Nguyễn Hưng Quốc
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn
Giải Nobel văn chương năm nay được trao cho Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc. Không có giải thưởng nào làm hài lòng mọi người. Tranh cãi ngay sau khi giải thưởng được công bố là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần này, những tranh cãi không tập trung vào chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu vào thái độ chính trị của người được giải. Hơn nữa, những tranh cãi ấy chủ yếu là giữa những người Trung Quốc với nhau.
Sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân tại Sơn Đông, Mạc Ngôn lớn lên trong giai đoạn Cách mạng văn hóa tàn khốc của Mao Trạch Đông; một giai đoạn hẳn đã để lại cho ông nhiều kinh nghiệm cay đắng. Nhưng ông nhanh chóng vượt qua chúng để thích ứng với không khí chính trị ở Trung Quốc: Ông đi bộ đội, học ở Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và trở thành một cán bộ khá cao cấp trong Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội. Hiện nay ông là Phỏ chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.
Với những chức vụ như thế, rất dễ hiểu, Mạc Ngôn được xem là một công thần của chế độ. Nhiều người cho là ông hèn. Không chừng chính cái bút hiệu ông chọn cũng nói lên điều đó: Mạc Ngôn, trong chữ Hán, có nghĩa là không nói. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ báo El Pais bằng tiếng Tây Ban Nha năm 2008, ông kể:
“Tôi chọn cái bút hiệu ấy để nhớ những năm tôi không thể nói lời nào với ai khác. Đó là những ngày hỗn loạn của Cách mạng văn hóa, khi trong làng của tôi lúc nào người ta cũng xung đột với nhau. Bố tôi là một nông dân, nhưng gia đình tôi sống khá thoải mái; ông sợ tôi nói năng bậy bạ có thể gây phiền phức cho gia đình. Bởi vậy, ông bảo tôi đừng nói gì cả; cứ làm như một thằng câm.”
Chọn bút hiệu Mạc Ngôn vì một bài học sợ hãi từ bố. Nhưng sau đó, Mạc Ngôn lại nâng sự khuất phục lên thành một thứ chủ nghĩa anh hùng. Trong bài nói chuyện tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2009, ông kể chuyện: một hôm, Beethoven và Goethe đang đi dạo trên đường phố thì gặp một nhà quý tộc đi ngược chiều; Beethoven tiếp tục rảo bước, còn Goethe thì ngả mũ chào. Mạc Ngôn nói tiếp:
“Lúc còn nhỏ, tôi nghĩ Beethoven thật vĩ đại. Nhưng, khi lớn tuổi, tôi nhận ra là việc làm của ông thật dễ dàng, trong khi đó, làm như Goethe thì có thể cần nhiều can đảm hơn.”
Trong các bài báo bằng tiếng Anh tôi đọc được, không thấy ai dẫn thêm lý do tại sao Mạc Ngôn lại cho việc Goethe ngả mũ chào một nhà quý tộc mà ông không thích lại là một hành vi can đảm.
Tuy nhiên, khó có thể nói cách hành xử của Mạc Ngôn tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2009 ấy là can đảm khi ông và các cán bộ khác bỏ ra khỏi phòng hội nghị phản đối khi một số nhà văn lưu vong người Hoa chuẩn bị lên phát biểu.
Cũng không can đảm chút nào khi, khá gần đây, cùng với một số cây bút khác, ông chép tay lại bài nói chuyện về văn nghệ của Mao Trạch Đông tại Diên An năm 1942 để làm thành một “ấn bản đặc biệt” để tưởng niệm cái biến cố đầy tai tiếng ấy. Đó chính là cương lĩnh văn học nghệ thuật chật hẹp và đầy tính giáo điều đã gây tai họa cho văn học Trung Quốc cũng như cho cả văn học Việt Nam trong suốt cả hơn nửa thế kỷ.
Càng không can đảm chút nào khi, thay vì lên án chế độ kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc, Mạc Ngôn, trong nhiều bài phát biểu và phỏng vấn khác nhau, luôn luôn tìm cách biện hộ cho nó.
