Một độc giả Dân Luận
Có lẽ nhìn chung, chúng ta đều đã công nhận một ‘chân lý’ hiển nhiên là dân Việt Nam ta đang thuộc loại kém văn minh nhất thế giới trong lĩnh vực hành xử nơi công cộng, từ việc thà chen chúc chứ nhất định không chịu xếp hàng, xả rác bừa bãi, không tuân thủ luật lệ giao thông đến nói oang oang nơi công cộng hay nói chuyện điện thoại thoải mái trong các cuộc họp, cuộc biểu diễn nghệ thuật, v.v. Đã có muôn vàn bài viết về “người Việt xấu xí” để nêu lên những tệ nạn này.
Làm thế nào để có thể nâng cao cái sự văn minh của người Việt Nam lên, để người Việt Nam bớt xấu xí? Đây chắc chắn không phải là việc một sớm một chiều mà xong. Theo góc nhìn “constructive criticism”, tôi thiết nghĩ việc chỉ ra cho mọi người làm thế nào là đúng sẽ có hiệu quả hơn việc chỉ nói: như vậy là sai.
Nhưng “cầm tay chỉ việc” thế nào đây? Xin có vài ý kiến:
Thứ nhất: ở tầm vĩ mô, cần có biển báo nhắc nhở tại những nơi công cộng
Tại các nước văn minh bậc nhất ở châu Á như Nhật Bản và Singapore (nơi mà cách đây nửa thế kỷ, dân họ cũng kém văn minh như dân ta hiện nay), tôi để ý thấy tại tất cả các ga tàu điện, các sân bay, đều có những biển lớn kêu gọi, hướng dẫn mọi người quan tâm để ý đến người xung quanh và những biển hướng dẫn mọi người cách hành xử nơi công cộng một cách lịch sự. Tất cả những biển này thông thường có hình minh họa rất bắt mắt.
Có thể kể ra một vài ví dụ như:
- Tại nhà ga, sân bay: Khi bạn kéo hành lý có bánh xe, hãy chú ý để không chẹt vào chân người khác.
- Trong những không gian kín như trên tàu hỏa, nhà hàng, thư viện, bảo tàng: Không sử dụng điện thoại di động; không nói to.
- Nhà vệ sinh công cộng: Không làm ướt sàn, không vứt rác ra sàn.
- Những nơi cần mua vé: Hãy xếp hàng; Bắt đầu xếp hàng từ vạch này.
Thiết nghĩ có lẽ chính quyền cần vào cuộc để có được những biển hướng dẫn như vậy ở những nơi công cộng tại Việt Nam. Việc gắn biển nhắc nhở này phải được xem như một chiến dịch dài hơi tầm quốc gia. Đây là điều mà chính phủ Singapore đã miệt mài kiên trì thực hiện trong nửa thế kỉ qua. Chắc chắn không phải ai cũng sẽ làm theo biển nhắc nhở này ngay. Nhưng mưa dầm thấm lâu, 5 năm, 10 năm nữa, sẽ ngấm dần vào tiềm thức con người. Nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì 5 năm hay 10 năm nữa cũng không có gì thay đổi cả.
Thứ hai: ở tầm vi mô, trong xã hội, cần có những người dũng cảm lên tiếng nhắc nhở mọi người xung quanh hành xử cho văn minh hơn, cho dù họ có thể vấp lại sự phản kháng. Tuy nhiên, nếu không có những người đi tiên phong, phong trào sẽ không tiến lên được.
Tôi xin kể ra đây một ví dụ mắt thấy tai nghe về một phụ nữ dũng cảm và sự phản kháng mà chị vấp phải:
Tại Flamingo Đại Lải resort vào một chiều thứ 7, có rất nhiều các gia đình mang trẻ nhỏ đến đây vui chơi thư giãn cuối tuần vì tại đây có một sân chơi trẻ em và một bãi biển giả khá đẹp. Tuy nhiên, hôm đó, ngoài các gia đình đến nghỉ, còn có một sự kiện team building của nhân viên công ty FPT. Suốt cả buổi chiều, chiếc loa thùng của sự kiện này phát nhạc to chát chúa, uỳnh uỳnh. Mãi đến cuối giờ chiều, sự kiện này mới đi đến hồi kết. Thay vào tiếng nhạc, chiếc loa bắt đầu phát ra những thông điệp kêu gọi mọi người thu dọn đồ đạc ra về (khoảng 15 phút liên tục). Rồi bắt đầu đến tiết mục chụp ảnh nhóm. Anh phụ trách của đoàn FPT liên tục hét to vào mic: bức ảnh này sẽ được treo trong nhà lưu niệm của FPT trong 50 năm tới, phải đứng thành 2 hàng hay 3 hàng, hàng đầu ngồi hay quỳ, anh cao cao kia khom xuống, v.v...
