Gwen Robinson ở Bangkok, Financial Times
Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Thủ tướng Việt Nam đã lên tiếng xin lỗi nhân dân vào hôm thứ Hai về cách điều hành kinh tế yếu kém của ông, sau khi làn sóng tự phê bình trong Đảng Cộng sản cầm quyền lan rộng với nhiều vụ bê bối cùng các bắt giữ những doanh nhân nổi tiếng trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội rằng chính phủ của ông đã phạm các sai lầm trong chính sách kinh tế dẫn đến những tổn thất nặng nề ở các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là Vinashin. Ông cũng thừa nhận về sự thiếu khả năng điều hành đối với hệ thống kinh tế.
Trong bài phát biểu, ông hạ thấp mục tiêu tăng trường của chính phủ trong 2012 từ 5,7% xuống còn 5,2%. Mức tăng trưởng 5,2% cũng tương tự với dự báo của Ngân hàng Thế giới, đồng thời đây cũng là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1999 và giảm xuống từ mức 5,9% so với cuối năm ngoái.
“Tôi nhận trách nhiệm chính trị và lỗi lầm của tôi”, ông nói. “Chúng tôi đã học được bài học thấm thía”, ông nói trước Quốc hội, bao gồm cả các đại sứ nước ngoài đến tham dự phiên khai mạc ngày hôm qua.
“Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines”, ông Dũng nói.
Vinashin, được biết đến với tên chính thức là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, đã không trả được số nợ 600 triệu USD vay của nước ngoài vào cuối năm 2010 sau khi tập đoàn này tích lũy tổng số nợ lên đến 4,4 tỷ USD. Sự sụp đổ tiếp theo của Vinashin đã thu hút sự chú ý về cách điều hành cũng như sự thiếu giám sát của chính phủ trung ương tại nhiều doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm nay 62 tuổi, đã gián tiếp và nghiêm khắc bị chỉ trích hồi tuần trước trong một cuộc họp của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong một bài tuyên bố, Đảng Cộng sản gọi vụ bê bối đã làm lung lay sự lãnh đạo đất nước của đảng và dẫn đến nhiều phản đối trên các trang mạng truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra và xử lý các trang mạng có nội dung chỉ trích trên internet mà ông gọi là “thông tin tiêu cực” về những vấn đề của đất nước, cảnh báo rằng những người “tận dụng internet để phá hoại đất nước” sẽ bị trừng phạt.
Ông nhấn mạnh lời hứa trước Quốc hội đối với việc cải thiện nền kinh tế, và nói rằng chính phủ sẽ thiết lập một công ty để đối phó với nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như trình bày các báo cáo về các mục tiêu kinh tế cho năm 2013 để Quốc hội phê chuẩn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đang hướng tới chỉ số tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5%, lạm phát 8% và gia tăng xuất khẩu lên 10%. Ông cũng hy vọng sẽ giới hạn thâm hụt ngân sách ở mức 4,8% trong tổng sản phẩm quốc nội.
Các con số tăng trưởng này xem ra vẫn lạc quan nhưng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,4% hàng năm của Việt Nam trong một thập kỷ qua, và nếu so với năm 2007 ở mức 8,5% thì đây là mức thấp thấp kỷ lục.
Ở mặt khác, ông dự đoán doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 18% trong khi sản xuất công nghiệp có thể tăng 5.3% trong năm nay.
Mục tiêu lạm phát cho năm 2013 được sửa đổi thành 8%, trong khi đó, chỉ số này thấp hơn với mục tiêu được dự báo trước đây là 9%. Điểm này có thể nêu bật những nỗ lực gần đây của Việt Nam trong việc kiềm chế giá cả tăng cao sau khi lạm phát vượt lên 18,13% hồi năm ngoái.
“Đây là những mục tiêu rất khó khăn, đòi hỏi chính phủ phải có những nỗ lực lớn để thực hiện. . . và chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Quốc hội và nhân dân để đạt được chúng”, ông Dũng kết luận.
Các dự báo kinh tế yếu kém sẽ làm nhiều nhà đầu tư lo ngại vì kết hợp với những tiết lộ gần đây về mức độ của nợ xấu đang đè ngành ngân hàng Việt Nam thì con số này trong thực tế lớn hơn với các báo cáo trước đó rất nhiều. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm đáng kể kể từ khi an ninh bị bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên hồi tháng Tám, một doanh nhân nổi tiếng và là người đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại châu Á – một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, Sriyan Pietersz thuộc JPMorgan tại Bangkok nói rằng, trong khi niềm tin của các nhà đầu tư rất mong manh thì “các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong năm qua, và điều này chứng tỏ [Việt Nam] không có sự hiện diện của một thị trường lớn”.
“Tình hình nợ xấu đã tồn tại trong một thời gian dài và được nhiều nhà đầu tư biết đến, gần đây nhất là vụ hạ cấp xếp hạng tín nhiệm của Moody’s”, ông nói thêm.
“Với dấu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô gần đây, và việc cắt giảm lãi suất trong năm nay xuống còn 5% cộng với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2013 thì tình hình cũng chưa hẵn là quá khó khăn”, ông Pietersz nói. “Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trong những tháng tới để đạt được mức tăng trưởng như vậy, đó là một điều đáng theo dõi. Trong thời gian này, chúng tôi nâng dự báo GDP trong năm 2012 từ 5% lên 5,2%”.
Tăng trưởng tín dụng từ tháng Tám cho đến nay chỉ tăng 1,4%, ông nói thêm.
Báo viết được bổ sung bởi Ben Bland
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012