Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Dân chủ hay chống cộng?

William Truong
Ở vào thời đại thông tin hiện nay, khoảng cách không gian được thu ngắn và thời gian cũng vậy. Mọi giá trị nhân bản của đời sống càng dễ dàng truyền đạt, mọi tác động của đời sống cách xa nhau cả nửa vòng trái đất có thể diễn ra trong tích tắc và dường như mọi chuyện trên thế gian này đang xảy ra rất gần quanh ta. Cuộc xuống đường của người dân Tunisiana chỉ trong thời gian rất ngắn đã lan rộng khắp cả Trung Đông và Bắc Phi và dư âm của nó vẫn còn vang vọng trên khắp địa cầu để báo hiệu mùa Xuân cho những đất nước, những dân tộc còn sống trong tăm tối bỡi những chế độ độc tài. Cảm hứng Mùa Xuân đó hãy còn đây với những cuộc xuống đường rầm rộ ở Moscow và khắp nước Nga (Russia), sức sống của giá trị phổ quát đó chẳng những tác động trên mặt nổi của đời sống địa cầu mà nó còn tác động thầm lặng, yên tĩnh thẩm thấu vào mọi ngóc nhách của đời sống như chúng ta đang thấy xảy ra tại Miến Điện, và chắc chắn nó sẽ còn vươn xa hơn nữa; bởi lẽ, nhân quyền, tự do, dân chủ là giá trị phổ quát, là khát vọng chính đáng chung của nhân loại chứ chẳng của riêng ai.

Thế nhưng sau khi lật đổ những chế độ độc tài chúng ta lại thấy xuất hiện những nhà độc tài mới, hay những hỗn loạn xã hội, những cuộc chiến tranh làm cho con người đã lầm than càng lầm than hơn. Nguyên nhân vì người ta đấu tranh với chế độ độc tài nhưng lại thiếu sự trang bị về kiến thức cũng như nếp sống theo văn hóa dân chủ, thiếu đi lối hành xử dựa trên luật pháp và tôn trọng nhân vị giữa con người với nhau. Nói ngắn gọn là người ta đã xây dựng chế độ dân chủ nhưng thiếu hẳn những con người dân chủ trong xã hội đó, như câu ngạn ngữ phương Tây: ”Một chiếc bánh nhân mận nhưng không có mận“.
Lấy trường hợp nước Nga làm điển hình, chắc chắn mỗi người sẽ tự đặt ra câu hỏi: Tai sao nước Nga đã lật đổ chế độ cộng sản hơn 20 năm trước mà hiện nay vẫn chưa có dân chủ, và dân chúng còn tiếp tục xuống đường để đòi hỏi tự do, dân chủ? Và tại sao bây giờ họ vẫn tồn tại đảng Cộng Sản nhưng dân chúng không chống đối mà lại chống đối đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin? Vì như đã nói, khát vọng tự do là khát vọng muôn thuở của con người, bởi vậy khi nào quyền thiêng liêng đó bị nhà cầm quyền tước đoạt thì mặc nhiên người dân sẽ tìm cách đòi lại bằng hình thức này hay hình thức khác, cho dù nhà cầm quyền đó có mang tên Cộng Sản, Cộng Hòa hay Cộng gì khác.
Thực chất bao giờ cũng quan trọng hơn một tên gọi. Thế nhưng có một sự hiểu lầm tai hại là người ta nhập nhằng giữa hai khái niệm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và chống cộng. Sự hiểu lầm tai hại này luôn có từ hai phía, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ. Chính sự hiểu sai về khái niệm đó đã dẫn đến những sự đối đầu giữa nhà cầm quyền và lực lượng dân chủ, thậm chí cả những người đấu tranh dân chủ với nhau. Khôi hài hơn là trong khi cả hai đều giương cao ngọn cờ dân chủ để chiêu mộ lòng dân.
