Trọng Thành
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam
Phiên tòa xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình vừa kết thúc
sáng hôm nay 30/10/2012. Giống như nhiều người bày tỏ thái độ chống
Trung Quốc xâm lược một cách quyết liệt trong thời gian gần đây, tòa án
Việt Nam lại dành cho hai nhạc sĩ nhiều năm tù với tội danh « tuyên
truyền chống Nhà nước ».
Bình luận về vụ án Việt Khang trong bối cảnh xẩy ra nhiều vụ bắt bớ
và kết án tù những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, từ TP Hồ Chí
Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cho biết ý kiến.
RFI: Xin kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Phiên
tòa xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình vừa kết thúc. Xin
luật gia cho biết nhận định của ông về phiên tòa này.
Ông Lê Hiếu Đằng: Phiên tòa sáng nay xét xử nhạc sĩ
Việt Khang và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình thì cũng như tất cả các phiên tòa
khác, như phiên tòa xử anh Cù Huy Hà Vũ, hay mới đây xử 3 blogger
(Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải). Nói là phiên tòa công
khai nhưng không khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối
phó với những người đi tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh
bạch, tại sao không cho dân người ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân
tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người thân được tham dự. Nhưng gần
đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví dụ sáng nay chẳng hạn,
những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại không được
dự. Tôi nghĩ là điều đó là không có dân chủ. Nhất là đối với lực lượng
báo chí thì chúng ta cứ cho tham gia, kể cả báo chí nước ngoài nói
chung.
Nếu nhà nước thấy rằng việc làm của mình đúng đắn, tự tin, thì mình
làm công khai minh bạch, cho nhiều người tham gia càng tốt, thì cái việc
làm mình nó sáng tỏ. Còn nếu thấy việc làm chưa đủ tự tin, hay là như
thế nào đó, mà lại úp úp mở mở, và dàn hết lực lượng cảnh sát công an ra
để ngăn chặn, thì tôi cho là cái này rất là « thất chính trị ». Anh có
thể thắng, theo nghĩa nào đó, là xử tù người ta. Nhưng cái mất của anh
rất lớn, là mất lòng tin của dân, và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước
Việt Nam. Nhất là trong thời buổi này, vấn đề nhân quyền, vấn đề bảo vệ
các quyền tự do dân chủ của công dân tất cả các nước đang là một vấn đề
mà người ta đều rất quan tâm với xu thế tiến bộ hiện nay.
RFI: Vừa rồi, như ông biết, tại Việt Nam diễn ra
một loạt các vụ xét xử hay bắt bớ, với nhiều án tù với tội danh chống
Nhà nước. Phải chăng có một chủ trương trấn áp thực sự, một làn sóng
trấn áp của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi cho rằng, đứng trước đòi hỏi
chính đáng của người dân, trước phong trào đấu tranh vì dân chủ, vì tiến
bộ xã hội, đấu tranh để thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân
đã được quy định trong Hiến pháp, thì thay vì đáp ứng lại các đòi hỏi
chính đáng ấy, cũng như các đòi hỏi về ruộng đất của nông dân, thì chính
quyền lại dùng các biện pháp trấn áp. Bắt bớ, đàn áp, đạp vào mặt người
biểu tình, bắt người dân, hay đàn áp các cuộc đấu tranh của nông dân
Văn Giang, Hải Phòng, Nam Định… hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Thế thì cái này đem đến một hậu quả như thế nào, thì chúng ta đã biết
rõ. Đó là làm cho lòng dân ngày thêm bất bình, chứ nó không đi đến đâu
cả. Mặc dầu anh dùng những bản án nặng nề đối với Cù Huy Hà Vũ, đối với 3
blogger vừa rồi, rồi đối với một số người đấu tranh khác, và sáng nay
là Việt Khang. Có tin là 4 năm tù, có tin là 5 năm tù. Còn anh Anh Bình
thì 6 năm tù gì đó.
Tôi thấy những cái bản án đó rất nặng nề so với những gì các anh, các
chị ấy đã làm. Có lẽ người ta muốn dùng các biện pháp phát xít để mà
làm cho người dân, để làm cho giới trí thức, giới văn nghệ sĩ phải sợ,
không hưởng ứng phong trào đấu tranh vì dân chủ, vì tiến bộ xã hội, đấu
tranh chống lại cường quyền hiện nay trên đất nước Việt Nam.
