Theo blog Huỳnh Ngọc Chênh
Quốc Hội bắt đầu họp ngày 22/10/2012, chỉ một tuần sau khi bế mạc Hội Nghị TƯ6.
Nằm ở trong cái bóng của Đảng CSVN, dĩ nhiên QH vẫn còn là con rối của Đảng. Việc Thủ Tướng phải chịu sự kiểm soát của QH và phải tường trình trước QH về tình trạng sức khoẻ của đất nước là sự thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo đối với nhân dân. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi nào trong QH có đảng đối lập, nếu không nó chỉ là một sự dàn dựng và bao che cho nhau để ru ngủ quần chúng.
Cơ chế độc đảng không cho phép sự hiện hữu của đối lập thì làm sao có được sự kiểm soát đích thực của nhân dân qua các đại diện của mình ở QH.
Cách đây hơn một thập niên, vào giữa và cuối 1990s có một sự tranh luận sôi nổi xảy ra trên báo chí là các nước cộng sản nên theo mô hình của Nga (thay đổi thể chế chính trị trước và thay đổi kinh tế sau) hay của Trung Quốc (thay đổi kinh tế trước và thay đổi thể chế chính trị sau) và đa số các nhà phân tích lúc đó cho rằng nên theo mô hình TQ vì họ thấy rằng ở Nga sau khi thay đổi thể chế chính trị thì tình trạng xã hội bất ổn, với những vụ tóm thu tài sản quốc gia vào tay một thiểu số gia đình có thế lực với cái giá rẽ mạc của một bài ca, tạo nên tầng lớp oligarchs thao túng và những vụ thuê muớn giết người đối thủ cạnh tranh (contract killings) và suy vi kinh tế. Trong khi đó họ thấy ở TQ sau biến cố Thiên An Môn 1989 thì Đặng Tiểu Bình cởi trói kinh tế, xã hội ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, có một thiểu số chiến lược gia khác lúc đó tiên đoán rằng về lâu về dài thì Nga sẽ chạy thông dông trên con đường phát triển mà không bị trở ngại về chế độ chính trị. Để bơi được trong cái bể dân chủ thì ban đầu phải xuống nước và tập bơi. Giai đoạn ban đầy này sẽ bị uống nước và sặt sụa nhưng sau một thời gian thì sẽ biết bơi. TQ sẽ đâm đầu vào tường về chế độ chính trị sau khi kinh tế đã phá triển, trừ khi TQ thay đổi qua dân chủ để thích ứng với nền kinh tế thị trường đã trưởng thành, nếu không cách mạng sẽ xảy ra.
Thực vậy, ta thấy ở Nga ông Putin tuy có tham vọng trường trị nhưng vẫn phải tôn trọng Hiến Pháp Nga, rời ghế tổng thống sau hai nhiệm kỳ và khi ông trở lại đã gặp những phản ứng khá mãnh liệt của đối lập. Tuy những phản ứng này không ngăn cản nỗi tham vọng của ông, nhưng nó là một cái thắng cần thiết để ông chỉ có thể manh động ở vùng xám chứ không thể lấn sâu vào vùng đen của sự độc tài. Nga ngày nay chỉ lo về mặt phát triển kinh tế và nếu có chống độc tài thì chỉ chống cá nhân ông Putin chứ không ai chống chế độ chính trị với hiến pháp dân chủ đa đảng.
Trong khi đó ở TQ và Việt Nam, chế độ chính trị đã đụng vào chân tường của sự bế tắc. Tập Cận Bình có thể là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại CS nếu các thay đổi chính trị có tính cách đột phá không xảy ra. Với Internet và các mạng xã hội thì sự bùng nổ của dân chúng sẽ to lớn và khắp cùng chứ không phải chỉ ở Bắc Kinh. Cách biệt giàu nghèo quá xa với cái đáy một tỷ người còn hết sức khốn đốn, Tây Tạng tranh đấu mãnh liệt hơn với khoảng 60 người đã tự thiêu trong hai năm qua, nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất cảng và đầu tư công đang từ từ khựng lại từ khoảng 11% xuống khoảng 7% vì thế giới ít mua hàng và ít đầu tư vào TQ hơn, biểu tình và đình công tiếp tục gia tăng với cả trăm ngàn vụ một năm... Cũng như Việt Nam, TQ đang đứng trước các khủng hoảng xã hội và các chọn lựa chính trị. Chọn kinh tế thị trường với chế độ dân chủ pháp trị, hay chọn kinh tế thị trường không chịu đứt đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" của độc đảng độc tài để đi duy trì tư bản hoang dã và các khủng hoảng không chấm dứt của xã hội, do không có một chế độ chính trị thích hợp để bảo vệ các nhóm lợi ích khác nhau và mâu thuẩn hay xung đột lẫn nhau. Điển hình là nhóm của bà Đặng Thị Hoàng Yến-ông Đặng Thành Tâm và nhóm Nguyễn Thanh Phượng-Trầm Bê như ta đang thấy.
Đảng CSVN đã đến lúc phải thu hình trở về để thành một chính đảng bình thường trong một chế độ chính trị có một nền pháp trị đứng trên, với Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao như Hiến Pháp đã định. Ông thần ve chai đã đến lúc phải chun vào chai trở lại nếu không muốn bị tan theo mây khói vì đã hết linh. Hãy nhìn hội nghị trung ương 6 vừa qua và nghe thái độ người dân nghĩ gì về đảng.
Quốc Hội đã đến lúc bước ra khỏi cái bóng của Đảng và nên tự đi trên hai cái chân của mình, đến lúc phải chứng tỏ mình đã là người lớn chứ không còn là một đứa bé để chờ nghe lệnh Đảng. Cho nên, QH nên ra luật chính đảng để khép Đảng vào khung luật pháp chứ không thể để Đảng tiếp tục đứng ngoài và đứng trên luật pháp như bấy lâu nay. Nguyên nhân của tham nhũng là do đó chứ không phải chỉ vì ông Dũng mà thôi.
Quốc Hội cũng nên vì cuộc khủng hoảng này mà dùng quyền hạn cao nhất nước của mình để hình thành đảng cầm quyền và đảng đối lập, chấm dứt việc trị nước bằng nghị quyết như bấy lâu nay.
Trung Quốc sẽ không ủng hộ việc này nhưng Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật, Úc và rất nhiều cường quốc trên thế giới ủng hộ. Đơn giản bởi vì khi bang giao với nhau không ai muốn nói chuyện với kẻ không có thực quyền quyết định như ông Phạm Bình Minh hay ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay mà phải chờ đợi sự đồng ý của 14 ông vua tập thể của Bộ Chính Trị.
Biết đâu vì Việt Nam dám can đảm đi trước trong việc thay đổi thể chế chính trị mà TQ không chịu nỗi cảnh môi hở răng lạnh và áp lực quần chúng của chính nuớc mình nên phải đi theo, đưa đến việc đảo ngược lại từ thế lấn hiếp của nước lớn độc tài vô pháp luật thành thế thương thảo văn minh của hai quốc gia dân chủ dựa vào luật pháp quốc tế như giữa Úc và Timor hay giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại hay Mễ Tây Cơ.
Và quan trọng không kém, nếu Quốc Hội VN quyết định đa đảng thì ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ ở VN sẽ dễ được cân bằng, vì vậy mà độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN sẽ dễ được bảo vệ hơn.
Nó sẽ tránh được cách mạng đang âm ỉ sẽ xảy ra. Ông Chủ Tịch Nước đang vận động quần chúng ủng hộ mình chống tham nhũng. Ủng hộ như thế nào nếu dân chúng không xuống đường để hưởng ứng lời kêu gọi của ông? Có lẽ vì vậy mà 3,500 cảnh sát cơ động đã tập dượt đàn áp biểu tình trong những ngày qua ở tỉnh Điện Biên.
Chúng ta đã cùng ăn vụng và có tình ngoài, vì thế chúng ta đã tha cho chúng mình, chúng ta đang tự diễn biến thì bây giờ nên là lúc ly dị văn minh.
Kẻ Ngồi Hàng Rào