Ví dụ, trong bài phỏng vấn trên báo Times năm 2010, ông cho kiểm duyệt là chuyện chả có gì đáng làm ầm ĩ vì “ở nước nào cũng có một số sự kiềm chế đối với việc viết lách.”
Lúc khác, ông lại phát biểu: “Tôi tin các hạn chế hay kiểm duyệt là điều tốt cho việc sáng tạo văn chương” vì “một trong những vấn đề lớn nhất của văn chương là thiếu sự tinh tế.” Kiểm duyệt sẽ khiến nhà văn tìm cách “chôn sâu tư tưởng của mình và chỉ gửi gắm chúng qua các nhân vật trong tiểu thuyết”.
Có lúc, trước sự phê phán của nhiều người, ông tìm cách biện minh:
“Một nhà văn nên bày tỏ sự phê phán hay bất bình của mình trước các góc tối trong xã hội cũng như những sự xấu xa trong bản tính của con người, tuy nhiên, chúng ta không nên dùng một kiểu diễn tả giống nhau. Vài người có thể sẽ xuống đường gào thét, nhưng chúng ta cũng nên bao dung đối với những người trốn trong phòng kín và dùng văn chương để bày tỏ ý kiến.”
Với nhiều người, đó chỉ là một cách nói. Họ vẫn cho Mạc Ngôn chọn con đường dễ dãi và an toàn nhất trong một chế độ độc tài và độc ác. Bởi vậy, những người phản đối giải Nobel dành cho ông kịch liệt nhất chính là các đồng hương và đồng bào của ông.
Cách đây mấy ngày, chỉ nghe tin đồn phong thanh là Mạc Ngôn có tên trong danh sách được chọn, nhà văn Yefu đã tuyên bố: “Giải Nobel không nên trao cho một nhà văn chỉ biết ca tụng chế độ chuyên chế. Đó là một nguyên tắc thiết yếu.”
Sau khi giải Nobel được công bố, nghệ sĩ Ngải Vị Vị phát biểu: “Đối với một nhà văn đương đại, tránh né các vấn đề rõ ràng của cuộc đấu tranh của ngày hôm nay là một cái gì không thể bàn cãi được. Tôi không thể tách rời văn chương ra khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc.”
Rồi ông nói thêm: “Tôi không chê trách Ủy ban giải Nobel, nhưng [quyết định trao giải cho Mạc Ngôn] đã gửi một tín hiệu phản ánh một khẩu vị thật kém cỏi (bad taste).”
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ sử dụng giải Nobel văn chương dành cho Mạc Ngôn như một công cụ để tuyên truyền không những cho chính sách văn học nghệ thuật của họ mà còn để củng cố vị thế nước lớn của họ: Họ đã mạnh về kinh tế và quân sự, nay, họ còn chứng tỏ cả sức mạnh trong cái giới nghiên cứu thường gọi là “quyền lực mềm” mà một siêu cường quốc cần có.
Nên nhớ đây là giải Nobel đầu tiên mà Trung Quốc hoan hỉ đón nhận. Trước, giải Nobel văn chương dành cho Cao Hành Kiện (năm 2000) không làm họ ưng ý: một phần vì, lúc ấy Cao Hành Kiện đã vào quốc tịch Pháp, do đó, không còn là nhà văn Trung Quốc nữa; phần khác, về tư tưởng, ông tự xem mình và cũng được mọi người xem là một cây bút ly khai. Giải Nobel hòa bình trao cho Lưu Hiểu Ba (năm 2010), một tù nhân lương tâm đang bị Trung Quốc giam giữ lại càng làm cho Trung Quốc giận dữ.
Chỉ có món quà dành cho Mạc Ngôn là ngọt ngào.
Cho những tên cai ngục.
***
Chú thích: Tất cả các trích dẫn ở trên đều được đăng rải rác trong các bài viết về Mạc Ngôn trên các báo: The New York Times, The Washington Post, Los Angeles Times, Telegraph, The Wall Street Journal, Global Times, v.v. ngày 11/10/2012.