Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Đừng bất mãn khi đảng độc tài cứ ngoan cố!

Bình luận của Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Khác với mong đợi của khá nhiều người vốn còn có ít nhiều kỳ vọng ở thiện chí cải cách của thành phần lãnh đạo đảng CSVN, Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN đã kết thúc với quyết định KHÔNG kỷ luật bất cứ ai. Song kết cuộc đó lại gây ra một hậu quả đáng lo cho chế độ: Nó khẳng định rằng đảng cầm quyền hoàn toàn không có thiện chí đổi mới.
Mặt khác, lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên...." đã tự xác nhận thêm tình trạng thoái hóa và khủng hoảng nghiêm trọng trong nội bộ đảng CSVN.

Vì nhu cầu đoàn kết để bảo vệ quyền lực và sự tồn tại, BCHTW đảng CSVN phải tìm cách dung hòa các mâu thuẫn lớn và chấp nhận một nhượng bộ gây chấn động -- bất chấp các nhu cầu khẩn thiết của đất nước, áp lực từ nhân dân, và sự mong đợi các tầng lớp đảng viên có khuynh hướng tiến bộ. Nhưng sự kiện này không che đậy được sự mâu thuẫn giữa các thế lực trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN, và cũng không phục hồi được các uy tín đã có, kể cả trên chính trường quốc tế.
Rõ ràng hơn cả là những yếu tố giúp đảng CSVN phát triển và tồn tại đã không còn nữa: Từ niềm tin ở chủ nghĩa và sự lãnh đạo tài tình, trong sạch, kỷ luật của đảng.
Tóm lại, thực tế đất nước cho thấy những người lãnh đạo đảng CSVN sẽ KHÔNG THỂ hóa giải những bế tắc nghiêm trọng trong mặt chính trị, kinh tế, và quan trọng nhất là việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trở ngại mang tính then chốt và lớn nhất hiện nay của Việt Nam là cơ chế độc đảng.
Khi nào Việt Nam có dân chủ thực sự, thì những vấn đề phát xuất từ hậu quả của chế độ độc tài toàn trị sẽ không còn điều kiện để tiếp tục tồn tại. Những vấn nạn khác của đất nước cũng sẽ có thể được hóa giải, điều chỉnh tự nhiên bởi nhu cầu thăng tiến của toàn dân. Tiến trình này nhanh chậm, hiệu quả ra sao là tùy thuộc vào chính sách lãnh đạo của chính phủ dân chủ trong tương lai, và sự ý thức, tham gia giúp nước của các thành phần trọng yếu trong xã hội. Tập thể người Việt đang sinh sống ở ngoài nước cũng sẽ là một thành tố quan trọng không thể thiếu.
Trước bối cảnh nhiễu nhương của nước ta hiện nay, vấn đề then chốt là một định hướng đấu tranh thích hợp:
  • Đối với một chính thể dân chủ, những sai lầm của chính quyền có thể được bổ khuyết, hoàn chỉnh bằng những cải cách thích hợp. Do vậy, việc đóng góp ý kiến của mọi tầng lớp xã hội cho chính phủ là vô cùng cần thiết để những người mang trách nhiệm lãnh đạo có được thêm điều kiện hoàn chỉnh.
  • Đối với một chế độ độc tài, những nỗ lực cảnh giác và kêu gọi cải tổ là hoàn toàn phi lý. Bởi lẽ, những kẻ độc tài không có tư duy và thiện chí dân chủ là: Biết lắng nghe những ý kiến khác biệt.
Cho nên, người Việt KHÔNG cần phải thất vọng về kết cuộc của Hội nghị lần thứ 6 của BCHTW đảng CSVN. Bởi lẽ, cho dù Nguyễn tấn Dũng (NTD) bị quy trách nhiệm, bị kỷ luật hay thậm chí bị cách chức... thì điều đó cũng không có nghĩa là tình hình Việt Nam sẽ sáng sủa hơn, hay những người kế vị sẽ làm tốt hơn cho đất nước. Không những thế, sự thanh trừng còn làm cho nội bộ đảng cầm quyền được thống nhất hơn, sức mạnh của nó được vững vàng hơn, và từ đó, chế độ độc tài càng có cơ hội kéo dài hơn.
Nói cách khác, vấn đề không phải là Nguyễn tấn Dũng có nên bị kỷ luật, truất phế hay không mà là cơ chế độc tài toàn trị có thay đổi được hay không? Tại sao cứ chờ đợi NTD bị trừng phạt khi không có một yếu tố nào hứa hẹn rằng người thay thế NTD sẽ chấp nhận đổi mới chính trị đúng nghĩa là chấm dứt sự độc tài cai trị của đảng CSVN? Nếu NTD mất chức và một nhân vật nào đó trong số 14 người trong BBTTW/BCT lên thay thế thì tình hình VN sẽ khả quan hơn chăng? Hay tính chuyên chính sẽ cao hơn khi nội bộ lãnh đạo đảng cầm quyền đã được thống nhất hơn?
Điều mà chúng ta cần khẳng định là: Việt Nam cần thay thế cơ chế lãnh đạo chứ không cần thay đổi chính sách!
Chế độ độc tài toàn trị phải được chấm dứt và thay thế bằng một chính thể dân chủ pháp quyền. Với thể chế mới trong tương lai, đảng CSVN có thể sẽ vẫn được tiếp tục hoạt động như là một chính đảng --- nếu như nó thuyết phục được nhân dân chấp nhận, từ những thái độ và hành động đầy thiện chí ở giai đoạn này. Nhưng nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận đảng CSVN tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước và kéo dài tình trạng này bằng những thứ “cải cách” nửa vời nặng phần hình thức và mị dân.
Những vấn đề Việt Nam sẽ không quá lớn so với tiềm năng và sức bật của cả dân tộc. Nhưng tương lai đất nước chỉ sáng sủa hơn khi có được một sự lãnh đạo tốt đẹp – ở đó, mọi thành phần dân tộc, mọi tầng lớp xã hội đều có điều kiện để cùng đóng góp một cách hữu hiệu.
Đảng CSVN không biết sửa sai thì đó là chuyện bình thường, và tốt. Rất tốt! Vì như vậy thì công luận mới có thể có một thái độ mạnh mẽ và dứt khoát với nhà cầm quyền độc tài được.
Khi chúng ta khẳng định được rằng chế độ độc tài này là hoàn toàn vô phương cải thiện, thì nó cần được thay thế bằng một chính thể dân chủ pháp quyền.
Đừng bất mãn khi đảng độc tài cứ ngoan cố!
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"