớ, tôi phải trốn ra ngoại quốc để hành động cho đoạt cái mục đích của tôi.
Tôi có chiêu tập các bạn đồng chí, gom tiền góp sức để phái người đi du học, và làm sách gửi về cho nhân dân. Việc làm của tôi chỉ là dụng cái lưỡi và ngòi viết, mục đích của tôi chỉ là cải lương chính trị, cử động của tôi rất là chính đại quang minh.
Nếu tôi là người có tội thì tôi chỉ có 4 tội như sau:
1. Chính phủ sang bảo hộ nước Nam, không có ai phản đối, mà mình tôi phản đối, muốn cho nước Nam độc lập.
2. Nước Nam xưa nay là chính thể chuyên chế mà tôi muốn cho nước Nam thành một dân quốc.
3. Nhà nước cấm không cho người đi du học ngoại quốc mà tôi trốn đi và rủ người đi ngoại quốc.
4. Tôi trước thư lập ngôn để cổ động dân Nam thức dậy, yêu cầu chính phủ cải lương chính trị, làm hết cái thiên chức khai hóa của mình. (Phan Bội Châu -Thân thế và thơ văn - của Thế Nguyên)
Tới đây tòa lại hỏi:
- Ông phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ hay là chính trị của nước Nam?
Cụ Phan đáp:
- Tôi phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, chứ nước Nam có nước đâu và có chính trị đâu mà tôi phản đối. Ấy, tội tôi chỉ có thế, chính phủ chiếu luật gia hình bắt tội thế nào tôi cũng chịu.
Phan Bội Châu khẳng định ông chỉ đấu tranh bằng vũ khí văn hóa, và văn hóa cũng chỉ đơn thuần là sách, những bài luận và thơ văn. Mục tiêu đấu tranh cũng chỉ là cải lương về phương diện chính trị thuộc chế độ thống trị của Pháp: “Tôi phản đối là phản đối chính trị mà thôi, còn về chủng tộc, về tôn giáo, tôi không hề phản đối. Ai ai cũng là con Thượng Đế, người Nam, người Pháp vẫn là anh em một nhà. Tôi muốn rằng người Pháp, người Nam dìu dắt nhau mà cùng mưu lợi chung, miễn là chính thể cải lương cho được công bằng, cho có nhân đạo” (Lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu)
“Tôi phản đối là phản đối chính thể mà thôi, sao lại gọi là phá hoại chính phủ Bảo hộ được!
Dân Việt Nam mất nước, như đàn con mất mẹ, chính phủ Bảo hộ tự nhận làm người mẹ nuôi ôm lấy mà trông nom dạy bảo cho. Tôi cũng là người trong nhà, trông thấy anh em mồ côi mồ cút cũng thương, lẽ đâu muốn cho anh em mất người mẹ nuôi ấy! Tôi cổ động là cổ động cho đồng bào biết hợp quần, biết ái quốc, biết yêu cầu cải lương chính trị, chớ có cổ động cho nhân dân làm loạn đâu?... Vả, nếu là kẻ có ý muốn làm loạn, thì tôi cứ ở ngay trong nước theo với Đề Thám cũng có thể làm được, có cần gì phải bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà, bỏ nước mà trốn đi ngoại quốc làm gì? Năm 1913, tôi nghe tin buộc tôi vào tội tử hình thì tôi vẫn đi lại ở Thượng Hải, có sợ gì đâu, vì tôi tự biết là vô tội” (Lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu).
Để phản bác sự buộc tội của Pháp, chúng cho rằng Phan Bội Châu đã “phản đối” chúng vì động cơ chức quyền phú quý: “… cuốn “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” là tôi làm từ trước, có đưa cho ông Phan Chu Trinh và cụ thượng Cao Xuân Dục xem, như vậy có phải là vì bất đắc chí với khoa cử rồi muốn tiếng ái quốc để cầu lợi lộc gì đâu?”.
“Nước Nam mà không thành được dân quốc, tôi nhận cái danh tổng thống thời quý hóa gì, ví như một nhà, ông Cường Để là người chủ mà tôi chỉ là người giúp việc; việc chưa nên cơ ngũ gì, tôi viết báo, làm sách lấy tiền nuôi thân và nuôi các đồng chí; trong các sách đó, cũng có cuốn tôi viết, cũng có cuốn người khác mượn tên tôi mà viết. Trong các sách tự tay tôi viết, có chỗ ví người Pháp như thần thánh, ví dân Nam như gà như lợn. Tôi khuyên người Nam nên cố học cho bằng người Pháp để yêu cầu quyền độc lập, chớ tôi có xui ai làm việc bạo động bao giờ! Những kẻ bạo động chắc là không ai đọc sách tôi, không đọc sách tôi nên mới lấy gà lợn mà chống lại thần thánh. Vả chăng những việc ấy là việc vô nhân đạo, nước Nam mà độc lập, tôi mà có quyền thế, quyết nhiên cũng không dung túng những kẻ làm việc bạo động như vậy, vì làm thế là làm hại cho người Nam” (Lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu).
