Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Khi kẻ trộm cướp không chỉ là kẻ bần cùng

Hai Lúa
Hồi còn bé, những bài học làm người đầu tiên là những bài học mà Lúa tích cóp được từ mẹ. Có thể vì Lúa là con gái, gần mẹ nhiều nhất lại rất hay để ý... Một lần, Lúa nhìn thấy mẹ ngồi nấp trong bụi tre, nhìn một ông hàng xóm chặt trộm buồng chuối sim sau nhà, khi Lúa ra đến nơi, mẹ đưa tay lên miệng yêu cầu Lúa không được la lên, đợi ông ta vác buồng chuối bước xuống xuồng và chèo đi, mẹ ngồi dậy rồi bước vào nhà. Lúa hỏi, sao mẹ không la lên cho ông ấy bỏ buồng chuối lại? mẹ nhìn Lúa rồi bảo “họ nghèo, nhà đông con nên mới ăn cắp... thôi hãy ngoảnh mặt đi cho người ta đở tủi thân…… mình còn nhiều buồng chuối khác….”
Ca dao Việt Nam có câu “nhàn cư vi bất thiện”, hiểu nôm na là không có công ăn việc làm thì sẽ nảy sinh những việc làm sai trái . Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì con người ai cũng cần có cái ăn để mà sống, vì thế nếu không có công ăn việc làm, không có thu nhập đủ để trao đổi, mua lấy những nhu cầu tối thiểu sẽ dễ dẫn tới những hành động sai trái, khuất tất, lỗi đạo khi họ không muốn chết. Một câu tục ngữ khác có lẽ mang tính chất khẳng định hơn “bần cùng sinh đạo tặc”, tức là khi con người bị đẩy vào thế bần cùng sẽ sinh ra trộm cướp, họ biết là họ phải vi phạm đạo đức, vi phạm luật pháp nhưng vẫn vi phạm vì họ đã bần cùng rồi.
Xã hội tiến bộ là một xã hội mà ở đó người ta khống chế con số những người bần cùng này, tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có điều kiện để lao động. Khi đó họ không nhàn cư nữa để mà bất thiện, họ cũng có thu nhập thì không thể rơi vào cái thế của kẻ bần cùng. Trong trường hợp không thể tìm việc làm, họ có một khoản trợ cấp gọi là trợ cấp thất nghiệp, đủ cho nhu cầu tối thiểu về thực phẩm của họ. Ở Nhật, nếu bị bắt gặp ăn cắp một lần thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đi ăn mày mà sống vì không một nơi nào, một cơ quan nào chịu nhận một kẻ có cái điểm đen trong lý lịch là “ăn cắp”. Tuy nhiên, nếu ăn cắp một hộp cơm, khi bị bắt chỉ cần bạn nóí, tôi đói quá, lập tức sẽ được tha bổng và không bị ghi chú trong lý lịch. Họ coi việc một người bị đói là trách nhiệm của xã hội, công việc được phân công như thế nào, nguồn quỹ cho phúc lợi xã hội ra sao mà lại có người phải đi ăn cắp vì họ đói.
Thế nhưng một xã hội mà người ta vẫn có việc làm nhưng thu nhập lại không đủ bù đắp, tái tạo sức lao động đã bỏ ra; như thế, sức lao động sẽ ngày càng bị mai một, liên tục bị “thâm hụt” cũng sẽ dẫn đến tình trạng bần cùng nếu chẳng may họ bị bệnh mà số tư bản tích lũy không đủ khả năng chi trả cho việc chữa bệnh. Vì thế thu nhập (từ lương) luôn được tính toán sao cho con người ít nhất cũng đáp ứng được những chi phí đó. Trong trường hợp ngược lại thì người lao động bị “lỗ vốn sức khoẻ” hay nói một cách dễ hiểu là “thu không đủ chi”.
Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỉ lệ tham nhũng là quốc nạn. Trước đây người ta còn né tránh, không nói đến nó nhưng bây giờ thì tất cả, tất cả từ cao xuống thấp, từ trên xuống dưới quan chức đều công nhận. Tham nhũng chính là hình thức ăn cướp của công làm của tư thông qua quyền lực, ảnh hưởng mà cá nhân đó, tổ chức đó có được. Vậy thì, ai, ai là người có quyền lực, có quyền ra những cái quyết định để tạo ra những kẻ hở cho tham nhũng hoành hành? Chắc không phải là những người dân nghèo, thấp cổ bé họng. Bây giờ, hóa ra cái bài học những kẻ ăn cắp thường là những kẻ nghèo xem ra không còn đúng nữa, mà những kẻ ăn cắp này giàu, rất giàu, chúng không hề nhàn cư nhưng vẫn bất thiện, chúng không hề bần cùng nhưng vẫn là đạo tặc. Và chúng không chỉ câu trộm con cá, bắt trộm con gà, chặt trộm buồng chuối để ăn vì thiếu thốn, vì đói; mà chúng ăn những thứ to lớn hơn, “cồng kềnh hơn”, từ sắt thép, tàu thuyền, ụ nổi,…. chúng cũng không phải ăn cắp của một người hay vài người mà ăn cắp của cả xã hội, ăn cắp của cả những người dân nghèo khổ, những người tất tả lao đao vì kiếm sống, những người với đàn con xanh mắt vì đói, mòn mỏi chờ những đồng cứu trợ của những tấm lòng hảo tâm gửi đến.
Bài học mà mẹ dạy cho Lúa đã hơn 20 năm qua có lẽ nào đã là lạc hậu, cũ kỹ rồi chăng? Hay chính cái đạo đức, luân lý đã bị đảo lộn?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"