Từ Khanh
Tôi đến vàm Nhựt Tảo thuộc tỉnh Long An vào một ngày tháng
chạp. Từ Sài Gòn, tôi chạy xe máy xuống Tân An (thủ phủ của Long An) mất
gần hai tiếng dù đoạn đường chỉ hơn 50 cây số. Tân An là điểm đầu tiên
cho mọi tuyến xe từ Sài Gòn xuống miền Tây, tôi đã qua đây không biết
bao nhiêu lần nhưng đây là lần đầu lon ton chạy honda vào thị xã. Đường
phố sạch và khá rộng, cứ thấy đường là chạy chứ chẳng biết phương hướng
gì, thời may chạy tới một ngã tư thì thấy một quán cà phê vườn rất lớn,
trước quán có một cây sung sai trái và một bụi tre la ngà màu vàng. Thật
mát mẻ và lý tưởng để nghỉ chân vì lúc đó đã gần giữa trưa.
Trong cuốn du ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê mô tả
Tân An là một châu thành sầm uất, một trong các điểm giáp ranh của Đồng
Tháp Mười, gồm các địa danh Mộc Hóa (cũng thuộc Long An), Hồng Ngự và
Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang). Tôi học thuộc lòng tấm
bản đồ vẽ tay trong cuốn sách của ông, so sánh bản đồ hiện nay thì không
khác mấy, và dự tính sẽ chạy xe theo lộ trình mà Nguyễn Hiến Lê đã đi
từ 70 năm trước.
Theo chỉ dẫn tìm trên mạng, ở Long An có một khu bảo tồn vùng trũng
Đồng Tháp Mười là Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Phát triển Dược liệu
Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, cách Tân An
khoảng 60 cây số. Trung Tâm này có trên 800 ha rừng nguyên sinh. Theo
quốc lộ 62 từ Tân An lên Mộc Hóa, ngang cầu Quảng Dài thì xuống ghe đi
chừng 45 phút nữa sẽ tới Trung Tâm. Cách mô tả rất hấp dẫn, hứa hẹn một
chút gì sót lại từ vùng đất hoang sơ vào thời Nguyễn Hiến Lê du khảo
Đồng Tháp Mười.
Ra khỏi Tân An trên 10 cây số, hai bên đường đã khá thưa vắng, các
hàng cây bạch đàn thẳng tắp xì xạc trong tiết trời mát dịu của những
ngày áp xuân. Thỉnh thoảng những vùng nước trũng hiện ra phấp phới,
những đám hoa rau muống tươi trắng, hoa lục bình (bèo) tím lơ, hoa lau
trắng lắt lơ, hoa phượng vàng mơ và không khí thoang thoảng hương thơm.
Đến cầu Quảng Dài như chỉ dẫn hỏi nhà dân nhưng không ai biết đường vào
Trung Tâm, chạy thêm một khúc nữa thì qua cầu Quảng Cụt, thêm 10 cây số
nữa đến Mộc Hóa, đánh một vào huyện lỵ buồn tênh giữa trưa vắng, hỏi các
ông xe ôm thì họ chỉ ngược lại đoạn đường mới đi qua. Tôi chạy trở lui,
ghé vào hai bến đò nhưng không ai biết. Thế là mất hy vọng ngủ đêm giữa
Đồng Tháp Mười, hết hy vọng qua một đêm giữa rừng trên quê hương Nguyễn
Trung Trực, nơi ông từng ngang dọc đánh Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông,
trên vàm Nhựt Tảo, và chắc còn nhiều chỗ khác mà chính sử không ghi.
* * *
Chiều hôm sau, lúc đó đã gần 5 giờ, tôi hỏi đường lên vàm Nhựt Tảo và
“cái tàu ông Nguyễn Trung Trực đốt của tụi Tây”. Bác xe ôm ở một góc
đường thị xã Tân An có vẻ rành, bác chỉ qua cầu Tân An (bắc ngang sông
Vàm Cỏ Tây), qua cầu Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông), đến ngã tư Tân Trụ rẻ
phải rồi “cứ vừa đi vừa hỏi”.