Quan tòa thực dân Pháp lại buộc tội và hạ bệ Phan Bội Châu: “Ông Phan Chu Trinh là bạn của ông, cũng là người phản đối chính trị, song cách của ông Trinh là cách hòa bình, không như cách của ông là cách kịch liệt. Bao nhiêu sách viết ra truyền bá cái tư tưởng cừu thị người Pháp, bao nhiêu lần chủ trương việc bạo động, đó là cái tang chứng rõ ràng. Vì ông mà bao nhiêu người sa lạc vào con đường tội lỗi. Khi đem ra các tòa án xét mỗi một việc này, hỏi mỗi người một lúc, thế mà chúng khẩu đồng từ, đều nói tại ông xúi giục chủ trương. Bao nhiêu công việc họ làm đều là tội ở ông cả. Những người ấy vì ông sai khiến quyến rũ mà đến nỗi thế. Thế mà hỏi thì ông chối. Nhiều việc khác trong khi dự thẩm, khi thì ông đổ lỗi cho ông Nguyễn Thượng Hiền, khi thì ông đổ lỗi cho Cường Để. Xem đấy đủ biết cái cách chống chế của ông không khéo, không có can đảm, không phải là người anh hùng…” (Lời của quan tòa người Pháp)
Quan tòa thực dân Pháp cho rằng Phan Bội Châu không phải là một anh hùng khi ông ngụy biện, chối tội –, Phan Bội Châu đã thú nhận về “chiêu bài phù Nguyễn”, cụ thể là phù Cường Để của mình:
“Tôi phản đối chính trị cố nhiên là phải cần có người, cần có của, và phải lợi dụng ông Cường Để, cho người trong nước, đã in sâu cái óc quân chủ, vui lòng giúp rập. Điều đó tôi không chối.
Đến như hội “Duy Tân” thì là một học hội. Tôi có chiêu tập hàng thiếu niên anh tuấn trong nước ra ngoài cầu học. ÔngCường Để làm hiệu trưởng mà tôi thì làm giám đốc. Một hội như thế, có việc gì đáng tội đâu. Chẳng may chính phủ Nhật Bản cấm cách, chúng tôi phải trở về Tàu. Cái hội “Việt Nam Quang Phục” là người Tàu thương chúng tôi mà dung cho, trong đó có cả người Tàu, song nói rằng có ông Nguyễn Thượng Hiền thì thật là oan cho ông ấy quá. Điều đó tôi không chịu. Bấy giờ ông Nguyễn Thượng Hiền ở Sơn Tây chớ có ở Quảng Đông đâu! Vả chăng mục đích hội cũng chỉ là cầu học. Tôi định cổ động cho trong nước có nhiều người du học; khi có nhiều tay trí thức, bấy giờ mới yêu cầu chính phủ Bảo hộ trả lại quyền tự trị, lập thành một nước dân quốc. Trước sau tôi vẫn chủ trương dùng văn hóa mà phản đối chính trị, văn hóa không xong thì tôi mới dùng đến võ lực. Chính trị còn một ngày bất lương, tôi còn một ngày phản đối. Chính trị mà có một ngày cải lương thì lập tức tôi đình chỉ sự phản đối ấy ngay” (Lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu)
Trong những đoạn tranh luận khá đanh thép với quan tòa thực dân Pháp, Phan Bội Châu vẫn tiếp tục khẳng định “chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” của mình:
“Cái tên Phạm Văn Tráng về đây tôi mới biết. Trong hội “Việt Nam Quang Phục” không có tên người ấy. Một người không quen biết bao giờ khi nào lại có thể lấy cái quan tước, cái phú quý mười phần chưa chắc chắn phần nào mà dụ người ta làm những việc như việc ném bom, là sự mười phần chắc chết cả mười được. Họ đổ cho tôi là chủ sự, chẳng qua là họ nghe tiếng tôi ra nước ngoài viết báo làm sách, ai ai cũng biết, và nếu những người ấy có quả thật là người trong đảng tôi nữa, thì đầu đảng tôi là ông Cường Để, chủ sự tất tự ông Cường Để chớ sao lại tự tôi? Còn những việc mà tôi nói tự ông Cường Để, tự ôngNguyễn Thượng Hiền là sự thật.
Tôi chối làm gì?
Ngay từ lúc tôi làm việc phản đối chính trị, tôi đã cầm chắc hai phần: một là nước Nam được độc lập, hai là tôi phải mất đầu. Về đây, chắc chết rồi, đổ tội cho ai nữa mà mong cho nhẹ tội? Hội đảng chúng tôi dựng lên là cần có tiền, cần có người, song nhờ có ông Cường Để có thế lực với dân trong Nam, ông Thuật, ông Nguyễn Thượng Hiền có thế lực với dân ngoài Bắc, có các ông ấy thì mới có đủ thu được nhân vọng Nam, Bắc; còn tôi, tôi chỉ có thế lực ở tỉnh Nghệ, cùng mấy tỉnh Trung Kỳ mà thôi. Sự đó là sự thật, không phải tôi chối. Chúng tôi dắt nhau ra ngoài, trước hết là cần phải tìm cách để nuôi được nhau đã, vì thế nên có nhờ người Tàu giúp tiền của thật […].
Những tội lỗi của những kẻ bạo động kia mà cho là tội lỗi của tôi cả, điều đó chi phải một nửa, nghĩa là chỉ phải về một phương diện mà thôi. […] chớ về phương diện pháp luật thì khi nào tội người em lại có thể là tội người anh, tội người con có thể là tội người bố được. […] Tôi phản đối chính trị, nhưng chỉ dùng cách hòa bình, chớ không dùng cách kịch liệt. Thân tôi thì chẳng qua như con muỗi, mà nhà nước thì binh lực như trời như biển, tôi chống sao cho lại mà tính chuyện bạo động? Đến nay hơn 20 năm trời, chiếc thân cơ khổ, một việc không nên, như thế tôi sao có thể là kẻ anh hùng cứu quốc được. Nước Nam mà ra nước Nam, thời có hàng ngàn người hơn tôi đứng ra lo toan việc nước, chớ như tôi, sao có đáng là bậc anh hùng. Tôi tuy là kẻ không anh hùng, song tôi thật không phải là kẻ tiểu nhân, chỉ tham đồ phú quý…” (Lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu)
Sau cụ Phan, hai luật sư Larre va Bona, Luật sư do Pháp chỉ định làm nhiệm vụ bênh vực bị cáo, đã thay nhau cãi, chống đỡ cho cụ Phan.
Sau đây là lời bào chữa của luật sư Bona, người Pháp, về động cơ hoạt động của Phan Bội Châu: "Cụ đem cái ý tưởng ấy bàn với các đại thần, thì bọn này lại dọa nạt cụ bằng câu xử tử. Cái máu nóng gặp phải những phản đối như vậy lại càng như sôi như đốt…” (lời bào chữa của trạng sư Bona)
Bona bào chữa tiếp cho bị cáo Phan Bội Châu: “Cụ có dự định dùng võ lực thật, nhưng chỉ dùng trong trường hợp vận dụng văn hóa không thành công mà thôi. Vả lại võ lực có chính đáng thì cụ mới làm, nghĩa là luyện tập lấy lục quân, hải quân, đại bác, phi cơ, khi nào đầy đủ mới đường đường chính chính đem quân ra khai chiến.
Nhưng đó là tư tưởng cụ về trước. Còn gần đây thời cụ là người thế nào? Ngay khi vẫn còn tự do, tự chủ, được tha hồ vùng vẫy nơi hải ngoại, cụ cũng đã soạn ra hai bộ sách mới. Cuốn thứ nhất là “Dư cửu niên lai, sở trì chi chủ nghiã”, trong đó cụ khuyên đồng bào nên từ bỏ hẳn lối bạo động, lối võ lực, theo gương Arabie và Phi Luật Tân, có tiến lên bằng văn hóa thì người Pháp phải cho tự trị. Cuốn thứ hai là “Pháp - Việt đề huề luận”, trong đó cụ khuyên người Nam nên đồng lao cộng tác với người Pháp.
