Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Bất bình đẳng và đẳng cấp trong cách xưng hô của người Việt

Bà Đầu Đinh
Cách xưng hô của Việt Nam bị ấn định bởi truyền thống trọng tuổi tác, hay gọi theo hán Việt là “trọng sỉ”. Có nghĩa là trong cách xưng hô phải thể hiện cái tôn ti trật tự bất di bất dịch là người trẻ tuổi hơn phải tôn trọng người lớn tuổi. Ở Việt Nam, xưng hô chính là cách thể hiện đẳng cấp xã hội. Đẳng cấp xã hội thông qua xưng hô để duy trì sự tồn tại của nó.
Cách xưng hô là thể hiện đẳng cấp xã hội theo tuổi tác. Cứ nhiều tuổi hơn thì nghiễm nhiên được xưng hô ở thứ bậc cao hơn. Chỉ cần nghe cách xưng hô thì biết được tuổi của những người đang trò chuyện, giao tiếp. Vì vậy, để có thể xưng hô đúng, và không bị chê trách, việc đầu tiên người Việt Nam phải làm là hỏi tuổi để… biết cách xưng hô.

Cách xưng hô là thể hiện đẳng cấp trong quan hệ họ hàng. Toàn bộ cách xưng hô trong tiếng Việt đều lấy từ những tiếng trong quan hệ họ hàng. Những mối quan hệ xã hội, không liên quan gì đến họ hàng cũng bị xưng hô theo những mối quan hệ họ hàng. Khi đã là họ hàng, bất kể là tuổi tác, địa vị, người ở vị trí trên vẫn có quyền hơn ở vị trí dưới. Điều này càng làm tăng thêm trọng lượng của thứ bậc trong cách xưng hô.
Cách xưng hô là thể hiện đẳng cấp xã hội khác. Trong nhiều trường hợp, xưng hô còn thể hiện cả những đẳng cấp xã hội nữa. chẳng hạn, những người ít tuổi hơn, nhưng ở vị trí cao hơn trong xã hội thì không nhất thiết phải xưng hô ở ngôi vị thấp hơn.
Đã có lúc người Việt cảm thấy tự hào, cảm thấy hay ho vì cách xưng hô đa dạng, phong phú của mình. Thực ra cách xưng hô đó, nếu xét theo khía cạnh thơ, văn thì có thể cũng hay ho. Tuy nhiên, nhìn theo góc độ lối sống, giao tiếp thì có nhiều chuyện phải bàn. Đã có nhiều người phàn nàn gặp khó khăn khi gọi điện thoại đến nhà, và không biết phải xưng hô thế nào, vì không biết đầu dây bên kia là ai, con hay bố. Hoặc ở cơ quan, hay đến một chỗ đông người, đám cưới, đám giỗ,… mọi người gặp nhiều khó khăn vì nhiều khi gọi bố bằng anh, gọi con cũng bằng anh…. Những khó khăn như thế thì nhiều lắm. Chính người Việt cũng đã biết những bất lợi đó trong xưng hô. Nhưng cái cách “lễ nghi” và “thứ bậc” đó đã ăn sâu vào rất nhiều người. Đặc biệt những khi cần cư xử tỏ ra lịch sự thì càng phải “tính toán kỹ”.
Không chỉ bất tiện trong lối sống, giao tiếp, cách xưng hô của tiếng Việt còn thể hiện sự bất bình đẳng, không dân chủ. Giữa những cá nhận trong xã hội, lẽ ra, theo hiến pháp, pháp luật là có quyền bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, xưng hô luôn thể hiện thứ bậc về tuổi tác, về mối quan hệ họ hàng, về địa vị. Cách xưng hô đã vô hình chung thể hiện rằng không có một sự bình đẳng mặc định nào cả. Thực tế tuổi tác (ít nhất là tuổi tác) chính là cái đã mặc định để xác định thứ bậc của mỗi người trong giao tiếp, ứng xử xã hội.
Trong những xã hội có bình đẳng, có dân chủ, cách xưng hô đã cho phép những người trong xã hội được bình đẳng với nhau, mà không cần phân biệt tuổi tác, mối quan hệ gia đình, họ hàng, hay địa vị xã hội. Sự dân chủ, bình đẳng trong những xã hội đó thể hiện ngay trong sự tôn trọng địa vị bình đẳng của mỗi cá nhân. Cho dù tuổi tác khác nhau, cho dù mối quan hệ gia đình, họ hàng thế nào, cho dù địa vị xã hội ra sao, họ vẫn dùng cùng một cách xưng hô.
Tôi nghe nói, trong những xã hội khác, có sự phân biệt giới (bất bình đẳng nam – nữ) trong ngôn ngữ. Chẳng hạn trong cách chia động từ, trong giống của danh từ, và trong cách sử dụng những từ ngữ riêng cho từng giới... Ở Việt Nam thì không có sự phân biệt đó (do may mắn chăng) nhưng lại có bất bình đẳng trong tuổi tác, trong các mối quan hệ họ hàng. Nguyên nhân do đâu, điều này có lẽ các nhà nghiên cứu nhân chủng học phải trả lời.