Dường như không chịu nổi nữa, một người phụ nữ từ ghế tắm nắng bên bãi biển giả tiến về phía nhóm nhân viên FPT và nói với anh phụ trách:
- Anh ơi, nhóm anh chụp ảnh thì không cần phải hét to vào mic thế. Anh cứ nói bình thường thì mọi người cũng nghe được mà.
Anh phụ trách này phẩy tay:
- Em cứ làm việc của em đi, bọn anh chụp ảnh xong thì sẽ thôi (nói to vào mic)
Người phụ nữ kiên nhẫn:
- Em không phải là nhân viên mà là khách đi nghỉ ở đây. Anh hét to vào mic như thế rất làm ảnh hưởng đến những người khác đang muốn thư giãn ở đây.
Anh phụ trách này vẫn khăng khăng nói to vào mic:
- Nhóm anh chụp ảnh xong sẽ thôi – và lại tiếp tục quay ra sắp nhóm chụp ảnh.
Người phụ nữ này vẫn không bỏ cuộc và nói to tiếng, gay gắt hơn:
- Nhưng nhóm anh chỉ có vài chục người chụp ảnh nhóm, tại sao lại phải hét to vào mic thế? Rất ảnh hưởng đến những người khác.
Lúc này, nhóm nhân viên FPT bắt đầu lao xao bình luận:
- Con này bị tâm thần à?
- Con này bị điên à?
- Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi.
Người phụ nữ này sau đó đã ra nhân viên của khu resort để phản ánh ý kiến của mình. Nhân viên của resort ra nhắc nhở nhóm FPT nhưng cũng không ăn thua gì. Họ chụp ảnh ầm ĩ thêm khoảng 10 phút nữa thì giải tán, lên xe bus ra về.
Kết luận:
1. Đây là một ví dụ điển hình cho người Việt xấu xí. Nhóm nhân viên FPT này chắc chắn là những người có học vấn. Tuy nhiên, họ không có một khái niệm gì về hành xử văn mình nơi công cộng, không có một khái niệm gì về “quan tâm đến những người xung quanh”. Thậm chí ngay cả khi nhân viên resort nhắc nhở, họ cũng bỏ ngoài tai. Cái tôi của họ quá lớn, không thể hy sinh cho ai khác được.
2. Người phụ nữ trên bức xúc về hành vi của nhóm nhân viên FPT này làm ảnh hưởng đến sự thư giãn của mình và những người khách khác nên đã lên tiếng phản đối. Tuy không được kết quả gì mà còn bị lăng mạ là điên, là tâm thần. Nhưng biết đâu, lời phản đối này cũng sẽ khiến nhóm nhân viên FPT nọ phải suy nghĩ lại. Biết đâu lần sau khi đi team building, họ sẽ bớt ầm ĩ hơn. Chắc chắn một điều: nếu không có người phụ nữ này lên tiếng phản đối, mấy chục con người này sẽ không biết rằng họ đã làm cho người khác khó chịu buổi chiều hôm đó.
3. Nhân viên của resort vì nể một đoàn khách lớn mà không dám kiên quyết yêu cầu họ trật tự hơn để tôn trọng sự nghỉ ngơi của những khách lẻ khác. Đây là một sai lầm vì như vậy, họ sẽ khiến những khách lẻ không muốn quay lại resort này nữa vì họ không cảm thấy thư giãn ở đây. Ngược lại, nếu kiên quyết và khéo léo làm rõ ngay từ đầu về quy tắc trật tự, họ vẫn sẽ không mất đoàn khách lớn.
4. Tôi cảm thấy xấu hổ vì mình đứng ngay gần đấy mà chỉ lặng lẽ quan sát, không lên tiếng ủng hộ người phụ nữ dũng cảm nọ ngay tại trận. Các bạn hãy đừng như tôi. Đừng im lặng mà hãy lên tiếng.