Theo hướng bác chỉ đến ngã tư Tân Trụ rẻ phải, chạy thêm chừng năm
cây số thì gặp một ngả ba đường đất đỏ. Không biết đường mà gặp ngả ba
thường rất là phiền. Thôi cứ liều chạy thẳng. Đường xấu và bụi, nhưng
rồi nhà dân dần thưa thớt, hai bên đồng ruộng không bát ngát lắm nhưng
đủ để phóng tầm mắt một cách thoải mái, màu xanh của lúa rủ hết bụi bặm
đô thành.
Người miền quê có một khái niệm về đường dài rất… nhà quê. Theo kinh
nghiệm hỏi đường thì khi họ nói “chút nữa là tới” thì có nghĩa phải đi
cả năm hay bảy cây số nữa cũng chưa biết chừng. Tôi vừa chạy vừa hỏi,
không ai biết con tàu bị đắm nhưng Nhựt Tảo thì họ biết. Có một chị dắt
con đi nói “đằng kia kìa kia kìa chốc nữa là có bến đò đó”.
Con đường đất đỏ có đoạn ôm tròn một vòng cung ruộng lúa xanh rì rất đỗi thanh bình trong ánh chiều tà. Lại đến một ngả ba. Ở đây người ta cắm một cái bảng lớn vẽ các khu vực qui hoạch, nhìn kỹ không thấy có sân golf trên đó (thật may, tưởng tượng đồng ruộng lần lượt nhường chỗ cho sân gôn thì nông dân biết về đâu).
Con đường đất đỏ có đoạn ôm tròn một vòng cung ruộng lúa xanh rì rất đỗi thanh bình trong ánh chiều tà. Lại đến một ngả ba. Ở đây người ta cắm một cái bảng lớn vẽ các khu vực qui hoạch, nhìn kỹ không thấy có sân golf trên đó (thật may, tưởng tượng đồng ruộng lần lượt nhường chỗ cho sân gôn thì nông dân biết về đâu).
Lại chạy tiếp, đường càng lúc càng xấu và bắt đầu thấy nản. Nhưng
khi chạy ngang một cái cầu trên trên con sông nhỏ thì chợt nhìn bên
trái, tôi thấy một ngôi đền đang xây dựng dở dang khuất sau những đám
sậy, linh tính báo tôi quay lại, dựng xe, hỏi một chị đang chờ phà.
- Chị ơi vàm Nhựt Tảo ở đâu vậy?
- Đây này! Cô gái chỉ ngay dòng sông trước mặt.
- Vậy cái phà này đi đâu?
- Đi qua Cần Đước.
- Đây này! Cô gái chỉ ngay dòng sông trước mặt.
- Vậy cái phà này đi đâu?
- Đi qua Cần Đước.
Mon men hỏi một người đàn ông trung niên đang ngồi tựa ở dốc cầu
treo, ông nói khá rành rọt. Ông nội của ông năm nay 100 tuổi có kể rằng
thời còn trẻ có thấy một ống khói tàu nằm ở ngả ba sông kia kìa (người
đàn ông đưa tay chỉ ra ngả ba sông), nhưng bây giờ thì không có gì, có
thời người ta lặn xuống đáy sông mò được một vài món đồ cổ gì đó.
Vậy ra là tôi đang đứng ngay ngả ba sông, nơi Nguyễn Trung
Trực đánh đắm chiến thuyền Espérance của Pháp năm 1861. Trong Tập san
Sử Địa số 12 (1968) xuất bản ở Sài Gòn để kỷ niệm 100 năm ngày mất
Nguyễn Trung Trực, có ghi lại trận đánh này theo tài liệu của Pháp, như
sau:
“Ấy là ngày 10 tháng 12 năm 1861 (thứ Ba mồng 9 tháng 11 Tân Dậu).
“Hồi ấy lúc 12 giờ trưa, sĩ quan chỉ huy chiếc lorcha l’Espérance đi
lên bờ theo đuổi một lũ đầu trộm đuôi cướp cách tàu lối hai dặm. Bốn hay
năm chiếc ghe có mui thả theo bìa tàu; thủy thủ đoàn đang nghỉ từng
trên của tàu không hề nghi kỵ chi hết; viên hạ sĩ quan đóng vai tuồng
trưởng-phó nghiêng mình ra khỏi cửa sổ tàu tưởng là người buôn bán muốn
ghé xin nhận giấy phép lưu thông, viên hạ sĩ quan vô phước kia bị một
mũi giáo vô ngực và một đám đông người từ các mui ghe của tên công kích
tàu và la thật lớn.
Trong vài sao đồng hồ, hơn một trăm năm mươi người An nam tay cầm
giáo, cầm gươm và cầm đuốc, tràn ngập cả từng trên tàu và một cuộc
xáp-lá-cà không tương xứng xảy ra. Trong vài phút đồng hồ sau, lửa táp
vào nóc lá của tàu và cháy mau lẹ. Bị nóng quá, đôi bên nhảy đùng xuống
sông hay tuột xuống ghe.
Năm thủy thủ trong số đó có hai Pháp và ba Tagals (người bổn xứ ở
Ma-Ni) phóng xuống một ghe nhỏ, không súng ống chi cả và ràng sức chèo. Ở
xa, năm thủy thủ này thấy chiếc l’Espérance nổ tung, các mảnh tàu văng
xa đến hai bờ sông, mười bảy người Pháp hay Ma-Ni đều chết đắm trong
cuộc tai biến này.”
Cũng theo tài liệu của Pháp sau đó “[N]hững thường dân ở làng Nhựt
Tảo hùa theo những kẻ đốt tàu đều bị đốt nhà hết vì tàu đậu ngay làng
ấy.”
Tôi đi loanh quanh trên con đường đất nhỏ, nơi mà gần một
thế kỷ rưỡi trước nhà cửa bị Tây đốt sạch. Đi sâu vào trong khuôn viên
ngôi đền Nguyễn Trung Trực đang xây dựng chỉ thấy cỏ lau um tùm, không
biết có phải vì đã chiều nên công nhân về hết hay công trình đang bị bỏ
dở, chỉ thấy trong khuôn viên ngay ngả ba sông một màu hoang vắng, dăm
ba đứa con nít đang chơi đá banh trên bãi đất trống, lau sậy um sùm từng
bụi che khuất đó đây, ngôi đền lớn đang xây nằm chính giữa khu đất (xem
hình 1) có một vẻ uy nghi nhưng cô độc. Tôi băng qua sân rộng đến sát
mép sông, thấy một cái miếu nhỏ bé, cửa miếu hướng ra bờ sông. Vòng ra
mặt trước miếu nhìn vào mới biết đó là miếu ngũ hành, cả gian miếu âm u
chập chờn. Tôi bước vào miếu, tự dưng xương sống lạnh buốt như đang bước
vào một nơi nhiều âm khí dù trời chưa tối hẵn. Không gian trong ngôi
miếu nhỏ tịch mịch quá, tưởng như nghe được tiếng sông chảy bên ngoài.
Bên góc phải bàn thờ ngũ hành có một hộc bàn thấp lè tè, trên để tấm
hình Nguyễn Trung Trực chít khăn đen, bên dưới ghi:
ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC (1838-1868)
Nguyễn Đình Chiểu viết “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo.” Thật
là nao lòng quá. Một dũng tướng ngang dọc từ Tân An đến Rạch Giá, lập
những chiến công “oanh thiên địa” và “khấp quỷ thần” trong lứa tuổi 20,
ngay nơi chiến tích của ông cách đây 146 năm, nay chỉ có một ngôi đền
xây dang dở, và một bức hình nhỏ trên một bệ thờ thấp, nằm ké trong cái
miếu ngũ hành tàn tạ âm u vôi lở sơn tróc hương tàn bàn lạnh.
Đôi mắt ông thao thiết nhìn ra sông, rất lặng lẽ. Trong Tập san Sử
Địa số đã dẫn, nhà biên khảo Trương Bá Phát có thuật lại chuyện ông gặp
nhà văn Sơn Nam ở thư viện S.E.I trong Sở Thú khi đi tìm tài liệu về
Nguyễn Trung Trực. Ông Sơn Nam kể: “Trên Sài Gòn đây, chúng ta thấy toàn
là ghe có cặp mắt tròn dài, tròng trắng ở ngoài, tròng đen ở giữa, còn
ghe Rạch Giá có cặp mắt tròn vo, vành ngoài sơn xanh, màu đen ở trong.
Người ta nói hồi 1868, sau khi rút lui khỏi Rạch Giá, Trực ra đảo Phú
Quốc. Muốn đi biển Trực ngồi trước mũi ghe, gặp sóng lớn Trực trợn cặp
mắt là sóng bớt ngay. Dân đi ghe bắt chước theo cặp mắt Trực, sơn hai
bên mũi ghe, hai con mắt in như cặp nhãn của Trực vậy.”
Miếu Ngũ Hành ở Tân An, nơi có để hình thờ (ké) của cụ Nguyễn Trung Trực. (Ảnh Từ Khanh)
Tôi ra đứng trước cửa miếu nhìn ngả ba sông Nhựt Tảo qua những cây
hoang um sùm. Dòng sông trong vắt và êm đềm, thỉnh thoảng một chiếc phà
nhỏ chở khách ngang qua. Trời đã chập choạng và một tiếng chim chợt kêu.
Ở quán nước sát mé sông, tôi hỏi bà chủ quán:
- Chị ạ, chắc tấm hình ông Nguyễn Trung Trực người ta thờ tạm hả chị, chờ khi cái đền lớn xây xong?
- Đâu có, cái miếu nhỏ đó hổng phải thờ ông Nguyễn Trung Trực. Mấy
bữa trước có một bà dưới Rạch Giá đem hình ổng lên để thờ ké trong miếu
đó!
Người ở rạch Giá đem ảnh lên thì đúng rồi. Ở Rạch Giá, đền ông
Nguyễn rất trang nghiêm (người dân kiêng tên, chỉ gọi là ‘ông Nguyễn’).
Từ đền ông Nguyễn trên đường Nguyễn Công Trứ thuộc thành phố Rạch Giá
nhìn ra có mặt sông, phía phải là cửa biển có rất nhiều tàu đánh cá neo
đậu. Trước sân đền có tượng ông đang tuốt kiếm. (Trước đây pho tượng này
màu đen, bằng đồng, trước đây dựng trước chợ Rạch Giá, không hiểu sao
bây giờ người ta ‘trùng tu’ thành màu đỏ nâu.)
Tôi chưa từng thấy một ngôi đền nào thờ phụng trang nghiêm như ngồi
đền này. Điện chính gồm năm gian, mỗi gian có hình và hương án, các hàng
giá dựng cờ và gươm giáo, hai bên đều có lộng đỏ, hạc chầu, và câu đối
thếp vàng bằng chữ Hán, riêng gian trong cùng có ảnh thờ lớn nhất, hai
bên có hai cây đèn cầy cao 3.25 mét, nặng 360 ký. Hương đèn thắp sáng dù
không phải ngày lễ, không khí toát lên một vẻ trang nghiêm kính cẩn.
Thờ ké trong miếu! Phải, cái bàn thờ ông thấp và bé hơn bàn thờ năm
tượng ngũ hành nhiều lần, bên di ảnh ông có một chai nhựa khô nước (hay
rượu), trước có một con ngựa nhỏ màu trắng. Có lẽ cái bệ thờ này để thờ
bạch mã – như trong nhiều miếu ở miền quê thường có thờ “Bạch Mã Thái
Giám” tức con ngựa trắng để đỡ chân cho thành hoàng của làng xã – rồi
người đàn bà Rạch Giá tội nghiệp kia đem hình ông lên không biết đặt đâu
nên để ‘ké’ vào bệ thờ con ngựa trắng, trước hình ông là một bình hoa
giả, hai chén nước nhỏ, một bát nhang lạnh.
Vậy thôi!
Đúng một trăm bốn mươi năm trước Nguyễn Trung Trực đánh trận cuối,
đuổi sạch Tây ra khỏi Rạch Giá. Và cũng 140 năm trước ông bị Tây xử chém
ở chợ Rạch Giá. Lúc đó ông 30 tuổi.
Chiều đã vàng rịm, trên ngã ba sông có một cánh bèo trôi lẳng lạnh.
Ba tuần sau tôi lại đi Nhật Tảo. Lần trước là tháng Chạp trước tết, lần này là mồng 5 tết Kỷ Sửu. Sáng sớm rủ một người bạn ở nước ngoài về “xuống Long An uống cà phê rồi trưa về”, thì nhận được tin nhắn một chữ ngắn ngủi: “mèn”. Coi như là một lời từ chối ớn lạnh, thôi thì xách xe lên đường solo.