Có lẽ do Việt Nam kém phát triển về khoa học, kỹ thuật, con người sống dựa chủ yếu vào kinh nghiệm. Ai có kinh nghiệm nhiều hơn thì được kính trọng hơn. Và thế là người già được ở vị trí cao hơn. Một lý do nữa, có lẽ là, do Việt Nam là nước nông nghiệp kém phát triển, người nông dân không sống đơn lẻ được. Họ phải sống dựa vào cộng đồng. Cộng đồng ở đây chủ yếu là họ hàng trong làng. Họ cần tôn trọng cái mối quan hệ họ hàng, làng xã đó. Vì thể cách xưng hộ cũng phải đề cao, tôn trọng họ hàng. Và luôn thể hiện rằng chúng ta có mối quan hệ đó.
Trong xã hội đô thị hóa, phi nông nghiệp, con người không còn dựa vào nhau theo những cách thức như truyền thống nữa, thì những cách xưng hô như trước đây sẽ bộc lộ những khiếm khuyết. Và con người trong xã hội bắt đầu cảm thấy có khó khăn khi giao tiếp trong xã hội hiện đại mà vẫn phải tuân thủ những quy tắc xưng hô cũ (chẳng hạn như những ví dụ đã nêu ở trên).
Trong xã hội hiện đại với những yêu cầu về bình đẳng, dân chủ, thì những cách thức xưng hô có sự áp đặt mặc định (theo tuổi tác, theo quan hệ họ hàng…) bộc lộ những cản trở mỗi con người trong việc khẳng định quyền bình đẳng của mình. Nhiều người, theo thói quen, cảm thấy thoải mái với cách xưng hô với người lớn tuổi hơn mình là ông, bà cô, chú, bác, anh, chị…. Trong nhiều mối quan hệ, người nhiều tuổi hơn (nhưng nhiều khi lại không hơn người trẻ về bất cứ khía cạnh gì) lại lấy quyền nhiều tuổi hơn để áp đặt. Và người trẻ tuổi hơn, trong nhiều trường hợp, vì ngại, vì sợ mình mang tiếng vô lễ… mà phải chịu bị thiệt, hoặc bị áp đặt. Giả sử, cũng hoàn cảnh tương tự, nhưng với người ngang hàng, ngang tuổi, hoặc thậm chí ít tuổi hơn, thì vẫn người đó, chắc sẽ không chịu để bị thiệt, bị áp đặt. Trong trường hợp này, nếu trong cách xưng hô bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, thì chuyện người lớn tuổi dùng quyền hơn tuổi để áp đặt là không thể xảy ra. Đây chính là thể hiện của sự thiếu bình đẳng, dân chủ do cách xưng hô đem lại.
Ngày trước, đã có thời, từ đồng chí đã được sử dụng rộng rãi để thay cho tất cả các ngôi thứ 2. Xưng hô “đồng chí – tôi” đã trở thành quen, thành phổ biến. Quả thực nó đã tạo ra một cách giao tiếp ngầm định khá bình đẳng, dân chủ. Tiếc thay, từ đồng chí đến nay đã không còn tạo cảm hứng cho mọi người nữa.
Đã có nhiều ý kiến gợi ra những cách xưng hô với “anh – tôi”, “bạn – tôi”… Tuy nhiên, những gợi ý đó vẫn chưa được nhiều người hưởng ứng. Cũng thật khó để có được sự thay đổi. Đã có ý kiến gợi ý rằng cần có một luật quy định cách xưng hô không phân biệt tuổi tác, chẳng hạn: Ngôi thứ nhất: Tao, Chúng tao, Chúng Ta; Ngôi thứ hai: Mày, Chúng mày. Ai vi phạm sẽ bị truy tố. Tuy nhiên, theo tôi, cách xưng hô là do xã hội đồng thuận mà có được. Dùng áp lực thì sẽ không tồn tại bền được, hoặc nó sẽ mang ý nghĩa khác với ý nghĩa ban đầu. Vả chăng, cách xưng hô nào mà chẳng do chính xã hội tạo ra ý nghĩa cho nó. Xã hội thế nào thì cách xưng hô sẽ thể hiện ý nghĩa thế đó. Cho dù có đặt ra cách xưng hô hay ho thế nào đó, nhưng rồi nếu chính xã hội không thay đổi thì cách xưng hô đó sẽ có ý nghĩa xã hội mới mà thôi (như cách xưng hô đồng chí chẳng hạn). Vì vậy, theo tôi, cách xưng hô thay đổi chỉ có thể có ý nghĩa mới nếu nó đi cùng với sự biến đổi về xã hội. Và có lẽ, đến lúc xã hội đã thay đổi theo chiều hướng dân chủ, bình đẳng có thể một cách xưng hô mới sẽ được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Hoặc cũng với những cách xưng hô cũ, nhưng nó lại mang những ý nghĩa mới. Biết đâu đấy…
HN 29/10/2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"