Nhưng tôi nghĩ, dân tộc Việt Nam có truyền thống, anh càng trấn áp,
thì… Mà chính tôi đi làm cách mạng, và chính các vị lãnh đạo cách mạng
đã nói với tôi đấy : « Ở đâu có áp bức, thì ở đấy có đấu tranh thôi ».
Anh dùng cái biện pháp đó thì cũng không thể nào dẹp được phong trào đấu
tranh hiện nay, mà anh phải bằng chính nghĩa của anh, phải bằng sự minh
bạch của anh.
RFI: Thưa ông, vừa rồi ông có nói đến việc tòa
kết án hai nhạc sĩ thì quá nặng so với hành động của họ. Không biết như
vậy ông muốn nói rằng, họ cũng có thể bị kết một cái án nhất định trong
chế độ hiện hành, hay ý ông muốn nói rằng, cần phải có một sự khoan hồng
từ phía Nhà nước?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi có trên tay hai bản nhạc của
nhạc sĩ Việt Khang. Thì hai bản nhạc này không có nội dung gì nghiêm
trọng cả. Bởi vì hiện nay, còn có nhiều người nói nặng nề hơn nữa. Ví dụ
như, tôi đọc một đoạn trong bài « Việt Nam tôi đâu ? », « Già trẻ, gái
trai, giơ cao tay chống xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam
». Tôi nghĩ có lẽ « Nhà nước » xử cái câu sau đấy, có đúng không ?
Giơ tay chống « xâm lược », « xâm lược » ở đây người ta hiểu là chống
Trung Quốc, những thành phần hiếu chiến Trung Quốc, còn việc « chống kẻ
nhu nhược bán nước Việt Nam », thì nếu ai nhu nhược thì người đó phải
chịu, có phải không ? Nói « nhu nhược » đây anh cho là ám chỉ Nhà nước
mình, vậy Nhà nước mình có nhu nhược hay không nhu nhược mà lại phải xử
án ? Nếu chúng ta không nhu nhược, thì bằng hành động của chúng ta,
chúng ta phải chứng tỏ là chúng ta không nhu nhược. Chúng ta phải chứng
minh cho nhân dân biết là nhạc sĩ Việt Khang nói vậy đấy, nhưng tôi
không nhu nhược đây, bằng các hành động chống lại việc nó bức bách ngư
dân này, cho báo chí phản bác lại một cách công khai luận điệu hiếu
chiến của bọn cầm quyền Trung Quốc, hay trên báo chí, ví dụ như tờ báo
Hoàn cầu của Trung Quốc chẳng hạn. Thì anh làm như vậy, thì làm sao nói
anh nhu nhược được ?
Thậm chí nhiều người còn dùng những chữ còn mạnh mẽ hơn cả Việt Khang
nữa như « hèn nhát ». Nhiều người đây là nhiều quan chức, đảng viên
cũng dùng chữ đó, chứ không phải chỉ là những người bình thường đâu. Thì
như vậy đâu phải là một tội nặng nề, thậm chí không phải là tội nữa. Mà
đó là một sự phê phán, bằng âm nhạc phê phán thái độ chưa thỏa đáng của
Nhà nước mình đứng trước hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc.
Cứ nói "16 chữ vàng, 4 tốt". Cái miệng thì nói như vậy, nhưng hành
động thì xâm lược. Thậm chí còn những mưu toan xâm lấn trên bộ, như đưa
người vào đứng chân ở những vị trí chiến lược của Việt Nam, thậm chí
lũng đoạn về mặt kinh tế và chính trị nữa, làm dân Việt Nam phải lo cái
đó.
Mà nhạc sĩ Việt Khang nói lên cái tâm trạng đó của người dân Việt
Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam hiện nay. Cũng như vừa rồi em Nguyễn
Phương Uyên bị bắt, một số nhân sĩ trí thức chúng tôi đang tính sẽ có
một tuyên bố về vấn đề này, cũng như tuyên bố về vấn đề bắt bớ hiện nay,
để tỏ thái độ chính trị của chúng tôi trước những hành động không đúng
mức của Nhà nước.