Bỡi vậy cần phân định rõ đâu là việc làm của người đấu tranh cho dân chủ đích thực và đâu là việc làm của người chống cộng. Người chống cộng là người chống tất cả những gì có mang dáng dấp cộng sản, họ cực đoan. Cũng vì họ cực đoan nên mù quáng, họ muốn triệt tiêu cộng sản bằng mọi giá, thậm chí hy sinh cả quyền lợi quốc gia, dân tộc. Sự cực đoan này rất nguy hiểm, rất dễ bị thế lực thứ ba lợi dụng. Người đấu tranh cho dân chủ họ cũng chống lại nhiều chính sách, nhiều điều luật của chính quyền Việt Nam vì nó không phù hợp với giá trị dân chủ, với quyền con người, và họ cũng sẵn sàng ủng hộ những điều nào lợi ích cho quốc gia dân tộc, họ không bị dị ứng với tên gọi Cộng Sản hay luyến tiếc quá khứ đã qua (trước năm 1975), trong số họ thậm chí có những đảng viên cộng sản, hoặc là gia đình có truyền thống cách mạng. Trong số người đấu tranh cho dân chủ cũng không hiếm người VNCH, nhưng chắc chắn những người này không phải đấu tranh vì luyến tiếc dĩ vãng. Tóm lại, người đấu tranh cho dân chủ là người chống lại sự độc tài, dù chế độ độc tài đó mang tên gì không quan trọng.
Hãy thử nghĩ nếu như xã hội được lãnh đạo bởi một thể chế mới với một tên gọi khác nhưng bản chất vẫn cha truyền con nối "Con vua thì được làm vua...", vẫn với nền văn hóa làng xã, sĩ diện gia tộc, vẫn mang đầy tham vọng trong lòng luôn muốn áp chế và nô lệ hóa người khác thì có gì hơn CS? Một xã hội tự do được lãnh đạo bởi những con người sẵn sàng coi rẻ quyền tự do người khác thì còn gì mỉa mai hơn? Một xã hội tự do mà trong đó những nhân tố này được phép lợi dụng lòng yêu chuộng tự do của người khác để xây dựng quyền hành thì có gì là tốt đẹp? Bởi vậy, điều tiên quyết nhất của một xã hội tự do tương lai cho Việt Nam phải được xây dựng bằng chính những con người thực sự yêu chuộng tự do chứ không phải cơ cấu tổ chức hay đảng phái. Mỗi con người phải được thẩm tra xem anh ta có thật sự yêu tự do không hay anh ta yêu quyền lực và quyền lợi mà thể chế tự do nếu hình thành sẽ mang lại cho anh ta? Chính sự hy sinh cho công cuộc đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ mà không cần sự đáp trả là thuớc đo cho lòng yêu chuộng tự do vậy.
Không phải người bi quan nhưng cứ nhìn xem nền văn hóa khôn vặt, khôn lỏi của người Việt Nam mình - dĩ nhiên trừ một số ít - thì một thể chế tự do thật sự còn quá xa vời cho dù ngày mai CS có sụp đổ.
Điều bất lợi cho đảng CS VN hiện nay là không tạo dựng được xã hội dân chủ, nên đảng cộng sản mặc nhiên trở thành điểm tấn công của cả người dân chủ lẫn người chống cộng. Lẽ ra, đảng cộng sản nên chủ động tạo dựng xã hội dân chủ để lấy được lòng dân, mà đã lấy được lòng dân thì cho dù có nhiều đảng họ vẫn có cơ hội nhiều hơn để lãnh đạo đất nước. Nhưng vì sợ hãi, thiếu hiểu biết rạch ròi giữa khái niệm dân chủ và chống cộng nên đảng cộng sản đã tự mình đối đầu với bao nhiêu người dân, bao nhiêu thành phần xã hội. Nếu như chủ động tạo dựng được xã hội dân chủ, đa đảng đa nguyên thì cái tên Cộng Sản có gì là xấu? Nó chỉ xấu xa khi hai từ Cộng Sản đồng nghĩa với độc tài. Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn còn đảng cộng sản như Pháp, Ấn Độ, Nga… nhưng có người dân nào trong các nước đó chống lại đảng cộng sản quyết liệt như ở VN, Cuba, TQ và Bắc Hàn?
Sự phân định rõ giữa người đấu tranh dân chủ và người chống cộng để phân biệt đâu là bạn đâu là thù, đâu là người dân yêu nước chân chính đâu là phản động chính là khởi điểm cho một tiến trình dân chủ hóa đất nước, một sự giải phóng đích thực cho nỗi “ám ảnh dân chủ” của lãnh đạo đảng cộng sản vậy. Giải phóng được nỗi ám ảnh đó sẽ cho phép chính quyền CSVN có đủ bản lãnh để hóa giải mâu thuẫn xã hội to tát với nhân dân, và cùng với nhân dân xây dựng một xã hội dân chủ đích thực. Đó cũng chính là cơ hội sống còn duy nhất cho đảng cộng sản!
Nếu không dân chủ hóa được đất nước thì tính chính danh của đảng cộng sản cũng không còn và bị đào thải là quy luật tất yếu!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"