Trong cuốn sách này cụ có đoán rồi sau này thế nào cũng có một cuộc Pháp – Nhật chiến tranh, và khi đó người Việt Nam phải thế nào? Cụ khuyên đồng bào nên đi đôi với Pháp mà chống lại Nhật, không phải về võ bị Nhật có kém gì người Pháp, nhưng cụ viện ra bốn lẽ sau đây…”. […]
Bởi vậy cụ Phan khuyên người Việt nam phải đồng tâm với Pháp vì họ đãi mình được công bằng nhân đạo hơn. […]
Như thế chẳng phải là một bằng chứng xác thực là cụ đã biến cải cái ý tưởng trước kia của cụ đấy hay sao? […]
Như vậy thời lúc này chẳng phải là lúc nên đem cái ý kiến Pháp - Việt đề huề của cụ Phan đã khuyên người đồng bang ra mà thực hành hay sao?"
Bona còn nói thẳng, việc tha bổng cho Phan Bội Châu là một “hành động chính trị khôn khéo”: “Thưa các Ngài, các Ngài nên dung thứ cho cụ Phan Bội Châu, vì như vậy, chẳng những các Ngài đã làm được một hành động quảng đại đối với lương tâm, mà các Ngài còn làm được một hành động chính trị khôn khéo nữa, và do đó, người Pháp chúng ta, ai là kẻ thức giả cũng phải đem lòng mến phục các Ngài” (lời bào chữa của trạng sư Bona)
Luật sư Bona (người Pháp) cũng đã xưng tụng cụ như sau: “Cụ Phan là người quả không hổ là kẻ ái quốc chân chính. Dù tôi là người Pháp, đối với cụ Phan tôi cũng phải ngưỡng mộ. Tôi ngưỡng mộ là ngưỡng mộ cái thân thế quang minh, cái tinh thần cao thượng, cái nghị lực bất di, bất khuất đã chứng tỏ ra trong việc làm của cụ”.
Phiên tòa xử đã kéo dài từ 8 giờ 25 sáng đến 8 giờ tối, tòa mới nghe xong lời bị cáo và lời biện hộ của luật sư.
Cuối cùng, sau một ngày xét xử, Hội Đồng Đề Hình vào trong nghị án. Do lo sợ hậu quả của vụ án nếu xét xử tử hình nên Hội đồng ra tuyên án: Khổ sai chung thân. (Nguyễn Quang Tô: Sào Nam Phan Bội Châu con người và thi văn, tủ sách Văn học, bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên, Sài Gòn 1974).
Trước bản án khổ sai chung thân của cụ Phan, một phong trào đòi ân xá cụ Phan đã bộc phát khắp nơi. Xin ghi tóm tắt một số cá nhân và đoàn thể:
1. Điện văn của luật sư Bona và Larre cùng ông Clement, chủ nhiệm báo Argus Indochinois gửi toàn quyền Varenne. Phần đầu điện văn viết: ‘Với tư cách ký giả báo chí, tôi đã theo dõi các diễn tiến phiên tòa đặc biệt xử án nhà ái quốc Phan Bội Châu ... Rất xúc động trước phán quyết của tòa án. Phần lớn người Pháp và An Nam hiện diện tại phiên tòa cũng xúc động như tôi. Hầu nâng cao thời đại của ngài và dư luận được trấn tĩnh, dám xin ngài gia ân cho nạn nhân của chế độ thuộc địa này’.
2. Ban Trị Sự hội Trung Kỳ Tương Tế ở Hà Nội gửi điện văn xin ân xá cụ Phan và toàn quyền Varenne đã trả lời, đại ý là sẽ xét lại hồ sơ vụ án và sẽ thi hành một chế độ khoan hồng.
3. Nữ giáo viên và nữ sinh Đồng Khánh Huế đã gửi điện văn cho toàn quyền Varenne với nội dung: ‘Chúng tôi, tất cả nữ giáo viên và nữ sinh trường Đồng Khánh, xin ngài vì lòng khoan dung, ân xá cho nhà ái quốc Phan Bội Châu’.
4. Điện văn của sinh viên trường Cao Đẳng Hà Nội: ‘Chúng tôi, sinh viên Trường Cao Đẳng Đông Dương, bị kích thích mạnh mẽ vì cách buộc tội nhà đại ái quốc và duy tân Phan Bội Châu, dám xin ngài rộng lòng ân xá cho cụ. Thi hành một việc khoan dung như vậy, ngài sẽ chứng tỏ được lòng trung thành với lý tưởng và thiên chức khai hóa nhân đạo của nước Pháp. Nhân dân An Nam sẽ không bao giờ quên ơn ngài’.
5. Hội Việt Nam Thanh Niên tại Hà Nội đã gửi truyền đơn tới nhiều cơ quan quốc tế yêu cầu lên tiếng đòi ân xá cụ Phan. Trong đó có thể kể:
- Hội Vạn Quốc
- Tòa Án Quốc Tế ở La Haye.
- Nghị Viện Pháp.
- Giám Quốc Pháp.
- Bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp.
- Toàn Quyền Đông Pháp.
- Sứ Thần Trung Hoa.
- Sứ Thần các nước tại Paris.
6. Trong phong trào đòi ân xá cụ Phan, tại Hà nội đã có 2 vụ đạo đạt thỉnh nguyện thư đặc biệt nhân dịp toàn quyền Varenne từ Sài Gòn ra Hà Nội:
- Khi xe Varenne tới cuối phố Hàng Đường, một nhóm hàng trăm phụ nữ, người đứng đầu là một bà cụ 70 tuổi, tóc bạc phơ, đã qùy nghiêm chỉnh ở giữa đường, đưa bức thư xin ân xá cụ Phan.
- Ở một địa điểm gần nhà ga, trên đường tới phủ Toàn Quyền, có hơn 200 học sinh, chia làm 3 nhóm, đứng ở 3 chỗ, đón đường Varenne. Mỗi toán cầm một lá cờ, trên nền cờ viết 3 dòng chữ:
* Chúc nhà xã hội Varenne trường thọ.(Chữ đỏ, biểu hiệu cho đảng xã hội).
* Xin xá thứ cho cụ Phan Bội Châu. (Chữ đen, màu tang chế, nói lên nỗi đau của thiếu niên Việt Nam trước cái án của cụ Phan).
* Chấm dứt chủ nghĩa thuộc địa áp chế.(Chữ đỏ, nói lên tinh thần tranh đấu).
Khi Varenne đi qua, các toán học sinh đã nâng cao lá cờ và hô lớn các khẩu hiệu đó.
Trước sự công phẫn của nhân dân, ngày 24/12/1925, một tháng một ngày sau hôm xử án tại Hà Nội kết án khổ sai chung thân, Toàn quyền Varenne – Đảng viên Đảng Xã hội Pháp, sau khi điện về Pháp đề nghị, đã ký quyết định “ân xá” cho nhà chí sĩ yêu nước. Sau khi được ân xá, Toàn quyền Varenne đưa Phan Bội Châu về an trí ở miền sông Hương núi Ngự (Huế) gọi là đi dưỡng già nhưng kỳ thật là giam lỏng ông, kiềm chế và theo dõi mọi hoạt động.
Ông dựng một túp lều ở bến Ngự và sống ở đấy suốt 15 năm cuối đời. Nơi đây biến thành nơi tập trung của thanh thiếu niên và học sinh Huế, tới để yết kiến, chiêm ngưỡng vị anh hùng dân tộc. Nơi đây cũng thường lui tới một số công chức còn nặng tình dân tộc, sùng bái các vị anh hùng, vĩ nhân đã hiến trọn cuộc đời cho đất nước (theo Nguyễn Quang Tô, sách đã dẫn).
Để giao lưu tâm tình với bạn hữu và những người đồng chí hướng, Phan Bội Châu mở ra Mộng Du thi xã, kêu gọi mọi người gửi thơ văn đến xướng họa. Lời kêu gọi của nhà yêu nước được hưởng ứng sôi nổi. Thơ từ các nơi gửi về cho Mộng Du thi xã rất nhiều.
Mặc dù sống tiếp cuộc đời "cá chậu chim lồng" nhưng cụ vẫn tự làm thơ văn để nói nỗi khổ nhục của người dân mất nước, trách nhiệm của người dân đối với nước... Đó là các tác phẩm: Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, Bài thuốc chữa bệnh dân nghèo, Cao đẳng quốc dân, Luân lý vấn đáp, Lời hỏi thanh niên... Phan Bội Châu niên biểu, Lịch sử Việt Nam diễn ca. Đó còn là các công trình biên khảo hết sức đồ sộ như Khổng học đăng, Phật học đăng, Xã hội chủ nghĩa, Chu dịch, Nhân sinh triết học, cùng với trên 800 bài thơ Nôm các loại, mấy chục bài phú, văn tế, tạp văn khác.
Trong những ngày đầu, có tư liệu cho rằng Pháp gửi Phan Bội Châu vào tạm sống tại nhà một người đồng chí cũ của ông, từ khá lâu y đã về đầu thú và nhận chức sắc của Pháp. Đó là Nguyễn Bá Trác, người mà theo tương truyền, là tác giả của bài thơ “Hồ trường” bi tráng nổi tiếng. Thậm chí, hơn thế nữa, Phan Bội Châu còn đóng phim, một loại phim có lẽ để tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề!
Tuy vậy, bốn năm sau (1929), khi đã ổn định tinh thần, Phan Bội Châu lại viết hồi kí. Đó là công việc ông đã từng làm, và bỏ dở nửa chừng. Cuốn sách bị bỏ dở ấy có tên là “Ngục trung thư”. Nay, trong túp nhà ở Bến Ngự (Huế), Phan Bội Châu lại viết tiếp, đồng thời chỉnh sửa lại những trang đã viết. Đó là cuốn “Tự phán” (tự xét định về mình) hay “Phan Bội Châu niên biểu”.
Phan Bội Châu mất ngày 29.10.1940, thọ 74 tuổi. Mai táng ngay trong chiều hôm sau tại phía trước ngôi nhà cụ ở Bến Ngự - Huế, theo đúng di chúc của Cụ. Trước giờ lâm chung, ông đã cố gắng đọc lên một bài khẩu chiến có những lời lẽ thống thiết như sau :
Nay đang lúc tử thần chờ trước cửa
Có vài lời ghi nhớ về sau
Chúc phường hậu tử tiến mau.
Có vài lời ghi nhớ về sau
Chúc phường hậu tử tiến mau.
Phan Bội Châu để lại Bản di chúc có tên gọi là “Mấy lời vĩnh quyết” với những lời ngẫm ngợi với hậu thế:
“Phan Bội Châu, một tên dân Việt Nam, trước lúc gần chết mà chưa tắt hơi, kính có mấy lời thành thực từ biệt cùng anh em đồng bào.
Trước kia không kể, kể từ năm 1906… khiến cho người nước kẻ ở người đi, kẻ còn người mất và bị lụy rất nhiều, toàn là tội ác về tay tôi gây nên. Mà may quá! Từ 1925 tôi mang cái sống thừa về nước đến giờ, anh em đồng bào đã không ai trách tội tôi mà lại quá thương yêu tôi, tôi thực là hổ thẹn với đồng bào ta và cảm ơn vô cùng. Trải mười lăm năm nay, nằm co trong túp lều ở Bến Ngự cùng chiếc đò trên sông Hương, đoạn đời sống thừa của tôi, không việc gì đáng nói và đồng bào đã rõ thừa. Bây giờ tôi đã đến lúc lâm biệt, xin có lời từ biệt.
Bội Châu từ xưa tới nay, đối với đồng bào đã không chút gì là công, mà lại tội ác quá nặng. Bây giờ tôi chết, thiệt là một tên dân trốn nợ và vỗ nợ, đồng bào có thứ lượng cho tôi thì xác tôi tuy chết mà tinh thần tôi vẫn cảm ơn đồng bào luôn luôn.
“Người đến khi gần chết, lời nói hẳn lành”. Nay tôi đã đến lúc “gần chết” đó, xin có mấy lời gan phổi tỏ lời hy vọng cuối cùng với đồng bào:
Đồng bào Việt Nam ta có trên hai mươi triệu, bấy nhiêu đầu óc, bấy nhiêu tai mắt, bấy nhiêu chân tay, nếu không biết thân yêu nhau, đồng lòng hợp sức làm cái bổn phận quốc dân đối với Tổ quốc… Không thế, trên mặt địa cầu sau này sẽ không có hình bóng dân tộc Việt Nam nữa, thì Bội Châu này dầu có trốn nợ, vỗ nợ cũng may mà được chết trước anh em, tôi lấy làm một điều hạnh phúc.
Mấy lời trên, tôi xin từ biệt mà cảm ơn đồng bào…
Kính,
Phan Bội Châu quyết biệt”
____________________
Cường Để và Phan Bội Châu
Cường Để (1882-1951) là cháu trực hệ của hoàng tử Cảnh, tức là cháu đích tôn 6 đời của vua Gia Long. Vì dòng dõi hoàng thân nhà Nguyễn, nên nhiều nhà ái quốc như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đã có kế hoạch liên lạc với gia đình ông để lập lại ngôi vua, thay vua Khải Định vì vị vua này hợp tác với thực dân Pháp. Năm 1906 Phan Bội Châu cùng ông trốn sang Nhật cổ động phong trào Đông Du. Ông có tư tưởng quân chủ lập hiến và nhận làm người lãnh đạo Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội.
BQM tổng hợp-VHNA