Trong bài hát thứ hai: « Xin hỏi anh là ai? » « Xin hỏi anh là ai
? Sao anh bắt tôi? Tôi làm điều gì sai ? Xin hỏi anh là ai ? Sao bắt
tôi chẳng một chút nương tay ? Xin hỏi anh là ai ? Sao không cho tôi
xuống đường để bày tỏ… », tôi thấy là, nếu mấy anh công an, hay Nhà
nước chúng ta thấy rằng, đây là ám chỉ lực lượng công an, hay là như
thế nào thì tôi thấy… Mà nói thẳng là, đấy là chưa nói việc công an,
quân đội là con em của nhân dân, là con em của những nông dân, tại sao
lại đàn áp nông dân ở Văn Giang, tại sao lại trấn áp gia đình anh Vươn ở
Hải Phòng? Rồi tại sao lại đạp vào mặt anh Đức (Nguyễn Chí Đức) ở Hà
Nội, rồi bắt những người yêu nước ở Sài Gòn? Hôm tôi biểu tình, tôi
chứng kiến bắt người như bắt một con heo.
Thì những câu hỏi này làm cho những người công an phải suy nghĩ. Anh
là người Việt Nam, thì anh đứng về phía Việt Nam hay phía Trung Quốc?
Trong khi mà chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc (gây hấn), chứ không
phải biểu tình chống Việt Nam, theo Trung Quốc, nhưng mà các anh lại đi
đàn áp chúng tôi là những người đi biểu tình, cũng như bây giờ bắt bớ
anh Việt Khang và xử 4, 5 năm tù. Thế thì anh đứng về phía ai? Anh đứng
về phía Trung Quốc, hay đứng về lợi ích tối cao của đất nước Việt Nam,
Tổ quốc Việt Nam ?
(Có) những người phải trả lời trước lịch sử, trước nhân dân về vấn đề
này. Với việc sử dụng tòa án, trấn áp anh cũng không dẹp tắt được ngọn
lửa yêu nước của nhân dân Việt Nam đâu. Nó sẽ bùng lên thôi chứ không
thể nào dập tắt được. Tôi nghĩ như vậy.
Với hai bài nhạc này, tôi đánh giá là anh Việt Khang chẳng có tội gì
hết. Các sáng tác của anh Trần Vũ Anh Bình thì tôi chưa được biết.
Nếu mà với các bản nhạc này mà có tội, thì bản thân rất nhiều người
Việt Nam hiện nay đang có tội, kể cả các vị lão thành cách mạng, như
tướng Vĩnh, hay những người thường hay phát biểu trên các phương tiện
công khai. Ví dụ như tôi nói anh Trần Mạnh Hảo, trước đây là nhà thơ, bộ
đội, đã từng đi chiến đấu. Anh ấy có cả những bài thơ còn quyết liệt
hơn cả cái này nữa. Và còn nhiều người nữa chứ không chỉ có anh Trần
Mạnh Hảo.
Thế thì sao? Nếu bắt thì có lẽ là Nhà nước Việt Nam không đủ các nhà
tù để giam chứa những người yêu nước hiện nay trên cả nước, trong đó có
Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Ví dụ như, ký tên vào các kiến nghị vừa rồi,
thì có hàng ngàn người, thì anh giam hàng ngàn người đó đi. Những tư
tưởng này (trong hai bài hát của Việt Khang) thì cũng như vậy đi.
Thành ra tôi cho rằng, cái biện pháp trấn áp phát xít, bắt bớ giam
cầm có tác dụng ngược, rất là nguy hiểm. Nó rất có hại cho chính quyền
Việt Nam.
Với tư cách một công dân, tôi đề nghị từ ông Tổng bí thư cho đến Chủ
tịch nước cho đến các lãnh đạo cao cấp khác phải xem xét lại vấn đề này
một cách nghiêm túc, để mà ngăn chặn cái làn sóng, nếu như anh nói có
cái làn sóng đó, mà đúng là hiện nay có cái làn sóng đàn áp bắt bớ đối
với những người yêu nước, đối với những người khác chính kiến.
Chúng ta phải có thói quen như thế giới hiện nay là phải tôn trọng
các ý kiến khác nhau, vấn đề khác chính kiến là điều rất bình thường.
Miễn là chúng ta đấu tranh trong hòa bình, không bạo lực, không gây chết
chóc. Chúng tôi phản đối hoàn toàn những ai muốn gây chết chóc đổ máu.
Đấu tranh bằng tiếng nói, bằng biểu tình, bằng những gì mà luật pháp
đã cho phép, thì tôi nghĩ rằng Nhà nước phải tôn trọng. Nếu không, Nhà
nước sẽ đẩy một số người, vì không có các hoạt động..., họ lại đi vào
các hoạt động khác, nó tại hại hơn, thì lúc đó là… đó là những bất ổn
chính trị hết sức nghiêm trọng.
Xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng