Dân Luận
Có một chi tiết đáng chú ý trong Hiến pháp sửa đổi lần này, đó
là “Quyền con người”, “quyền công dân” được đưa ngay trong chương II,
thay vì là chương V như Hiến pháp 1992.
Người coi đó là chuyện nhỏ, thì đúng là 1, 2, hay 5 chỉ là số thực tự
thông thường. Nhưng trong đạo luật quan trọng nhất của một quốc gia là
hiến pháp, đó là thứ tự tự không theo bảng chữ cái A, B, C. Và hơn cả số
thứ tự, nó cho thấy nhận thức tiến bộ và văn minh của các nhà làm luật.
Tiến bộ như 56 năm trước, trong bản Hiến pháp đầu tiên, quyền và
nghĩa vụ công dân được quy định ngay tại chương II. Văn minh ở chỗ,
quyền con người được nâng cấp trong thang bậc thứ tự quan trọng của đạo
luật gốc như những điều mà thế giới đã làm từ thế kỷ trước.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ
chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế,
nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do
dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ…”. Hiến pháp, theo tư
tưởng của ông Cụ, được PGS, TS. Tường Duy Kiên, Học viện Chính trị –
Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh dẫn lại: “là đạo luật bảo vệ quyền con
người”.
Nhưng mãi cho đến năm 1992, lần đầu tiên “quyền con người” mới được
thừa nhận trong Hiến pháp 1992, và theo TS Kiên, chủ yếu là để “làm công
tác đối ngoại”. Hoặc đó là những “quy định quá chung về quyền con
người; chưa phân biệt rõ quyền con người, quyền công dân; chưa xác định
rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người”- như đánh
giá của Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.
Dự thảo hiến pháp được trình bày tại QH sáng nay, đã có hàng loạt
điều chỉnh quy định các chi tiết về quyền công dân, quyền con người:
Quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận,
tôn trọng, bảo vệ; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vì bất kỳ lý do nào; Mọi người có quyền
bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức
khoẻ, danh dự và nhân phẩm; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời
sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân; có quyền bảo vệ danh
dự, uy tín của mình; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện
tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; Mọi người có
quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Không ai được tự ý vào chỗ ở của người
khác nếu không được người đó đồng ý; Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Và “Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền
hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Những chế định đó hoặc được chi tiết hóa, cụ thể hóa, “mới tinh hóa” trong bản dự thảo, đọc nghe thật thích.
“Việc để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”.
Ăn xin giữa đường thì không được. Còn khoảng trống về quyền con người cơ bản trong luật thì được?
Nhưng để sự tiến bộ trong đạo luật gốc trở thành thực tiễn trong cuộc
sống, có lẽ cũng không hề đơn giản. Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, với
tư cách là người có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính
phủ đã nói, rất giản dị rằng: Một dự án luật điều chỉnh hoạt động tuần
hành, biểu tình là cần thiết vì thực tế đang đòi hỏi và Luật Biểu tình
là thực hiện theo Hiến pháp, với quy định công dân được biểu tình. Chính
phủ chấp nhận Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ thậm chí là người có
sáng kiến xây dựng luật, dù có thể các cuộc biểu tình sẽ là nơi nhân dân
tỏ thái độ, hoặc ủng hộ, hoặc chưa ủng hộ với Chính phủ. Ấy thế mà ngay
trước đó, một đại biểu dân cử phát ngôn “Biểu tình là sự ô nhục”, và
ngay sau đó, cũng một đại biểu dân cử khác lại bác bỏ với lý do nhạt
toẹt: “Việc để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”.
Ăn xin giữa đường thì không được. Còn khoảng trống về quyền con người
cơ bản trong luật thì được? Với lý luận thô thiển như vậy, thì quyền
con người từ Hiến pháp đến đời sống, có lẽ, phải tính bằng những “chu kỳ
nhận thức”.
“Nợ dân” là từ mà ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã dùng bởi 20 năm sau khi
được đưa vào Hiến pháp, Quốc hội vẫn “nợ dân” luật Biểu tình. Nhưng luật
Biểu tình, chỉ là một trong số vô số những món nợ khác trong việc luật
hóa các quyền con người, quyền công dân cơ bản: quyền lập hội, quyền
biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân…
Cái khó, nằm trong đầu những đại biểu sẽ bấm nút. Cái khó, còn là món nợ lưu niên chưa biết bao giờ mới trả.