Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân
gửi cho BBCVietnamese.com
gửi cho BBCVietnamese.com
Gần đây Thư viện Đại Học Oxford Anh quốc (Bodleian Library)
công bố bản kỹ thuật số một địa đồ cổ Trung Hoa với tiêu đề “The Selden
Map of China”, phỏng định được thực hiện trong thời Minh (1368-1644),
nội dung mang tính chất địa đồ hàng hải, phạm vi thể hiện gồm Trung Hoa,
Nhật Bản, Triều Tiên và khu vực Đông Nam Á.
Địa đồ kích
thước 100 x 150 cm, vẽ màu trên giấy. Về nguồn gốc, địa đồ nguyên thuộc
sở hữu của luật sư người Anh John Selden (1584-1654), thể theo di nguyện
của ông, gia đình đã tặng nó cho Thư viện Đại học Oxford vào năm 1659,
từ đó được cất giữ đến nay.
Bề mặt địa đồ này không ghi tiêu đề, nhưng theo bản “Báo cáo tổng kết về cuộc điều tra tại một số thư viện Anh Quốc”
của Trương Chí Thanh và Triệu Đại Oánh - cán bộ Phòng Cổ tịch Thư viện
Quốc gia Trung Quốc - hồi tháng 5 năm 2008 thì địa đồ này được gọi là “Thiên hạ hải đạo toàn đồ/World Searoad Complete Map”.
Theo Tiến sĩ Tiền Giang (Đại học Hong Kong) trong bài giới thiệu sơ bộ về địa đồ này trên tập san “Hải giao sử nghiên cứu” tháng 9/2011 thì nó được gọi là “Đông - Tây dương hàng hải đồ”, và phỏng định được làm ra vào năm Thiên Khải thứ 4 (1624).
Căn cứ theo tính chất và mục đich của địa đồ, sau đây gọi tắt là Hải đồ (xem Hải đồ và các thông tin liên quan tại đây).
Các địa danh ngoài Trung Hoa được ghi trên Hải đồ này khá nhiều,
khoảng 105 nơi, đặc biệt vị trí Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường
cùng các điểm xung quanh như sau.
Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường
Theo đồ hình la bàn vẽ ở giữa trên trong nền Hải đồ, thấy quy ước
định vị trên bắc dưới nam, địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch
Đường được biểu thị là hai nơi gần nhau, cả hai nằm ở vị trí gần như
trung tâm của toàn đồ.
Địa danh Vạn Lý Thạch Đường được ghi trong đường khuyên tròn, bên
trên đường khuyên biểu thị một hòn đảo hình thang tô màu đỏ hồng, cạnh
bên phải đường khuyên (hướng đông) ghi ba chữ “Dữ hồng sắc” (hòn đảo màu
đỏ), ba chữ này như một lời chú bổ cho địa danh Vạn Lý Thạch Đường;
phía trên Vạn Lý Thạch Đường về hướng đông đông nam là Vạn Lý Trường Sa,
địa danh này được ghi kèm bốn chữ “Tự thuyền phàm dạng” (giống như hình cánh buồm), “Vạn Lý Trường Sa, tự thuyền phàm dạng”
được viết thành hai hàng dọc liền nhau và đặt bên trong khung viền
giống như mảnh vải bay lượn; phía trái (hướng tây) Vạn Lý Thạch Đường là
hòn đảo ghi địa danh Ngoại La (tức đảo Lý Sơn), phía tây vượt qua Ngoại
La là lục địa, hơi chếch về bắc là địa danh Quảng Nam và hơi chếch về
nam là địa danh Tân Châu (tức Quy Nhơn).
Từ Vạn Lý Thạch Đường thẳng lên hướng bắc là cụm địa danh “Thất Châu, Độc Trư, Quảng Châu”
được ghi chung trong một đường viền hình elip nằm nghiêng (theo chiều
đông nam – tây nam), tiếp lên hướng bắc cách một khoảng biển hẹp là các
địa danh “Đam Châu”, “Quỳnh Châu”, “Lôi Châu”, có điểm lạ là phần đất Đam Châu và Quỳnh Châu (đều trên đảo Hải Nam) được vẽ liền với lục địa.
Cách một khoảng khá xa Vạn Lý Thạch Đường, về hướng đông nam là địa
danh Côn Lôn, chữ Côn Lôn được đặt trên nét vẽ biểu thị ngọn núi và cạnh
bên hải đạo từ Vương Thành Lữ Tống (Luzon) đến Văn Lai (Brunei); cách
một khoảng khá xa Vạn Lý Thạch Đường, về hướng đông bắc là địa danh Nam
Áo Khí được ghi trong đường khuyên tròn.
Hải đồ này có nhiều điểm khá đặc biệt.
Về kỹ thuật hàng hải, Hải đồ này có ưu điểm là đã biểu thị các đường
kẻ cho hải đạo, gồm 6 tuyến đông dương và 12 tuyến tây dương, trên hải
đạo cũng định phương hướng cần thiết theo hệ quy ước la kinh truyền
thống. Đối chiếu nhiều địa đồ mang tính chất hàng hải do người Trung Hoa
soạn vẽ, cho đến cuối Thanh, tuy có định hướng la kinh nhưng hình như
chưa từng thực hiện chi tiết kỹ thuật “kẻ nét hải đạo” này.
Về hoạ pháp, đường nét và cách tô màu trên Hải đồ không mang phong
cách/quy tắc vẽ địa đồ và phương pháp hội hoạ truyền thống Trung Hoa.
Các điểm dễ nhận thấy là, trong cách biểu thị mặt biển, Hải đồ không
diễn tả đường nét “hải ba” (sóng biển) vốn là đặc trưng truyền thống; vật thể tự nhiên như cây, đá cùng vật thể kiến trúc đều vẽ không hợp cách.
Về việc sử dụng địa danh, tổ hợp địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý
Thạch Đường có tính cá biệt so với nhiều địa đồ, hải đồ cùng thời.
Không biểu thị chủ quyền
Cùng thời Minh, trên bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ/Map of Integrated Lands and Regions of Historical Countries and Capitals”
(Triều Tiên, 1402) có hai nơi được tiêu danh Thạch Đường và một nơi
tiêu danh Trường Sa, theo thứ tự Thạch Đường- Trường Sa- Thạch Đường.
Trên “Trịnh Hòa hàng hải đồ”, trong quyển 240 sách Võ Bị
Chí (1619), có ba nơi được ghi (theo tứ tự trước sau từ phải sang trái)
là Thạch Tinh Thạch Đường- Vạn Sinh Thạch Đường Dữ - Thạch Đường.
Trên “Đông nam hải di đồ”, trong quyển 223 sách Võ Bị Chí (1619), có hai nơi ghi là Thạch Đường – Trường Sa.
Trên “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” trong quyển Thủ
sách Đông tây dương khảo (1618) có hai nơi được ghi là Thạch Đường –
Trường Sa. Cho đến gần 100 năm sau, vào thời Thanh mới thấy tổ hợp địa
danh Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa ghi trên địa đồ, đầu tiên
trong bức “Đại Thanh Trung – Ngoại thiên hạ toàn đồ/Địa đồ Đại Thanh về Trung Hoa và các nước xung quanh” vẽ năm Khang Hi Bính Thân (1716).
Cơ sở của Việt Nam tại Trường Sa
Đối với lời chú “giống như hình cánh buồm” đi kèm địa danh
Vạn Lý Trường Sa cũng cho một bất ngờ, hầu hết các địa đồ cổ Trung Hoa,
trước và sau niên điểm Hải đồ đều không đính kèm lời chú giống như hoặc
tương tự như vậy cạnh nơi được tiêu danh Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường
Sa. Điều này, dẫn đến sự liên hệ với nhiều địa đồ phương Tây, với cách
biểu thị Paracels khá điển hình, với một vùng bằng tập hợp những nét
chấm với khuôn viền giống hình cánh buồm, sớm nhất có thể thấy qua hai
bản đồ của Bartholomen Velho (1560) và của F.M. Pinto (1560).
Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa trên Hải đồ được đặt ở vị trí
rất gần Quảng Nam và Quy Nhơn, ở hướng đông của hai địa phương này, điều
này khác hẳn các địa đồ trước và sau nó, thông thường các địa đồ khác
đặt Thạch Đường – Trường Sa hoặc Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa ở
vào khoảng giữa đảo Lưu Cầu (Ryukyu) với biển phía đông Trung Hoa hơn
là đặt nó gần vùng bờ biển phía đông Việt Nam.
Một điểm sai trên Hải đồ rất đáng lưu ý là Đam Châu và Quỳnh Châu
(đều trên đảo Hải Nam) được vẽ liền với phần lục địa, sai lầm này khó
xảy ra đối với tác giả người Trung Hoa, bởi vì nhiều địa đồ từ thời Tống
đã thể hiện Quỳnh Châu là hải đảo.
Các đặc điểm nêu trên cho thấy Hải đồ này đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các bản đồ Tây phương.
Tóm lại, các địa danh ghi trên Hải đồ chỉ mang tính chất giao thông,
không có ý biểu thị việc xác định chủ quyền của nơi này đối với nơi
khác.
Trong trường hợp Hải đồ có thêm mục đích biểu thị hoặc gián tiếp nói
đến sự lệ thuộc của các hải đảo vào quốc gia lục địa nào đó, thì Vạn Lý
Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa không thuộc vùng biển Trung Hoa, điều
này không chỉ nhận biết dựa vào vị trí diễn tả trên Hải đồ, mà còn có sự
liên hệ với những bức cùng thời đã nêu.
Chẳng hạn, sách Võ bị chí và Đông Tây dương khảo có nhiều địa đồ về
Trung Hoa và ngoài Trung Hoa, nhưng Thạch Đường- Trường Sa chỉ có trên
các địa đồ diễn tả nơi ngoài Trung Hoa, như “Đông nam hải di đồ”, “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ”.
Ở góc độ này, tức việc định vị các hải đảo và thể hiện vùng biển Đông
Nam Á, Hải đồ có thêm giá trị điều chỉnh các điểm bất ổn của nhiều địa
đồ trước nó.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà nghiên cứu về Biển Đông ở Việt Nam.