Ba tuần sau tôi lại đi Nhật Tảo. Lần trước là tháng Chạp trước tết, lần này là mồng 5 tết Kỷ Sửu. Sáng sớm rủ một người bạn ở nước ngoài về “xuống Long An uống cà phê rồi trưa về”, thì nhận được tin nhắn một chữ ngắn ngủi: “mèn”. Coi như là một lời từ chối ớn lạnh, thôi thì xách xe lên đường solo.
Tới ngã tư Tân Trụ cách Sài Gòn non 50 cây số, thay vì rẻ trái vô
Nhật Tảo tôi rẻ phải theo bảng chỉ đường đi hướng Thủ Thừa. Trong cuốn
Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, ông Nguyễn Hiến Lê vẽ bản đồ giải thích
thủy triều lên xuống ở miền Tây khác ngoài Bắc như thế nào, rồi phán:
“Thủy triều ở biển tiến vào sông Vàm Cỏ Lớn rồi chia làm hai luồng vào
hai sông Vàm Cỏ Đông và Tây, sau cùng một mặt đổ vào Kinh Mới, một mặt
đổ vào Thủ Thừa: Thủ Thừa thành một chỗ giáp nước.”
Theo ông chỗ giáp nước là nơi ghe thuyền neo đậu chờ đổi con nước nên
thường có chợ. Cái khám phá này thực thú vị nên khi chạy về hướng Thủ
Thừa, tôi cứ tẩn mẩn nghĩ không biết con đường trơn láng này ngày xưa
Nguyễn Hiến Lê đã đi qua chưa. Ai dè con đường láng này chỉ có cái bề
ngoài, mới chạy một khúc thì hết đường nhựa mà toàn đường đất bụi mù
mịt. Nhìn con đường lồi lõm thấy rất nản, hai bên lúa vừa lên nhưng
đường đi càng lúc càng nhỏ và xấu.
Nông dân kéo ống nước từ ruộng này băng qua đường đến ruộng kìa đổ
tèm lem cả mặt khúc đường, xe chạy ngang nước văng lên ướt tới mông.
Chạy riết cũng không thấy gì cả trừ đất bụi mù mịt. Không dám mạo hiểm
vì xăng sắp hết, tôi quay ngược chạy về hướng Nhật Tảo sau khi đã vào
một quán cốc bên đường làm một ly cà phê đá ngon tuyệt trần ai. (Điềm)
may hơn nữa là đang ngồi thì một trái sung rơi vô túi áo, đầu năm xuất
hành mà được sung rụng kiểu này chắc năm này khấm khá rồi.
Con đường đất nhỏ cũng như ba tuần trước, chỉ khác bây giờ đã gần
trưa. Tôi chạy một vèo tới Vàm Nhật Tảo, vô thẳng ngôi đền ông Nguyễn
Trung Trực đang xây cất dở dang, chụp một vài tấm hình (lần trước không
đem theo máy), xong chạy ra cầu treo chờ phà qua Cần Đước.
Đứng trên phà nhìn ngược lên mỏn đất cất đền rất đã vì có thể hình
dung nghĩa quân núp trên bờ tràn ngập lau sậy, giữa sông chiếc Espérance
neo đậu. Rồi một chiếc ghe đám cưới rề tới trình việc đi rước dâu cho
quan Tây. Chú rể khúm núm dâng lễ vật cho quan Tây rồi bất thần, chú rể
chính – Nguyễn Trung Trực – rút búa xán lên đầu viên xếp, mọi người hô
to “Xáp chiến”!
Đó là buổi trưa 148 năm trước. Nhưng đúng lúc chiếc phà ra giữa sông
thì từ hướng Tây, một con tàu sắt nước ngoài rất lớn tiến lại. Chiếc phà
đi chậm mà tàu sắt tuy thấy chạy chậm nhưng phút chốc đã sát bên hông,
nó né chiếc phà nhỏ và ngẫu nhiên cái mũi tàu khồng lồ của nó in hình
song song với ngôi đền ông Nguyễn Trung Trực ở bờ bên kia. Bên hông tàu
có hàng chữ Vitamin Gas, còn trước bong tàu có một hàng chữ Trung Hoa.
Ngày xưa là tàu Espérance (Hy Vọng), bây giờ là Vitamin Gas (trên tàu
chở một thùng phuy khí hóa lỏng (LPG) rất to). Nói có bến phà làm chứng
lỡ dại mà con tàu này… tự nhiên bốc cháy thì cũng đã lắm chứ chẳng phải
chơi!